In bài này
Chiến lược Biển Đông mới: Quần hồ trị mãnh hổ và Lưỡng bại câu thương?
Thứ Sáu, 30/05/2014 - 3:21 PM
Chiến lược của Việt Nam đối phó với sự ép buộc của Trung Quốc là gì? Carl Thayer cho rằng, một số chuyên gia Việt Nam đang xem xét chiến lược mới có vẻ lạ và táo bạo để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông: liên kết với Nhật, Philippines mà đằng sau là Mỹ; và lưỡng bại câu thương.
Các sĩ quan Việt Nam đón tàu USS Blue Ridge của Hải quân Mỹ tiến vào cảng Đà Nẵng ngày 23/4/2012
Thời gian qua đi, báo chí quốc tế đưa tin cũng nhạt dần về cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam xung quanh việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan khổng lồ trong vùng biển Việt Nam, nhưng đối đầu hàng ngày vẫn tiếp tục. Tình huống hiện nay không phải là cuộc đấu giằng co mà là một nỗ lực quyết tâm của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng cách đẩy các lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam ra ngoài đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự ý tuyên bố.

Các nguồn tin chính phủ Việt Nam bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ di chuyển giàn khoan gần hơn đến Việt Nam so với vị trí hạ đặt ban đầu của nó. Họ lo ngại về vị trí nó sẽ được hạ đặt bởi vì cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không biết chính xác vị trí của đường 9 đoạn.

Báo chí đưa tin về việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng pháo nước tấn công tàu Việt Nam và các tàu Trung Quốc đâm va tàu chấp pháp Việt Nam với nhiều clip hình ảnh rõ nét, nhưng lại thiếu đi sự phân tích công phu. Trung Quốc đang thực hiện một “cuộc chiến tranh tiêu hao” không cân sức chống Việt Nam. Chiến thuật của Trung Quốc đâm va các tàu Việt Nam nhỏ hơn từ 2-4 lần được xây dựng nhằm làm hư hỏng các tàu Việt Nam đủ nặng để phải sửa chữa.

Một số nhà phân tích Việt Nam đánh giá, nếu nhịp độ đâm va gây hư hỏng tàu Việt Nam tiếp tục, Việt Nam có thể không còn đủ tàu để đối phó với Trung Quốc trong vùng biển xung quanh giàn khoan.

Theo Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, ngày 3/5/2014, tàu hải cảnh Trung Quốc số 44044 đã cố tình đâm thẳng vào mạn tàu cảnh sát biển Việt Nam số 4033 làm vỡ một mảng 3 x 1m mạn tàu và hỏng hoàn toàn động cơ bên phải của tàu.

Nghiên cứu gần đây của chuyên gia Scott Bentley tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, Trung Quốc đang cố tình tấn công vào các cột tàu gắn khí tài thông tin liên lạc và các anten trên các tàu Việt Nam bằng vòi rồng. Các clip đăng tải trên Youtube đã cho thấy rõ các cột thông tin liên lạc bị quét văng ra khỏi đài chỉ huy trên các tàu Việt Nam. Điều này làm giảm khả năng liên lạc với các tàu khác và buộc các tàu này phải quay trở về cảng để sửa chữa.

Hơn nữa, những hành động đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam là vô cùng nghiêm trọng. Theo ông Scott Bentley, hầu hết các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện được trang bị pháo tàu. Cả các tàu hải cảnh và các tàu frigate của Trung Quốc đều đã cho gỡ bạt che pháo và cố ý chĩa pháo vào các tàu Việt Nam trong quá trình đối đầu hiện nay.

Việt Nam đã phản ứng thế nào trước những hành động dùng sức mạnh hàng hải hung hăng này của Trung Quốc? Chiến lược của Việt Nam đối phó với sự áp bức của Trung Quốc là gì?


Việt Nam đang duy trì sự hiện diện liên tục ở vòng ngoài của đội tàu Trung Quốc vây quanh giàn khoan. Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam hàng ngày vẫn phát loa tái khẳng định chủ quyền của mình và kêu gọi Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam. Theo Scott Bentley, Việt Nam đã cực kỳ cẩn thận và kiềm chế khi giữ kỹ các loại vũ khí hạng nhẹ của mình trong bao để cho thấy rõ rằng, Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận không hiếu chiến.

Việt Nam cũng giữ các tàu hải quân và tàu ngầm Việt Nam của mình ở cảng hoặc ở thật xa khu vực đang đối đầu hiện nay. Các quan chức Việt Nam cũng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tiến hành thảo luận, đề nghị sử dụng đường dây nóng giữa các lãnh đạo cấp cao hai bên. Ngoại trưởng Việt Nam cũng đã nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng đã có cuộc gặp mặt ngắn với đối tác Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN gần đây tại Nay Pyi Taw, Myanmar.

Trung Quốc đã từ chối tất cả các nỗ lực tiếp cận đàm phán, trao đổi của Việt Nam.

Nỗ lực ban đầu của Việt Nam đưa ra một lập trường hòa giải đã gặp khó khăn bởi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của công nhân Việt Nam tại khu công nghiệp bất ngờ trở nên bạo lực và nhằm vào các nhà máy và công nhân Trung Quốc. Chính phủ và các quan chức an ninh Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục luật pháp và trật tự, bắt giữ một số lượng lớn công nhân có liên quan đến những hành động bạo lực. Trung Quốc đã phái một số tàu và máy bay đến để sơ tán hàng ngàn công nhân. Toà án Việt Nam cũng đang đưa ra các hình phạt tù cho những kẻ chủ mưu.

Phản ứng của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu bao gồm cả việc đưa vấn đề ra ASEAN và kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Trong động thái mới, Việt Nam còn cho biết đang xem xét hành động pháp lý nhằm chống lại Trung Quốc. Hành động này có thể là một sáng kiến pháp lý độc lập hoặc Việt Nam ủng hộ Philippines tại trong vụ kiện hiện nay tại Tòa án trọng tài quốc tế.

Theo các trao đổi riêng với một số quan chức chính phủ và chuyên gia an ninh Việt Nam, Việt Nam cũng đang xây dựng một chiến lược dài hạn để răn đe để Trung Quốc không có những hành động tương tự trong tương lai. Sau đây là thảo luận nhằm nắm bắt các ý tưởng đang được bán đến, nhưng chưa phải là nội dung của bất kỳ chính sách được chính thức thông qua nào của chính phủ Việt Nam.

Nội dung cốt lõi của chiến lược đang nổi lên của Việt Nam là tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong khi nỗ lực buộc họ dời giàn khoan và các tàu hải quân khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt nam. Thay vào đó, các chiến lược gia Việt Nam tìm cách răn đe, ngăn chặn Trung Quốc có những hành động tương tự trong tương lai.

Hiện tại, Việt Nam có vẻ là đang xem xét hai chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc: tận dụng quan hệ đồng minh với Mỹ của Nhật Bản và Philippines, và trong trường hợp xung đột vũ trang thì chấp nhận “lưỡng bại câu thương”. Các quan chức Việt Nam khi trao đổi riêng tư nhấn mạnh rằng, tất cả các hoạt động thực hiện theo bất kỳ chiến lược mới nào cũng sẽ hoàn toàn minh bạch để giảm thiểu tối đa sự tính toán sai lầm của Trung Quốc.

Mục tiêu chính trong chiến lược mới nổi lên của Việt Nam không phải là đối đầu với Trung Quốc mà là để ngăn chặn Trung Quốc bằng cách tạo ra tình huống buộc Trung Quốc phải chấp nhận hiện trạng hay leo thang căng thẳng. Điều này sẽ kéo theo những rủi ro đối với Trung Quốc bởi vì quân đội Việt Nam sẽ tác chiến bên cạnh hai đồng minh của Mỹ vì các mục đích hòa bình.

Trước khi nổ ra khủng hoảng giàn khoan, Việt Nam đã đề xuất đối thoại an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Đề xuất này dường như đã nhận được phản ứng thận trọng từ phía Nhật, nhưng nó vẫn còn nằm trên bàn. Trong bối cảnh hiện nay, một thỏa thuận ba bên có thể là nơi đề ra một chiến lược đa phương nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Việt Nam đã tiếp cận Nhật Bản và Philippines trong một nỗ lực tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trên biển, kể cả cảnh sát biển và hải quân. Việt Nam hy vọng tổ chức các cuộc diễn tập huấn luyện chung và các diễn tập khác, kể cả các cuộc tuần tra chung, ở Biển Đông. Các hoạt động diễn tập này sẽ diễn ra ở xa địa điểm tranh chấp căng thẳng hiện nay. Chúng sẽ được tiến hành ngoài khơi xa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chồng lấn lên đường 9 đoạn mà Trung Quốc áp đặt.

Việt Nam cũng đang xem xét tiếp cận với Mỹ. Một đề xuất được đưa ra là tiến hành thỏa thuận hợp tác giữa cảnh sát biển hai bên. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ có thể được triển khai đến vùng biển Việt Nam để cùng diễn tập huấn luyện. Hai bên cũng có thể trao đổi các quan sát viên.

Việt Nam mới đây đã tham gia Sáng kiến Phổ biến An ninh PSI (Proliferation Security Initiative). Điều đó có thể tạo cơ hội cho Mỹ giúp đỡ Việt Nam tăng cường khả năng giám sát vùng biển trách nhiệm của mình. Trước đây, Việt Nam từng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua sắm các máy bay tuần biển của Mỹ.  Mỹ có thể triển khai một loại máy bay mà Việt Nam đang xem xét đến Việt Nam và tiến hành các chuyến bay trình diễn với các nhân viên quân sự Việt Nam trên khoang.

Ngoài ra, các máy bay tuần biển không vũ trang của Hải quân Mỹ đóng ở Philippines theo hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng hiện nay có thể được triển khai tới Việt Nam theo chế độ tạm thời. Chúng có thể thực hiện các chuyến bay giám sát biển chung với các đối tác Việt Nam. Các nhân viên quân sự Mỹ có thể bay trên các máy bay trinh sát Việt nam với tư cách các quan sát viên và ngược lại.

Các quan chức và nhà phân tích Việt Nam dự đoán hàng năm Trung Quốc sẽ có những màn diễu võ, giương oai hung hăng trên biển trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Điều đó tạo điều kiện cho Mỹ và Nhật tổ chức một loạt các cuộc diễn tập hải quân và chuyến bay giám sát biển liên tục cùng với Việt Nam ngay trước khi các lực lượng Trung Quốc đến nơi và trong suốt thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Các chi tiết của mọi hoạt động diễn tập sẽ được công khai hoàn toàn minh bạch đối với tất cả các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc.

Chiến lược gián tiếp của Việt Nam tạo điều kiện cho Mỹ thể hiện trên thực tế chính sách mà Mỹ tuyên bố là phản đối việc sử dụng đe dọa và cưỡng chế để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Chiến lược gián tiếp của Việt Nam không đòi hỏi Mỹ phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Chiến lược của Việt Nam buộc Trung Quốc phải quyết định liệu có nên mạo hiểm tấn công hay không các đội hình hỗn hợp các tàu hải quân và máy bay Việt Nam đang hoạt động phối hợp với các đồng minh của Mỹ là Philippines và Nhật Bản, hoặc với các nhân viên quân sự Mỹ.

Các lực lượng hải quân và không quân sẽ hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế. Mục đích là duy trì sự hiện diện liên tục của hải quân và không quân để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng đe dọa và cưỡng chế chống Việt Nam. Việc ngăn chặn có thể được thúc đẩy bằng cách trao đổi các kíp thủy thủ đoàn và kíp phi hành đoàn trong tất cả các cuộc diễn tập. Phạm vi và cường độ của các cuộc diễn tập có thể được thay đổi cho phù hợp với mức độ căng thẳng.

Chiến lược ngăn chặn thứ hai có thể của Việt Nam là “lưỡng bại câu thương”, chỉ áp dụng cho tình huống khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi đến mức xung đột vũ trang. Các chiến lược gia Việt Nam lập luận rằng, mục đích của chiến lược này không phải là đánh bại Trung Quốc mà là gây tổn hại đủ lớn và tạo sự bất định tâm lý khiến cho mức giá bảo hiểm Lloyd tăng vọt và các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc hoảng sợ và bỏ đi.

Theo chiến lược này, nếu xung đột vũ trang nổ ra, Việt Nam sẽ ưu tiên nhắm vào các tàu buôn và tàu chở dầu mang cờ Trung Quốc hoạt động ở khu vực cực nam Biển Đông. Việt Nam hiện có các tên lửa đường đạn bờ biển có tầm bắn bao trùm các căn cứ hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm.

Một số chiến lược gia Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng mua sắm một số lượng lớn tên lửa đường đạn đạo có khả năng tấn công Thượng Hải và thậm chí cả Hongkong. Trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang, các thành phố này và các thành phố khác có thể trở thành mục tiêu tấn công, khiến cho nền kinh tế của Trung Quốc bị đình đốn nghiêm trọng. Điều đó sẽ tác động đến toàn cầu. Các chiến lược gia Việt Nam hy vọng rằng, các đại cường sẽ can thiệp để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

Việc Việt Nam cân nhắc chiến lược gián tiếp mới là một dấu hiệu cho thấy, các quan chức và chiến lược gia Việt Nam coi những căng thẳng hiện tại thực ra là một phần của chiến lược dài hạn của Trung Quốc nhằm giành quyền bá chủ khôn chỉ ở Biển Đông mà cả ở biển Hoa Đông.

Sự hấp dẫn của chiến lược ngăn chặn gián tiếp, không hung hăng và công khai minh bạch là nó cung cấp cho Nhật Bản, Philippines và Mỹ một phương tiện ngăn chặn Trung Quốc thực hiện đường lối hiện nay.
Nam Xương