In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Những bí mật bị đem bán
Thứ Hai, 02/06/2014 - 3:48 PM
Trong quá trình chiến dịch Ill Wind, sĩ quan cao cấp Jack Sherman phụ trách hợp đồng mua sắm của quân chủng Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã bị phát giác ăn hối lộ 43,5 ngàn đô la.
Ông này đã cung cấp các tài liệu về các kế hoạch mua sắm thiết bị điện tử cho 4 “chuyên gia tư vấn” của các hãng nhận thầu. Một trong các “chuyên gia tư vấn” đã tố cáo J. Sherman với FBI. Cảnh J. Sherman nhận hối lộ đã bị quay phim bằng camera bí mật do các nhân viên FBI bố trí. Tháng 1 năm 1989, toà án ở Alexandria (thị trấn ngoại ô Washington) đã tuyên bố ông này có tội. J. Sherman đã đồng ý trả lại cho chính phủ Mỹ 43,5 ngàn đô la. Công tố viên yêu cầu mức án án nghiêm khắc 20 năm tù và khoản tiền phạt 500.000 đô la.

J. Sherman và 4 sĩ quan khác đã bị bắt giữ vào tháng 6 năm 1988 khi người ta đã phát hiện các tài liệu mật của Lầu Năm góc trong quá trình khám nhà họ. Các nhân viên FBI đã lấy lời khai ở hệ thống kiểm soát của tập đoàn Whittaker  ở Los Angeles vì nghi ngờ tập đoàn này có liên hệ với J. Sherman.

Cuộc điều tra sau đó đã cho thấy sự cấu kết của công ty Whittaker  hoạt động khi đó dưới tên Lee Telecommunication (LTC) với các “chuyên gia tư vấn” đã bắt đầu vào năm 1981 khi công ty gặp phải những khó khăn tài chính. Cựu chủ tịch LTC Harvey Lee, phó chủ tịch Scott Lamberth và Thomas Ingram đã đồng ý trả cho J. Sherman những khoản tiền lớn cho sự giúp đỡ để giành được hợp đồng sản xuất hệ thống kiểm soát điện tử với Lầu Năm góc. Tiền được trả cho J. Sherman thông qua một “chuyên gia tư vấn” độc lập Muldoon. Tiếp sau lần hồi lộ đầu tiên 43,5 ngàn đô la là các lần hối lộ khác. Vào năm 1986, J. Sherman đã giúp tăng giá trị các hợp đồng của Lầu Năm góc ký với LTC từ 600 ngàn đô la lên tới 2,4 triệu đô la, và sau đó là tới 6 triệu đô la.

Toà án liên bang ở Alexandria tháng 9 năm 1989 đã tuyên bố hãng Whittaker  và “chuyên gia tư vấn” của hãng  phạm tội mua chuộc quan chức Lầu Năm góc và tuyên phạt công ty 3,5 triệu đô la (1,5 triệu vì tội hình sự; 1,5 triệu vì đơn kiện dân sự và 500 ngàn để bồi thường chi phí cho chính phủ).

Toà án liên bang ở Alexandria, trong khi tiếp tục vụ án trong khuôn khổ chiến dịch Ill Wind vào tháng 4 năm 1989, đã kết tội 3 phó chủ tịch của công ty Newbary Park ở California vì có ý đồ phạm tội đưa hối lộ cho chuyên gia tư vấn William Parkin trị giá 160.000 đô la để đổi lấy thông tin “nội bộ” của Lầu Năm góc nhằm giành được hợp đồng trị giá 24 triệu đô la cho hãng Teledyne Inc. sản xuất các thiết bị nhận dạng địch-ta đối với máy bay quân sự. Chuyên gia tư vấn W. Parkin đã nhận được thông tin mật, cũng thông qua hối lộ, từ viên kỹ sư Stewart Berlin của Hải quân Mỹ. Các luật sư bào chữa của công ty Teledyne, theo như họ nói, đoan chắc là W. Parkin đã nhận thông tin bằng con đường hợp pháp từ các nguồn chính thức. S. Berlin đã đồng ý với đề nghị của W. Parkin giúp đỡ cho công ty Teledyne nhận được hợp đồng để đối lấy khoản tiền thưởng cho hoạt động “tư vấn”.

Trong quá trình điều tra, đã xác định được nhân vật trung tâm trong vụ hối lộ liên quan đến công ty Teledyne là chuyên gia tư vấn thương mại Fred Lunker. Ông này đã bị kết án 27 tháng tù và bị phạt 25.000 đô la. Hai đồng phạm khác là chuyên gia tư vấn W. Parkin và nhân viên dân sự của Hải quân Mỹ S. Berlin thì bị kết án 26 tháng tù và phạt 25.000 đô la mỗi người.

F. Lunker và W. Parkin đồng thời còn đóng vai trò “nhà tư vấn” cả cho công ty Hazeltine. Thông qua nhân viên của Hải quân Mỹ S. Berlin, họ đã nắm được giá mua của Lầu Năm góc và giá chào hàng của các hãng cạnh tranh. Các nhà tư vấn đã chuyển thông tin “nội bộ” này cho phó chủ tịch tập đoàn Hazeltine là Charles Furcinity và ông này đã sử dụng nó khi ký hợp đồng với Hải quân Mỹ sản xuất thiết bị thử nghiệm radar máy bay tổng trị giá 150.000 đô la. Tháng 1 năm 1989, C. Furcinity đã bị kết án 3 tháng tù và phạt 20.000 đô la vì tội tham nhũng.

Toà án Alexandria vào tháng 8 năm 1990 đã tuyên bố cựu chuyên gia tư vấn về các vấn đề quốc phòng, thiếu tá không quân về hưu Bernie Zettl phạm tội chuyển giao báo cáo mật về ngân sách Hải quân Mỹ cho tập đoàn GTE và tuyên phạt 10.000 đô la. Những quan chức của các hãng Boeing, Grumman, Hughes Aircraft, General Motors, RAS Corp. và Raytheon có liên quan đến những áp phe của Zettl cũng bị trừng phạt. Họ đồng ý trả khoản bồi thường tổn hại 14,9 triệu đô la. Một vài bị can làm vẻ không biết tính chất phi pháp của việc buôn bán tài liệu chính phủ. Nhân viên của Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng Mỹ M. Valenski đã bác bỏ những khẳng định này và chứng minh rằng, tất cả họ đều biết rất rõ những áp phe của B. Zettl và GTE, còn các công ty thì cố tình không nhìn nhận nghiêm túc các hiện tượng lừa đảo và giả điếc trước lời cảnh tỉnh của lý trí.

Trong quá trình chiến dịch Ill Wind, đã phát giác không chỉ những vi phạm tài chính liên quan đến lạm dụng quyền hạn khi chuẩn bị và ký các hợp đồng với Lầu Năm góc, mà cả những gian lận chính trị. Toà án liên bang ở Alexandria vào tháng 1 năm 1989 đã kết tội vi phạm Luật về vận động bầu cử đối với cựu nhân viên tập đoàn Unisys là Robert Barrett và nhà tư vấn của hãng này là Josef Hill vì những khoản quyên góp bất hợp pháp trị giá ít nhất 27.000 đô la ủng hộ các nghị sĩ R. Dyson, W. Dickinson, R. Reja, J. Sasser và B. Chappell. R. Barrett và J. Hill có nguy cơ bị tù tới 5 năm và phạt đến 250.000 đô la. Tuy vậy, các nghị sĩ tuyên bố không biết về các khoản quyên góp này trong quá trình vận động trước bầu cử. Các đại diện Chính phủ Mỹ đưa ra ý kiến sẽ không có phiên toà chống các nghị sĩ đó.

Các nhà bình luận quân sự và chính trị ở Mỹ đã gọi những kết quả của chiến dịch Ill Wind là một vụ Irangate mới hay Pentagate và so sánh tác động của nó đối với hoạt động mua sắm vũ khí của Lầu Năm góc với những hậu quả của vụ nổ tàu con thoi vũ trụ Challenger đối với chương trình nghiên cứu vũ trụ Mỹ.

Trong quá trình tiến hành chiến dịch Ill Wind, đã thực hiện nghe lén nhiều ngàn cuộc nói chuyện điện thoại, gần 300 người bị tình nghi bị triệu tới toà, đã đưa ra trên 100 bản cáo trạng. Một trăm nhân viên của FBI và Cục điều tra Hải quân Mỹ đã tiến hành thanh tra hồ sơ tài chính của các nhà tư vấn và các công ty thầu khoán cung cấp hàng cho Lầu Năm góc. Đã phát hiện những vi phạm luật pháp từ phía các công ty sau:

- McDonell-Douglas Corp. chuyên sản xuất máy bay quân sự, các hệ thống tên lửa và tiến hành các hoạt động nghiên cứu (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc trị giá 7,7 tỷ đô la năm 1987);

- United Technologies Corp. chuyên sản xuất động cơ máy bay; trực thăng và bảo dưỡng tàu vũ trụ (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 3,6 tỷ đô la);

- Unisys Corp. chuyên sản xuất các hệ thống máy tính điện tử và đã ký hợp đồng với Lầu Năm góc trị năm 1987 giá 2,3 tỷ đô la);

- Northrop Corp. sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chiến thuật, tên lửa, khí cụ bay không người lái (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 1,1 tỷ đô la);

- Teledyne Inc. sản xuất động cơ máy bay, khí cụ bay không người lái, tàu vũ trụ (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 359 triệu đô la).
Chu Hà