In bài này
NATO châu Á và đối sách của Nga
Thứ Ba, 21/01/2014 - 7:47 PM
Trong trường hợp thành lập một khối quân sự như NATO ở châu Á, Nga sẽ đứng trước sự lựa chọn: bắt tay hoặc với Trung Quốc hoặc với Mỹ.
Mỹ sẽ lập NATO châu Á để đối phó Trung Quốc?
Washington đề nghị thành lập “NATO châu Á”. Mới đây tờ báo Mỹ The Washington Times đã đăng bài báo của một quan chức quân sự Mỹ cao cấp ở LHQ, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương James E. Lyons và chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế Richard D. Fisher Jr, trong đó các tác giả bày tỏ sự quan ngại trước chính sách ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc.

Theo hai chuyên gia này, nếu cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tiến hành một trò chơi thận trọng trên đấu trường đối ngoại thì đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng đưa ra những thách thức quân sự đối với các đồng minh châu Á của Mỹ và vị thế lãnh đạo của nước Mỹ.

Nếu Mỹ muốn giữ “vị thế dẫn đầu trong duy trì hòa bình và ổn định ở tây Thái Bình Dương”, Mỹ cần có một chiến lược mới.

““NATO ở châu Á” sẽ là phương án lý tưởng, nhưng bây giờ điều đó đơn giản là không thực tế”, Lyons và Fisher Jr nhận định khi đề cập đến những mâu thuẫn giữa nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thực tế hơn là kịch bản khác. Do nhiều nước ASEAN muốn hợp tác không chính thức trong lĩnh vực quốc phòng, điều “sẽ cho phép Mỹ hành động như người ổn định tình hình trong khu vực”, Washington có thể mở rộng và làm sâu sắc các hiệp ước tương hỗ quốc phòng song phương hiện có. Với tư cách bước đi sơ bộ, các chuyên gia Mỹ cho rawngfm cần tiến hành hàng năm cuộc tập trận của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương dưới sự bảo trợ của Mỹ hiện diễn ra 2 năm một lần và tạo cơ hội cho các nước tham gia được tham gia vào bộ tham mưu đa phương làm công tác kế hoạch tập trận.

Tuy nhiên, việc tiến hành hợp tác quân sự không chính thức ở cấp độ như vậy sẽ đòi hỏi Mỹ hiện đại hóa các lực lượng quân sự và các phương tiện răn đe, dừng giải trừ hạt nhân và tăng kinh phí cho các tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật mới và vũ khí năng lượng. Sự chuẩn bị đó sẽ thuyết phục đáng kể các đồng minh và bạn bè của Mỹ tin rằng, sự lãnh đạo của nước Mỹ sẽ được tăng cường bằng các lực lượng mới.

Bài báo trên tờ báo Mỹ cũng có thể không xem là nghiêm túc nếu như tác giả của nó là các nhà báo bình thường, còn chủ đề thành lập “NATO châu Á” mới được thảo luận lần đầu tiên ở Mỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2007, ông Rudolf Juliani (hồi đó là ứng cử viên tổng thống) đã đề nghị mở rộng NATO và kết nạp thêm Australia, Israel, Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore. Cả thượng nghị sĩ John McCain chắc chắn cũng muốn nói điều đó khi ông mấy lần  đề nghị thành lập một Liên đoàn Các nền dân chủ, mà theo ông ta là có tác dụng bổ sung cho hoạt động của cả LHQ lẫn các tổ chức quốc tế khác.

Cũng phải nói thêm rằng, quân Mỹ đang hiện diện ở Hàn Quốc (nước này sẽ chi 866 triệu USD đề duy trì đạo quân Mỹ ở Hàn Quốc trong năm 2014), Nhật, Philippines, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Guam, Australia. Gần đây, NATO cũng tìm kiếm sự hợp tác với siêu cường tiềm tàng Ấn Độ và thậm chí cò ráo riết mời Ấn Độ gia nhập hàng ngũ.

Xuất hiện câu hỏi: nếu như mục tiêu chính của việc thành lập “NATO châu Á” là ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thành đại cường cạnh tranh với Mỹ, có khả năng thực hiện những cuộc tấn công hiếu chiến, thì Nga sẽ làm gì trong tình huống đó: hoặc bắt tay với Trung Quốc và cùng nhau tự định vị mình như các đối thù của cả Mỹ, cả NATO và nói chung là cả thế giới, hay là ngược lại là quyết có bước đi không thể tưởng tượng từ thời Thế chiến II là biến mình thành đồng minh đối ngoại của Mỹ?

Mặc dù vào năm 2012, ở Trung Quốc đã đăng tải một tờ báo có tính chỉ đạo về sự cần thiết thành lập liên minh Âu-Á với sự tham gia của Nga và Trung Quốc chống lại NATO, một câu hỏi lớn là ai là kẻ thù nhiều khả năng hơn đối với Nga? Trong khi những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với Nga vẫn còn đó. Chỉ cần nhớ lại rằng, trong thế kỷ XIX, một phần lãnh thổ Viễn Đông, kể cả đảo Sakhalin từng thuộc về Trung Quốc, còn Vladivostok mang tên Haishenwei.

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên là vào năm 2012, Nga đã lần đầu tiên tham gia tập trận của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra dưới sự bảo trợ của Mỹ trong gần 40 năm.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị Nga Vladimir Anokhin cho rằng, “Tập hợp các đồng minh châu Âu thành một quả đấm thì dễ, còn thành lập NATO ở phương Đông thì không thể về mặt nguyên tắc. Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, Cận Đông là gì? Đó là những nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, những cách tiếp cận và chiều hướng khác nhau mà chúng không thể nào có thể kết hợp lại với nhau. Đó là sự ngu ngốc cực lớn, nhưng cứ để người Mỹ suy nghĩ và hành động như họ muốn”.

Trưởng Phòng Phân tích của Viện Phân tích chính trị và quân sự Aleksandr Khramchikhin cũng cho rằng, thành lập “NATO châu Á” khó có thể làm được cả về mặt địa lý lẫn về mặt chính trị: các nước ở châu Á khác nhau hơn so với các nước châu Âu.

“Trong điều kiện Mỹ củng cố ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phương án duy nhất thích hợp với nước Nga sẽ là lập liên minh với Ấn Độ. Nếu như không làm được việc đó thì bất luận thế nào cũng không bắt tay với ai. Cần giữ lập trường mà Trung Quốc từng có trong những năm chiến tranh lạnh. Tại sao? Đó là vì nếu chúng ta bắt tay với ai đó dù là Mỹ chống Trung Quốc hay Trung Quốc chống Mỹ thì người ta sẽ đánh nhau đến người Nga cuối cùng".

Theo tôi, nước Nga đã và đang có một sai lầm cực kỳ ngu ngốc khi cố lập một thứ liên minh tay ba Nga-Trung-Ấn. Mặc dù, hiện giờ, cái này đã hơi chìm đi, nhưng chỉ mới đây, điều đó suýt nữa là mục tiêu chính của chính sách đối ngoại của Nga. Ấn Độ đã vui lòng kết bạn với Nga chính là để chống Trung Quốc, nhưng bất luận thế nào cũng không định kết bạn với Trung Quốc vì đó là kẻ thù tiềm tàng chủ yếu của họ. Còn bản thân chúng ta lại đã đẩy xa Ấn Độ như một đồng minh thân cận nhất, nhưng tôi hy vọng đó không phải là hoàn toàn.

Còn Giám đốc Trung tâm Đánh giá địa-chính trị Valery Korovin lại có ý kiến khác. Ông cho rằng, việc thành lập cái gọi là “NATO châu Á” là hoàn toàn thực tế và trong trường hợp đó, điều chủ yếu ở đây là tận dụng cơ hội.

“Tiêu chí chủ yếu để lập các liên minh giống như liên minh Bắc Đại Tây Dương thành lập sau Thế chiến II đó là vấn đề an ninh. Người Mỹ xuất phát từ nguyên tắc: “Các nền dân chủ không đánh lẫn nhau”. Tức là, nền tảng tồn tại của liên minh Bắc Đại Tây Dương – đó là sự thống nhất tư tưởng của các nước tham gia nó. Hiển nhiên, dân chủ được hiều hoàn toàn là dân chủ kiểu Mỹ, tức là dân chủ được nhà nước Mỹ tạo ra và được xuất khẩu ráo riết ra bên ngoài nước Mỹ. Và chính nền dân chủ này xây dựng trên “nguyên tắc liberty”, tức là “tự do”, hiện nay là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Mỹ. Theo ý người Mỹ, các quốc gia tiếp nhận mô hình dân chủ đó không phải là mối đe dọa đối với Mỹ, cũng như đối với các nước nằm trong liên minh dân chủ này. Do đó mà cần đặt câu hỏi về sự tồn tại của một thứ lai giống của Hiệp định Yalta như LHQ và những câu chuyện về sự thành lập thay cho nó hay bên trên nó cái gọi là Liên đoàn Dân chủ".

Như vậy, việc thành lập một khối quân sự ở châu Á chỉ có thể trên cơ sở các quốc gia mà trên lãnh thổ của mình áp dụng mô hình dân chủ Mỹ. Tức là họ bị kiểm soát bởi các thiết chế nhà nước Mỹ và do đó không phải là nguy cơ đối với lợi ích của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nếu chọn ra các nước như thế thì đó hầu như là tất cả “những con hổ châu Á”, ngoại trừ Trung Quốc, quốc gia đang thi hành chính sách đối ngoại tự chủ không chỉ trong khu vực mà còn hành xử khá độc lập trong lĩnh vực kinh tế bên ngoài Trung Quốc, thì những quốc gia còn lại đó hoàn toàn có thể là nòng cốt cho một khối quân sự như NATO ở châu Á. Một việc khác là đấu thủ then chốt chủ yếu trong khu vực này là Trung Quốc, mà Trung Quốc thì còn lâu mới chấp nhận mô hình dân chủ Mỹ. Tức là từ góc độ an ninh, Trung Quốc là mối nguy hiểm đối với Mỹ.

Và ở đây, có hai phương án. Một là: Trung Quốc trở thành địch thủ chủ yếu của khối quân sự được thành lập, còn việc lập ra nó là rất có thể một khi xét đến việc Mỹ hầu như toàn quyền chỉ đạo khu vực và các nước mà hiện là lợi ích kinh tế lớn nhất. Kịch bản thứ hai là: Trung Quốc sẽ chấp nhận mô hình dân chủ Mỹ, điều này khó có thể bởi vì Trung Quốc đã từng có thể làm thế từ trước đó bất cứ lúc nào.

Chắc chắn, Trung Quốc sẽ kiên quyết chống việc thành lập một liên minh như thế vì thừa hiệu vị thế sơ hở của mình và sự cô lập chính trị-quân sự nào đó. Mà điều đó sẽ có lợi cho Nga vì Nga có thể theo cách đối xứng nêu lên một khẩu hiệu khác có thể dựa trên nền tảng là mô hình tư tưởng Âu-Á và thế giới đa cực: “Những người ủng hộ tính đa cực (có nghĩa là những người phản đối toàn cầu hóa đơn ực của Mỹ) sẽ không đánh lẫn nhau”.

Và khi nêu ra khẩu hiệu đối xứng như thế, trước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran và những nước khác sẽ mở ra những triển vọng choáng ngợp. Một mặt, điều đó phân cực thế giới thành phần thuộc về Mỹ và phần không thuộc về Mỹ, mặt khác sẽ tạo ra một thứ vành đai an ninh Âu-Á, biến các nước lục địa Âu-Á không tán thành nền dân chủ Mỹ, từ những chủ thể rời rạc thành các cực văn minh hợp nhất hay ít ra là các khối chiến lược-quân sự.

Và đây quả thực là phương án thay thế cho mô hình dân chủ Mỹ. Trung Quốc hiện nay đang phản ứng hung hăng với mọi châm chích nhằm vào họ về việc họ không chịu dân chủ hóa và hành xử tự chủ khi chuẩn bị phản kích xâm lược quân sự.

SP: Theo ông, điều đó quả thực là có thể sao?

- Con đường dân chủ Mỹ không phải dành cho Trung Quốc, có nghĩa là cái kịch bản mà tôi nói là chính đáng. Điều đó sẽ tạo ra một giải pháp thay thế cho các quốc gia đang chịu sự chiếm đóng văn minh Mỹ hay chiếm đóng trực tiếp như Nhật chẳng hạn.

Như vậy, việc lập “NATO châu Á” có thể kích thích một quá trình ngược tái cấu trúc cả khu vực nói chung mà nó lại có thể kích thích xem xét lại những trục văn minh chính mà hiện tồn tại trên thế giới và đa số định hướng vào chính sách đối ngoại Mỹ. Ý tưởng lập ra một khối tương tự NATO ở châu Á là một ván bài đánh dốc túi: hoặc là người Mỹ sẽ tóm được đuôi “con hổ châu Á” và khuất phục dưới trướng mình các nền kinh tế châu Á, hoặc là kích động một phản ứng đáp trả.

Mà điều đó sẽ có nghĩa là ngày tàn của đế quốc Mỹ, sự kết liễu ảnh hưởng của nó và từng bước quay về lục địa của mình dưới dạng một cực văn minh Mỹ vốn sẽ không phải là một cực văn minh duy nhất mà chỉ là một trong các cực văn minh.


Nhân Vũ