In bài này
Thương vụ Rafale: Ấn Độ mắc lỡm
Thứ Năm, 30/01/2014 - 1:44 PM
Giá tiêm kích Rafale của Pháp bán cho Ấn Độ tăng gấp đôi.
Giá trị hợp đồng tăng có nghĩa là Ấn Độ sẽ tốn không dưới 28-30 tỷ USD để mua 126 chiếc Rafale. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói: “Trị giá hợp đồng đang vượt tầm kiểm soát, điều đó làm chúng tôi lo lắng”. Vài tháng nữa, ở Ấn Độ sẽ diễn ra tổng tuyển cử bầu các cơ quan chính quyền.

Năm 2007, trị giá cuộc thầu được công bố là 12 tỷ USD, vào tháng 1/2012, đã tăng lên đến 18 tỷ USD. Theo điều kiện thầu, 18 chiếc sẽ mua từ Pháp, 108 chiếc còn lại sẽ lắp ráp theo giấy phép tại nhà máy ở Bangalore.
Không quân Ấn Độ (IAF) coi Rafale là lực lượng chiến đấu chủ lực trong vòng 40 năm tới.
“Cơ hội ký hợp đồng đang tan biến, mà chúng tôi không có phương án khác để thay thế các tiêm kích lỗi thời”, một nguồn tin khác nói.

Tiêm kích thứ hai lọt vào vòng cuối cuộc thầu năm 2012 là Eurofighter Typhoon có giá công bố 80-85 triệu USD.
Dự đấu thầu còn có MiG-35 của RSK MiG/Nga, Gripen của SAAB/Thụy Điển, F/A-18 của Boeing và F-16 của Lockheed Martin đều của Mỹ.

Theo một số thông tin, ở giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, kết quả tốt nhất trong 6 loại máy bay thuộc về chính MiG-35. Các tiêm kích còn lại gặp vấn đề khởi động động cơ trong không khí loãng ở căn cứ không quân nơi tiến hành thử nghiệm.
IAF lẽ ra có thể tuyên bố MiG-35 giành thắng lợi trong thử nghiệm, nhưng thay vào đó, họ lại yêu cầu các nhà sản xuất có một số thay đổi trong cấu trúc hệ thống nhiên liệu của các máy bay. Kết quả là tiêm kích đa năng thế hệ 4 Rafale của Pháp đã thắng thầu.

Trước đó, có tin Ấn Độ đã từ chối MiG-35 do nhược điểm của radar khi nó không thể bắt mục tiêu ở các dải công bố và động cơ có tính năng không phù hợp với các tiêu chí hiệu quả đặt ra.

RSK MiG đã sẵn sàng cải tiến MiG-35, nhưng các lập luận của họ không được lưu ý.

Các tiêm kích MiG-21 nhận vào trang bị vào năm 1963 Ấn Độ dự định sử dụng đến năm 2025.

PM