In bài này
Myanmar thực sự sẽ mua tàu ngầm?
Thứ Bẩy, 01/02/2014 - 11:49 AM
Trong 6 tháng qua, báo chí và các trang web chuyên ngành liên tục đưa tin nói rằng, Myanmar đang xây dựng tiềm lực tàu ngầm.
Nếu điều này là đúng, nó sẽ có tác động lớn không chỉ đối với Myanmar và khu vực, mà cả đối với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, những câu chuyện không kém ấn tượng về Myanmar từng xuất hiện trong quá khứ, chỉ là đánh lạc hướng hoặc tin giả.

Đây không phải là lần đầu tiên Myanmar có liên quan đến việc mua bán tàu ngầm. Vào năm 2003, có tin chính phủ quân sự nước này đã đàm phán với Bắc Triều Tiên về việc mua 1 hoặc 2 tàu ngầm nhỏ. Các lớp tàu ngầm Yugo 110 tấn và Sang-O 370 tấn đã được đề cập. Mặc dù cả hai thiết kế này đều có những hạn chế, sự quan tâm của Myanmar đối với các tàu ngầm này được cho là phản ánh mong muốn giám sát lãnh hải của họ và giúp răn đe xâm lược.

Theo Jane’s Defence Weekly (JDW), Myanmar cuối cùng đã chọn mua 1 tàu ngầm lớp Sang-O, nhưng buộc phải từ bỏ thương vụ này vào cuối năm 2002. Có ý kiến cho rằng, dự án đã bị đình chỉ do giá của tàu, và có lẽ do lãnh đạo quân sự Myanamar hiểu ra một cách muộn màng những khó khăn kỹ thuật trong việc duy trì tàu ngầm hoạt động đầy đủ.

Những tin tức này chưa bao giờ được xác nhận, nhưng những diễn biến khác đã khiến chúng có vẻ đáng tin. Ví dụ, sau cuộc nổi dậy năm 1988, chính phủ quân sự mới của Myanmar đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa và tăng cường quân đội, bao gồm một chương trình trang bị lại cho hải quân. Năm 1999, có tin các sĩ quan hải quân Myanmar đã được “huấn luyện tàu ngầm” ở Pakistan.

Một việc có liên quan khác là trong những năm 1990, Myanmar bắt đầu mở rộng mối quan hệ quốc phòng với Bắc Triều Tiên. Nếu các vị tướng Myanmar quan tâm đến việc mua các loại vũ khí khác từ Bình Nhưỡng, có thể gồm tên lửa đường đạn, vì vậy theo logic, thì tại sao đó không phải là một vài tàu ngầm? Nếu Bắc Triều Tiên đã chuẩn bị để bán tàu ngầm lớp Yugo cho Việt Nam (điều họ đã làm vào năm 1997), thì tại sao họ không lại không bán cho Myanmar?

Trong thập kỷ sau đó, Hải quân Myanmar đã mua một số tàu mới, một số được trang bị các hệ thống vũ khí chống ngầm, nhưng trọng tâm rõ ràng là tác chiến chống tàu mặt nước. Tuyên bố của một nhóm nhà hoạt động trong năm 2010 nói rằng, Ấn Độ đã huấn luyện thủy thủ Myanmar trên một tàu ngầm lớp Foxtrot, và Naypyidaw đang xem xét việc mua 2 tàu lớp Foxtrot từ Nga là không thể xác minh.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Nga vào tháng 6/2013, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing được cho là đã bắt đầu hội đàm về việc mua 2 tàu ngầm diesel 3.000 tấn lớp Kilo. Có tin ông đã bí mật thăm xưởng đóng tàu hải quân ở St. Petersburg. Một số nhà bình luận đã nói rằng, Myanmar hy vọng sẽ thành lập lực lượng tàu ngầm vào năm 2015.

Myanmar được là đã chọn tàu ngầm Kilo của Nga thay vì các tàu Agosta-70 lỗi thời của Pakistan. Tháng 4/2013, khoảng 20 sĩ quan hải quân và thủy binh Myanmar đã bắt đầu khóa học làm quen tàu ngầm cơ bản và huấn luyện ở Pakistan, có thể là ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm PNS Bahadur. Điều đó đã khiến JDW đoán rằng, “Myanmar đang có những bước đi cụ thể cuối cùng tiến tới phát triển một năng lực tàu ngầm”.

Các thông tin này nêu lên một số vấn đề cần được xem xét.

Một là, không hề có thông báo chính thức cả của Nga hay Myanmar  về một thương vụ Kilo có thể xảy ra. Đây không phải là bất thường, nhưng nó tạo đất cho những tin tức chưa được xác nhận trên báo chí và trang web. Hầu hết các nguồn tin này chỉ đơn giản là đưa lại những thông tin trước đó mà không nêu nguồn hoặc cung cấp bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào. Quả thật là rất khó để xác định câu chuyện bắt nguồn từ đâu.
Hai là, dường như các nước khác không hề có phản ứng đối với những tin tức này, điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính chính xác của chúng. Trong hoàn cảnh bình thường, có thể dự kiến việc Myanmar có thể mua tàu ngầm sẽ thúc đẩy xuất hiện những bình luận  ít nhất từ các nước láng giềng, chứ chưa nói đến các cường quốc có quan tâm như Anh và Mỹ.

Ba là, quân đội Myanmar lớn hơn nhiều, cân bằng hơn, được trang bị tốt hơn và có sức mạnh hơn nhiều so với năm 1988. Họ cũng đã phát triển một loạt học thuyết chiến tranh thông thường hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, họ vẫn còn có những vấn đề nghiêm trọng và rất khó hình dung Myanmar có thể phát triển một lực lượng tàu ngầm có sức sống trong tương lai gần, chứ chưa nói đến vào năm 2015.

Hai trở ngại lớn sẽ là thiếu nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn.
Lĩnh vực quốc phòng của Myanmar nhận được khoảng 14 % ngân sách nhà nước chính thức, nhưng khoản phân bổ này có thể bị cắt giảm. Thậm chí nếu ngân sách quốc phòng không bị cắt giảm, thì một lực lượng tàu ngầm sẽ gây ra căng thẳng lớn cho ngân sách quân sự Myanmar. Ngoài ra, tác chiến tàu ngầm có tính chuyên môn cao, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, các cơ sở bảo đảm riêng và nhân lực có đào tạo. Không có dấu hiệu nào cho thấy hạ tầng này đã được phát triển.

Các quốc gia khác có thể giúp đỡ ở một số trong các lĩnh vực này, nhưng ngay cả các lực lượng hải quân hiện đại ở các nước phát triển cũng coi những thách thức như vậy là khó vượt qua.

Vấn đề này cũng đặt ra những câu hỏi về các ưu tiên của chính phủ và mối quan hệ giữa Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Min Aung Hlaing, người đã nhấn mạnh Myanmar cần một quân đội “hùng mạnh, được hiện đại hóa và yêu nước”. Tổng thống Thein Sein đồng ý, nhưng lĩnh vực quốc phòng vẫn còn phải cạnh tranh để chia xẻ các nguồn lực hạn chế so với nhu cầu của chương trình cải cách diện rộng của chính phủ và các nhu cầu bức xúc của danh mục những đầu tư khác.

Việc mua 1 hoặc 2 tàu ngầm cũng sẽ có tác động đối với quan hệ đối ngoại của Myanmar.

Một số lực lượng hải quân Đông Nam Á đã hoặc đang mua tàu ngầm thông thường. Sau tranh chấp trên biển gần đây với Myanmar, Bangladesh dự định mua 2 tàu ngầm Trung Quốc. Nói đến “một cuộc chạy đua vũ trang dưới mặt nước” có thể còn quá sớm, nhưng những diễn biến này không nghi ngờ gì nữa đã thu hút sự chú ý của Naypyidaw. Môi trường chiến lược của Myanmar đang thay đổi.

Mỹ và Anh đang thúc đẩy phát triển quan hệ quân sự với quân đội Myanmar. Australia vừa bổ nhiệm một tùy viên quốc phòng đến Rangoon, và Hải quân Hoàng gia Australia đã thực hiện chuyến thăm ghé cảng đầu tiên đến Myanmar kể từ năm 1959. Bất chấp hoạt động ngoại giao hải quân gần đây của Myanmar, những nước này và các quốc gia khác khó lòng chào đón những tin tức nói rằng Naypyidaw đang tìm cách sở hữu một lực lượng triển khai sức mạnh đắt tiền và có khả năng gây mất ổn định.

Các nhà phân tích chiến lược thường thấy Myanmar là quốc gia khó hiểu. Ví dụ, người ta đã đinh ninh là Trung Quốc có một căn cứ quân sự lớn ở Myanmar. Điều này sau đó được chứng minh là sai. Tương tự như vậy, người ta đưa tin rộng rãi là Myanmar đã trên đường tiến tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 2014. Điều này đã không bao giờ là một viễn cảnh thực tế. Tin đồn rằng, Naypyidaw đang tìm cách có được tên lửa đường đạn đạo thoạt tiên dấy lên những hoài nghi, nhưng nay có vẻ là được khẳng định là đúng.

Với tất cả những yếu tố này, những tin tức về một vụ mua bán tàu ngầm bí mật cần được xem xét cẩn thận. Myanmar luôn có khả năng tạo bất ngờ cho các nhà quan sát, nhưng cho đến khi có bằng chứng cuối cùng về một chương trình tàu ngầm có thực, hoặc sự chứng thực việc mua tàu ngầm từ một nguồn chính thức có uy tín, ta cần có sự thận trọng nào đó.

PM