In bài này
Thói quen nghề nghiệp giúp Putin bảo mật kế hoạch Crimea
Thứ Bẩy, 07/06/2014 - 8:48 PM
Putin qua mặt NSA nhờ thói quen thời Liên Xô. Trong khi Thủ tướng D. Medvedev thích xài iPad, iPhone, Internet, mạng xã hội, cựu sĩ quan KGB V. Putin lại ghét tất.
Putin không ưa đồ công nghệ
Các cơ quan tình báo Mỹ đã gặp phải “sự yên lặng đáng lo ngại” trong thời gian các sự kiện xung quanh Crimea leo thang khi cố tìm cách nghe lén Tổng thống Nga Vladimir Putin.
 
Nguyên nhân của điều đó là “tính không ưa giao thiệp” của Tổng thống Nga: theo kiểu Liên Xô, ông không hề tin tưởng máy điện thoại và phớt lờ Internet. Thậm chí, gần đây, ông Putin còn nói thẳng, Internet là một dự án của CIA.

“Bệnh sợ kỹ thuật” của Vladimir Putin có thể là một trong các nguyên nhân vì sao “việc Moskva chiếm đóng Crimea” lại là điều hoàn toàn bất ngờ đối với các nước phương Tây.

Khi Nga bắt đầu giành quyền kiểm soát bán đảo, các cơ quan tình báo Mỹ đã vấp phải “sự yên lặng đáng lo ngại” ở nơi họ cực kỳ chú ý nghe trộm: trong “không gian số” xung quanh Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới quân sự chóp bu của ông. Kể từ khi bắt đầu “cuộc xâm lăng vào Crimea”, tình báo Mỹ đã không chặn thu được lấy một thông điệp nào. Một quan chức Mỹ nói rằng, đây là “thủ đoạn maskirovka (ngụy trang) kinh điển”. Thuật ngữ này các gián điệp Nga thường dùng để chỉ “việc ngụy trang thông tin mật”.

Các gián điệp Mỹ không có cơ hội nghe lén điện thoại di động của Putin đơn giản là vì như tự Tổng thống Nga thừa nhận là ông không dùng điện thoại di động. Nhà lãnh đạo Nga cũng không thể gọi là “người của thời đại Internet”, hơn nữa từ lâu ông đã cười cợt mạng toàn cầu này. Mới đây, ông Putin nói: “Tôi hiếm khi ngó vào nơi mà rõ ràng là các vị đang sống, vào cái mạng Internet đó”.

Dù phát biểu này có vẻ lỗi mốt đến đâu, nhưng nó là kết quả của thói quen thâm căn cố đế của Vladimir Putin. Nhờ nó mà Tổng thống Nga đã trở nên “một mục tiêu rất khó nhằn đối với các gián điệp ngoại quốc”. Khác với Thủ tướng Đức Angela Merkel mà điện thoại bị NSA nghe lén nhiều năm dài, Putin không hề gửi tin nhắn. Ông không có các trang mạng xã hội. Còn tin tức thì ông biết được từ các cơ quan tình báo của ông.

Từ năm 2005, vào đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Putin tuyên bố: “Nếu như tôi mà có điện thoại di động thì nó sẽ không bao giờ dừng đổ chuông. Hơn nữa, nếu như điện thoại đổ chuông ở nhà, tôi không bao giờ nhấc ống nghe”. Nghe điều đó có vẻ lạ từ một nguyên thủ, nơi mà số lượng điện thoại hoạt động còn nhiều hơn dân số, còn người dùng Internet thì đông hơn ở bất kỳ nước châu Âu nào.

Tuy vậy, “bệnh hãi công nghệ” của Putin là một phần của truyền thống lâu đời ở Nga “đã dính chết trong nhận thức dân tộc sau một thế kỷ sống trong một nhà nước cảnh sát công nghiệp”. Thời Liên Xô, việc nghe lén các cuộc gọi điện thoại mà cơ quan của Putin là KGB tiến hành đã làm cho câu nói: “Đây không phải là cuộc gọi điện thoại” trở nên nổi tiếng.

Một chuyên gia Nga trong lĩnh vực theo dõi bình luận, “đó là một thói quen thời Liên Xô. Không điều gì có thể đẩy nó ra khỏi người chúng tôi được”.


VP