In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Stig Bergling - Gián điệp nổi danh nhất Thuỵ Điển
Thứ Bẩy, 08/02/2014 - 9:23 AM
Stig Bergling bị toà án Thuỵ Điển kết án tù chung thân vì làm gián điệp cho Liên Xô, sau đó chạy thoát và tiếp đó được tình báo Liên Xô cử sang Li-băng huấn luyện các chiến binh Palestine.
Gần như trong phim hành động

“Ít có ai biết nhiều về an ninh Thuỵ Điển hơn ông ta” - với dòng chữ đó, hãng thông tấn TT của Thuỵ Điển đã bình luận tin Stig Bergling, công dân Thuỵ Điển đã bị kết án tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Liên Xô, đã trở về tổ quốc và bị bắt giữ. Bị bắt vào năm 1979, 8 năm sau, ông đã chạy trốn trong một cuộc gặp với vợ do ban quản lý nhà tù cho phép chiểu theo pháp luật hiện hành.

Sự thăng tiến của điệp viên này (hiện nay, ông 57 tuổi) trên nấc thang công danh khá khó hiểu. Sau thời gian làm trong ngành cảnh sát và làm sĩ quan cho Liên Hiệp Quốc, mặc dù có những phản đối từ phía các đồng nghiệp, ông vẫn được nhận vào Cục An ninh Thuỵ Điển SEPO với cương vị sĩ quan liên lạc với Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thuỵ Điển. Cả ở SEPO và Bộ Tổng tham mưu, ông đều có quyền tiếp cận được những tài liệu cực kỳ quan trọng, mà việc tiết lộ chúng sẽ gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho quyền lợi quốc gia của Thuỵ Điển.

Được biết Bergling làm công việc “thứ hai” của mình từ khá lâu. Các tín hiệu về hành vi đáng ngờ của ông, ban đầu do một phụ nữ quen biết củu Bergling đưa ra, nhưng đã không được xem xét một cách nghiêm túc. Sau khi Bergling bị lộ, người ta mới đặt ra những câu hỏi: Tại sao các cơ quan có thẩm quyền lại chậm trễ như vậy trong việc bắt giữ ông ta? Với tư cách những “lý do”, người ta nêu lên một số yếu tố như: gián điệp này luôn luôn gặp gỡ với các liên lạc viên ở ngoài biên giới Thuỵ Điển, không bao giờ sử dụng điện đài để truyền tin tình báo.

S. Bergling bị cảnh sát Israel bắt giữ vào tháng 3 năm 1979 tại sân bay Tel Aviv. Khi bị thẩm vấn, ông lập tức thú nhận tất cả. Tháng 12 cùng năm, ông đã bị toà án Stockholm phiên sơ thẩm tuyên án tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Liên Xô. Ông đã ngồi trong nhà giam Thuỵ Điển trong 8 năm trời ròng rã. Ban đầu, ông bị cách ly nghiêm ngặt với các tù nhân khác. Dần dần, người ta cho phép người ta đến thăm ông, ông cũng được phép ra ngoài nhà tù trong thời gian ngắn dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt. Hai lần vào năm 1985 và 1987, ông đã gửi tới toà án các cấp đơn xin ân xá nhưng đều bị bác đơn.

Trong khi gặp gỡ với người vợ Elisabeth Sandberg ở ngôi nhà ngoại ô của bà tại thị trấn Rinkebiu ở ngoại ô Stockholm vào đêm 6 tháng 10 năm 1987, hai vợ chồng ông đã chạy trốn sau khi đánh lừa được lực lượng bảo vệ. Họ sang thành phố Turku ở Phần Lan bằng phà, sau đó một thời gian ngắn, chiếc ôtô mà họ thuê đã được tìm thấy ở ngoại ô Helsinki. Những dấu vết của bản thân Bergling, dưới cái tên Eugen và họ của người vợ, đã biến mất mặc dù các cuộc truy tìm gián điệp này vẫn tiếp tục.

Đôi vợ chồng Bergling ở lại Liên Xô trong một thời gian ngắn. Có thể là những biến động xã hội ở Liên Xô và sức ép của Thuỵ Điển đã buộc họ phải chuyển sang Li-băng. Họ dừng lại ở Beirut, thành phố đã quen thuộc với Bergling từ thời ông làm sĩ quan của Liên Hiệp Quốc phục vụ tại Cận Đông. Họ chọn địa điểm này không phải là ngẫu nhiên bởi vì một phần các nhiệm vụ gián điệp được Bergling thực hiện chính tại khu vực Cận Đông, nhân đây cũng nói thêm là năm 1979, chính tại sân bay Tel Aviv, Bergling đã bị cảnh sát Israel bắt giữ.
Như vậy, Bergling và vợ đã băng qua lãnh thổ Liên Xô để đến Li-băng khi đó nằm dưới dự kiểm soát của Syria. Sau đó, Bergling được thượng cấp báo tin “đã đến lúc trở về nhà”. Không còn có sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía  Syria, sau những năm dài sống tại Li-băng, Bergling đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở về tổ quốc.

Dù sao chăng nữa, cuộc chạy trốn của Stig Bergling, cùng với vụ sát hại Thủ tướng Thuỵ Điển Olof Palme và cuộc săn tìm không kết quả các tàu ngầm,  đã trở thành một trong những sự kiện lớn lao và giật gân nhất trong lịch sử hiện đại của Thuỵ Điển. Cuộc chạy trốn của Bergling đã làm tiêu tan lòng tin đối với chính quyền tối cao.

Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đã truy nã Elisabeth Sandberg, người tham gia thực hiện cuộc chạy trốn được vạch ra và chuẩn bị rất kỹ lưỡng này. Mấy ngày sau hành động táo bạo này, tại Thuỵ Điển đã bắt đầu cuộc điều tra sơ bộ đối với E. Sandberg về việc hỗ trợ cuộc chạy trốn - một tội mà khi đó có thể bị phạt 2 năm tù. Nhưng thời hạn hiệu lực của loại tội đó là 5 năm, bởi vậy, cuộc điều tra đã bị chấm dứt ngày 1 tháng 10 năm 1992.

Công hàm phản đối gửi đại sứ Nga

Chính phủ Thuỵ Điển đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới đại sứ Liên bang Nga tại Stockholm. Thủ tướng Thuỵ Điển Carl Bildt đã loan báo tin này tại một cuộc họp báo.

Nguyên nhân của hành động ngoại giao (démarche) này là do Stig Bergling bị toà án Thuỵ Điển kết án chung thân vì tội gián điệp cho Liên Xô, sau khi chạy thoát khỏi lực lượng bảo vệ và vượt biên sang Phần Lan, sau đó có mặt tại Liên Xô, đã hoạt động như một nhân viên GRU.

Sau khi vợ chồng Bergling đến được Mariehamn, trung tâm hành chính của quần đảo Alands, một vùng tự trị thuộc Phần Lan - nơi hiện nay có lãnh sự quán Nga, -  thì người Liên Xô đã đảm nhận trách nhiệm lo cho những kẻ chạy trốn.

Theo thông báo của Bildt, “Bergling là nhân viên cơ quan tình báo quân sự Xô-viết GRU với quân hàm đại tá và ông ta đã nhận tiền của họ”.

Andres Ericsson, vị chỉ huy cơ quan cảnh sát an ninh Thuỵ Điển SEPO tham gia cuộc họp báo, đã kể các chi tiết kỹ thuật của cuộc chạy trốn của Bergling từ căn hộ của vợ ông ta tại thị trấn ven đô Rinkebiu vào tháng 10/1987. Trên hai chiếc ôtô, họ đã đến cảng Grisslehamn và từ đó đi phà sang Mariehamn nơi họ liên lạc với các đại diện của toà tổng lãnh sự Liên Xô.

Sau đó, họ đã lọt vào sứ quán Liên Xô tại Helsinki, ở đó họ được xếp nhà ở. Họ sống tại căn hộ này từ ngày 7 tới ngày 10 tháng 10 năm 1987, trong khi các nhân viên GRU đang chuẩn bị  cho cuộc trốn chạy của họ. Biên giới chạy ngang qua khu vực Vyborg, còn chính Bergling thì phải nằm trốn trong khoang hành lý xe ôtô khi vượt biên giới. Sau đó, hai vợ chồng đi qua Leningrad về Moskva và ở đây cho đến năm 1988. Sau thời gian này, chính Bergling cho biết, ông được huấn luyện để đảm nhiệm những nhiệm vụ mới, được cử sang Budapest và năm 1989 đã trở về thủ đô Liên Xô.

Từ thời điểm này đã bắt đầu tích cực chuẩn bị cho chuyến du hành của cặp vợ chồng gián điệp sang Li-băng, cả hai đặt chân đến đó ngày 24 tháng 11 năm 1990. Trong thời gian sống ở đó, vợ chồng Bergling thực hiện các nhiệm vụ của GRU. Nhưng sau đó, người vợ của “siêu gián điệp” bắt đầu cảm thấy nhớ nhà, nên họ bắt đầu chuẩn bị cho chuyến về nước, họ đã sang đảo Sip và từ đó trở về Thuỵ Điển.

Chính phủ Thuỵ Điển, Thủ tướng Bildt tuyên bố với các phóng viên, ông tin chắc là tất cả những điều Bergling khai là sự thật. Trường hợp này cho thấy rằng, “Các cơ cấu của thời đại cũ và lối tư duy cũ vẫn tiếp tục sống ở nước Nga. Đáng lẽ họ nên thừa nhận về điều đã xảy ra với lối tư duy dân chủ. Khi đó, sẽ chẳng có nguy hiểm nào đối với mối quan hệ hữu nghị giữa Thuỵ Điển với nước Nga mới”.

Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển Lars-Åke Nilsson, tại cuộc họp báo, đã xem sự kiện Bergling tiếp tục phục vụ cho người Nga, kể cả sau khi Liên Xô tan rã, là khá nghiêm trọng. Yếu tố này cùng với việc Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển không nhận được lời giải thích cho rất nhiều yêu cầu của mình đã là nguyên nhân của của việc phản đối chính thức. L-Å. Nilsson đã thông báo là Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển đã thay đổi quyết định đã được thông qua của mình về việc cấp visa vào Thuỵ Điển cho trợ lý Tuỳ viên quân sự Nga tại Đại sứ quán Liên bang Nga ở Thuỵ Điển. “Chúng tôi cũng yêu cầu ngài đại sứ để các hoạt động của Nga ở Thuỵ Điển mang tính chất văn minh hơn”.

Cuộc chạy trốn của Bergling đã làm gãy đổ đường công danh của nhiều quan chức tai to mặt lớn, còn Bộ trưởng Tư pháp Thuỵ Điển khi đó Sten Wickbom đã phải từ chức. Vậy mà bây giờ là sự trở về của tên gián điệp được cho là kẻ gây tổn thất lớn nhất cho nền an ninh Thuỵ Điển. Cái gì là nguyên nhân cho bước đi như vậy? Có lẽ, mong ước được gặp mặt bà mẹ già đang sống qua ngày tại nhà dưỡng lão ở thành phố Falun chăng? Tháng 12 năm 1994, bà đã xấp xỉ 90 tuổi. Bản thân bà mẹ, như lời khẳng định của các nhân viên nhà dưỡng lão, không bao giờ nhắc tới con trai và không nói chuyện về anh ta.

Những chuyện bịa đặt thêm thắt

Stig Bergling bị toà án Thuỵ Điển kết án tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Liên Xô, sau đó chạy thoát khỏi lính gác và tiếp đó, như khẳng định của chính quyền Thuỵ Điển, được tình báo Liên Xô cử sang Li-băng để huấn luyện các chiến binh Palestine sử dụng kỹ thuật quân sự do Liên Xô sản xuất, tờ báo Thuỵ Điển Experessen viết.

Nhóm khủng bố này, như tờ báo viết, đã tách khỏi Tổ chức Giải phóng Palestine PLO và do Ahmed Jibril cầm đầu này, đang bị buộc tội dính líu vào vụ tai nạn của máy bay chở khách của hãng Pan America Mỹ trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988. Trong số các học trò của Bergling, tờ Expressen viết tiếp, có cả các thành viên của một tổ chức khủng bố do Abu Nidal cầm đầu, cũng như các thành viên định cư ở Cận Đông của tổ chức Quân đội Cộng hoà Ireland IRA, của nhóm Action directe của Pháp và Baader-Meinhof của Đức. Trại mà Bergling huấn luyện nằm cách Beirut 50 km, trong thung lũng Bekaa, trên phần lãnh thổ Li-băng do Syria kiểm soát.

Tất cả những dữ liệu này được nhà báo Peter Kadhammar nhận được từ một người đồng nghiệp Li-băng muốn giấu tên, có mối quan hệ rộng rãi, kể cả trong giới chức an ninh Li-băng. Nhà báo Thuỵ Điển này đã được kể về mảnh giấy trong đó có đề cập đến một “nhân vật Thuỵ Điển” làm việc cho người Nga. Người Thuỵ Điển mà tên không được nêu rõ trong mẩu giấy này là một người trong “nhóm chuyên gia quân sự”, dưới sự kiểm soát của Syria, đã tham gia huấn luyện các nhóm khủng bố sử dụng kỹ thuật quân sự.

Vậy tại sao nhà báo này lại cả quyết người được đề cập trong mảnh giấy đó chính là Bergling? Trong mảnh giấy có nói rằng, “người Thuỵ Điển” thường gặp gỡ vị chỉ huy Nga của mình ở Beirut, tại nhà hàng Mandarin đối diện với trung tâm văn hoá Nga tại thủ đô Li-băng và chỉ cách sứ quán Liên Xô trước đây và nay là sứ quán Nga vẻn vẹn có 3 khu phố. Nhà báo Thuỵ Điển đã tới thăm nhà hàng này và đưa cho nhân viên nhà hàng xem ảnh của Bergling. Người đầu bếp nói chưa bao giờ trông thấy người này, còn anh hầu bàn Abdullah Djabil thì trái lại đã nói là anh ta biết rất rõ người đó. Cả chủ nhà hàng Khalaf Harib cũng nói: “Ông ta chỉ mới ở đây một tháng trước đây và cùng ăn với bạn mình”.

Việc huấn luyện các chiến binh tại trại ở ngoại ô Beirut đã bị chấm dứt năm  1993. Nhưng nếu vậy thì Bergling đã làm gì trong một năm trời cho đến khi trở về Thuỵ Điển, nếu quả thực ông ta làm giáo viên quân sự?

Tóm lại, vụ Bergling bắt đầu có thêm ngày càng nhiều chi tiết. Bản thân “siêu điệp viên” cũng thật sự lo lắng và sợ là mình sẽ bị buộc nhiều tội mà ông ta chẳng hề có liên quan.

Chu Hà