In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Tình báo viên lỗi lạc, nhà khoa học tài năng
Thứ Tư, 29/01/2014 - 1:38 PM
I. R. Grigulevich (5.5.1913-2.6.1988) là tình báo viên bất hợp pháp lỗi lạc của Liên Xô trong những năm 1930-1940, từng làm đại sứ Costa Rica ở Rome kiêm nhiệm Nam Tư, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Mỹ Latinh, Công giáo La Mã và tôn giáo, tín ngưỡng phi truyền thống.
Iosif Romualdovich Grigulevich (5.5.1913-2.6.1988), tình báo viên, nhà khoa học, nhà văn Liên Xô
>> Iosif Grigulevich: Từ tình báo viên trở thành viện sĩ thông tấn

Iosif Romualdovich Grigulevich (5.5.1913-2.6.1988) là tình báo viên bất hợp pháp lỗi lạc của Liên Xô trong những năm 1930-1940, từng làm đại sứ Costa Rica ở Rome kiêm nhiệm Nam Tư, nhà nghiên cứu về dân tộc ký và lịch sử Mỹ Latinh và Công giáo La Mã, tôn giáo và tín ngưỡng phi truyền thống viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Tổng biên tập tạp chí Khoa học xã hội đương đại và đã xuất bản nhiều sách, bài báo về các vấn đề Mỹ Latinh.

Chỉ tên ông đủ buộc người khác chui đầu vào tròng

Tháng 6 năm 1953, một sự kiện quan trọng đã xảy đến với đại sứ Costa Rica ở Italia: vợ ông, Laura, một phụ nữ xinh đẹp gốc Mehico, đã sinh một con gái được đặt tên là Romanella. Không lâu sau, đứa bé được chuyển từ nhà hộ sinh El Salvatore de Mondi tới biệt thự đầy đủ tiện nghi của vị đại sứ trên phố Bruno Buossi, tên một vị quân chủ đã bị bọn phát xít sát hại trong thời kỳ kháng chiến chống phát xít. Đại sứ Costa Rica có quan hệ rộng rãi trong các giới ở Roma, nổi danh trong giới ngoại giao và đồng thời là trưởng đoàn ngoại giao. Ông đã nhiều lần phát biểu ở Đại hội đồng LHQ.

Láng giềng và bạn bè của vị đại sứ hơi ngạc nhiên khi ông không tổ chức một bữa liên hoan linh đình nhân dịp lễ rửa tội của đứa bé như các tín đồ Thiên Chúa thường làm mà vin vào tính xuề xoà, không câu nệ và cực đoan cố hữu của đại sứ. Nhưng có lẽ họ còn kinh ngạc hơn nữa nếu biết rằng đứa bé không hề được rửa tội và vị đại sứ, người đã nhiều lần hôn lên cây thánh giá của Giáo hoàng Pie XII trong những buổi lễ, lại là một đảng viên cộng sản và là một người theo chủ nghĩa vô thần.

Và vào cuối năm 1953, vị sứ thần xuất sắc của Cộng hoà Costa Rica, cùng với vợ và con gái, đã đột nhiên biến mất không dấu vết. Thôi thì đủ loại đồn đoán nảy sinh, trong đoàn ngoại giao có những tin đồn kỳ quặc nhất, thậm chí có người còn nói cả gia đình họ đã bị lừa đi và sát hại.

Chúng ta hãy để lại toà biệt thự lộng lẫy sàn lát đá hoa cương, nơi có chiếc ôtô và người tài xế, người hầu và con chó thuần chủng, để tới một căn hộ khiêm tốn trên phố Peschannaya 2 ở Moskva.

Tại đó đang diễn ra những sự biến hoá thần kỳ: vị đại sứ đã biến thành công dân Liên Xô Iosif Romualdovich Grigulevich, cả người vợ tuyệt vời Laura của ông cũng đã nhận được quốc tịch Liên Xô, còn cô con gái Romanella bé nhỏ thì có nơi sinh được ghi là Moskva và đặt tên là Nadezhda để tưởng nhớ người bà đã mất.

Câu chuyện về cuộc đời Iosif Grigulevich khiến ta tưởng như một tiểu thuyết phiêu lưu kỳ thú. Ông sinh năm 1913 ở Vilnius (thủ đô Lithuania hay Litva) trong gia đình một dược sĩ người dân tộc Karaim, học ở Panevezhis, sau đó một thời gian, ông di cư sang Argentina. Sau đó, ông tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Ông chiến đấu mấy năm ở Tây Ban Nha và ở đó số phận đã gắn bó ông với tình báo Xôviết.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới II, Grigulevich đã chỉ huy một nhóm phá hoại ở Argentina chuyên thực hiện các vụ nổ tàu chở những nguyên liệu chiến lược tới nước Đức. Ông đã bôn ba nhiều trên thế giới dưới vỏ bọc thương gia, sau đó ông trở thành đại sứ...

Cục Tình báo đối ngoại SVR của Nga từ chối bình luận về vụ Grigulevich, và việc đó cũng có lý của nó: thông thường thì hoạt động của tình báo chỉ được công chúng biết đến khi bị bại lộ hoặc bị phản bội. Grigulevich không bị lộ ở nước ngoài, đã an toàn trở về Tổ quốc, tìm thấy mình trên lĩnh vực khoa học. Ông qua đời năm 1988.

Nguyên soái Josip Broz Tito tiếp Iosif Romualdovich Grigulevich trong vai đại sứ Teodoro B. Castro của Costa Rica tại Italia và Nam Tư, khoảng năm 1952
Trong Viện bảo tàng Cheka (KGB) có treo bức chân dung của nhà tình báo Xôviết lỗi lạc Grigulevich. Về nguyên tắc, như thế là tất cả. Gần như tất cả.

Người vợ goá của ông được nhận lương hưu. Người con gái đã trở thành người mẹ từ lâu và đã có một con trai - chú bé được ông ngoại rất yêu quý. Chị làm việc ở Viện Dân tộc học và nhân chủng học.

Romanella - Nadezhda Grigulevich hồi tưởng về cha mình: “Cha tôi như thế nào trong trí nhớ của tôi ư? Có lẽ, những hồi ức đầu tiên của tôi là về khi tôi mới được 2-3 tuổi. Cha tôi luôn về muộn. Và nếu như tôi vẫn còn chưa ngủ thì câu hỏi đầu tiên là: “Anh có mang về không?” Và câu trả lời luôn là: “Em hỏi gì thế?” Và ông lại lấy từ cặp ra một cuốn sách thiếu nhi mới có những bức tranh. Đó thường là những truyện cổ tích các nước. Tôi rất thích chuyện cổ tích Albania và Trung Quốc.

Tôi học đọc khá muộn và giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi rất thích được nghe đọc thành tiếng. Công việc buồn chán ấy thường rơi lên vai người mẹ khốn khổ của tôi. Cha tôi không có thời gian và đơn thuần là ông không thể đọc đi đọc lại nhiều lần cùng một thứ. Khi đọc, ông luôn thêm thắt và thay đổi cốt chuyện, khiến cho nó sinh động và hấp dẫn hơn theo quan điểm của ông. Tôi nhớ rất rõ những chi tiết nhỏ nhất của những câu chuyện cổ tích và mỗi khi gặp đoạn ứng tác hứng thú là tôi lại hét toáng lên. Ông thì luôn kể đi kể lại mỗi một chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện “Chú gấu trên đỉnh núi Ararat”.

Nói chung, ông ít có thời gian giành cho tôi. Ông không bao giờ đi dạo với tôi, không trượt tuyết - bởi vì ông chưa một lần trong đời đứng trên các ván trượt, ông không cho tôi đến các triển lãm, bảo tàng và nhà hát - trừ những trường hợp rất hãn hữu.

Tôi cũng đã tìm cách kéo được ông đến bảo tàng tranh Tretyakov với tư cách một người hướng dẫn viên cho tôi và các bạn gái của tôi. Ông đi xồng xộc qua các gian triển lãm, dừng lại bên bức tranh “Chúa Christ hiện thân” và với sự say mê, ông bắt đầu kể bằng giọng nói sống động và diễn cảm về lịch sử ra đời của bức tranh. Dần xúm lại vây quanh chúng tôi một đám đông những khách thăm đứng há hốc miệng mà nghe. Phải thừa nhận, ông rất am hiểu về hội hoạ. Trong số các hoạ sĩ ngày xưa, ông thích nhất Breigel, còn trong số các hoạ sĩ hiện đại - Mark Sagal và các hoạ sĩ trường phái tiên phong của Nga. Cha tôi còn rất am hiểu hội hoạ Mỹ Latinh, mà trước hết là hội hoạ Mehico. Ông quen biết David Sikeyros, một trong ba hoạ sĩ bích hoạ vĩ đại Mehico, trong thời kỳ nội chiến Tây Ban Nha hồi họ là những chiến sĩ tình nguyện quốc tế đến đó chiến đấu.

Sau một thời gian ngắn làm việc tại Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, cha tôi đã vào làm tại Viện dân tộc học của Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô khi đó do S.P. Tolstov, một bác học nổi tiếng, lãnh đạo, và làm ở đó cho đến tận lúc chết.

Ngay năm 1957, đã xuất hiện cuốn chuyên khảo đầu tiên của cha tôi - “Vatican. Tôn giáo, tài chính và chính trị”. Đạo Thiên Chúa là một trong những đề tài chính của các công trình khoa học của ông. Những năm sau đó, các cuốn sách “Lịch sử văn minh”, “Giáo hoàng. Thế kỷ XX” và nhiều cuốn trong loạt sách về cuộc đời các danh nhân dưới bút danh Iosif Lavretsky cũng đã trở nên nổi tiếng.

 Tôi còn nhớ, khi tôi còn bé, trả lời câu hỏi của tôi là ông làm gì ở Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài, ông nói rằng, ở đó người ta trói những cô gái bướng bỉnh và đưa đi đày ở nước ngoài. Và tôi đã dùng cách lý giải ấy để giải thích i một cách vô cùng nghiêm túc cho những người quen của chúng tô! Cha tôi rất có tài sáng tác những chuyện khôi hài. Khi tôi còn bé, bà dì của cha tôi thường gửi cho gà nhồi thịt từ Litva. Phải nói rằng đó là món ăn dân tộc Karaim ngon tuyệt! Khi tôi muốn tìm hiểu cách làm món ăn đó, cha tôi lập tức phản ứng: “Con biết không, người ta bắt một con gà, mổ ra và nhồi đầy mì ống vào, khâu lại và nó vẫn còn chạy được rất lâu, sau đó người ta đem nướng nó trong lò nướng”. Nói chung thì cha tôi ham ăn uống và sành về các món ăn và rượu ngon. Về điều này, ông thường nói nếu như trong nội chiến ở Tây Ban Nha, người ta được cho ăn uống như thế - món ăn Tây Ban Nha, như ta đã biết, là một trong những món ăn phong phú nhất thế giới thì không hiểu người ta gây ra cuộc chiến ấy làm gì.

Cha tôi hoàn toàn không chịu được cảnh buồn tẻ và luôn nói là con người có thể tha thứ cho tất cả trừ sự buồn tẻ, ông căm ghét mọi thứ họp hành, hội nghị và các loại sinh hoạt kiểu Xôviết khác vì cho rằng đó là sự lãng phí vô ích thời gian quý báu. Tại Viện dân tộc học, ông hay được bầu làm chủ trì họp chi bộ vì các cuộc họp do ông chủ trì thường không kéo dài quá nửa giờ.

Đôi khi, tôi được nghe những câu chuyện nói rằng, một nhà tình báo - mà nhà tình báo chân chính cơ - là người không có gì nổi bật trong đám đông, không lộ ra và khi đó tôi thấy thật buồn cười. Tôi hoàn toàn không thể hình dung là cha tôi lại không có gì nổi bật. Một lần ở Italia, ông và bạn bè ngồi trong nhà hàng và như bình thường hoa tay múa chân nói cái gì đó rất thú vị. Những người nghe thì cười nghiêng ngả. Đột nhiên, một người đứng lên từ một chiếc bàn nhỏ bên cạnh, người này liên tục chăm chú quan sát cha tôi. Ông ta đến gần, tự giới thiệuvà mời cha tôi đóng vai chính trong bộ phim của mình. Như sau này được biết, đó là một đạo diễn điện ảnh Italia khá nổi tiếng, nhưng cha tôi đã phải từ chối một lời mời hào phóng đến nhường ấy.

Còn làm thế nào tôi biết được cha mẹ tôi là tình báo ư? Thực ra, họ không hề che giấu tôi điều đó. Cha tôi khi trêu đùa mẹ tôi thường nói về điều đó. Cả mẹ tôi cũng cho rằng, che giấu cái gì đó trước trẻ con là điều ngu ngốc, sớm hay muộn mọi sự đều bị phát hiện và tình hình sẽ chỉ xấu hơn mà thôi.

Khi trở về Tổ quốc, ông không còn tiền bạc để tồn tại. Cơ quan thân yêu của ông đã đẩy ông ra phố. May thay, đó đã là những năm 50 chứ không phải là những năm 30, thậm chí không phải là những năm 40 nữa. Cha tôi không bao giờ nuối tiếc, không hề kêu ca và đơn giản là ông làm tất cả trong khả năng của mình để thoái khỏi tình cảnh khó khăn. Cái hệ thống đã loại ông khỏi hàng ngũ, trong một thời gian nào đó cũng đã giúp đỡ ông theo cách của mình. Ông đã phát huy được đầy đủ tài năng khoa học và viết văn của mình. Đấy là chưa nói đến việc ông chưa bao giờ là kẻ thoả hiệp, ông còn dũng cảm tranh luận và bảo vệ quan điểm của mình, phê phán bất kể người nào và tôi khó lòng mà hình dung ra ông đứng trong hàng ngũ vinh quang của MGB-KGB thời đó.

Tất cả điều đó không có nghĩa là cha tôi là một người bất đồng chính kiến hay là thuộc phe đối lập với chế độ. Đơn thuần là ông không chịu đựng được tất cả sự ngu ngốc, quan liêu giấy tờ - những hiện tượng đa ít nhiều che phủ cuộc sống của tất cả những con người năng động trong những năm đó. Trong tâm khảm, ông vẫn trung thành với lý tưởng cộng sản giống như phần lớn những người cùng thế hệ. Khi tôi tranh cãi với ông dựa trên mớ kinh nghiệm cỏn con thu được qua hoạt động trong phong trào “Xanh” của sinh viên, ông luôn nói rằng, “đó là tiếng sủa từ lỗ chó”. Bây giờ thì tôi mới hiểu, ông chỉ lo sợ cho tôi thôi.

Trong đời mình, tôi luôn cảm nhận sự trống rỗng nào đó và ghen tỵ với những bạn bè có anh, có chị. Năm 1946, tại Brazil, cha mẹ tôi đã sinh một anh trai đặt tên là Jose để kỷ niệm cha tôi. Anh ấy ốm yếu và mất năm lên 6 tuổi.

Tôi nghĩ đó là sự trừng phạt của Chúa vì cha tôi đã mưu sát Trotsky...”

***

Tôi tình cờ nghĩ về việc Iosif Grigulevich đã phải giữ bí mật thế nào bởi vì vấn đề “cha và con” trong các cơ quan đặc vụ luôn là vấn đề gai góc. Các tình báo viên đã được giao trách nhiệm che giấu toàn bộ sự thật về công việc của mình, nhiều khi thậm chí không được nhắc đến sự liên quan của mình tới KGB và GRU trong gia đình. Sự thật rất nhiều khi các tình báo viên bị bộc lộ ngẫu nhiên: một vài tình báo viên “thì thào” với vợ về những điệp vụ cụ thể, hay ba hoa phóng đại thành tích của mình, những bà vợ ấy lại đem chuyện đó nói lại cho hàng xóm, còn những đứa con họ thì lại bàn tán với nhau trong các trại thiếu nhi về hoạt động bí mật của cha chúng.

Người con gái của Grigulevich biết đến vụ mưu sát Trotsky sau khi cha chị đã mất, lúc mà một số tư liệu mật được tiết lộ. Nhờ đó, chúng ta biết được là sau vụ mưu sát Trotsky (Leon Trotsky (1879-1940), một trong những lãnh tụ chủ chốt của Cách mạng Tháng Mười Nga và của Liên bang Xôviết, nguyên Uỷ viên Dân uỷ Ngoại giao, Chiến tranh; là nhân vật số 2 trong Bộ Chính trị Đảng Bolshevik Nga sau Lenin. Sau khi Lenin mất, Trotsky bị Stalin gạt khỏi chức Uỷ viên Dân uỷ Chiến tranh năm 1925, bị đưa khỏi Bộ Chính trị năm 1926, bị đày tới Trung á năm 1928 và trục xuất khỏi Liên Xô năm 1929. Bị Stalin cho người ám sát ngày 20 tháng 8 năm 1940 ở Coyoacán, Mehico và chết vào ngày hôm sau - ND), Iosif Romualdovich đã được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ vì đã “hoàn thành nhiệm vụ đầy trọng trách của chính phủ”. Đó, có lẽ đó là tất cả.

Vậy sự thật về vụ mưu sát không thành, mà trong đó, theo một số thông tin, thì khi cảnh sát xuất hiện, Grigulevich đã dùng súng trường tự động để yểm hộ cho những người tấn công, là như thế nào?

Mọi chuyện diễn ra như sau. Ngày 24 tháng 5 năm 1940, vào lúc 4 giờ, một số xe ôtô chở 24 người có vũ trang tiến tới biệt thự của Trotsky ở Coyoacán, Mehico. Họ nhanh chóng vô hiệu hoá đội bảo vệ, đang thiêm thiếp sau khi vui thú bên người đẹp quyến rũ ở nhà bên - cô ta được cài vào đó để lừa bọn lính gác. Những người tấn công bắn bừa bãi tất cả các phòng. Trotsky cùng với vợ ẩn núp dưới gầm giường nên thoát chết, cháu trai Seva bị thương vào gót chân, toàn bộ đồ đạc trong nhà hầu như bị đạn băm nát (người ta đã bắn tới 200 viên đạn).

Chỉ huy chiến dịch là David Sikeiros, người bạn của Grigulevich từ thời nội chiến Tây Ban Nha, một người Stalinist nhiệt thành, khi đó còn là một hoạ sĩ ít tên tuổi và sau này đã trở thành niềm tự hào của hội hoạ Mehico và thế giới. Ông mặc quân phục thiếu tá quân đội Mehico, miệng ngậm điếu xì gà và được dán râu, ria.

Những người ám sát đã lôi đi Robert Hart, người Mỹ và là đội trưởng đội bảo vệ. Không lâu sau, thi thể anh ta đã được tìm thấy ở ngoại ô Coyoacán. Trotsky, người tuyệt đối tín nhiệm Hart, đã dựng tượng tưởng nhớ anh ta với dòng chữ lưu niệm rất xúc động. Sau này, người ta mới biết là Hart có liên hệ với NKVD.

Mặc dù báo chí có làm ầm ĩ nhưng không ai trong số những đã tham gia cuộc mưu sát bị trừng phạt. Sikeiros rời Mehico một thời gian, sau đó trở về nước và bị bắt giữ ngay. Tại toà, ông coi hành động của mình là “sự phản đối chủ nghĩa Trotskism”. Toà tha bổng ông, còn vụ sát hại Trotsky do Mercader tiến hành đã đưa sự việc sang một lối khác. Mọi chuyện thế là chấm dứt tại đây.

Cha của Nadezhda là một người hài hước và kẻ đánh lừa siêu đẳng. Một lần, ông kể với bạn đồng nghiệp về việc ông nhận được nhiệm vụ thủ tiêu một tội phạm chiến tranh. Ông đã xác định được nơi ở của “đối tượng” và đã lên đường đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt thì bỗng nhiên “đối tượng” tự sát. Ông đã báo cáo về Trung ương và để đáp lại ông được tặng thưởng huân chương vì sự thành công của chiến dịch. Ông điện về: “Đó không phải là tôi!”, câu trả lời là: “Anh mệt mỏi rồi, hãy đi nghỉ phép đi! Đó là chuyện đùa hay là sự thật.

Một lúc nào đó, chúng ta sẽ được biết hết sự thật về con người tuyệt vời này, con người đã cống hiến không mệt mỏi cho Lý tưởng và dần dần nhận ra rằng cái hệ thống đã dìu dắt ông không quá cần ông.

Chu Hà