In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Gặp gỡ trên giường
Thứ Sáu, 10/01/2014 - 8:25 PM
Các lính thuỷ đánh bộ Mỹ canh gác sứ quán Mỹ ở Moskva đã bị dính các quả bom sex do KGB cài.
Arnold Bracy (trái) và Clayton Lonetree
Ngày 14 tháng 3 năm 1985, sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã gửi công văn tới Cục ngoại giao đoàn của Bộ Ngoại giao Liên Xô để xin một nữ thư ký làm việc ngắn hạn từ 8 giờ đến 13 giờ trong dinh thự đại sứ với mức lương 140 rúp/tháng. ít lâu sau trong sứ quán Mỹ đã xuất hiện cô gái Violetta Seina, 25 tuổi, tóc đen, đẹp và cân đối, tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Moskva. Các bạn gái trong Cục ngoại giao đoàn không giấu diếm sự ghen tỵ với Violettta: người khác thì phải bao nhiêu năm trời cho những người châu Phi bất hạnh nào đó, còn , còn cô ta thì vừa vào làm đã gặp ngay may mắn như thế.

Đâu đó vào tháng 10 năm 1985, như thường lệ, Violetta đang trên đường từ chỗ làm về nhà. Bất ngờ Clayton Lonetree, lính thuỷ đánh bộ bảo vệ sứ quán Mỹ liền bám theo sau cô. Trong toa tàu điện ngầm, anh ta lại gần Violetta và với vẻ hơi bối rối đã xin tiễn cô về nhà. Cô đã làm anh ta hiểu rằng cô không phản đối.

Hạ sĩ Lonetree là người Mỹ da đỏ, cháu của thủ lĩnh bộ lạc Winnebago ở bang Wisconsin đến Moskva năm 1984 sau khi tốt nghiệp trường lính thuỷ đánh bộ vào năm 22 tuổi. Theo các đồng nghiệp thì Lonetree phục vụ không xuôn xẻ: một lần anh ta bị say mèm đến nỗi không mở được cửa phòng và đã nằm quay ra hành lang ngủ ngon. Một lần khác, anh ta tỏ ra khôn ngoan hơn nên đã ngủ ngay tại vọng gác khi trực (mà viên trung sĩ này khi đó đang bảo vệ không phải là cái gì vớ vẫn mà là vị trí cẩn mật của sứ quán - phòng mật mã của CIA). Nhưng sứ quán vẫn nhắm mắt cho qua vì đám lính thuỷ đánh bộ đâu có chỉ làm những cái đó.

Trong những năm 80, việc bảo vệ sứ quán Mỹ bị coi là hình phạt đối với các lính thuỷ đánh bộ vi phạm kỷ luật trên đất Mỹ. Vì thế từ 1980 đến 1987, một phần mười lính thuỷ đánh bộ gác sứ quán phải bị cấm trực vì có các hành vi hiếp dâm và các khuyết điểm khác. Theo nội quy cấm, họ bị cấm có quan hệ thân thiết với những người bất kể nam nữ là người Liên Xô và tất cả các nước xã hội chủ nghĩa khác. Khi có tiếp xúc với những người đó, họ phải báo cáo với phòng điều tra thuộc của Hải quân Mỹ mà đại diện cho cơ quan này trong sứ quán là các nhân viên an ninh. Tuy nhiên, để tránh rắc rối, lính thuỷ đánh bộ thường không tuân thủ những quy định này.

Môi trường đạo đức trong sứ quán không giúp gì cho việc củng cố kỷ luật, ví dụ như: các bà vợ của một số nhân viên sứ quán nhiều khi đi tìm cảm giác lạ ở những chàng trai to khoẻ và họ đã thoả mãn nguyện vọng của các bà. Nhưng Lonetree không khoái các cô đồng hương mà để mắt vào cô thư ký người Nga. Và vào tháng 11 khi mà theo truyền thống, sứ quán tổ chức liên hoan cho các lính thuỷ đánh bộ thì chẳng ai ngạc nhiên khi viên trung sĩ đã đến dự cùng Violetta. Cũng chẳng có ai “gây khó dễ” gì cho anh chàng đồng sự vì chuyện tình giấu giếm thì khối anh lính thuỷ đánh bộ có. Sự ham mê tưởng chừng như thoáng qua đối với cô gái Nga của anh trung sĩ đã nhanh chóng biến thành một mối tình đầy xúc động.

Chẳng có gì khó để đoán rằng, không ít nhân viên người Liên Xô làm việc trong sứ quán Hoa Kỳ ở Moskva đã làm việc cho KGB. Tuy nhiên, những tài liệu văn bản về việc Violetta đã được tình báo Liên Xô tuyển từ trước hay là họ chỉ tiếp xúc với Violetta sau khi cô nhận việc làm mới ở sứ quán đến nay vẫn còn mang dấu “mật” trong kho lưu trữ. Dù thế nào đi chăng nữa thì đôi tình nhân không còn thoả mãn với những cuộc gặp gỡ trên phố nữa. Bởi vậy mà Violetta đã tâm sự với Lonetree: Em không thể mời anh về nhà em được, ở đó luôn có nhiều người, nhưng em có ông chú còn khá trẻ, với chú ấy em còn thoải mái và cởi mở hơn là với mẹ. Do đó, chúng mình có thể gặp nhau ở căn hộ của chú ấy.

Viên trung sĩ rất mến “chú Sasha”: chú ấy chỉ nói tiếng Nga, nhanh trí, linh hoạt, còn về tình cảnh người da đỏ ở Mỹ, ông ta còn biết những cáo chính Lonetree cũng chưa từng nghe nói. Dần dần, quan hệ giữa Violetta và Lonetree càng gắn bó, mặc dầu, vài người nói là họ vẫn chưa có chuyện ăn nằm với nhau. Không lâu sau, viên trung sĩ nói với “chú Sasha” là muốn cưới cháu gái ông nhưng anh ta hiểu là vấn đề rất phức tạp vì bản thân thì là người Mỹ, làm việc ở sứ quán, thái độ của sứ quán đối với việc này ai cũng biết rồi. Vì vậy, Lonetree đề nghị giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống gia đình tương lai của mình ở Liên Xô, hơn nữa anh không quý báu gì đời sống hiện tại ở Mỹ, đặc biệt là chính sách diệt chủng người Anhđiêng bản xứ. Hiển nhiên là anh chàng đáng thương này đã được hứa hẹn giúp đỡ với một điều kiện: để đổi lại phải giúp đỡ gì đó cho nhà nước Xôviết. (Trong khi trò chuyện, “chú Sasha” vì sao đó đã chuyển sang nói bằng thứ tiếng Anh không thể gọi là tồi).

Quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã được thiết lập vào năm 1933 và từ đó các cơ quan tình báo Xôviết không bao giờ ngừng tìm cách xâm nhập vào toà nhà sứ quán Mỹ tại Moskva. Trong những năm 30, các nghệ sĩ ba lê của đoàn ba lê Moskva đã kết thân với các nhân viên lớn tuổi của sứ quán. Họ đã chơi bời, ăn uống, rượu chè và ngủ nghê thâu đêm tại đó, còn với các lính thuỷ đánh bộ sống tại khách sạn Savoi thì đã có các cô giáo tiếng Nga xinh đẹp. Vào năm 1945, đại sứ Mỹ tại Liên Xô Averell Harriman (Averell William Harriman (1891-1986), nhà tài chính, quan chức chính phủ và nhà ngoại giao Mỹ. Là đại sứ Mỹ tại Liên Xô (1943-46) và là trưởng đoàn Mỹ tại cuộc đàm phán sơ bộ ở Paris với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong những năm 1968-1969 - ND) đã được tặng một quốc huy Mỹ chạm bằng gỗ và nó đã được treo trong phòng làm việc của bốn đời đại sứ Mỹ. Mãi đến những năm 50, người ta mới phát hiện được trong tấm trong quốc huy một máy nghe lén có thiết kế mà người Mỹ không biết - nó giống như con nòng nọc có đuôi, chẳng cần điện lẫn pin.

Vào năm 1953, Mỹ bắt đầu xây dựng toà đại sứ mới trên phố Chaikovsky. Các nhân viên bảo vệ Mỹ canh gác suốt ngày trên công trường với nhiệm vụ chính là không để cho Nga cài đặt máy nghe lén. Nhưng thật là khó hiểu khi mà người ta đã rút bỏ bảo vệ tại công trình trong một đêm, có lẽ là để tiết kiệm tiền bạc. Kết quả là vào năm 1964, trong toà đại sứ, người ta đã tìm thấy hơn bốn chục “con rệp” mà các máy dò kim loại không thể tìm ra được. Chỉ trong bốn năm, đã có 12 nhân viên sứ quán bị đuổi về nước vì thú nhận đã bị chụp ảnh trong lúc làm tình và sau đó bị đe doạ tố giác. Năm 1976, trong bộ acquy của phòng mật mã, đã phát hiện ra một anten phát mà nhờ nó ít nhất trong vài năm toàn bộ các tin tức mật mã của sứ quán đã bị đọc lén. Năm 1984, đã tìm thấy các “con rệp” trong 13 máy chữ được chở từ Mỹ đến. Qua các “con rệp” này, toàn bộ các thông tin được đánh máy trong sứ quán đã được truyền về trạm nghe lén của KGB đặt ở trong ngôi nhà đối diện.

... Theo yêu cầu của “chú Sasha”, Lonetree đã trả lời mấy chục câu hỏi do một “người quen của chú” là tướng KGB đặt ra, anh ta đã vẽ sơ đồ mặt bằng của mấy tầng toà nhà sứ quán, mô tả chi tiết bàn làm việc của đại sứ. Anh ta cũng xác nhận điều nghi vấn của “người quen của chú” là bí thư thứ hai của sứ quán làm việc cho CIA (sau đó không lâu, tên này đã bị bắt bí mật gặp gỡ với một nhân viên KGB do hắn tuyển được, hắn bị trục xuất khỏi Liên Xô vì hoạt động gián điệp, còn nhân viên KGB phản bội tổ quốc kia thì bị xử bắn). Sau đó “ông chú” yêu cầu viên trung sĩ cài “rệp” trong nhà của đại sứ, phó đại sứ và trưởng phòng an ninh sứ quán. Nhưng sau đó sự may mắn của KGB đã chấm dứt vì thời hạn làm việc của Lonetree tại Moskva đã hết vào ngày 10 tháng 3 năm 1986 và chuyển sang làm việc tại Viên. Trước thời điểm đó, Violeta đã thôi việc ở sứ quán Mỹ và chuyển sang làm phiên dịch cho một cơ quan đại diện ngoại giao khác để tránh bị chú ý. Người ta nói rằng, màn chia tay của họ rất chi là lâm ly, cảm động.

Nhưng “chú Sasha” đã không để yên Lonetree dù anh này đa ở áo. Ông đã bay đến đây vào tháng 6, tháng 9 và tháng 12 năm 1986. Tại đây ông là Aleksei Yefimov. Lonetree đã nhận được 3000 đô la cho một số ảnh nhân viên của trung tâm tình báo CIA tại sứ quán, bố trí phái bộ ngoại giao Mỹ tại Viên và sổ danh bạ điện thoại cũ của sứ quán tìm được trong thùng rác.

Tai hoạ thì lại thường đến vào lúc người ta không ngờ được. Moskva đã quyết định chuyển điệp viên quý giá đã ra khỏi Liên Xô này từ cơ quan phản gián sang cho cơ quan tình báo như vẫn thực hiện trên thực tế trong những tình huống tương tự. Trong buổi gặp gỡ cuối cùng với Lonetree, “chú Sasha” đã đi cùng với người sẽ tiếp quản công việc của ông là người đồng nghiệp trong trung tâm tình báo của Tổng cục I-KGB tại Viên. Khác với người quen cũ, luôn vào vai một chàng trai vui vẻ, dễ nói chuyện, lúc này Lonetree chạm trán với một sĩ quan KGB giống như được thể hiện trong các phim trinh thám Mỹ: ánh mắt lạnh lùng không chớp, quai hàm nặng trịch, cử chỉ thô lỗ, vodka nốc cả cốc vạ. Sự tương phản mạnh mẽ đến mức ngày 26 tháng 12 trong dạ hội lễ giáng sinh, anh chàng Lonetree hoảng sợ đã đến gặp trưởng trung tâm CIA và thành tâm thú nhận là điệp viên KGB. Ông này gần như chết lặng vì hú vía: chế độ an ninh của sứ quán Mỹ tại Viên lỏng lẻo hơn nhiều so với tại Moskva và một người như Lonetree có thể giúp cho KGB tiếp cận được thông tin tối quan trọng. (Sau này, người Mỹ rất ngạc nhiên về việc tự thú của viên trung sĩ vốn chẳng có điều gì bị nghi ngờ, chưa nói đến các chứng cớ hoạt động gián điệp của anh ta).

Phòng điều tra của Hải quân Mỹ lập tức tiến hành điều tra các hành vi vi phạm chế độ bảo mật trong sứ quán Mỹ ở Moskva. Người ta cũng bắt đầu thẩm tra cặn kẽ những điều tự thú động trời của Lonetree. Các điều tra viên không khỏi ngạc nhiên vì một phần các lời khai của viên trung sĩ đã không được xác nhận. Chẳng hạn, Lonetree thú nhận đã lấy cắp 3 tài liệu mật từ phòng mật mã của ban chương trình truyền tin ở Viên và cả 200 các tài liệu khác mà anh ta đã được lệnh huỷ. Nhưng đột nhiên lại vỡ lẽ ra là các tài liệu này thực ra không tồn tại và vào ngày chúng bị “lấy cắp” thì Lonetree không thể trực được. Vậy anh ta đổ oan cho chính mình để làm gì?

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, người ta đã thẩm vấn hơn một ngàn năm trăm người. Khi đó, hạ sĩ thuỷ quân lục chiến Arnold Bracy, một người da đen có quan điểm khắt khe về đạo đức và vẫn là trai tân khi đến Moskva cũng lọt vào vòng nghi ngờ. Sau đó mới rõ là, ở sứ quán, anh ta có quen nữ đầu bếp người Nga Galia Golotina, 28 tuổi, độc thân, đang nuôi một đứa con trai còn nhỏ. Các nhân viên sứ quán Mỹ chỉ nhớ tới cô như một người rất khiêm tốn, ít nói, nói tiếng Anh rất kém và khác hẳn với các bạn gái khác, cô không bám theo ve vãn bọn đàn ông. Phòng an ninh sứ quán có số liệu là ngày 29 tháng 6 theo báo cáo của Bracy, Galia đã nói với anh rằng hình như KGB có đề nghị cô ta tuyển mộ anh hạ sĩ và nếu cô ta không làm được điều đó, cô sẽ bị đuổi việc. Người Mỹ đánh giá cao sự chân thành của cô gái Nga và vẫn để cô làm việc ở sứ quán nhưng cấm tuyệt đối không được gặp Arnold Bracy. Nhưng ngày 20 tháng 8, hai nhà ngoại gia tình cờ bắt gặp Arnold và Galia đang làm tình trong căn hộ của phó thư ký báo chí sứ quán. Anh hạ sĩ bị lập tức đuổi về nước.

Ngày 18 tháng 3 năm 1987, bắt đầu có một đợt thẩm vấn Bracy, trong quá trình kiểm tra trên máy phát hiện nói dối, anh ta đã bị “lộ tẩy”. Anh hạ sĩ thú nhận là sau quan hệ tình dục do cô gái Nga chủ động, cô ta đã đề nghị anh ta gặp ông chú có thái độ quan tâm đến tình trạng người da đen ở Mỹ. Thế là Bracy đã làm quen với “chú Sasha”. Vài tuần sau, viên hạ sĩ đột nhiên sực nhớ là đã đồng ý ngắt hệ thống báo động khi trung sĩ Lonetree dẫn cho một người Nga nào đó vào “tham quan” trong sứ quán. Sau này, Bracy còn thú nhận đã ba lần giúp cho Lonetree tổ chức cho những người Nga nào đó viếng thăm hàng giờ các phòng của Ban các chương trình truyền tin và đã được nhận một ngàn đô la.

Ban các chương trình truyền tin là một hệ thống các phòng mật mã bọc thép bảo vệ, nhìn từ bên trong giống như một tủ lạnh khổng lồ. Nằm trên tầng 9 và là vị trí cẩn mật nhất trong toà đại sứ. Làm việc tại Ban các chương trình truyền tin có các nhân viên mật mã của Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và NSA). Từ đây, toàn bộ thông tin từ Moskva, kể cả các tin tức chi tiết của các điệp vụ, được truyền về Mỹ thông qua hệ thống các vệ tinh. Trên một tầng nữa, ngay dưới mái nhà sứ quán là trạm chặn thu của NSA mà một trong những nhiệm vụ của nó là thu lén thông tin từ các kênh liên lạc quân sự, các kênh liên lạc của chính phủ, Moskva và ngoại ô Moskva, chặn thu các cuộc điện đàm của các nhà lãnh đạo Liên Xô từ các xe công vụ, cũng như xác định các tính năng của các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Liên Xô. Từ tầng 7, mà giữa tầng này là văn phòng CIA và phòng chính trị Bộ Ngoại giao, là bắt đầu khu đặc biệt, việc đi lại ở đây được kiểm tra nghiêm ngặt. Chỉ có thể đến được khu đặc biệt này bằng thang máy ở giữa toà nhà. Ngay lối ra thang máy có trạm gác No 3, bất kỳ ai muốn gặp đại sứ hoặc vào Ban các chương trình truyền tin trước tiên sẽ phải đi qua hàng rào lính thuỷ đánh bộ.

...Và đột nhiên, Bracy lại phản cung và tuyên bố là anh đã vu cáo mình và Lonetree và anh ta tốt hơn nên ra toà vì tội nói dối còn hơn là tội gián điệp. Ai, khi nào và tại sao, đã gây áp lực bắt viên hạ sĩ này vu cáo bản thân? Xuất hiện những lời đồn ám chỉ áp lực mà các cơ quan tình báo Mỹ tạo ra đối với Bracy. Đồng thời, giả thiết có sự thông đồng giữa Bracy và Lonetree xem ra cũng rất khó tin vì họ chỉ cùng trực một ca có vẻn vẹn hai lần, mà vào những ngày đó thì hệ thống báo động của sứ quán không ghi nhận được điều gì đáng nghi. Thêm vào đó, mọi người xung quanh đều hiểu rất rõ là viên trung sĩ và viên hạ sĩ rất căm ghét nhau và kể cả KGB cũng chưa chắc đã ngăn cản được mối hiềm khích cá nhân này. Do có bước ngoặt đột biến này mà phòng điều tra Hải quân Mỹ đã mất một chứng cứ duy nhất quan trọng - đó chính là những lời khai của hạ sĩ Bracy.

Nhưng chưa kể điều đó thì vẫn còn một đống các điều không ăn khớp và bí ẩn. Chẳng hạn, kể cả là Bracy cho người của KGB vào khu vực đặc biệt thì vẫn còn phải mở cửa của Ban các chương trình truyền tin có khoá bằng mã cực kỳ phức tạp. Tổ hợp mã để mở cửa này được cất trong hộp nhựa có dấu niêm phong mà người ta không hề phát hiện các dấu hiệu hộp bị mở. Và sau đó, trên bàn điều khiển chỗ người gác còn có các đèn báo động màu đỏ và màu vàng cùng với một chuông điện báo hiệu khi có người mở cửa vào Ban các chương trình truyền tin. Thậm chí nếu người lính thuỷ đánh bộ trên trạm gác No 3 còn biết cách ngắt đèn đỏ và chuông điện, thì anh ta không thể làm gì được với cái đèn vàng còn lại. Giả dụ có người lạ mặt vào được khu vực Ban các chương trình truyền tin nhờ anh ta giúp đỡ thì sau đó vẫn có tín hiệu báo động. Vậy mà lại không có tín hiệu báo động đó.

Ngày 12 tháng 6 năm 1987, toàn bộ các cáo buộc đối với Bracy đã bị loại bỏ vì thiếu chứng cứ. Tháng 8 năm 1987, Lonetree lãnh án 30 năm tù vì tội gián điệp (sau đó anh ta được bớt đi 5 năm tù). Trong những lá thư gửi cho cha từ sau song sắt, anh ta đề nghị chuyển lời nhắn Violetta là anh ta vẫn OK. Mùa hè năm 1996, sau khi hết hạn 1/3 án tù bắt buộc, anh ta được thả vì án tù được chuyển thành tù treo. Vì nghĩ rằng Violeta vẫn còn yêu mình nên Lonetree đã tìm cách rời nước Mỹ để sang châu Âu để gặp cô, nhưng đã không được chính quyền Mỹ cho phép vì họ đã xếp anh ta thành “người không được xuất ngoại”...

Sau khi bắt giữ Lonetree không lâu, ban lãnh đạo NSA đã được tổng thống Reagan chấp thuận cho đổi toàn bộ những thiết bị đã mất an toàn của sứ quán Mỹ tại Moskva. 120 thùng hàng chứa đủ loại máy móc đã được chuyển từ Liên Xô về Mỹ. Tại một căn cứ bí mật ở Mỹ, sau khi chiếu tia Rơnghen và tiến hành phân tích phổ hồng ngoại, các chuyên gia đã phát hiện ra những “con rệp” cực nhỏ trong các máy in vi tính của Ban các chương trình truyền tin. Các vi mạch trong các máy in đều dùng pin, có nghĩa là người Nga phải có một kênh rất tin cậy để xâm nhập một cách có hệ thống vào sứ quán và vào các phòng của Ban các chương trình truyền tin để thay pin. Làm sao mà họ đã có thể làm được điều đó.

Một uỷ ban đặc biệt đã tiến hành điều tra cẩn thận vấn đề này. Họ đã nhận định rằng, giả thiết có tính thực tiễn nhất là các nhân viên KGB ban đêm đã bò vào sứ quán, dọc theo tường, qua các lỗ cửa tò vò. Nhưng các nhân viên CIA khi kiểm tra giả thiết này đã thấy các cửa tò vò bị đóng kín, còn khung cửa, bệ cửa chất đầy phân chim tích tụ trong ít nhất đã 20 năm. Vậy là người Nga đã “đột nhập” vào sứ quán không phải là qua cửa sổ, mà cũng không qua các cửa. Thế thì qua đâu nữa? Và có đúng là người Nga chăng? Mà nếu quả thực Lonetree đã cài các “con rệp” thì anh ta chỉ cài vào chỗ của đại sứ, phó đại sứ và trưởng phòng an ninh, nhưng không thể cài vào trong các phòng của Ban các chương trình truyền tin, vì lẽ đơn giản là điều đó quá sức anh ta. Nghĩa là Bracy đã làm việc đó. Nhưng rõ ràng là sau khi điều tra kỹ lưỡng, anh ta đã được công nhận là vô tội...

Mà nói chung thì liệu đã có ai đó đột nhập vào khu đặc biệt của sứ quán Mỹ và Ban các chương trình truyền tin hay tất cả chuyện này lại là “quả lừa” tiếp theo của KGB? Những câu hỏi đó đến nay còn chưa có câu trả lời. Thêm vào đó là theo một số nguồn tin thì các chuyên gia dò tìm của NSA đã xác định được là ai đó đã thay toàn bộ đường dây tải điện trong khu vực Ban các chương trình truyền tin bằng dây khác giống hệt nhưng lại có thể tiếp phát văn bản đánh máy các bản báo cáo mật mã. Để làm được điều đó phải là các chuyên gia và phải mất không ít thời gian - ở đây thì cả Lonetree lẫn Bracy cũng không thể giúp nổi. Vậy thì ai? Và lúc nào? Do không sao tìm được câu trả lời ít nhiều xác đáng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định đình chỉ liên lạc điện tử với Moskva và tất cả các thông tin mật đều phải chuyển về Mỹ bằng các giao thông viên đặc biệt.

Lời khai của sĩ quan CIA Aldrich Ames kiêm điệp viên của Nga bị phát giác vào năm 1994 đã làm rối câu chuyện về việc Ban các chương trình truyền tin của sứ quán Mỹ trở thành cái tai nghe trộm khổng lồ. Ames đã tuyên bố rằng, toàn bộ câu chuyện “tuyển mộ” Lonetree và việc cài đặt “rệp” trong sứ quán Mỹ ở Moskva là chuyện bịa đặt nằm trong kế hoạch lớn để lái sự nghi ngờ ra khỏi chính ông ta. Theo lời Ames, KGB thừa hiểu là Lonetree đã cung cấp cho Moskva những tin tức “vô dụng” không ai cần và đã giúp người Nga những việc mà họ không thật cần. Nhưng về mặt nào đó thì những điều mà Ames nói ra cũng không chắc chắn vì mặc dù ông ta giữ cương vị cao trong phòng Liên Xô của CIA và đã cung cấp cho Moskva một khối lượng tin tức khổng lồ về các kế hoạch của Mỹ đối với Liên Xô, thì KGB chưa chắc đã từ chối có thêm khả năng nữa để kiểm soát tình hình ngay từ trên lãnh thổ của mình. Hơn thế nữa, tại đây, Lonetree có thể làm được không ít những điều mà ở bên kia đại dương Ames không thể làm được. Và điều đó có nghĩa là giả thiết cho rằng KGB tổ chức một chiến dịch quyy mô để yểm hộ che giấu điệp viên xem ra cũng không được thuyết phục lắm.

Nói chung, như lịch sử nhiều thế kỷ ngành tình báo cho thấy, phải sau cả trăm năm nữa, chúng ta mới biết được toàn bộ sự thật về cuộc chiến bí mật của KGB chống lại sứ quán Mỹ ở Moskva.

Chu Hà