In bài này
Không quân Ấn Độ chê tơi bời tiêm kích thế hệ 5 FGFA
Thứ Hai, 27/01/2014 - 8:01 AM
Không quân Ấn Độ (IAF) chỉ trích chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) dựa trên PAK FA Т-50.
Hình ảnh giả định tiêm kích FGFA của IAF (Parijat Gaur / www.parijatgaur.deviantart.com)

Tờ Business Standard của Ấn Độ số ra ngày 22.1.2014 đăng tải bài báo “Russia can't deliver on Fifth Generation Fighter Aircraft: IAF” của Ajai Shukla, trong đó cho hay, IAFchỉ trích chương trình Nga-Ấn phát triển cho Ấn Độ tiêm kích thế hệ 5 FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) trên cơ sở thiết kế tiêm kích thế hệ 5 PAK FA Т-50 của Nga.

IAF đã quay ngoắt 180 độ khi chỉ trích dữ dội dự án Nga-Ấn hợp tác phát triển tiêm kích tương lai thế hệ 5 FGFA. Kể cả lúc này, khi mà New Delhi và Moskva đã ký hợp đồng 6 tỷ USD về việc hợp tác phát triển FGFA với những tính năng thiết kế riêng cho Ấn Độ Ấn Độ, IAF khẳng định rằng, người Nga sẽ không có khả năng hoàn thành những cam kết của mình về các tính năng của máy bay.

Bởi lẽ FGFA được xem là cần thiết sống còn đối với tương lai của IAF, nên Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ А.К. Antony đã công khai bác bỏ mọi khả năng mua tiêm kích thế hệ 5 F-35 Joint Strike Fighter của Mỹ khi nói rằng, FGFA sẽ là đủ. Năm 2007, New Delhi và Moskva đã nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của tiêm kích này khi ký hiệp định liên chính phủ đưa dự án này ra ngoài khuôn khổ các thủ tục mua sắm thông thường của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Ngoài ra, các nhà khoa học Ấn Độ cũng nói rằng, kinh nghiệm tích lũy được với FGFA sẽ mang lại những khả năng cực kỳ quan trọng để phát triển tiêm kích thế hệ 5 hoàn toàn của Ấn Độ có tên AMCA (Advanced Medium Combat Aircraft).

Tuy nhiên, bất chấp ưu tiên cao như thế dành cho FGFA, IAF vẫn phàn nàn với Bộ Quốc phòng Ấn Độ rằng, máy bay này sẽ không đủ tốt. Ngày 24/12/2013, tại cuộc gặp ở New Delhi dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Công nghiệp quốc phòng Gokul Chandra Pati, các quan chức cao cấp của IAF đã nói rằng, FGFA có “những nhược điểm… về mặt tính năng và các đặc điểm kỹ thuật khác”.

Business Standard đã đọc được biên bản cuộc họp này. Ba điểm phản đối chính của IAF đối với FGFA là: (а) Người Nga miễn cưỡng chia xẻ thông tin thiết kế quan trọng với Ấn Độ; (b) Các động cơ hiện tại của tiêm kích là AL-41F1 là không tương xứng vì chỉ là sự hiện đại hóa động cơ AL-31F của tiêm kích Su-30MKI; và (с) Máy bay quá đắt. Tuy nhiên, Ấn Độ đầu tư 6 tỷ USD vào việc hợp tác phát triển FGFA, “một tỷ lệ lớn của ngân sách mua sắm của IAF sẽ bị phong tỏa”.

Ngày 15/1/2014, IAF đã nối lại cuộc tấn công ở New Delhi, trong cuộc gặp tại Bộ Quốc phòng để đánh giá tiến triển của chương trình FGFA. Phó Tham mưu trưởng IAF (DCAS), quan chức cao cấp phụ trách mua sắm của IAF đã tuyên bố rằng, động cơ của FGFA là không đủ mạnh, radar không tương xứng, các chi tiết tàng hình của nó được thiết kế kém, tỷ trọng của Ấn Độ trong các công việc quá nhỏ, và giá cả cảu máy bay sẽ rất đắt tại thời điểm đưa nó vào trang bị.

Các nguồn tin cao cấp tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang nghi ngờ IAF đang tìm cách phá dự án FGFA để có tiền mua sắm 126 tiêm kích Rafale theo chương trình MMRCA (Medium Multi-Role Combat АircraftMMRCA) trị giá ước 18 tỷ USD vốn đang bị cản trở về kinh phí do hạn chế về ngân sách. Tháng 10/2012, Tư lệnh IAF, nguyên soái không quân N.А.K. Brown nói rằng, IAF sẽ chỉ mua 144 chiếc FGFA thay vì 214 chiếc như dự kiến ban đầu. Sau khi cắt giảm số lượng máy bay mua sắm, nay IAF lại đặt ra câu hỏi về chính tính hữu ích của dự án chung FGFA với Nga.

Các tiêm kích thế hệ 5 có chất lượng vượt trội các tiêm kích hiện đại thế hệ 4,5 như Su-30MKI. Chúng được thiết kế để có tính năng tàng hình, khiến chúng hầu như vô hình đối với radar, chúng có khả năng bay siêu âm mà không phải bật chế độ tăng lực của động cơ (một số loại tiêm kích hiện nay như Rafale cũng có khả năng này) và chúng mang thiết bị avionics và các tên lửa tiên tiến.

Bộ Quốc phòng và HAL phản đối những chỉ trích của IAF đối với FGFA. Các quan chức Nga tuyên bố rằng, các động cơ AL-41F1 của các mẫu chế thử T-50 chỉ là giải pháp tạm thời để tiến hành chương trình bay thử. Nga đang phát triển động cơ mới làm động cơ chính cho FGFA và PAK FA.

Các quan chức cũng nói rằng, chương trình FGFA bao gồm cả việc hợp tác phát triển một radar mạnh hơn nhiều radar hiện dùng trên các mẫu chế thử T-50 hiện nay. Không quân Nga muốn có một radar bình thường với trường quan sát chỉ ở bán cầu trước cho biến thể FGFA của mình. Còn IAF muốn có thêm 2 radar bổ sung nhìn bên, cho phép phi công có tầm nhìn 360 độ xung quanh. Hiện nay, Nga cũng đang xem xét một yêu cầu tương tự.

Khi được hỏi, IAF đã không trả lời. Bộ Quốc phòng Ấn Độ và HAL đã được đề nghị bình luận qua thư điện tử, nhưng cũng im lặng.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng, HAL và IAF vẫn tiếp tục thảo luận. Nga tiếp tục tiến lên trong việc phát triển tiêm kích thế hệ 5. Viện thiết kế OKB Sukhoi đã thực hiện 300 chuyến bay thử cho Т-50 mà OKB Sukhoi và HAL dự định phát triển lên thành FGFA trong gần 8 năm. Không quân Nga vốn có những yêu cầu ít tham vọng hơn IAF dự định đưa biến thể PAK FA Т-50 cảu mình vào trang bị vào năm 2017-2018.

Sau hiệp định liên chính phủ ký tháng 10/2007, vào tháng 12/2008, giữa HAL và nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport đã ký hợp đồng tổng. Trong đó nêu những nguyên tắc hợp tác chung như việc phân công công việc, chia xẻ chi phí và bán FGFA sang các nước thứ ba. Tháng 12/2010, đã ký hợp đồng thiết kế sơ bộ xác định cấu hình cơ sở của FGFA và lựa chọn các hệ thống và thiết bị cho nó. Khi hoàn thành thiết kế này vào tháng 6/2013, nay đang đàm phán về hợp đồng phát triển chính. Hợp đồng này sẽ bao gồm việc thiết kế thực tế và phát triển FGFA .

Nhân Vũ