In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Bí mật bị lộ sáng
Thứ Sáu, 24/01/2014 - 9:28 AM
Hoạt động tình báo nguyên tử của Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô.
Tổng thống Nga V. Putin trong một lần thăm đại bản doanh GRU
Những chiến công trên vũ đài này của Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu GRU như mất hút trong cả đống những tin giật gân đến khó tin của tướng Sudoplatov về các vụ tuyển mộ của KGB đối với các nhà vật lý vĩ đại từ R. Oppenheimer (J. Robert Oppenheimer (1904-1967), nhà vật lý và nhà tư vấn của chính phủ Mỹ, người đã lãnh đạo Dự án Manhattan (Manhattan Project) chế tạo bom nguyên tử đầu tiên (1943-1945) tại Los Alamos, bang New Mexico - ND) cho đến N. Bor (Niels Henrik David Bohr (1885-1962), nhà vật lý Đan Mạch, giải thưởng Nobel vật lý năm 1922, một trong những người đặt nền móng cho vật lý hiện đại, từng tham gia Dự án Manhattan nói trên - ND), cũng như được đề cập trong rất nhiều tác phẩm của các cựu binh KGB về hoạt động gián điệp nguyên tử của Liên Xô, thậm chí đến cả những làn gió tàn nhẫn của công khai và truy tìm sự thật đổ ập xuống tình báo đối ngoại KGB, cũng không làm lung lay nổi pháo đài bí mật này. Còn có một nguyên nhân khác: Theo các nghi thức của Liên Xô, tình báo quân sự (GRU) luôn được xem như “em út” của KGB, còn dưới thời Stalin và cho tới tận những ngày cuối cùng đầy bi hài của chế độ, KGB đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với “người láng giềng xa” - đó là cái tên lóng của GRU để phân biệt vì Lubyanka trong quan hệ với Điện Kremlin có diễm phúc được gọi là “người láng giềng gần”.

Tuy nhiên, tình báo quân sự Liên Xô/Nga vẫn là một tổ chức hùng mạnh, không hề thua kém “người láng giềng gần” của mình. Chính GRU, chứ không phải NKVD, đã bảo toàn được bộ máy tình báo bất hợp pháp (mặc dù là có những tổn thất) trong những năm chiến tranh và duy trì liên lạc với “Dàn hợp xướng đỏ” lừng danh. Dưới đây, xin kể về hoạt động của trung tâm tình báo GRU ở Ottawa, một trung tâm đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực tình báo nguyên tử. Điều bí mật này đã lôi ra ánh sáng sau vụ chạy trốn của nhân viên cơ yếu I. Guzenko vào tháng 9 năm 1945. Về bản chất, điều đó đã gây ra một vụ vỡ cơ sở có tiếng vang đầu tiên sau chiến tranh và làm cho nhiều chính trị gia phương Tây thấy được quy mô của hoạt động gián điệp của các đồng minh trung thành trong liên minh chống Hitler. Bài này được viết dựa trên các tư liệu phương Tây, trong đó có cả sự phân bua của chính Guzenko. Dường như chiếc lò huỷ tài liệu cũng đóng vai trò không nhỏ trong vụ chạy trốn của Guzenko vì trưởng trung tâm KGB ở Ottatwa đã từng vừa độc ác cười hô hố vừa hăm doạ anh nhân viên cơ yếu vốn đã sợ hãi sẵn.

Đúng là cái lò chết tiệt! Trong cuốn sách “Bể cá” của tên đào ngũ của GRU Rezun lên tiếng dưới bút danh khiêm tốn Suvorov thì để giáo dục, các nhân viên GRU được người ta chiếu cho xem phim có cảnh thiêu sống một tên phản quốc. Khốn khổ là cái bếp lò này thậm chí còn được đưa vào cuốn sách của A. Kabakov đáng kính.

Người ta có thể căm thù cả KGB, cả GRU, nhưng hoàn toàn không nhất thiết phải nghĩ rằng, các cơ quan này là một bầy những kẻ tâm thần đần độn, bị ám ảnh bởi viễn cảnh của chiếc lò bùng cháy, bởi vì nếu thế sẽ không thể hiểu được tại sao những con người ấy lại có thể tiến hành những điệp vụ thông minh đến mức mà chỉ cần nhắc đến chúng thì cả thế giới vẫn còn thấy bàng hoàng.
Mikhail Lyubimov

Tháng 6 năm 1943, đại tá GRU Zabotin, nhân viên cơ yếu Igor Guzenko và thiếu tá Romanov đặt chân đến Canada để nhận công tác mới. Một thời gian sau, những người còn lại: trung tá Motinov, thiếu tá Vasily Rogov, trung uý Pavel Angelov, đại uý Yuri Gorshkov và những người khác cũng kéo đến. Tất cả cán bộ nhân viên tình báo quân sự đều có vỏ bọc là các chức nghiệp chính thức như phiên dịch viên, thư ký, lái xe...

Tính đến lúc đó thì Canada đã đứng về phía đồng minh tham chiến được bốn năm. Nền công nghiệp nước này đã sản xuất ra máy bay, xe tăng, quân trang; các binh sĩ Canada đã tham gia các trận đánh trên các chiến trường hải ngoại. Theo “Chương trình viện trợ của Canada cho Liên Xô”, vũ khí, tàu chiến, thực phẩm được gửi tới Liên Xô. Thiếu tá Sokolov là thanh tra viên của Liên Xô tại các nhà máy Canada cung cấp hàng hoá cho Liên Xô và anh đã bắt tay xây dựng lưới điệp báo tại Canada từ khi Zabotin còn chưa tới đây.

Tuy nhiên, từ năm 1924, Moskva đã có những người cung cấp tin của mình ở Canada mà chủ yếu là các nhân vật có cảm tình với các tư tưởng cộng sản. Tích cực nhất trong số họ là: nghị sĩ Fred Rose (họ thật là Rosenberg, cha mẹ xuất thân từ nước Nga) và Sam Carr (thực ra là Schmul Cogan, quê ở Vinnitsa). Sam Carr đã được gửi sang Liên Xô vào năm 1929 để học tập kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, về cách thức tổ chức các cuộc bãi công, hoạt động gián điệp và phá hoại.

Tất nhiên là bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Canada Sam Carr và nhà hoạt động Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng Fred Rose dã trở thành các điệp viên trong lưới điệp báo của đại tá Zabotin. Họ cũng tham gia tuyển mộ điệp viên từ những đảng viên thân Liên Xô nhất.

Sự xuất hiện của sứ quán Liên Xô tại Canada (và bộ máy tuỳ viên quân sự) cũng trùng với thời điểm bọn phát xít bắt đầu vấp phải thất bại trên chiến trường. Trận đánh Stalingrad đã làm dấy lên một làn sóng vu mừng ở Canada, thủ tướng Mackenzie King đã đích thân chúc mừng cán bộ nhân viên sứ quán Liên Xô nhân chiến thắng trên sông Volga, công chúa Alice và Toàn quyền Canada (đại diện của Nữ hoàng Anh) đã mở tiệc mừng đại sứ Liên Xô Zarubin.

Các buổi chiêu đãi còn được tổ chức cả ở sứ quán Liên Xô và được có mặt tại các buổi chiêu đãi ấy là một vinh dự lớn đối với người Canada, bởi vậy thậm chí đã có người có nguyện vọng phải xếp hàng chờ đợi. Trong số họ, Motinov và Zabotin lựa ra những người sẽ hữu dụng trong tương lai và tập trung điều tra tìm hiểu họ...

Tướng Motinov kể lại: “Thủ tướng Mackenzie King khi đó có một cơ quan cơ yếu của mình, chúng tôi cũng đã xâm nhập cả vào đó - chúng tôi đã thu hút được một nữ nhân viên mật mã nhất trí cộng tác. Có bức điện của thủ tướng Anh Churchill đã được cô ấy cho chúng tôi đọc trước, sau đó mới báo cáo cho thủ tướng Canada King. Có lần, Stalin đọc thư của thủ tướng King gửi cho Churchill còn trước cả vị thủ tướng Anh. Thực ra thì cũng như thường gặp với phụ nữ, đã xảy ra một trục trặc nhỏ - đó là khi được gặp Pavel Angelov để giao tài liệu, cô ấy đã say cậu ta như điếu đổ.

- Cô ta lúc nào cũng lao vào hôn hít, - Angelov phàn nàn.

- Thì sao nào, cậu hôn cũng được chứ sao....

- Tôi không thể làm thế.

- Nếu như cần cho công việc thì đến quỷ cái cậu cũng phải hôn. Với cương vị chỉ huy, tôi ra lệnh: Hôn!

Một thời gian sau, anh ta báo cáo: “Tôi hôn, nhưng khó chịu lắm”. Được cái là sau này khi bị điều tra cô ấy không hề nhắc đến tên cậu ấy lấy một lần...”.

Một thành công lớn của tình báo quân sự trong việc thu thập các bí mật nguyên tử là thu hút được các nhà bác học Canada nằm trong Hội đồng nghiên cứu quốc gia và Cục nghiên cứu Bộ Quốc phòng Canada. Họ là Danford Smith (bí danh là Bado), Nade Mazeral (Bugley) và Israel Galperin (Bacon).

Tháng 3 năm 1945, tình báo Liên Xô nhận được thông tin:
“Bado báo cáo: những công trình nghiên cứu quan trọng nhất đang được tiến hành trong lĩnh vực vật lý hạt nhân... Bado cho rằng, việc chính phủ mua nhà máy sản xuất Radium là có liên quan đến việc này; anh ta cũng chuyển giao báo cáo về hoạt động của Hội đồng nghiên cứu quốc gia...”.

Do đó, trung tâm tình báo Liên Xô được giao nhiệm vụ:
“... Hỏi thêm Bado xem anh ta có thể lấy được Uranium 235 và cảnh báo nguy hiểm cho anh ta. Hãy yêu cầu anh ta viết báo cáo chi tiết về nhà máy sản xuất Radium”.

Cũng vào khoảng thời gian này, Motinov đã chuẩn bị bức điện gửi về Moskva:
“...Nhà máy sản xuất Uranium đang ở trong giai đoạn xây dựng. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật sẽ được chọn từ Đại học Tổng hợp McGill. Qua các cuộc thí nghiệm Uranium, đã xác định được là nó có thể dùng làm nhiên liệu cho bom. Người Mỹ đang triển khai hoạt động nghiên cứu quy mô lớn và đã đầu tư vào việc này 600 triệu đô la”.

Tuy vậy, không phải tất cả các nhà bác học tuyển mộ được đều hoạt động tích cực cho tình báo Xôviết. Israel Galperin (Bacon) đã tìm cách thoái thác nhiệm vụ và liên lạc viên đã báo cáo về việc này.

“...Tôi bắt đầu khó làm việc với ông ta, nhất là sau khi tôi yêu cầu ông ta kiếm Uranium 235. Ông ta nói điều đó là không thể... Bacon đã giải thích cho tôi lý thuyết năng lượng nguyên tử cái mà các anh chắc cũng đã thừa biết. Ông ta từ chối nộp báo cáo viết và ảnh. Ông ta có thái độ cực kỳ khó chịu đối với những yêu cầu của tôi...”.

Có lẽ Bacon - Galperin nghĩ rằng, ông ta sắp sửa phải trả giá....

Nhưng thành công có lẽ là lớn nhất của tình báo quân sự Liên Xô tại Canada là việc tuyển mộ được nhà bác học Anh có tên Allan Nite May (Alec), người mà nhân đây cũng nói thêm là đã từng học ở Cambridge cùng với điệp viên của Liên Xô Donald Maclean.

Từ trước khi Nite May tới Canada, Zabotin đã được lệnh của Moskva thiết lập liên lạc với nhà bác học được đặt bí danh là Alec này.

May là một nhà vật lý thực nghiệm nghiêm túc và kín đáo, có cảm tình với những người cộng sản và ủng hộ Liên Xô. Tháng 4 năm 1942, ông đã được huy động tham gia chương trình hạt nhân có mật danh Tube Alloys của Anh. Từ thời điểm đó, Moskva đã đặc biệt quan tâm đến ông này và đầu năm 1945, trung uý Pavel Angelov đã gặp gỡ Alec.

Khi đến Montréal, Angelov đã tìm thấy trong cuốn danh bạ điện thoại địa chỉ của Alec và đã đến thẳng nhà ông ta mà không gọi điện báo trước.

Một người có lối cư xử nhẹ nhàng, hói đầu và có ria rậm ra mở cửa cho người tình báo viên Xôviết.

- Xin gửi ông lời chào nồng nhiệt của Michael, - Angelov không vòng vo mà nói luôn mật khẩu. Tiến sĩ May biến sắc, ông ta có vẻ như một người vừa bị sập bẫy. Thận trọng đóng cửa lại, Alec vội vã thuyết phục Angelov rằng “mối liên hệ cũ với Moskva” đã đứt đoạn và ông ta lại còn đang bị phản gián theo dõi.

- Thật là trắng trợn, - Angelov sau này nhớ lại, - tôi nói với ông ta là tôi không tin. Thứ nhất là đã có nhiệm vụ Moskva giao cho ông ta. Còn thứ hai là nếu mà tiến sĩ từ chối thì ông ta sẽ có lý do để mà thực sự lo lắng.

Sau lời ám chỉ này, May rũ người và đành hạ giọng hỏi ông ta phải làm gì. Tình báo viên Liên Xô giải thích: Moskva cần báo cáo, mà là phải khẩn cấp, về các nghiên cứu bom nguyên tử ở Canada và Mỹ. Cuối cùng thì Alec cũng phải đồng ý. Ông ta chỉ yêu cầu lần sau gặp gỡ ở chỗ khác để khỏi lọt vào tay phản gián.

Khi ra về, Angelov đã trao cho Alec 200 đô la, một chiếc cặp nhỏ và hai chai whisky, riêng khoản cuối cùng này thì anh nói là quà tặng “của riêng tôi”. Người Liên Xô, dù là một tình báo viên và dù đang ở nước ngoài cũng không thể bỏ qua việc đút lót...

Trong thời kỳ đầu “làm việc” với Alec, đại tá Zabotin rất tập trung và lo nghĩ vì chuyện gì đó.

Trước hết là trong khi các thuộc cấp của Zabotin đang chạy đôn đáo khắp nơi để tìm những người nắm được thông tin về hoạt động nghiên cứu bom nguyên tử thì một nguồn tin quý giá như Alec lại làm việc “không tải” mãi cho đến khi Moskva tiện thể cho biết về ông ta.

Thứ hai, Moskva đã đề nghị liên lạc với Alec thông qua Sam Carr, điều này đã khiến viên đại tá tình báo Liên Xô này không hài lòng. Zabotin hiểu rõ rằng, Đảng Cộng sản Canada mà Sam Carr là bí thư tồn tại là nhờ tiền của ai, ông cũng hiểu rõ Carr làm việc cho ai và ông đủ cơ sở để cho rằng, ngay hôm nay, ông này nhất định sẽ báo cho NKVD biết. Nhưng bức điện từ Moskva liên quan đến May là rất nghiêm khắc:

“Ông ấy là đảng viên cộng sản Canada và có bí danh Alec. Tốt nhất là liên hệ với ông ta thông qua Sam Carr. Báo cáo ngay khi liên lạc được”.

Sau khi trao đổi bằng điện văn với Moskva, trong đó Zabotin xin phép dùng người khác để tuyển mộ May, giám đốc (tức chỉ huy tình báo quân sự) đã cho phép độc lập hành động.

Nhưng không chỉ có Sam Carr là tay chân của NKVD mà còn có nhiều nhân viên của sứ quán. Vả lại, đại diện cho NKVD là Vitaly Pavlov, bí thư thứ hai của sứ quán Liên Xô tại Canada, điều mà các bộ nhân viên sứ quán biết rất rõ.

Cũng có nhiều khi các điệp viên của NKVD chuyển sang làm cho tình báo quân sự. Vào năm 1945, Zabotin đã nhận được bức điện sau từ Moskva:
“Fred là giám đốc tập đoàn. Trước đó, từ năm 1924, làm việkc cho Những người láng giềng”.

“Những người láng giềng” nghĩa là các cơ quan tình báo của NKVD, “tập đoàn” là công ty, còn Fred là bí danh của Fred Rose. Điều đáng khen ở đây là “tính nhà nghề” tuyệt đỉnh của các nhà lãnh đạo NKVD thể hiện ở chỗ đặt phéng bí danh cho điệp viên trùng với tên thật của anh ta.

Cũng đã có những tình huống trái ngược khi mà điệp viên của tình báo quân sự chuyển sang lưới điệp báo của NKVD. Thường thì các mối quan tâm của các cơ quan tình báo song song có sự va chạm và khi đó Moskva đứng ra quyết định ai sẽ “làm chủ”.

Đồng thời, vụ việc cũng không chỉ hạn chế ở hai cơ quan tình báo này. Vào năm 1944, bí thư sứ quán Gusarov đến Canada. Ông ta thực tế là bí thư đảng bộ Đảng Cộng sản bolshevik VKP(b) của sứ quán và thậm chí có thể lên lớp cả ông đại sứ. Gusarov phớt lờ cả tình báo chính trị để chuyển cho ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Canada những chỉ thị của Trung ương Đảng VKP(b), những chỉ thị xác định lập trường chính trị của những người cộng sản Canada, hoặc để đánh những người đáng tin cậy vào các tổ chức thanh niên, công đoàn và các hiệp hội khác. Cùng với cục tình báo của Quốc tế Cộng sản, Gusarov đã chuẩn bị hồ sơ của những người ủng hộ phong trào cộng sản để tuyển mộ họ sau này.

Tình báo kinh tế ở Canada do tuỳ viên kinh tế Krotov phụ trách.

Tất cả các chỉ huy của các cơ quan tình báo đều có nhân viên mật mã riêng của mình và mật mã riêng. Ngoài ra, những người chỉ huy còn mật mã cá nhân của mình để gửi các thông báo mà kể cả các nhân viên cơ yếu của họ cũng không thể nào đọc được.

Các bức điện của Krotov được chuyển về Bộ Dân uỷ Ngoại thương, còn các bức điện của Gusarôv thì được chuyển về Ban chấp hành trung ương Đảng, Pavlov thì gửi báo cáo cho NKVD, còn Zabotin - về GPU.

Tất cả các bức điện này đều được mã hoá ở cùng một nơi - trên tầng 2 của toà nhà đại sứ quán.

Trước khi vào đó, phải ấn một nút chuông bí mật báo trước có người xuất hiện trước cánh cửa sắt tầng 2. Người trực ban sẽ quan sát người đến qua một cái lỗ đặc biệt và sau đó mới cho phép người khách vào cánh cửa sắt thứ 2 vững chắc hơn. Tiếp theo là một hành lang với rất nhiều cửa sắt khác dẫn vào các phòng với những cửa sổ được chắn lưới ở phía trong, bên ngoài là cánh bịt và một lần nữa lại là những cửa sắt. Trong các phòng người ta bật nhạc rất to để không ai có thể nghe trộm. Trong một buồng đặc biệt có một cái lò lớn có thể tiêu huỷ rất nhanh hàng đống tài liệu mật. Chiếc lò sưởi này do Pavlov chủ ý thiết kế cho trường hợp “cuốn gói “ khẩn cấp.

- Ngoài ra - Pavlov nhếch mép cười nói thêm, - cái lò như thế thừa sức thiêu cả người...

Rồi anh ta cười ha hả một cách độc ác. Có thể chính do liên tục nhắc đến việc thiêu xác mà nhân viên NKVD kia đã làm cho tay nhân viên cơ yếu Igor Guzenko chỉ cần đến gần chiếc máy kia thì đã phát run phát rét lên rồi. Nó ám ảnh anh ta cả vào ban đêm đến mức anh ta nhanh chóng có cảm giác thấy thân mình thực sự chìm trong lò lửa.

Anh ta chẳng biết than phiền về “anh hàng xóm” với ai, mà cũng là nguy hiểm nữa vì hắn ta có trong tay bằng chứng để bôi nhọ tất cả các cán bộ nhân viên. Bất kỳ câu nói hơi có giọng khích bác nào, một suy nghĩ dại dột hay câu chuyện tiếu lâm nào cũng có thể trở thành nguyên nhân để một người bị tống cổ về Moskva. Với “anh hàng xóm” thì việc trả tư thù là điều cực kỳ dễ dàng - chỉ cần viết vài dòng tố giác là đủ...

So với tất cả các điệp viên của Zabotin thì thông tin của tiến sĩ May là quý giá nhất. Dưới đây là một trong những bức điện mật mã gửi về Moskva:

Gửi Giám đốc            No. 241

Các tin tức do Alec cung cấp:

1. Các vụ thử bom nguyên tử đã được tiến hành ở New Mexico... Quả bom đã được ném xuống Nhật Bản được làm bằng Uran 235. Được biết mức sản lượng Uranium của nhà máy phân tách từ ở Clinton là 400 g/ngày... Người ta đang dự kiến in ấn các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này, nhưng không đưa các chi tiết kỹ thuật. Người Mỹ đã xuất bản một cuốn sách về vấn đề này.
2. Alec đã cung cấp cho chúng ta một phiến với 162 mg Uran ở dạng oxit trên màng mỏng....
9.4.45. GRANT (bí danh của Zabotin).

Khi được May cho biết về nhà máy Uranium đang được xây dựng ở khu vực Chok River, Zabotin đã bắt quen với một người Canada sống gần nhà máy và đích thân đến chơi nhà ông ta. Trong khi đi dạo trên sông bằng xuồng máy, viên đại tá đã chăm chú quan sát nhà máy Uranium và báo cáo ngay về Moskva.

Moskva phản ứng một cách đầy quan tâm:

Gửi GRANT        No. 11438

Gửi ngay điện về để trình bày xem người quen của anh có quan hệ thế nào với nhà máy mà anh ta đang làm việc và quan hệ của hai người thế nào? Nếu có thể, hãy miêu tả chi tiết hơn về hình dáng bên ngoài của nhà máy.
Giám đốc 14.8.45

May đã phải đôi lần ghé đến nhà máy này. Ông còn khôn khéo xâm nhập được cả vào nhà máy ở Chicago cũng hoạt động trong khuôn khổ dự án sản xuất Uranium.


Moskva tiếp tục gây sức ép:

Gửi GRANT            No. 11931

Hãy áp dụng các biện pháp và tổ chức nhận các tài liệu văn bản về bom nguyên tử! Các quá trình kỹ thuật, bản vẽ, phép tính.
Giám đốc 22.8.45

Tuy nhiên, bản thân các quan chức ở Moskva lại vẫn không hề tỏ ra quá vui mừng. Dưới đây là bức điện của Zabotin, người đã rơi vào tình trạng băn khoăn vì Trung ương im lặng rất lâu:

Gửi Giám đốc        No. 275

Xin anh cho tôi biết tài liệu về Uranium mà Alec thu được (các báo cáo sản xuất...) đáp ứng yêu cầu của anh và các nhà khoa học của chúng ta ở mức độ nào. Chúng tôi cần biết điều đó để có thể đặt ra những nhiệm vụ tương tự cho các nguồn cung cấp tin khác. Anh đã nhận được toàn bộ thư từ của năm nay (cho đến hết tháng 7) chưa?
GRANT 31.8.45

Moskva đã kênh kiệu giữ im lặng, chỉ cho phép mình được quyền chỉ đạo và dạy dỗ, thậm chí còn ấn định đến cả những tiểu tiết. Điều đó thể hiện rõ qua những bức điện trao đổi khi Moskva biết rằng May phải rời khỏi Canada đi London.

Gửi GRANT            No. 10458

Lập và điện báo về quy ước liên lạc và mật khẩu để người của ta liên lạc với Alec ở London.
Giám đốc 28.7.45

Gửi Giám đốc        No. 244

...Quy ước liên lạc - Các ngày 7, 17 hoặc 27 tháng 10, trên phố trước Bảo tàng Anh. Thời gian: 11 giờ đêm. Dấu hiệu nhận biết - tờ báo kẹp dưới nách trái. Mật khẩu - lời chào nồng nhiệt của Michael... Chúng tôi đã trao cho Alec 500 đô la.
Giám đốc 31.7.45

Gửi GRANT            No. 11955

Trả lời bức điện No. 244.
Chúng tôi không đồng ý với quy ước liên lạc mà anh đã lập cho chúng tôi. Tôi báo cho anh biết quy ước của chúng tôi:
1. Địa điểm - trước toà nhà Bảo tàng Anh, trên phố Grate Russel, từ phía Tottenham Court Road...
2. Thời gian - như anh đã chọn, nhưng vào lúc 23 giờ là quá tối, nên tốt hơn là vào lúc 20 giờ nếu Alec chấp nhận được...
3. Dấu hiệu nhận biết - tờ báo Times kẹp dưới nách trái Alec, liên lạc viên cầm tạp chí Picture Post trong tay trái.
4. Mật khẩu - liên lạc viên: “Đường nào đến Strand là ngắn nhất?” Alec: “Chúng ta cùng đi, tôi cũng đi tới đó”.
Vào đầu câu chuyện, Alec nói: “Chuyển tới anh lời chào nồng nhiệt của Michael...”
Giám đốc 22.8.45

Phải như thế chứ không thể khác! Ottawa đề nghị câu “Chuyển tới lời chào nồng nhiệt đến Michael”, còn Moskva lại đưa ra phương án hoàn toàn khác, vô cùng hiệu quả và cực kỳ chắc chắn: “Chuyển tới lời chào nồng nhiệt từ Michael”. Ottawa để đơn giản thì muốn tờ báo được kẹp dưới nách, còn Moskva cảnh giác và nhìn xa trông rộng thì đòi kẹp tờ báo Times và v.v..

Tiến sĩ May đã chuyển cho Zabotin bản báo cáo khiến viên đại tá vô cùng thán phục. Ngắn gọn, cô đọng, chính xác và đồng thời lại rất đầy đủ - điều náy nói lên giá trị rất cao của một điệp viên như Alec.

Một phần của báo cáo gồm có 10 đoạn tin, mô tả cấu trúc của quả bom, các bộ phận, linh kiện của nó, cũng như các quy trình kỹ thuật chế tạo chúng. Không thể mã hoá phần này nên Zabotin quyết định gửi nó bằng bưu điện ngoại giao.

Phần thứ hai của báo cáo được mã hoá và gửi bằng điện đài có chứa thông tin về công tác tổ chức dự án phát triển bom nguyên tử ở Mỹ và Canada: cơ cấu dự án, danh sách những người tham gia, họ tên các quân nhân và nhà khoa học... Và cũng có cả tên tuổi của các bác học mà thông qua họ có thể liên hệ với những người tham gia dự án. Trong báo cáo còn nêu không chỉ những công trình và nhà máy tuyệt mật ở Oak Ridge, Chicago, Los Alamos, Hanford, mà còn mô tả chi tiết, chức năng và cơ cấu sản phẩm của chúng.

Báo cáo này, cũng như các mẫu Uranium 233 và 235 mà Angelov nhận từ tiến sĩ May đã làm cho các tình báo viên rất hào hứng. Tuy nhiên, gửi Uranium về Moskva bằng bưu điện ngoại giao thì không chắc chắn. Người ta quyết định để Motinov mang các mẫu về Moskva vì anh ta cũng vừa hay phải về Moskva nhận công tác mới.

Tướng Pyotr Semyonovich Motinov nhớ lại: “Chính Giám đốc đã đón tôi tại sân bay. Tôi cực kỳ cẩn thận lấy ra từ thắt lưng cái lọ quý giá chứa Uranium và đưa nó cho Giám đốc. Ông ấy vội đi ngay lại chiếc ôtô màu đen cũng đang đỗ trên sân bay và đưa chiếc lọ vào xe.

- Thế ai ở trong xe đó? - sau này tô hỏi Giám đốc.

- Đó là Berya, - Giám đốc thì thào.

Còn vì cái lọ Uranium ấy mà đến ngày hôm nay tôi vẫn phải mang thương tật đau đớn và phải thay máu mấy lần một năm...”.

Trích từ hồi ký của nhân viên cơ yếu Guzenko:

“Khi có những “chiến lợi phẩm” quý giá, Zabotin đã tổ chức một bữa nhậu vui vẻ và ông đã chúc rượu người Mỹ:

- Hôm qua thì họ là đồng minh của chúng ta, hôm nay - là láng giềng, ngày mai - là kẻ thù.

Tôi rùng mình bởi sự trắng trợn ấy, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tôi được nghe. Các đảng viên cứng rắn nhất tin tưởng là cần phải có chiến tranh thế giới thứ ba với thất bại chắc chắn của chủ nghĩa tư bản.

Tôi kể điều này cho vợ tôi, Anna và cô ấy đã phát cáu:

- Chả nhẽ những đau thương và kinh hoàng trong chiến tranh thế giới thứ II còn ít với các dân tộc hay sao!...”
Khi Zabotin nói ra lời chúc của mình thì ông vẫn không hề nghĩ rằng, chẳng bao lâu sau khi Guzenko chạy trốn ông sẽ phải lọt vào tầng hầm của Lubyanka...
Chu Hà