In bài này
Chuyên gia lật đổ McFaul tháo chạy
Thứ Tư, 05/02/2014 - 8:16 PM
"Chuyên gia về dân chủ, về các phong trào chống độc tài và cách mạng", Michael McFaul, vị đại sứ Mỹ tại Nga tồi nhất trong lịch sử sắp từ nhiệm.
Đại sứ Michael McFaul rời trụ sở Bộ Ngoại giao Nga sau khi bị triệu tập sau vụ bắt giữ điệp viên CIA Ray Christian Fogle
Michael McFaul sắp rời khỏi cương vị đại sứ Mỹ tại Nga. Về cơ bản, đây chẳng phải là cái gì quá khác thường vì McFaul là vị đại sứ Mỹ thứ 5 kể từ đầu thế kỷ XXI. Nhưng vị giáo sư sắp trở lại Stanford này có một đặc điểm quan trọng: ông là vị đại sứ bê bối và kém cỏi nhất trong lịch sử quan hệ Nga-Mỹ đương đại. Chính vì thế ông đã chỉ giữ chức đại sứ hơn 2 năm một chút.

Chỉ ba tháng trước, bản thân McFaul còn bác bỏ thông tin xuất hiện khi đó nói rằng, sau năm mới, ông ta sẽ rời Spaso House (Đại sứ quán Mỹ tại Moskva). Ông đại sứ đã gọi những thông tin này là không đúng, còn giới thân cận của ông ta nói rằng, đây là sự khiêu khích nhằm thúc đẩy McFaul đi đến quyết định đó. Nay phát giác ra là tất cả đều là sự thật.

“Ngay sau Olympics, tôi dự định trở về với gia đình ở California, đại sứ Mỹ viết trên blog của mình hôm thứ ba, 4/2/2014. - Sau hơn 5 năm làm việc trong chính quyền Tổng thống Obama, đã đến lúc trở về nhà”. Tức là McFaul không chỉ rời khỏi chức vụ đại sứ mà còn ngừng làm việc trong chính quyền Washington, nơi ông ta làm việc chính thức từ năm 2009. Còn với Obama ông ta đã bắt đầu làm việc còn sớm hơn nữa - với tư cách chuyên gia tư vấn, ông ta đã cùng làm với Obama từ khi đã rõ là vị thượng nghị sĩ Chicago đang được hậu thuẫn để trở thành tổng thống.

Mặc dù McFaul cũng viết rằng, ông tya sẽ tiếp tục làm một số dự án cho Obama và chính quyền của ông ta, nhưng nhìn chung có thể nói đến việc chấm dứt “kế hoạch 5 năm của McFaul” trong quan hệ Nga-Mỹ. Trong 5 năm nhiệm kỳ tổng thống của Obama, McFaul có ba năm làm trợ lý đặc biệt của Obama về các vấn đề an ninh quốc gia và Vụ trưởng Vụ Nga và Á Âu trực thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, hai năm làm đại sứ, nên thực tế, ông ta đã là chuyên gia chủ yếu của Tổng thống Mỹ về nước Nga. Nay ông ta sắp trở lại Đại học tổng hợp Stanford, nơi ông ta đã bỏ lại vị trí giáo sư chính trị học.

Tuy nhiên, McFaul từ lâu đã không phải là chuyên gia chính trị học và chuyên gia về quan hệ quốc tế (chuyên ngành học tại Oxford của ông ta), mà cũng chẳng phải là nhà ngoại giao. Đây là một chuyên gia về Nga điển hình ở ý nghĩa mà tình báo Mỹ luôn đưa vào khái niệm này. McFaul, lần đầu đến Liên Xô khi còn là sinh viên 20 tuổi vào năm 1983 và từ đó đã thực tập và làm việc ở Nga trong thời gian dài ở các cương vị khác nhau, một lần đã thú nhận là không thể đọc thuộc thơ Pushkin: “Đa số các chuyên gia về Nga là nhà ngoại giao, chuyên gia về an ninh, kiểm soát vũ khí. Hoặc là về văn hóa Nga. Tôi không phải là người này, cũng chẳng phải là người kia. Tôi không thể trích dẫn thuộc lòng Pushkin. Tôi là chuyên gia về dân chủ, về các phong trào chống độc tài, về các cuộc cách mạng”.

McFaul nói những lời này vào tháng 5/2011 khi biết rằng, Barack Obama dự định bổ nhiệm ông ta làm đại sứ ở Moskva. Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc đề cứ McFaul vào giữa tháng 9/2011, nhưng mãi vào giữa tháng 1/2012, McFaul mới đến Nga. Và về nguyên tắc, sau vài ngày, đã có thể mạnh dạn triệu hồi ông ta trở về  - ông ta đã bắt đầu công việc của mình quá “thành công”.

Mới chỉ kịp đưa đến Bộ Ngoại giao Nga bản sao các giấy tờ ủy nhiệm và chưa chờ trao chúng cho Tổng thống Nga Medvedev (diễn ra vào ngày 22/2), McFaul ngay hôm sau, 17/1/2012, đã tổ chức tại đại sứ quán cuộc gặp với các đại diện phe đối lập cực đoan Nga vốn đang tổ chức biểu tình ở quảng trường Bolotnaya với mục đích chính là ngăn cản Vladimir Putin tái cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 3/2012. Cuộc gặp này dĩ nhiên bị chính quyền Nga coi là sự can thiệp vào công việc nội bộ, còn cái tên McFaul, người mà các thủ lĩnh biểu tình tới tấm đến xin chỉ thị, lập tức trở thành danh từ chung.

Người ta lập tức nhớ lại cả tiểu sử của ông ta và việc ông ta đã lập các quỹ và trung tâm ở Nga vào đầu những năm 1990 như thế nào (chẳng hạn, ông ta là quan chức đầu tiên của Viện Dân chủ quốc gia, làm việc ở Trung tâm Carnegie), và những tổ chức nghiên cứu này có quan hệ với Bộ Ngoại giao và CIA Mỹ như thế nào.

Có khi chỉ cần nhớ lại những ngôn từ của chính ông ta. Ví dụ, việc ông ta nói với tờ Washington Post vào tháng 12/2004 về “cách mạng cam” ở Ukraine, khi trả lời câu hỏi của chính mình “Người Mỹ có đã can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine không?”: “Đúng, các điệp viên ảnh hưởng của Mỹ sẽ thích những từ ngữ khác để miêu tả hoạt động của mình - đó là hỗ trợ dân chủ, xúc tiến dân chủ, ủng hộ xã hội dân sự..., nhưng dù công việc này được gọi là gì đi nữa thì nó vẫn là hướng đến những thay đổi chính trị ở Ukraine”.

Ông Putin thì ngay cả không có cuộc gặp với các phần tử chống đối thái độ với McFaul cũng chẳng chào đón lắm – bởi lẽ ở Moskva người ta nhớ rằng, vị đại sứ tương lai từ năm 2007 khi bình luận phát biểu của Putin ở Munich đã gọi ông là “nhà lãnh đạo hoang tưởng”. Vì thế bản thân việc bổ nhiệm McFaul đã là tín hiệu và thách thức đối với ông Putin - và việc tiếp tục đường lối ủng hộ và kích động các hoạt động chống Putin trong đời sống chính trị nội địa Nga mà Phó Tổng thống Mỹ Biden nêu ra vào tháng 3/2011 khi tuyên bố với các phần tử đối lập Nga rằng, nước Nga đã mệt mỏi vì Putin và việc ông trở lại ghế tổng thống sẽ dẫn đến những sự kiện giống như “mùa xuân Arab”.

Họ tên của tân đại sứ Mỹ tại Nga có nghĩa là Washington không che giấu kỹ các kế hoạch của họ: khi chủ trì cho McFaul tuyên thệ vào đầu tháng 1/2012, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã liên hệ việc bổ nhiệm ông ta với việc “những tháng tới sẽ có ý nghĩa then chốt đối với nền dân chủ ở Nga”.

Người Mỹ cho đến tận cùng vẫn mong ngăn chặn được Putin trở lại Điện Kremlin, còn khi không thể làm được và thấy là McFaul phải làm một nhà ngoại giao, chứ không phải là chuyên gia chỉ đạo hoạt động xã hội dân sự (tức là các chiến dịch lật đổ), không ai trong chính quyền Nga còn có sự tôn trọng cần thiết đối với đại sứ Mỹ. Mà ngay cả bản thân McFaul vẫn tiếp tục hành xử phi ngoại giao, chẳng hạn, khi phát biểu trước các sinh viên Trường Kinh tế (VShE) vào tháng 5/2012, ông ta nói rằng, Nga đã mua chuộc Kyrgyzstan để họ đuổi Mỹ khỏi căn cứ không quân Manas và nói thêm rằng, hồi đó Mỹ cũng “đề nghị khoản hối lộ, nhưng ít hơn 10 lần”. Những phát biểu này đã bị Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích gay gắt và lưu ý là đây không phải là lần đầu tiên những lời nói của vị đại sứ gây nên sự bối rối.

Trong một thời gian ngắn làm việc ở Moskva, McFaul đã trải qua không ít chuyện khó chịu – đó là cả vụ bắt giữ nhân viên CIA Christian Fogle hoạt động dưới bình phong sứ quán ở cấp bí thư thứ ba Phòng Chính trị, cả việc thông qua “luật Magnitsky”, cả vụ chạy trốn của Edward Snowden. Cũng trong thời gian này, nhóm công tác McFaul-Surkov thành lập từ năm 2009 trong khuôn khổ ủy ban tổng thống về hỗ trợ xã hội dân sự đã chấm dứt hoạt động.

Cả thuật ngữ “tái khởi động” mà McFaul được cho là tác giả cũng chìm vào quá khứ. Mặc dù Biden là người đầu tiên nói đến sự cần thiết của “tái khởi động”, còn việc giới thiệu công khai “nút bấm đỏ” in chữ tương ứng được bà Clinton và Lavrov thực hiện vào tháng 3/2009. Điều có ý nghĩa tượng trưng là người Mỹ (tức là chính McFaul với tư cách chuyên gia chính về Nga ở Nhà Trắng trong những năm đó) đã không thể dịch chính xác từ “reset” sang tiếng Nga nên đã viết là “peregruzka” (nghĩa là “quá tải”). Kết quả là trong những năm đó, trong quan hệ Nga-Mỹ, tất cả đã diễn ra - cho nên thậm chí đã có nghi ngờ rằng, đó là biểu hiện của sự không chuyên hay sai sót kiểu Freud.

Khi kể về lần thực tập tiếp theo ở Liên Xô vào cuối những năm 1980 (hồi đó, ông ta nghiên cứu sự đối đầu Mỹ-Xô ở các nước miền nam châu Phi - trong những năm đó, ông Igor Sechin, nay là chủ tịch hãng dầu mỏ nhà nước Rosneft, làm việc ở Angola), McFaul nhớ lại một nữ phần tử bất đồng chính kiến quen biết đã nói với ông ta hồi đó vốn “nhân vật chống cộng và bài Xô” điên cuồng đại ý là anh đang lo chuyện những nhà cách mạng châu Phi khi mà những nhà cách mạng chân chính nhất đang ở chỗ chúng tôi, ở Nga: “Cô ta đã giới thiệu tôi với một số nhà cách mạng chống cộng mà nói thật ra thì hồi đó có vẻ khá là điên”. Đó là những thành viên của “Nước Nga dân chủ” - Arkady Murashev, Yevgeny Savostyanov, Mikhail Shneider, Viktor Dmitriev, cũng như Gavriil Popov.

McFaul đã giúp họ liên lạc với các quỹ phương Tây. “Nhiều trong số các bạn của tôi sau khi Liên Xô sụp đổ đã trở thành các quan chức cao cấp, và điều đó ở góc độ nào đó đã “hút” tôi đến nước Nga trong thập kỷ tiếp theo. Và kể từ đó, các mối quan hệ của tôi vẫn còn”, McFaul thừa nhận và nhấn mạnh rằng, ông ta “đã phân tích và thực hành xúc tiến dân chủ” trong 20 năm gần đây.

Dù vị giáo sư thực hành nói gì chăng nữa thì nếu trong những năm 1990, Mỹ đã có thể tiến hành trực tiếp “xuất khẩu dân chủ” sang Nga thì trong những năm 2000, họ đã bắt đầu ngụy trang chính sách này dưới cái vỏ làm việc với xã hội dân sự, ủng hộ các lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Khi đến Moskva vào tháng 1/2012, McFaul hy vọng rằng, ông ta sẽ có thể đắm mình vào không khí thời trẻ và sẽ phát hiện ra ở đây những nhà cách mạng “khá điện” như thế mà ông ta có thể giúp đỡ lên nắm quyền. Nhưng mặc dù khả năng của người Mỹ ở Nga trong ¼ thế kỷ qua đã tăng hàng chục lần, cỗ máy thời gian ở Spaso House đã không hoạt động. Không chỉ vì Putin không phải là Gorbachev, mà còn vì người Nga đã có đủ kinh nghiệm để phân biệt các đối tác với “các chuyên gia về dân chủ, về các phong trào chống độc tài và cách mạng”.

Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Nga là John Quincy Adams, đảm nhiệm cương vị dưới thời sa hoàng Aleksandr I trong thời gian Chiến tranh vệ quốc 1812 lẫn trong thời gian cuộc hành binh của quân đội Nga sang châu Âu và vào tháng 12 năm nay sẽ tròn 200 năm kết thúc nhiệm kỳ của ông ở St. Petersburg. Chờ đón ông ở nhà là đường công danh rộng mở - ngoại trưởng, sau đó là tổng thống. Tất nhiên là McFaul sẽ không lặp lại con đường của ông ấy, nhưng điều chủ yếu là ở Washington người ta đã hiểu: không cần cử thêm các chuyên gia về xúc tiến dân chủ, các giáo sư mặc thường phục mà do kinh nghiệm sống của mình vẫn tiếp tục coi nước Nga là đối tượng để thao túng. Kinh nghiệm làm việc của McFaul là bằng chứng nhãn tiền của sự vô nghĩa hoàn toàn của cách làm đó - làm “cách mạng” cũng không được, làm ngoại giao cũng không xong. Nếu như Mỹ muốn quan hệ bình đẳng thì hãy gửi đến các nhà ngoại giao.
Bảo Chương