In bài này
Putin xuống thang?
Thứ Ba, 04/03/2014 - 8:34 PM
Sau khi đánh trống thu quân tập trận, Putin lập tức tổ chức họp báo tại tư dinh lần đầu tiên trình bày quan điểm của ông về tình hình ở Ukraine. Ý ông là gì?
Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo (RT)
>>Trận chiến giành Ukraine

Putin lần đầu bình luận công khai về tình hình Ukraine kể từ khi Viktor Yanukovich bị phế truất và phe đối lập chiếm quyền ở Kiev.

Ngày 4/3/2014, Tổng thống Nga Vladimit Putin đã có dấu hiệu chủ động hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine và với Mỹ, phương Tây khi hạ lệnh thu quân tập trận về doanh trại và tổ chức họp báo lần đầu tiên bình luận về tình hình Ukraine kể từ khi Viktor Yanukovich bị truất quyền.

Putin công nhận ban lãnh đạo Crimea là hợp pháp

Tổng thống Putin công nhận ông Sergei Aksenov được nghị viện Crimea bầu làm Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea là hợp pháp. Tại phiên họp của nghị viện, khi bầu Aksenov tất cả các thủ tục pháp lý đều được tuân thủ, không có vi phạm gì.

Mưu toan vũ trang chiếm nghị viện Crimea đã khiến dân chúng bán đảo lo ngại. “Chính bởi vậy mà họ đã thành lập các ủy ban tự vệ và giành lấy quyền kiểm soát tất cả các lực lượng vũ trang”, ông Putin nói.

Ông Putin nói rằng, lãnh thổ Crimea “chính là một thứ cứ điểm”, ở đây có một số lượng lớn phương tiện phòng không và gần 22.000 binh sĩ. Ông Putin bác bỏ sự dính líu của quân Nga vào việc chiếm giữ các cơ sở chiến lược ở Crimea.

Thay đổi chính quyền ở Ukraine là đảo chính vi hiến

Ông Putin gọi các sự kiện tháng 2/2014 ở Ukraine là đảo chính vi hiến và chiếm đoạt vũ trang chính quyền. Tổng thống Nga nói ông không hiểu phe đối lập Ukraine đã làm thế để làm gì. Bởi vì, lúc đó, Tổng thống Ukraine Yanukovich đã chấp nhận nhượng bộ phe đối lập khi đồng ý bầu cử tổng thống trước thời hạn và cải cách hiến pháp. Tuy nhiên, ông Yanukovich không còn cơ hội tái cử.

Tổng thống Nga không thừa nhận tính hợp pháp của ban lãnh đạo Ukraine hiện nay. Ông Yanukovich đã bị truất quyền không theo đúng trình tự phế truất quy định. Bản thân ông Yanukovich từ chối rời chức vụ vì thế xét từ góc độ luật pháp, ông vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraine.

Đảo chính vì chính quyền yếu đuối

Ông Putin coi sự yếu ớt và không vững chắc của chính quyền là nguyên nhân đảo chính ở Ukraine, “Không một chính phủ đã qua nào nghĩ đến nhu cầu của người dân”.

“Các thế hệ những chính trị giá yếu ớt đã dẫn đến việc mọi người thất vọng”, ông Putin nói và lưu ý vai trò quan trọng của những sự khác biệt về mức sống của các tầng lớp dân cư trong cuộc động loạn vừa qua, nhưng việc thay đổi chính quyền ở Ukraine “có lẽ là cần thiết, nhưng chỉ được bằng con đường hợp pháp”. Một số yêu cầu của Euromaidan là có cơ sở.

Cuộc đảo chính ở Ukraine xảy ra do tình huống hình thành từ khi công nhận độc lập của Ukraine.  Một trong những nguyên nhân bạo động đảo chính là nạn tham nhũng ở Ukraine vốn cũng xảy ra ở các nước khác thuộc Liên Xô trước đây, nhưng nghiêm trọng hơn nhiều. Mức độ tham nhũng ở nước này đã có ảnh hưởng lớn đến các sự kiện đã qua. Nhưng ông Putin cho rằng, không được khuyến khích những thay đổi bất hợp pháp ở không gian hậu Xô-viết, “nơi mà các thiết chế chính trị rất mỏng manh, kinh tế rất yếu ớt”. Ở những nước này, “cần hành động tuyệt đối hợp hiến”. Vượt ra ngoài khuôn khổ hiến định là “sai lầm cực đoan”.

Ban lãnh đạo mới của Ukraine mà ông Putin không coi là hợp pháp đã bổ nhiệm các đại doanh nhân vào các chức vụ hàng đầu.

Yanukovich hết thời

Tổng thống Nga Putin nói rằng, vị tổng thống bị mất quyền lực của Ukraine, ông Viktor Yanukovich không còn tương lai chính trị. Ông Yanukovich có thể đã bị giết chết ở Ukraine nếu như ông ta không rời khỏi đất nước. “Cái chết là thứ dễ nhất để loại trừ một vị tổng thống hợp pháp”, Putin nói. Nhưng ông Putin không coi chính quyền Ukraine hiện nay là hợp pháp và khuyên người Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp mới.

Việc từ chối ký hiệp định liên kết với EU là cái cớ cho cuộc đảo chính vi hiến. “Đây đã là cái cớ để ủng hộ các thế lực đối lập với ông ấy trong cuộc đấu tranh quyền lực”, ông Putin nói và cho biết thêm là kết quả Ukraine đã chìm vào hỗn loạn. Ông Putin cho rằng, Yanukovich không từ chối ký hiệp định liên kết mà đã đi đến kết luận rằng, văn kiện này không phù hợp với các lợi ích quốc gia của Ukraine. Ký hiệp định này sẽ dẫn đến tăng giá nhiên liệu cung cấp cho dân chúng, phá vỡ các quan hệ kinh tế với Nga và làm mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm của Ukraine.

Putin khuyên Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khuyên trong thời gian nhanh nhất tổ chức trưng cầu dân ý và thông qua hiến pháp mới. Nga sẵn sàng phát triển quan hệ thương mại và nhân đạo với Ukraine, nhưng chỉ sau khi bình thường hóa tình hình trong nước và tổ chức bầu cử tổng thống. Chính phủ Nga đã được chỉ thị nối lại tiếp xúc với Kiev ở cấp chính phủ.

Nga sẽ không thừa nhận tính hợp pháp của vị tổng thống mới của Ukraine nếu việc bầu cử diễn ra trong bầu không khí khủng bố.

Sau khi phế truất Yanukovich, phe đối lập Ukraine lên chiếm quyền và quyết định tổ chức bầu cử tổng thống bất thường vào tháng 5/2014.

Putin chưa xem xét vấn đề sáp nhập Crimea

Nga chưa xem xét khả năng sáp nhập Crimea. Ông Putin nói rằng, Moskva sẽ không kích động chủa nghĩa ly khai ở Ukraine và lưu ý rằng, chỉ người dân nước này mới có quyền quyết định số phận của các vùng lãnh thổ của mình.

Putin hiện chưa thấy cần phải đưa quân vào Ukraine

Ông Putin cũng tuyên bố rằng, hiện chưa cần thiết đưa quân Nga vào lãnh thổ Crimea hay các khu vực của Ukraine. Nhưng ông cảnh cáo, quân Nga sẽ được đưa vào Ukraine trong “trường hợp cùng quá” khi người dân cần sự bảo vệ. Việc làm đó được bảo đảm tính hợp pháp nhờ lời kêu gọi của Tổng thống hợp hiến hiện nay của Ukraine là ông Viktor Yanukovich.

Các sự kiện mấy tháng gần đây ở Ukraine, ông Putin gọi là cuộc đảo chính vi hiến và nói thêm là ông không thừa nhận tính hợp pháp của ban lãnh đạo thực tế Ukraine hiện nay.

Cuộc tập trận quy mô lớn của bộ đội các quân khu miền tây và miền trung diễn ra trong tuần qua không có liên quan đến các sự kiện ở Ukraine.

Ông Putin đã đề nghị Hội đồng Liên bang Nga cho phép đưa quân vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ công dân Nga vào ngày 1/3. Hội đồng Liên bang đã nhất trí thông qua. Khả năng đưa quân Nga vào Ukraine đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ phía nhiều nước châu Âu và Mỹ. Sau quyết định này của Hội đồng Liên bang, các nước G7 từ chối tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi. Đáp lại, Ukraine đã tuyên bố tổng động viên và đưa quân đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn phần.


Có phải lính Nga đâu?
Chiếm giữ các cơ sở chiến lược ở Crimea, quân Nga có liên quan gì đâu!

Ông Putin bác bỏ sự dính líu của Nga vào việc chiếm giữ các cơ sở chiến lược ở Crimea, những người mặc đồ rằn ri chiếm quyền kiểm soát nhiều cơ sở ở Crimea là thành viên của “các lực lượng tự vệ địa phương”.

Ông Putin nói rằng, ở Kiev các thành viên các đội tự vệ ở Kiev do những người ủng hộ chính quyền mới được huấn luyện ở Litva và Ba Lan, đồng thời lưu ý đến trang bị kỹ thuật và công tác tổ chức tốt của các đội này.

“Tại sao các vị nghĩ là ở Crimea phải kém hơn?”, Tổng thống Nga nói và nhấn mạnh rằng, Nga không tham gia gì vào việc huấn luyện các đội tự vệ ở Crimea.

Đóng băng khoản vay

Nga tạm đình hoãn việc chuyển tiền vay cho Ukraine vì các nước phương Tây đã đề nghị giúp Kiev theo chương trình chung qua kênh IMF. Nga đã sẵn sàng xem xét khả năng thực hiện các gói hỗ trợ tài chính tiếp theo.

Cuối năm ngoài, Nga đã đồng ý hỗ trợ tài chính 15 tỷ USD cho Ukraine. Kiev lẽ ra sẽ nhận được số tiền này sau khi Nga mua từng bước trái phiếu chính phủ Ukraine giao dịch tại sàn chứng khoán Ireland. Đợt đầu 3 tỷ USD đã được chuyển cho Ukraine vào tháng 12/2013. Cuối tháng 2/2014, Bộ Tài chính Nga tạm đình chỉ chuyển đợt 2 gồm 2 tỷ USD cho đến khi tình hình ở Ukraine ytrowr lại ổn định, nhưng không nói cụ thể bao giờ nối lại việc chuyển tiền.

Các thị trường căng thẳng của là do các hành động của Mỹ

Tình hình bất ổn trên các thị trường tài chính đã xuất hiện từ trước khi các sự kiện leo thang căng thẳng ở Ukraine và có liên quan trước hết đến các hành động của Cục Dư trữ liên bang Mỹ FED, ông Putin tuyên bố. Các nhà đầu ta đã bắt đầu rút tiền khỏi các thị trường phát triển sau khi FED bắt đầu ngừng các biện pháp chống khủng hoảng. Đây cũng là lý do được Ngân hàng Trung ương Nga nêu ra đẻ giải thích sự mất giá đột biến của đồng rúp so với đồng euro và đô la Mỹ vào đầu năm nay.

Tổng thống Nga nói thêm là tình hình hiện tại trên thị trường là hiện tượng nhất thời và chịu tổn thất nhiều nhất là các nước BRICS.

Các chỉ số thị trường chứng khoán Nga hôm 3/3 đã giảm mạnh hơn 10% sau khi Hội đồng Liên bang chấp thuận đề xuất của Tổng thống Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine hôm 1/3. Các nhà đầu tư lo ngại xung đột leo thang đã bắt đầu bán ra cổ phần của các công ty Nga, cũng như mua vào mạnh ngoại tệ. Kết quả là tỷ giá euro ở Nga đã tăng lên đến hơn 50 rúp, của đồng đô la Mỹ là gần 37 rúp.

Sáng 4/3, thị trường thu lại một phần thiệt hại trước đó: các chỉ số MMVB và RTS trong mấy phút đầu phiên giao dịch đã tăng khoảng 4%. Tỷ giá đồng rúp cũng mạnh lên: tỷ giá euro và đô là đã giảm đi khoảng 4 rúp; giá đồng euro đã giảm xuống dưới 50 rúp/1 euro. Tổn thất của thị trường Nga do giảm giá mạnh có thể là từ 57-72 tỷ USD.

Chơi nhau, cả hai đều thiệt

Ông Putin gọi tất cả những đe dọa đó đối với Nga là có hại và phản tác dụng. Các đối tác phương Tây của Nga đã ủng hộ cuộc đảo chính phản hiến pháp và chiếm giữ vũ trang chính quyền ở Ukraine, trong khi tất cả các hành động của Nga một khi đưa quân vào sẽ phù hợp với các chuẩn mực luật pháp quốc tế. Ông có trong tay lời kêu gọi của Tổng thống hợp pháp của Ukraine Viktor Yanukovich yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự. Ngoài ra, theo các cam kết quốc tế của mình, Nga hoàn toàn có quyền bảo vệ người dân có quan hệ chặt chẽ với Nga ở nước ngoài.

Ông Putin cũng cho biết thêm là Nga tiếp tục chuẩn bị cho Hôi nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2014 ở Sochi bất chấp đe dọa tẩy chay từ một số nước dự kiến tham gia. Trước đó, các nước G7 đã tuyên bố đình chỉ việc chuẩn bị tham dự và tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh này.

Cuộc họp báo của ông Putin nói lên điều gì? Bị Mỹ và phương Tây xúm lại đánh hội đồng về kinh tế, cô lập về chính trị, ngoại giao, ông Putin chọn các giải pháp hoãn binh, xoa dịu chiến thuật để câu giờ, ra những điều kiện mới đẩy chính quyền Ukraine hiện nay và Mỹ, phương Tây vào thế bí để tranh thủ củng cố thế trận trên thực địa Ukraine và phản kích trên chiến trường quốc tế? Hay quả thực ông không chịu nổi áp lực kinh khủng của đối phương mà phải xuống thang, phản bội và bỏ mặc những người ở Crimea và miền đông nam Ukraine kỳ vọng vào ông và nước Nga cho những kẻ cực đoan dân tộc chủ nghĩa, phát xít mới ở miền tây định đoạt số phận và qua đó đánh mất uy tín với toàn thể người dân nước Nga?

Có lẽ với tính cách và kiên định mục tiêu chiến lược của mình, ông Putin sẽ không chọn giả thiết thứ hai. Như các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã từng hô vang khi chiến đấu chống phát xít Đức trước cửa ngõ Moskva năm 1941" "Nước Nga vĩ đại, nhưng không được lùi bước, phía sau là Moskva". Ông Putin và nước Nga đang ở trong tình cảnh ấy với cuộc bạo loạn cướp chính quyền do Mỹ và phương Tây tổ chức, xúi giục ở Ukraine. 

>>Trận chiến giành Ukraine  
Nhân Vũ