In bài này
Điện thoại di động giết người
Thứ Năm, 13/02/2014 - 6:31 PM
90% các vụ tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái là dựa vào tín hiệu điện thoại di động.
Tạp chí Internet có tên Intercept đăng một bức ảnh chụp một cơ sở ít được biết đến của tình báo Mỹ, Cục Trinh sát vũ trụ quốc gia (Trevor Paglen)
Glenn Greenwald, cựu phóng viên của tờ báo Anh Guardian, một trong những tờ báo đầu tiên công khai các tài liệu của Edward Snowden, đã tham gia thành lập một site độc lập Intercept chuyên đăng tải các tài liệu cáo giác.

Bài báo đầu tiên đăng trên site này hôm 10/2 của Glenn Greenwald và phóng viên tạp chí Nation là Jeremy Scahill viết về chương trình máy bay không người lái (UAV) của Cục An ninh quốc gia NSA, Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA và Lầu Năm góc với một tin động trời mới - đó là các UAV của Mỹ tấn công bằng cách dựa vào các điện thoại di động của các phần tử khủng bố mà tình báo xác định được số máy.

Hung thần ác sát MQ-9 Reaper
Bài báo dựa trên thông tin của một nguồn tin ẩn danh, là cựu nhân viên điều khiển UAV thuộc Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt Mỹ, từng làm việc ở NSA.

Bài báo tố giác chiến thuật mà NSA đang áp dụng để xác định các mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng UAV ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Yemen và Somalia. Thông tin tình báo nhận được bằng định vị địa lý và không được con người xác minh đang dẫn đến cái chết của những người vô tội. Bởi vì CIA và Lầu Năm góc đang tấn công vào vị trí của điện thoại di động mà người ta chỉ dự đoán là của một tên khủng bố.

Một số phiến quân đã biết cách thức này nên sở hữu đến 16 simcard đính với họ tên chúng trong hệ thống định vị mục tiêu. Những tên khác không hề biết nên có thể quên điện thoại di động ở chỗ bạn bè hay người thân khiến phụ nữ và trẻ em bị nguy cơ mất mạng. Những tên trùm của Taliban có thủ đoạn đối phó rất thú vị là: khi đi đến chỗ hội họp, bỏ tất cả các simcard vào một cái túi,  di chuyển và phân phát một cách ngẫu nhiên. Do đó, tên khủng bố bị giết có thể không phải là kẻ bị Mỹ săn lùng. Những người ở gần mục tiêu, thường là các thành viên của một gia đình, cũng bị chết theo.

Như vậy, thay vì săn người, đang diễn ra việc săn điện thoại di động - điều đó xảy ra trong 90% trường hợp. Nguồn tin tố giác cho hay, cấp trên đã không lắng nghe những quan ngại của anh ta: “Hệ thống tiếp tục làm việc, bởi vì giống như trong đa số các trường hợp trong giới quân sự, những người đang sử dụng nó thường tin tưởng nó vô điều kiện”.

Những thông tin ẩn danh trên được bổ sung bằng những tiết lộ của Brandon Bryant, một nhân viên điều khiển UAV khác, đã trở thành người tố giác sau khi giết chết công dân Mỹ 16 tuổi Abdulrahman al Awlaki.
Bài báo cũng sử dụng cả các tài liệu của Snowden.

Cần nhắc lại là Snowden đã chuyển cho các phóng viên toàn bộ 1,7 triệu file dữ liệu đánh cắp và nay tuyên bố rằng, anh ta không còn ảnh hưởng gì đến quá trình đăng tải chúng. Tờ New York Times cũng cho hay, để đánh cắp tài liệu của NSA, anh ta đã sử dụng một chương trình rẻ tiền mà ai cũng tiếp cận được. Đó là một robot tìm kiếm đơn giản (web spider) mà nguyên lý hoạt động giống như một trình duyệt thông thường. Chương trình tìm kiếm các file cần thiết, đánh chỉ mục và sao chép chúng. Chính việc tự động hóa quá trình đã giúp Snowden lấy cắp được khối lượng dữ liệu khổng lồ. Trên thực tế, Snowden đã vẫn làm công việc bình thường, còn “con nhện” với các thông số tìm kiếm cho trước lặng lẽ tiến hành thu thập các tài liệu tuyệt mật.

Hoạt động của Snowden đã khiến các nhân viên NSA ngờ vực, nhưng anh ta đã khiến cho họ lơ là mất cảnh giác. Điều thú vị là Bradley Manning (nay tự xưng là Chelsea) cũng đã đánh cắp các tài liệu mật quân sự và ngoại giao theo cách đó, mà dựa vào đó đã xuất hiện site tố giác nổi tiếng WikiLeaks. Các nhân viên tình báo làm nhiệm vụ điều tra đã kết luận rằng, NSA lẽ ra đã phải phát hiện ra cuộc tấn công nội gián giản đơn nhường ấy, nhất là sau vụ Manning 3 năm trời. Các màn hình ở trụ sở NSA được trang bị các sensor dùng để báo động khi phát hiện ra “các con nhện”, nhưng ở Hawaii họ không có chúng.

Snowden bằng cách đó đã chứng minh rằng, một hệ thống bảo vệ các máy tính chứa những thông tin quân sự và tình báo quan trọng nhất của Mỹ tuy siêu tin cậy trước cuộc tấn công mạng tinh ma nhất của Nga hay Trung Quốc, nhưng lại bất lực trước một kẻ nội gián mơ mộng.

“Một khi đã lọt vào trong thì có thể làm mọi thứ ở đó giống như ở đa số các tổ chức. Nhưng điều đó không trả lời cho câu hỏi tại sao họ đã không cảnh giác hơn trước hoạt động tăng cường quá mức trong hệ thống”, ông Richard Bejtlich, chuyên gia an ninh mạng của công ty FireEye, nhân viên Viện Brooking, nói.
Trong cộng đồng tình báo Mỹ, người ta nói: Snowden hoặc là rất thông minh, hoặc là rất may mắn.


VP