In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Vụ án Powers
Thứ Sáu, 06/06/2014 - 5:19 PM
Thế giới lần đầu tiên được nghe nói đến máy bay do thám U-2 và phi công Powers vào mùa xuân năm 1960. Đây là một thất bại đã kéo theo những hậu quả chính trị tai hại và cay đắng đối với nước Mỹ và tác động tiêu cực đến tình tình thế giới.
Máy bay trinh sát chiến lược

Nhưng một nhóm người cụ thể, trong đó có Allen Dulles (Allen Welsh Dulles (1893-1969), nhà ngoại giao và chỉ huy tình báo Mỹ, Giám đốc CIA từ năm 1953-1961 - ND), được biết chiếc máy bay này trước những người khác từ nhiều năm trước khi sự kiện xảy ra. Vào cuối tháng 2 năm 1956, tại vùng Tây Bắc Washington, trên tầng hai của toà nhà 2430 ở trên phố E, trong phòng làm việc của Dulles đã tề tựu mấy người: Tướng bốn sao Nathan F. Twining, quân nhân cao cấp thứ hai trong lực lượng vũ trang Mỹ, tham mưu trưởng Không quân Mỹ; Trung tá Hemlock, đại diện viện nghiên cứu khoa học của Không quân Mỹ và đại tá về hưu Prewitt, thành viên hội đồng tư vấn của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA. Dulles tuyên bố hoạt động tình báo bằng các quả bóng bay trên lãnh thổ “khối phương Đông” đã thất bại hoàn toàn, mà các máy bay trinh sát hiện có thì không đáp ứng yêu cầu, bởi vậy cần phải có những phương tiện trinh sát mới. Sau đó, vị Giám đốc CIA đã giới thiệu đại tá Prewitt và đề nghị ông ta đưa cho những người có mặt xem những bản vẽ của mình.

Prewitt lôi từ trong cặp ra những bản vẽ và ảnh của một máy bay có hình thù kỳ dị. Máy bay có chiều dài chỉ 14,6 m, nhưng lại có sải cách 29 m; diện tích cánh lên tới 62 m2. Bộ cánh thăng bằng - Prewitt giải thích - đơn giản và có dạng hình thang giống như cánh máy bay. Trong thân, phía sau có bố trí động cơ tuabin quạt kiểu Pratt & Witney J-57....

Các vị khách chăm chú theo dõi câu chuyện của Prewitt và ngắm nghía mô hình máy bay. Chưa một ai từng nhìn thấy máy bay nào giống như thế, một dạng lai ghép máy bay tiêm kích với tàu lượn. Nhưng tất cả điều biết câu chuyện đang nói về cái gì - đó là về một loại máy bay trinh sát chiến lược. Prewitt nêu các tính năng kỹ thuật của máy bay: thân làm bằng kim loại bởi vì khi bay với tốc độ gần âm thì thân làm bằng các vật liệu nhân tạo không thích hợp. Nhưng thân máy bay sẽ được phủ một lớp men đặc biệt làm cho radar không thể hoặc ít ra là khó phát hiện được máy bay. Các nhà thiết kế đã giải quyết được một bài toán khác: máy bay có thể bay ở độ cao hơn 21 km, độ cao hoàn toàn an toàn trên thực tế vì nằm ngoài tầm với của tên lửa và máy bay tiêm kích. Ngoài ra, lượng nhiên liệu tiêu thụ khi bay ở độ cao này sẽ ít hơn nhiều vì lực cản không khí nhỏ. Máy bay do công trình sư trưởng của hãng Lockheed Clarence Johnson thiết kế và tất nhiên là được chế tạo tại các nhà máy của hãng này. Tiếp đó, Dulles lại lên tiếng, đề nghị phối hợp hoạt động. Trong phạm vi CIA, phòng 10-10 phụ trách việc chuẩn vị các phi vụ trinh sát mới, ông ta thông báo. Máy bay có tên gọi U-2.

Sau cuộc họp ở Washington, công tác nghiên cứu phát triển bắt đầu được tiến hành ráo riết. Hằng sáng, các nhà thiết kế và kỹ thuật viên từ California bay tới khu vực thiết kế được bảo vệ cẩn mật hệt như trung tâm nguyên tử ở Los Alamos mười năm trước đây, để làm việc dưới sự chỉ đạo của Johnson. Máy bay đã được hoàn thành trong một thời hạn ngắn kỷ lục.

Và bây giờ thì trước Dulles lại nảy sinh vấn đề làm thế nào để bảo mật. Giữ việc này bí mật tuyệt đối là không thể vì khi máy bay tiến hành bay thử thì dù muốn hay không muốn cũng đã có nhiều người nhìn thấy nó. Cuối cùng nảy ra quyết định đăng ký máy bay này tại phòng đăng ký sáng chế là máy bay nghiên cứu khoa học với ký hiệu của NASA. Nhằm đánh lạc hướng, người ta đã cho đăng trên báo một tin giả - tin ngắn về việc “Máy bay U-2 đã chụp ảnh được cơn bão trên biển Caribê”. Một loạt các tờ báo đã đăng tin này trong mục khoa học, một số báo khác thì đăng tin lẫn các tin ngắn khác.

Vào tháng 6 năm 1959, tạp chí Science e Vie của Thuỵ Sĩ đã đăng một bài tổng hợp về các lực lượng chiến lược Mỹ, trong đó có viết: “Các máy bay U-2 đang bay một cách có hệ thống trên lãnh thổ Liên Xô. Nhờ các máy ảnh lập thể của mình, người Mỹ đã có thể lập được tại một trong các căn cứ ở Schwarzwald một bản đồ địa hình lớn”.

Ngày 24 tháng 9 năm 1959, cách Tokyo 65 km, một chiếc máy bay U-2 đã phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay giành cho tàu lượn của Nhật. Lúc đó, hoạt động trên sân bay đang hết sức náo nhiệt. Các vận động viên thể thao khi chạy lại gần máy bay đã nhìn thấy viên phi công được vũ trang bằng súng ngắn và anh ta từ chối mở nắp cabin (Anh ta được lệnh hành động như thế trong những tình huống tương tự). Máy bay vừa trở về sau chuyến bay do thám bí mật trên vùng trời Siberia, những cuộn phim bí mật đến mức viên phi công cũng không có quyền lấy chúng khỏi máy. Mười lăm phút sau, một trực thăng và một chiếc xe jeep của Mỹ hú còi cầm ĩ chở một số nhân vật dân sự chạy tới. Họ chĩa súng hăm doạ để đuổi các vận động viên Nhật rời xa máy bay. Nhưng một vận động viên kiêm nhà báo đã kịp nhận thấy điều gì đó thú vị: máy bay sử dụng động cơ tuabin chỉ để lấy độ cao, còn sau đó thì tắt động cơ và bay như tàu lượn. “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là máy bay dùng để nghiên cứu khí tượng, - anh ta thận trọng viết trên báo, - nhưng sẽ thật là ngu ngốc nếu nghĩ rằng không thể dùng nó cho cả mục đích do thám khi nó đang bay nghiên cứu điều kiện khí quyển”.

Một nhân chứng khác trong giây phút cuối cùng đã kịp chụp ảnh chiếc máy bay bí hiểm kia. Khi in ra ảnh, anh ta phát hiện trên mũi máy bay có một cửa sổ nhỏ mà từ trước đến nay chỉ thấy có ở các máy bay do thám. Anh ta lập tức hiểu rằng, phía sau cửa đó có bố trí các máy ảnh. Ngoài ra, máy bay còn được sơn màu đen để hấp thụ sóng radar... Và bức ảnh với những lời bình luận kèm theo đã xuất hiện trên các tờ báo Nhật.

Tất nhiên là Liên Xô cũng biết là có các chuyến bay của U-2. Và không phải qua báo chí phương Tây. Các phi công U-2, sau khi trở về sân bay, theo quy định phải báo về chuyến bay vừa hoàn thành. Họ báo cáo là đã bị phát hiện từ mặt đất và các khí tài trên máy bay đã chứng tỏ điều đó. Nhưng một lần, họ cảm thấy có một quả tên lửa nổ đâu đó khoảng 3 km dưới máy bay. “Ngài biết những phi vụ gián điệp như thế được tiến hành trên lãnh thổ của các ngài từ bao giờ?” - một phóng viên của hãng thông tấn Laifa hỏi Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromyko (Andrey Andreyevich Gromyko (1909-1989), Bộ trưởng Ngoại giao (1957-1985) và Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô (1985-1988) - ND) vào tháng 5 năm 1960 tại một cuộc họp báo ở Moskva. Gromyko trả lời rằng, từ 2-3 năm trước, Liên Xô đã nhiều lần lên tiếng phản đối về vấn đề này.

Ngày 9 tháng 4 năm 1960, thêm một chiếc U-2 khác xâm nhập không phận Liên Xô. Phi vụ tiếp theo được dự định vào ngày 1 tháng 5. Nó sẽ phải bay trên lãnh thổ Liên Xô đường bay dài hơn phi vụ trước. Theo dự tính, U-2 bắt đầu phi vụ từ sân bay ở Pesawar (Pakistan) và tiếp đó bay theo đường bay định sẵn trên bản đồ đến khu vực Sverdlovsk. Phi công được chọn là Francis Powers Gary Powers, phi công U-2 sừng sỏ nhất lúc đó. Như thường lệ, anh ta được cung cấp một túi chứa đồ “mua chuộc”, trong đó có 7.500 rúp, một số ngoại tệ như lia, franc, mác Tây Đức, hai cặp đồng hồ vàng và hai chiếc nhẫn vàng cho phụ nữ. Đại tá Shelton đưa cho anh ta một chiếc hộp nhỏ đựng một vật nữa - đó là chiếc kim đầu tẩm độc - giành cho tình huống “tối hậu”.

Chiếc U-2 mà Powers bay đã được lắp động cơ cải tiến. Mặc dù trên máy bay làm bằng titan nhẹ này đã được lắp thêm cả thiết bị hấp thụ sóng radar mới, và thiết bị phát hiện bức xạ hồng ngoại mới nhưng máy bay chỉ có trọng lượng bằng một nửa so với máy bay tiêm kích hiện đại. Máy bay nhanh chóng lấy độ cao và vào lúc 5 giờ 56 phút đã bay tới biên giới Liên Xô, sau đó phi công không được phép dùng vô tuyến điện nữa. Trong thân máy bay, máy ảnh và các máy ghi băng từ tự động đang làm việc không tiếng động. Máy bay bay qua biển Aral và nhằm hướng Sverdlovsk bay tới. Máy bay bay ở độ cao tối đa. Khi đến Sverdlovsk, phi công hạ độ cao để chụp một trong các mục tiêu quân sự ở khu vực này.

Vào lúc 8 giờ 55 phút, giờ Moskva, viên sĩ quan trực ban của đơn vị tên lửa phòng không tại khu vực Sverdlovsk đã nhận được lệnh bật máy tự động. Một chớp sáng loé lên trên màn hình radar, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu. Năm phút sau, viên thiếu tá tiến đến điện thoại vô tuyến và báo cáo: “Gửi chỉ huy 92851. Báo cáo: mệnh lệnh đã được hoàn thành. Máy bay bị tiêu diệt. Mục tiêu xuất hiện ở độ cao 20 km đã bị diệt bằng một quả đạn tên lửa. Radar đã ghi nhận được tên lửa bắn trúng đích. Tôi vừa được báo cáo: phi công đã nhảy dù. Tôi đã ra lệnh tìm kiếm hắn”.

Mạng sống của Powers đang ngàn cân treo sợi tóc. Quả đạn tên lửa có sức công phá mạnh đã nổ tung gần máy bay, nhưng chỉ làm hư hại nặng phần đuôi máy bay mà không làm hư hại gì cabin. Trong quá trình điều tra, Powers khai: “Tôi bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ trầm đục nào đó và thấy ánh sáng màu da cam. Máy bay lập tức rơi xuống và tôi hiểu rằng cánh và đuôi máy bay sẽ văng ra ngay bây giờ. Có lẽ tên lửa đã không bắn trúng trực tiếp vào máy bay mà chỉ nổ gần, nhưng sóng xung kích và mảnh tên lửa vẫn làm hư hỏng máy bay... Điều đó xảy ra ở độ cao 68.000 bộ, cách Đông Bắc Sverdlovsk khoảng 25-30 dặm. Trước đó, tôi vẫn giữ đúng đường bay quy định trên bản đồ của tôi. Khi máy bay bắt đầu rơi, tôi bị ép chặt vào bảng đồng hồ ở giữa...
Francis Gary Powers
Tôi hiểu không thể sử dụng ghế phóng ở độ cao 30.000 bộ. Tôi mở nắp buồng lái và tháo dây lưng. Lực hướng tâm ép nửa người tôi vào bảng đồng hồ, còn nửa người kia thì đã lơ lửng bên ngoài. Thì ra tôi đã quên tháo dây dẫn mặt nạ ôxy nên chúng đã làm tôi bị vướng. Một lúc sau thì tôi cũng thoát được khỏi mấy cái dây dẫn. Dù mở ngay khi tôi rời khỏi máy bay. Lúc này tôi đã ở độ cao 14.000 bộ”.

Bằng máy móc của mình, chiếc máy bay lúc này đã không còn người lái vẫn vòng lượn và hạ cánh. Nhiều bộ phận nhỏ như nắp buồng lái, các contenơ đặc biệt và những mẩu kim loại bị bung khỏi thân và cánh do tên lửa nổ thì rơi xuống đất. Máy bay hạ xuống thửa ruộng cày, trượt một đoạn bằng bụng, sau đó phần dưới máy bay bị vỡ. Các lá cánh của tuabin nén của động cơ đã tắt ngấm bị bẻ gập ra sau. Phần trên máy bay không bị tổn hại khi hạ cánh.

Các cuộc họp ráo riết bắt đầu ở Washington. Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người ta đi đến kết luận là máy bay đã bị tiêu diệt và phi công thiệt mạng. Người ta cũng đưa ra quyết định: chờ trong 5 ngày, sau đó thì công bố “câu chuyện nguỵ trang” làm vỏ bọc đã được chuẩn bị sẵn cho mục đích này. Trong cuộc họp báo chính thức vào ngày 5 tháng 5, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng, chiếc máy bay U-2 của Mỹ khi đang bay gần biên giới Liên Xô-Thổ Nhĩ Kỹ để nghiên cứu khí tượng ở tầng trên của khí quyển đã bị rơi do hệ thống cấp ôxy cho phi công bị trục trặc. Tiếp đó, tuyên bố còn nói phi công đã bị ngất và máy bay được điều khiển bằng cơ cấu lái tự động đã bay vào không phận Liên Xô, máy bay này không thuộc biên chế Không quân Mỹ mà là tài sản của NASA.

Tiếp đó, ban giám đốc NASA cũng tuyên bố: “Một trong những máy bay U-2 vốn đã bay nghiên cứu khoa học trên các tầng cao của khí quyển, nghiên cứu các điều kiện khí tượng và hướng gió từ năm 1956, đã bị mất tích trong khi bay trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ bên trên hồ Wan sau khi phi công thông báo qua vô tuyến điện là anh ta bị thiếu ôxy”. Tiếp đó, tuyên bố nêu rõ các thông số chính xác về chuyến bay của máy bay này trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, về trang thiết bị đặc biệt của máy bay để lấy mẫu không khí và thu thập thông tin về bức xạ vũ trụ.

Ngày 7 tháng 5, một tin choáng váng đã bay tới Washington, “Trong phiên họp của Xôviết Tối cao Liên Xô, Chính phủ Liên Xô đã ra tuyên bố rằng, phi công của chiếc máy bay bị bắn rơi đang ở Moskva, anh ta đã khai báo và trong tay nhà chức trách Liên Xô có các vật chứng chứng tỏ tính chất gián điệp của chuyến bay này”.

Theo báo New York Times, chưa bao giờ trong lịch sử ngoại giao, chính phủ Mỹ lại lâm vào hoàn cảnh khó xử đến như thế.

Trong hai ngày Washington chìm trong hỗn loạn. Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi im lặng một thời gian dài đã quay ngoắt 180 độ và đưa ra lời tuyên bố mới: Vâng, đúng là Mỹ đang tiếp tục tiến hành các chuyến bay do thám vì tổng thống Mỹ khi phát biểu nhậm chức đã chỉ thị sử dụng mọi phương tiện có thể, kể cả cho máy bay Mỹ xâm nhập không phận Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, để thu thập thông tin quân sự. Tuyên bố chính thức này được đưa ra chỉ một tuần trước khi cuộc gặp cấp cao đã dự định giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã làm cho cuộc gặp này trở nên không thể thực hiện được. Tuy vậy, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn các chuyến bay do thám của máy bay U-2 trên lãnh thổ Liên Xô.

Ngày 17 tháng 8 năm 1960, tại đại sảnh Toà nhà Công đoàn ở Moskva đã diễn ra phiên toà xét xử Powers. Vào lúc 10 giờ sáng, bị can bị dẫn vào. Đó là người đàn ông cao trung bình, khoẻ mạnh, rám nắng, trạng thái tinh thần tốt và như các bác sĩ tiết lộ, anh ta còn tăng cân. Anh ta mặc bộ đồ xanh xẫm, sơ mi trắng, cà vạt xám.

Chủ toạ phiên toà thông qua người phiên dịch thông báo cho bị can biết vụ án của anh ta sẽ được toà xử theo Bộ luật hình sự của Liên Xô. Đáp lại những câu hỏi của chủ toạ phiên toà, Powers khai báo: là công dân Hoa Kỳ, sinh năm 1929 ở bang Kentucky, cha mẹ vẫn còn sống, cha là thợ giày, mẹ làm nội trợ ở nhà. Đã có vợ nhưng chưa có con. Lúc này, các thành viên gia đình anh ta và một số người Mỹ khác cũng có mặt tại phiên toà. Tại đó có mặt cha mẹ, vợ và mẹ vợ của anh ta cùng với hai bác sĩ, ba luật sư và những bạn thân nhất của gia đình, cũng như các phóng viên và nhà ngoại giao. “Các thân nhân của Powers trước đây vốn thù ghét nhau - chúng tôi đọc thấy trên tạp chí Spiegel - đã hoà hoãn với nhau khi ăn sáng tại sứ quán Mỹ ở Moskva và họ không giấu nổi vui mừng được nhận visa Liên Xô...”

Báo chí Mỹ vốn ưa những chuyện giật gân liền lập tức đã tìm hiểu gia đình Powers. Ta hãy xem một tạp chí xuất bản ở Hamburg viết về việc này như thế nào: “Người đàn ông trung tuổi, vụng về, mặc đồ nâu gỡ cặp kính để lau nước mắt. Ông ngồi bối rối trong tiền sảnh khách sạn Sovietskaya ở Moskva và bị hàng trăm nhà báo tấn công. Ông thợ giày 55 tuổi Oliver W. Powers này đến từ Norton (bang Virginia) đang định tổ chức một cuộc họp báo. Trong khi đó, những giọt lệ lăn dài từ đôi mắt đã đem lại không ít lợi lộc cho các tạp chí Life và Time có số lượng phát hành hàng triệu bản, những tạp chí này đã được cha mẹ của Powers bán cho quyền ưu tiên sử dụng những tình cảm của họ phục vụ quyền lợi của công chúng.

Và tiếp đó: “Người vợ 25 tuổi Barbara của Powers đã xuất hiện ở Moskva trước tạp chí Newsweek - đối thủ cạnh tranh của tạp chí Time. Tạp chí này đã đăng lại nguyên văn từng câu từng chữ những lá thư mà cô Powers được chồng gửi từ nhà tù ở Moskva”.

Chủ toạ phiên toà, sau khi phổ biến các quyền giành cho bị can cho Powers, đã nói rằng, Powers có thể khai bằng tiếng Anh, đặt câu hỏi cho các nhân chứng và chuyên gia, nhận xét đối với biên bản và các lời khai, trình toà những bằng chứng mới và được có đại diện của mình tại phiên toà.

Cuộc thẩm vấn bắt đầu. Công tố viên trưởng Rudenko đặt ra những câu hỏi để làm rõ mục đích của chuyến bay do thám. Powers khai: vào những ngày cuối của tháng 4, anh ta cùng khoảng 20 người nữa đứng đầu là đại tá Shelton, trưởng phòng 10-10 đã bay bằng chiếc máy bay vận tải đặc biệt từ sân bay Adan ở Thổ Nhĩ Kỳ tới sân bay Pesawar ở Pakistan. Hai giờ trước khi cất cánh, anh ta đã được truyền đạt đại tá Shelton các chỉ thị cần thiết và sau đó qua khâu chuẩn bị đặc biệt, gồm cả thổi ôxy. Chiếc máy bay U-2 được một phi công khác đưa tới sân bay Pesawar. Đáp lại câu hỏi của công tố viên trưởng, Powers khai là anh ta không biết máy bay này có thuộc về một đơn vị quân đội nào không. Phòng 10-10 lúc đó đặt dưới sự chỉ huy của quân đội, nhưng trong phòng còn có nhiều nhân viên dân sự”. Tiếp đó, anh ta nói không thấy các ký hiệu nhận biết trên máy bay mặc dù anh ta có trông thấy những ký hiệu đó trên các máy bay đỗ tại sân bay Adan. Powers tuyên bố: chỉ huy đơn vị đã trấn an anh ta có thể bay tuyệt đối an toàn ở độ cao 68.000 bộ vì phòng không Liên Xô không với tới được.

Khi bay theo đường bay đã định, anh ta phải bật máy móc quan sát của máy bay tại những điểm quy định sẵn trên tấm bản đồ hiện đang được sử dụng như một vật chứng. Anh ta kể trong khi bay, anh ta còn tự đánh dấu một số điểm trên bản đồ. Tiếp đó, anh ta đọc các chỉ thị trong sổ ghi chép trên máy bay: trong trường hợp có điều gì xảy ra mà máy bay không thể bay đến được sân bay Bodje (Nauy) nơi các nhân viên phòng 10-10 chờ đón anh ta thì anh ta phải lập tức rời khỏi lãnh thổ Liên Xô. Đại tá Shellton nói có thể hạ cánh được ở sân bay bất kỳ nằm ngoài biên giới Liên Xô.

Sau đó, viên phi công khai: anh ta bay được gần 1.200-13.00 dặm trên lãnh thổ Liên Xô, ban đầu ở độ cao gần 60.000 bộ, còn sau đó dần leo lên độ cao 68.000 bộ.

- Anh cảm thấy thế nào khi bay ở độ cao lớn? - công tố viên hỏi anh ta.

- Về thể chất thì không sao, nhưng căng thẳng và sợ.

- Sợ cái gì? - Rudenko hỏi.

- Sợ là tôi đang bay trên lãnh thổ Liên Xô - bị can trả lời.

“Không phải ngày nào trong đời người cũng có chuyện như thế” - Powers tiếp tục, còn sau đó thì quả quyết anh ta đã cố hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho mình bằng cách tốt nhất, theo hết khả năng của mình.

Khi trả lời những câu hỏi tiếp theo của công tố viên, anh ta khai là khi bay đã tiến hành quan sát bằng mắt khi mây không dày lắm.

Trên bản đồ, anh ta đánh dấu ba mục tiêu: sân bay, kho nhiên liệu và một khu dân cư lớn.

Khi công tố viên hỏi anh ta tại sao đánh dấu trên bản đồ những mục tiêu này, Powers nói: “Theo thói quen thông thường thì phi công hay đánh dấu những mục tiêu mới nhìn thấy. Tôi cũng đã làm đúng như vậy nếu như tôi bay trên đất Mỹ...”

Nhưng công tố viên trưởng đã phản đối điều này: “Nhưng đây là anh bay trên lãnh thổ Liên Xô và đây là sự xâm nhập vào lãnh thổ nước khác được vạch ra nhằm mục đích do thám”.

- Vâng, đúng là như vậy, - Powers trả lời.

Khi công tố viên Rudenko hỏi anh ta có biết là xâm phạm không phận là một tội hay không thì Powers trả lời phủ định. Nhưng anh ta thú nhận là chuyến bay của anh ta nhằm mục đích gián điệp. Powers khẳng định anh ta không hình dung ra thiết bị này hay thiết bị khác hoạt động như thế nào và đơn thuần là bật và tắt những nút bấm nào đó.

- Vậy là với thành công như vậy anh đã có thể thả cả một quả bom nguyên tử vì việc đó cũng chỉ đòi hỏi gạt một công tắc thôi mà - công tố viên nhận xét.

- Đúng là có thể làm được điều đó, nhưng U-2 không mang bom nguyên tử. Trên các máy bay ném bom mới có các cơ cấu treo bom đặc biệt - Powers trả lời.

- Nhưng máy bay của anh xâm nhập không phận Liên Xô ở độ cao gần 20.000 m. Trên độ cao đó, từ phía dưới anh không thể xác định được là máy bay mang cái gì: bom nguyên tử hay là cái gì nữa, - Rudenko phản bác anh ta.

Trong quá trình thẩm vấn, Powers đã kể lại chi tiết việc máy bay của anh ta đã bị bắn hạ như thế nào. Sau đó, anh ta thừa nhận là đã có chỉ thị huỷ diệt máy bay ngay lập tức nếu có sự cố và bí mật đi đến đường biên giới gần nhất.

Anh ta khẳng định số tiền Liên Xô và ngoại tệ tìm thấy trong người anh ta là một phần “các phương tiện cho tình huống không may”. Vàng và các đồng rúp sẽ được dùng để mua chuộc người dân Liên Xô.

- Tại sao trong người anh còn có cả súng ngắn và nhiều đạn như vậy? - công tố viên Rudenko hỏi.

- Để tôi có thể săn bắn, Powers giải thích.

- Anh phải cần tới 250 viên đạn cho mục đích đó ư? Thế thì tại sao anh không theo súng săn? - Rudenko tiếp tục.

- Bởi vì khó mang súng săn trên máy bay.

- Nhất là trên máy bay do thám, - công tố viên nhận xét.

Powers kể rằng, chiếc kim tẩm độc mà anh ta nhận từ tay đại tá Shelton là dùng để tự sát trong trường hợp bị bắt không chịu nổi tra tấn.

- Người ta cho tôi quyền quyết định có sử dụng kim hay không, - anh ta bổ sung.

- Người ta nói với anh là nếu bị bắt ở Liên Xô thì anh sẽ bị tra tấn ư? Rudenko hỏi.

- Tôi không nhớ người ta có nói không nhưng tôi chờ đợi điều đó.

- Và điều ấy có chứ? Anh đã bị tra tấn chứ?

- Không.

- Các cơ quan điều tra đối xử với anh thế nào?

- Rất tốt.

Powers kể tỉ mỉ anh ta đã gia nhập phòng 10-10 như thế nào. Các đại diện của CIA đã hứa những ưu đãi vật chất rất tốt nên anh ta đã nhận lời làm công việc này.

“Mặc dù tôi rất mù mờ về điều gì đã xảy ra sau ngày 1 tháng 5, nhưng tôi biết vì chuyến bay này mà cuộc gặp cấp cao giữa những người đứng đầu chính phủ Mỹ và Liên Xô, cũng như chuyến thăm Liên Xô của tổng thống Mỹ Eisenhower đã không diễn ra và tình hình thế giới thêm phần căng thẳng. Tôi rất tiếc vì tôi là một người tham gia vào những sự kiện này”, - anh ta nói trong lời phát biểu cuối cùng của mình.

Trong ngày thứ ba của phiên toà, bản án đã được tuyên như sau: tước quyền tự do trong 10 năm, trong đó 3 năm đầu Powers phải ngồi tù. (Bên công tố đề nghị 15 năm tước quyền tự do). Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, Powers đã được ân xá và ngày 10 tháng 2 năm 1962, người ta đã đổi anh ta lấy đại tá tình báo Liên Xô Abel. Powers đã không được phép phát biểu trước công chúng. CIA thẩm vấn cặn kẽ anh ta trong mấy tuần liền trên đảo Wellops (bang Virginia). Một vài nhân vật lãnh đạo của CIA đã đề nghị đưa Powers ra toà vì anh ta đã không sử dụng kim tẩm độc và “anh ta đã nói quá nhiều” tại phiên toà. Nhưng cuối cùng thì người ta cũng không khởi tố chống lại anh ta. Powers trở về với người vợ của mình, cô này đã bán hồi ký của mình cho một nhà xuất bản Mỹ lấy 250.000 đô la. Mười tháng sau, anh ta đã ly dị vợ vì chị ta đã từ chối chia xẻ nhuận bút với Powers, và sau đó đã cưới Claudia 'Sue' Edwards, một nhà tâm lý học của CIA.

Xác chiếc U-2 của Francis Gary Powers tại Viện bảo tàng Trung ương quân đội Nga ở Moskva


Mười ba năm im lặng

Sau phiên toà xử Francis Garry Powers, cựu phi công Không quân Mỹ và phi công đánh thuê của CIA, trên báo chí Liên Xô đã xuất hiện mẩu tin gây tò mò nói rằng, sau khi trở về Mỹ, cha của Powers đã nhắc lại với các phóng viên nhừng lời nói mà con trai ông đã nói: “Cha đừng có tin là con bị tên lửa bắn rơi. Bắn hạ con là một máy bay, con đã chính mắt nhìn thấy nó...” Trong phần bình luận của toà soạn có nói cha của viên phi công đã đưa ra tuyên bố này có lẽ là do áp lực của các cơ quan tình báo Mỹ.

Còn viên phi công lái chiếc máy bay mà Powers đã “chính mắt trông thấy” thì lại đang chờ giấy triệu tập của toà án. Nhưng phiên toà đã không diễn ra do yêu cầu của tình hình chính trị bởi vì N.S. Khrushchev (Nikita Sergeyevich Khrushchev (1894-1971), Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô (1953-1964), kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1958-1964), người nổi tiếng hâm mộ thái quá đối với vũ khí tên lửa - ND) được báo cáo rằng, chiếc máy bay gián điệp Mỹ U-2 bị bắn rơi bằng quả tên lửa đầu tiên.

Trung thành với lời hứa của mình, viên phi công Igor Andreevich Mentyukov, người đã bắn hạ chiếc U-2, đã phải im lặng hơn 13 năm trời.

Ông không đưa ký giấy cam kết không tiết lộ mà chỉ hứa im lặng. Người ta đã tin lời viên sĩ quan. Bây giờ thì không cần phải im lặng về những sự kiện của ngày 1 tháng 5 năm 1960 nữa.

Igor Mentyukov sinh năm 1932 ở Novoznamensk, ở tỉnh Tambov. Vào năm 1946, anh chuyển đến Tambov, tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật đường sắt, sau đó vào học trường “bay” Chernigov, được điều tới Frunze và sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng quân sự Frunze năm 1954, anh về công tác tại Savostleika tỉnh Gorky. Anh đã phục vụ tốt và tuy không được cho đi học ở học viện, nhưng nói chung mọi chuyện vẫn xuôn xẻ.

Vậy thì điều gì đã thực sự diễn ra trên bầu trời gần Sverdlovsk? Các sách báo thời đó đã có viết về những chuyến bay đơn lẻ qua lãnh thổ Liên Xô của các máy bay trinh sát Mỹ. Thực ra không phải như thế. Không phận Liên Xô năm 60 thật chẳng khác gì tấm áo thủng lỗ chỗ và người Mỹ cứ việc thoải mái bay ngang bay dọc tuỳ ý. Ví dụ như chiếc máy bay U-2 nổi tiếng vào ngày 9 tháng 4 đã bay nghênh ngang và an toàn vô sự trên lãnh thổ Liên Xô từ Nauy đến Iran. Nó đã chụp ảnh các căn cứ Kapustin Yar, Baikonur và một trường thử tên lửa khác. Chẳng ai biết được người ta đã vãi bao nhiêu tên lửa một cách vô ích lên bầu trời trong xanh - đó cũng là điều bí mật vĩ đại. Sau đó, Khrushchev nổi điên lên: “Tao sẽ tống cổ tất cả, sẽ cắt đầu tất cả nếu như điều này còn lặp lại!”

Bộ tư lệnh phòng không Liên Xô đã quyết định chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho khả năng lặp lại các chuyến bay do thám của Mỹ. Và người ta đã cấp tốc huấn luyện chuyển loại cho sáu phi công, trong đó có cả anh, đại uý I. Mentyukov, để lái máy bay tiêm kích đánh chặn tầng cao, siêu âm, tầm siêu xa Su-9. Khi đó máy bay này được gọi là T-3. Mấy ngày trước ngày 9 tháng 4, anh đã cùng N. Sushko (đã mất) bay hai chiếc Su-9 từ nhà máy ở gần Ryazan xa lên phía Bắc, quá Murmansk, đến gần biên giới Nauy. Họ đã trực chiến ở đó năm ngày và sau đó bay về nhà ở Savostleika.

Theo kế hoạch, người ta phải cho bay chuyển sân các máy bay mới Su-9 sang phía Tây, đến thành phố Baranovich ở Belorussia và đưa chúng vào trực chiến. I. Mentyukov đã tiếp nhận máy bay mới nhưng tất nhiên là thiếu hệ thống vũ khí gồm 4 quả tên lửa không đối không. Và buổi chiều, ngay trước lễ 1 tháng 5, anh hạ cánh xuống một sân bay trung chuyển gần Sverdlovsk. Anh cần phải tiếp thêm dầu, chờ một chiếc máy bay vận tải nhỏ bay ngay sau chiếc Su-9 chở theo đội kỹ thuật và thiết bị.

Buổi sáng, anh bị khẩn cấp gọi đến sân bay và nhận lệnh “Sẵn sàng cấp 1”. Viên phi công ngồi vào ghế trong buồng lái và tướng Vovk, tư lệnh tập đoàn quân không quân Sverdlovsk bắt liên lạc với anh và phát mệnh lệnh của “Con rồng” - bằng mọi cách phải tiêu diệt được mục tiêu tầm cao. “Con rồng” hạ lệnh lao thẳng máy bay vào mục tiêu. “Con rồng” là mật danh của tư lệnh bộ đội không quân của Quân chủng Phòng không Liên Xô, tướng Savitsky (sau này là nguyên soái), người đã ra mệnh lệnh ấy tất nhiên cũng biết là máy bay không có vũ khí. Một khi lao máy bay vào mục tiêu thì không còn cơ hội sống sót nữa. Phi công có quyền từ chối: lúc này không phải thời chiến để mà bắt người ta tay không húc đầu vào xe tăng. Nhưng anh không biết kẻ địch đang bay với cái gì. Thế nhỡ hắn mang bom thì sao? Hy sinh một mạng sống hay để hàng trăm ngàn người phải chết?

I. Mentyukov cương quyết nói: “Xin dẫn đường cho tôi. Yêu cầu duy nhất của tôi là hãy chăm sóc cho vợ và mẹ tôi”. Vợ anh lúc này đang chờ sinh con. Còn sau đó thì không còn chỗ cho tình cảm nữa. Hai phi công trực chiến đã cố chặn mấy chiếc Su-9 của bên mình, nhưng một người chỉ bám đuôi được cách xa hơn 15 km, còn người thứ hai thì tụt về sau hơn một kilômet nữa. Họ nghiêng cánh và bay đi. Chỉ có Igor Mentyukov lên được độ cao 20 km. Khi còn bay MiG-19, anh đã cố bay kịch trần bay. Anh đã mấy lần đạt tới độ cao bay 17.300 m. Còn các máy bay trinh sát Mỹ luôn bay ở độ cao 19.000 m. Thế thì anh làm quái gì được?! Bắn cũng vô ích.

Thực ra tôi vẫn còn nhớ có một lần, phi công Liên Xô Filyushkin đã không giữ được bình tĩnh nên nã đạn từ cả ba khẩu pháo, dĩ nhiên là chả ăn thua gì, sau đó chán nản đành bỏ cuộc. Mà để đạt “trần bay” thì cần phải giữ tốc độ tối đa hoặc gần tối đa. Mà Su-9 thì lại có những tính năng tốc độ chưa từng có vào thời đó, hơn nữa nó lại nhẹ vì không có tên lửa. Hơn nữa, chế độ nhiệt độ lại thích hợp, bởi vậy nên Mentyukov với Su-9 đã lên đến độ cao 20 km. Các máy bay bắt đầu xích lại gần nhau. Chiếc U-2 vòng ngoặt, sau đó thì không ai hiểu. Vào lúc đó, trong tai nghe vang lên mệnh lệnh: “Mục tiêu đang ngoặt phải”. Nhưng phi công vẫn chẳng thấy gì. Các máy bay tiếp cận với tốc độ 550 m/s không hơn không kém! Chiếc Su-9 lao vọt qua bên trên chiếc U-2.

Điều gì đã xảy ra? Bản thân Powers trong quá trình điều tra và tại toà đã nói anh ta nghe thấy tiếng lốp bốp và phía trước anh ta có ngọn lửa màu da cam bay vụt qua. Lốp bốp là tiếng động thường xảy ra trong các chuyến bay của các máy bay siêu âm. Khi đó thì kính cửa sổ của nhà thường bị rung lên. Còn ngọn lửa mà anh ta trông thấy chính là luồng phụt của động cơ. Tóm lại, chiếc máy bay của Powers lọt vào luồng khí xả của chiếc Su-9. Không khí trong luồng khí xả đó có tốc độ tới 180 m/s, cộng với mômen quay đã làm cho anh chàng phi công Mỹ xoay tròn, cánh chiếc máy bay Mỹ bị gãy tung. Và chiếc U-2 bắt đầu rơi xuống. Tất nhiên, đây là sự ngẫu nhiên may mắn. Thế mà người ta lại báo cáo cho Khrushchev là Powers bị một quả tên lửa bắn rơi. Nếu một quả tên lửa bắn vào chiếc U-2 của anh ta, nếu đúng là thế thì nó đã phải vỡ tan ra từng mảnh mà rơi xuống đất. Và phi công cũng đã phải toi đời cùng máy bay. Tại toà, Powers không thể nào giải thích được là cái gì đã xảy đến với máy bay của anh ta. Không có vụ nổ, chỉ có tiếng cót két rồi chiếc U-2 nổ tan ra nhiều mảnh.

Trong nhiều năm qua, người ta đã cho rằng, các chiến sĩ tên lửa anh hùng đã bắn rơi Powers bởi vì tình huống đã được dàn xếp rất chu đáo cho ý tưởng sai lầm của Khrushchev là một khi đã có tên lửa thì chẳng cần không quân nữa, có chăng chỉ cần để tham gia diễu binh hoặc hộ tống danh dự. Bởi vậy, bản thân sự kiện Powers tiếp đất trong khu vực hoạt động của tiểu đoàn thuộc quyền đại uý

N. Voronov đã được lập luận theo cách bảo vệ ý tưởng của Nikita Sergeyevich Khrushchev. Mà khi đó thì bản thân Voronoc cũng không biết báo cáo thế nào. Những nông trang viên đã tưởng Powers là “nhà du hành vũ trụ” và dẫn hắn đến cho bộ đội tên lửa và họ liền biết ngay là mình không bắn rơi máy bay Mỹ. Voronov giữ “im lặng” trong nửa giờ đồng hồ, đó là một chuyện mà mãi sau này anh ta mới báo cáo. Khi đó thì các chuyên gia đã hiểu bộ đội tên lửa cũng chẳng có lỗi gì trong chuyện này và hiển nhiên chả ai có đủ dũng càm để báo cáo điều đó với Khrushchev. Thế là xuất hiện một truyền thuyết về Powers bị tên lửa bắn rơi, còn cái thời gian nửa giờ mà Voronov chưa báo cáo về “nhà du hành vũ trụ” là vì toàn bộ thời gian đó người ta vẫn cho là mục tiêu chưa bị diệt, và họ đang quyết liệt săn đuổi máy bay của Mentyukov như một máy bay địch. Trong lúc nhốn nháo, người ta đã quên thay đổi mã nhận dạng, do đó các máy bay Liên Xô bị xem là máy bay lạ, là mục tiêu. Điều đó lý giải vì sao các tiểu đoàn của đại uý Voronov và thiếu tá Sheludko đã bắn dữ dội vào chiếc Su-9 trong vùng bảo vệ của họ. Mentyukov buộc phải cơ động tránh đạn tên lửa. Đã có mấy quả tên lửa được bắn vào chiếc Su-9, ba quả nữa được bắn vào các phi công Aivazyan và Sofronov đang bay trên các máy bay MiG-19 đi chặn đánh các máy bay “địch”, kể cả máy bay của Mentyukov vì chiếc Su-9 của anh vẫn bay với mã nhận dạng cũ nên dưới đất đã nhận nhầm là máy bay địch! Kết quả là Sergey Sofronov bị bắn rơi... Mentyukov trông thấy thời điểm đó và sau đó còn trông thấy cả những mảnh xác máy bay của anh ấy - đúng là vụn như cám! Hãy thử tưởng tượng điều gì đã xảy ra với máy bay của Powers, tên lửa diệt được máy bay của hắn chăng? Mà chiếc U-2 rơi thành “từng miếng to”: cánh, thân...

Nhưng may mắn là chiến dịch đã kết thúc và phi công đã yên ổn trên mặt đất. Người ta nói với Mentyukov là ngày mai sẽ có ôtô đón anh ta đến nói chuyện với Savitsky, người tất nhiên đã biết rõ không phải bộ đội tên lửa bắn rơi Powers. Tất cả, tất cả đều hiểu vì họ đều là những người trong nghề và thuần tuý đó là chuyện của lương tâm. Savitsky hỏi han về sức khoẻ Mentyukov, anh đã bay ở độ cao vài chục kilômet gần giống như lúc mới được mẹ sinh ra - chẳng có mũ bay đặc biệt lần bộ đồ bay kháng áp. Nhưng dù xương cốt đau như gãy rời anh vẫn nói là mọi chuyện đều tốt. Và lập tức Savitsky nói một câu cho thấy ông hiểu tất cả. Còn ông thì nói như sau: “Cảm ơn. Không có anh thì hắn đã chạy thoát mất rồi”.

Sau đó, Mentyukov được điều sang Belorussia. Anh đã có cuộc nói chuyện với Moskva, sau đó anh chờ được gọi đến thẩm vấn. Powers trong lúc đó đang bị hỏi cung. Nhưng toà án đã không cần đến anh phi công - họ phải giữ thể diện cho bộ đội tên lửa chúng ta mà. Anh chờ lệnh triệu đến toà mà mãi không có. Anh nhận được phần thưởng là chiếc đồng hồ đeo tay Saturn và mệnh lệnh im lặng. Và chỉ mười ba sau, đã xuất hiện những bái báo đầu tiên kể về phi công Mentyukov. Những năm tiếp đó không có gì khác thường xảy ra với Mentyukov, anh đã phục vụ tốt. Là một phi công lái SU-11 sừng sỏ, anh đã từng là giáo viên riêng của nguyên soái Evgheny Yakovlevich Savitsky. Chính cái người trước đây đã ra cá mệnh lệnh mà thực ra đã đặt Mentyukov vào cái chết chắc chắn, nếu như không có sự ngẫu nhiên ấy. Anh kết thúc cuộc đời quân ngũ với quân hàm trung tá, hoa tiêu trung đoàn. Anh còn từng là một phó chỉ huy và tham mưu trưởng một sư đoàn không quân...

Anh về hưu lúc 45 tuổi và làm nhân viên điều phái tại Zhulyany, một sân bay gần Kiev, cho đến hơn 60 tuổi. Còn sau đó là cảnh thất nghiệp, người ra nói là “Đủ rồi, ông già, ông làm đã đủ rồi”. Và Igor Andreevich Mentyukov trở về quê hương ở Tambov.

Vì cống hiến cho Tổ quốc, Igor Mentyukov được tặng thưởng hai Huân chương Cờ Đỏ và các huy chương vì công lao khai thác vũ khí mới là các máy bay Su-9 và Su-15. Trong các phần thưởng đó không có phần thưởng đã vào tay người khác, và không có được sự nổi tiếng, mà như người ta trước đây từng nói, toàn liên bang. Mặt khác, vấn đề không phải là ở chỗ sự nổi tiếng, không phải chuyện vinh quang, mà là sự công bằng sơ đẳng. Là ở sự thật. Ơn Chúa là thời gian đã tạo ra cơ hội để khôi phục nó.

Francis Gary Powers con bên xác máy bay U-2 của cha tại Viện bảo tàng Trung ương quân đội Nga ở Moskva năm 2010

Chu Hà