In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Tên phản bội mang quân hàm đại tá GRU
Thứ Tư, 08/01/2014 - 10:40 AM
Tính tự cao tự đại thái quá đòi hỏi phải có những ưu đãi đặc biệt. Baranov quyết định lừa dối tất cả, bắt cá hai tay và đánh giá quá cao khả năng của mình.
Làm thế nào mà một viên đại tá Nga trở thành điệp viên Tony

Ngày 17 tháng 12 năm 1993, Toà quân sự-Toà án Tối cao Liên bang Nga kết án giam giữ 6 năm đối với đại tá V. Baranov, cựu nhân viên Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu GRU vì tội phản quốc vì đã hoạt động gián điệp cho tình báo Mỹ.

Vào thời còn KGB khi phát giác được một tên gián điệp thì trên báo chí chỉ có vài dòng thông báo ngắn gọn. Không ai bình luận gì việc phát giác này, chẳng có bài báo nào được viết. Còn các nhân viên Cheka thì giữ im lặng. Người ta viện ra nào là lý do bảo đảm bí mật, khả năng áp dụng thủ pháp nghiệp vụ và các lý do chuyên môn thuần tuý khác để giải thích cho tất cả những điều đó.

Nếu tính đến thực tế là sự đối đầu giữa các cơ quan tình báo vẫn còn tiếp diễn trên thế giới thì trong cách giải thích đó cũng có lý. Phía chịu thất bại, hiển nhiên, là cố tìm nguyên nhân thất bại, đánh giá thiệt hại, áp dụng các giải pháp đối phó để giảm bớt các hậu quả tiêu cực. Bởi vậy, phía bên kia sẽ chả có lợi gì khi ngửa hết các con bài của mình, kể cả việc mô tả chi tiết các hoạt động của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong trường hợp của Vyacheslav Baranov, nhiều báo chí đã miêu tả dựa trên những tin tức rời rạc lấy từ các phiên xử kín và các hiểu biết cá nhân mà đôi khi rất xa vời chủ đầu của câu chuyện.

Các tin tức trên báo chí viết về việc vạch mặt tên gián điệp đã gây ra ở người Nga những phản ứng hoàn toàn trái ngược. Một số thì cho là Baranov đã bị xử quá nhẹ vì tội phản quốc. Những người khác thì ngược lại, cho là hình phạt là quá nặng với lý lẽ nguỵ biện là tên đại tá này đã đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản, muốn cứu gia đình và v.v.. Vấn đề chưa được rõ ràng là vai trò của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA trong việc tuyển mộ điệp viên người Nga này. Lời lẽ mô tả bản thân sự kiện tuyển mộ cũng giống như một cuộc đấu giá nóng hổi - Baranov đã mất giá hay chưa.

Các bằng chứng thu được được trong quá trình truy tìm nghiệp vụ và điều tra đã được toà án công nhận là vững chắc và không thể chối cãi được. Bản thân bị cáo trong tất cả các giai đoạn tố tụng đã cư xử đúng đắn và có giúp đỡ nhiều trong quá trình điều tra. Sau khi xem xét tất cả các tình tiết, toà đã tính đến các tình tiết giảm nhẹ và kết án ở dưới mức giới hạn dưới. Trừ thời gian tạm giam ở Lefortovo để điều tra sơ bộ, Bararnov phải ngồi trong trại lao động cải tạo 4 năm rưỡi.

Không có những tên phản bội bẩm sinh, mà chỉ có những người sẽ trở thành phản bội. Chúng ta có thể nói phỏng theo một câu ngạn ngữ quen biết như thế. Vyacheslav sinh ra ở Magilyov. Thực tế từ 15 tuổi đã gắn số phận mình với quân đội. Đã tốt nghiệp trường quân sự Suvorov, sau đó tốt nghiệp cao đẳng quân sự Chernigov.

Ở đâu, Baranov cũng tỏ ra có năng lực khác người và ham hiểu biết. Hắn luôn có nguyện vọng lập được công danh. Hắn đọc nhiều, học thêm tiếng Anh. Trong phi đội, hắn đã được bầu làm bí thư chi bộ. Còn khi trung đoàn không quân có chỉ tiêu chọn người đi tại Học viện Ngoại giao Quân sự, nguời ta đã không tìm thấy sĩ quan nào xứng đáng hơn Baranov.

Việc học tập diễn ra xuôn xẻ. Người tình báo viên tương lai được đề bạt đều đặn, dễ dàng học hết năm học này sang năm học khác và triển vọng cực kỳ sáng sủa đã hiện lên trước mắt hắn.

Năm 1979, trước khi tốt nghiệp học viện, học viên Baranov đã phạm một khuyết điểm lớn là vi phạm nghiêm trọng chế độ bảo mật. Trong những năm ấy, bản thân việc kỷ luật do khuyết điểm là không đáng sợ bằng những hậu quả của khuyết điểm đó, nhất là đối với những người có nhiệm vụ hoạt động ở nước ngoài.

Trong 5 năm trời, Vyacheslav hết tiễn đi lại đón về các bạn từ nước ngoài và anh ta đã cố gắng một cách vô vọng nhằm xoá đi cái vết của người “không được xuất ngoại”. Các cấp chỉ huy cũng rất thông cảm, nhưng “đèn đỏ” đã làm tất cả họ phải bó tay. Mãi đến năm 1985, họ mới có “tư duy mới” và tháng 6 năm 1985, Baramov mới được cử đến một nước Đông Nam Á.

Vị tất 5 năm đó đã biến được viên sĩ quan Baranov thành tên phản bội. Nó không thể làm hư hỏng một con người đến thế được. Mà trả thù các cấp chỉ huy bằng cách làm hại nền an ninh của tổ quốc thì thậm chí đối với những người ít hiểu biết, cũng là không phải lẽ.

Aristotle đã nói, rằng tội ác chỉ cần có nguyên cớ. Trong trường hợp của chúng ta thì sự chờ đợi ở Moskva có thể là nguyên cớ, còn cơ sở của tội ác thì nên tìm ở chỗ khác. Đó là ở sự thay đổi đột biến các quan điểm chính trị và tư tưởng, quan điệm về bạn thù trong sự phân chia quái dị xã hội thành những kẻ rất giàu sang và những người rất khốn cùng, ở tình hình bất ổn và tương lai mù mịt. Sẽ không thừa nếu ta nhắc đến cả một số phẩm chất cá nhân của viên đại tá phản bội.

Tính tự cao tự đại thái quá đòi hỏi phải có những ưu đãi đặc biệt. Hắn quyết định lừa dối tất cả, bắt cá hai tay và đánh giá quá cao khả năng của mình. Tính ích kỷ đạo đức giả đã khiến hắn đứng giữa đồng đội và tưởng tượng ra hình ảnh một chiến sĩ trên mặt trận vô hình, đồng thời lại toan tính làm thế nào để cứu được mạng mình một khi “máy chém sẽ hoành hành” khắp đất nước. Thói hám lợi, ước vọng muốn giàu sang ngay tức khắc đã làm mờ mắt Baranov đến mức đến năm 1992 hắn vẫn chưa hiểu là hắn đang có những cơ hội thực sự lớn đến thế nào. Tổ quốc đã dạy dỗ hắn nên người, hắn trở thành một chuyên gia giỏi về quan hệ quốc tế, luật pháp, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Hai chục “vé” mà hắn được trả để bán những bí mật của nước Nga cho người Mỹ, sẽ chẳng là gì so với số tiền mà hiện nay hắn có thể kiếm được bằng con đường chính đáng.

Và tất cả những điều vừa kể chính chỉ là tiền đề, là những viên đá tạo ra nền móng cho tên phản bội. Còn việc làm sao xếp cho đúng các viên đá đó, đổ xi măng và biến nó thành một khối lại là nhiệm vụ của các đồng nghiệp ở CIA.

Trong những năm 1990, người Mỹ đã hành xử trên hành tinh chúng ta như thể những ông vua. Họ chẳng khó khăn gì để có được sự cho phép hình thức của Liên Hiệp Quốc để sử dụng sức mạnh quân sự, dễ như trở bàn tay trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiệt ngã nhất, tổ chức bao vây cấm vận, bắt buộc các nước phải quay lưng với bạn bè, vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết... Do đó, ta cũng dễ dàng tưởng tượng ra điều gì đang diễn ra trên lĩnh vực đối kháng giữa các cơ quan tình báo và kẻ nào đang thống trị trên lĩnh vực đặc thù này.

Đã có bao giờ có chuyện nhân viên tình báo Mỹ Crocket, kẻ đã bị trục xuất khỏi Liên Xô vì liên hệ với tên phản bội Filatov lại dễ dàng bán các cuộc nói chuyện bí mật với Baranov và các đại diện Nga khác ở nước ngoài như thế không? Tôi không biết trong từ vựng ngoại giao cái đó được gọi là gì, còn trong tiếng Nga cái đó gọi là sự láo xược tột đỉnh.

Tóm lại thì người Mỹ đã lôi kéo Baranov, hứa hẹn ngon ngọt, sau đó hoặc là họ đã sử dụng không tốt, hoặc là đơn giản là họ vứt bỏ. Độc giả hẳn còn nhớ câu ngạn ngữ Nga “Gián điệp cũng như khúc củi, dùng xong thì vứt đi”. Làm sao mà hắn trở thành điệp viên Tony thì không ai có thể kể lại điều đó tốt hơn chính bản thân Baranov, còn chuyện hắn đã bại lộ cùng với các nhân viên CIA thì các nhân viên phản gián Nga, các nhân viên các đơn vị điều tra, kỹ thuật và chiến đấu của Bộ An ninh Nga cũ biết rất rõ.
Chu Hà