In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Nhà tình báo Nga Pavel Pestel
Chủ Nhật, 05/01/2014 - 2:27 PM
Trong 10 năm quân ngũ, P.I. Pestel đã trải qua con đường vinh quang gian khó từ một chuẩn uý trung đội trưởng đến đại tá trung đoàn trưởng trung đoàn Vyatsky. Cấp bậc cuối cùng mà ông được phong tất nhiên là để tưởng thưởng cho thành tích hoạt động tình báo.
Pavel Ivanovich Pestel (1793-1826), đại tá, trung đoàn trưởng trung đoàn Vyatsky, tác giả của “Sự thật Nga”, một trong những nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng tháng 12 năm 1825. Bị bắt ngày 13 tháng 12 năm 1825 do bị tố giác và bị treo cổ ngày 13 tháng 7 năm 1826.
Tháng 2 năm 1821, một phong bì thư mật đã được gửi từ Peterburg đến bộ tham mưu tập đoàn quân số II đang đóng ở vùng biên giới Tây Nam nước Nga. Tướng Vigenshtein, Tư lệnh tập đoàn quân, được lệnh tổ chức thu thập khẩn cấp các thông tin tình báo về cuộc chiến tranh cách mạng đã nổ ra ở Moldova và Valakhya của nhân dân Hy Lạp chống lại ách cai trị Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ).

Phong trào giải phóng của người Hy Lạp do tổ chức cách mạng bí mật “Philiki Hetaireia” (Hội Ái hữu) lãnh đạo. Tổ chức này do các nhà chính trị lưu vong Hy Lạp ở Odessa thành lập vào năm 1814. Từ đó, nó đã lãnh đạo việc chuẩn bị khởi nghĩa trên các vùng lãnh thổ bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.

Vào đầu năm 1812, nhà quý tộc Hy Lạp Aleksandr Ipsilanti, trước đó đã từng tham gia quân đội Nga chiến đấu chống Napoléon, sĩ quan tuỳ tùng của sa hoàng Aleksandr I, đã thành lập quân đội khởi nghĩa ở Yassy và đã tổ chức cuộc khơỉ nghĩa chống Thổ ở Moldova. Các sự kiện này đã là tín hiệu mở đầu cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Hy Lạp.

Cuộc chiến ở Moldova và Valakhya đã trực tiếp động chạm đến quyền lợi của nước Nga. Theo các hiệp ước đã ký với Thổ, nước Nga có quyền đi lại và buôn bán trên sông Danuyp, cũng như tự do đi qua các eo biển ở Hắc Hải đến Địa Trung Hải. Thái độ của Hoàng đế Nga Aleksandr I đối với các sự kiện ở Bancăng mang tính hai mặt và mâu thuẫn. Hiển nhiên, ông ta hiểu rằng, một cường quốc Thiên Chúa giáo thì phải ủng hộ những người Hy Lạp cùng tín ngưỡng. Mặt khác, cái ý nghĩ giúp đỡ nhân dân khởi nghĩa chống lại người bảo trợ “hợp pháp” là quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm cho nhà sáng lập Liên minh Thần thánh (tức Aleksandr I) khó chịu.

Để có được quyết định dứt khoát, sa hoàng cần có các thông tin mới nhất về các sự kiện ở Moldova và Valakhya.

Cuối tháng 2, sĩ quan tuỳ tùng của tư lệnh tập đoàn quân số 2 Pavel Ivanovich Pestel đã được triệu kiến tướng tham mưu trưởng Kiselyov.

- Ngài trung tá, - ông nói với Pestel, - bộ tham mưu đã nhận được tin vị công tước Aleksandr Ipsilanti mà ông đã biết đã cầm đầu cuộc nổi dậy của người Hy Lạp. Ngày 21 tháng 2, ông ta cùng với người anh và hai người hầu đã bí mật vượt sông băng Prut. Một đội quân cùng chí hướng với ông ta đã chờ sẵn bên phía Thổ, và ông ta đã chỉ huy đội quân này tiến về phía Yassy. Ông phải đến Bessarabia để thu thập tại chỗ tin tức về cuộc nổi loạn của người Hy Lạp.

Kiselyov đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và tính bí mật của nhiệm vụ mà Peterburg giao cho.

Pestel không chậm trễ đi ngay từ Tulchin đến Bessarabia. Ông đến Kishinev với quan hệ chính thức của tư lệnh tập đoàn quân Vitgenshtein và thư riêng của Kiselyov cho tư lệnh quân đoàn số 6 Sabeneev đề nghị hỗ trợ.

Sau các cuộc trao đổi thú vị và xúc tích tại dinh thự của viên quan sở tại ở Kishinev, viên trung tá lên đường ra vùng biên địa Skuliany.

Người trưởng trạm kiểm dịch Navrosky có trách nhiệm tổ chức bí mật vượt sông Prut và đưa Pestel đến Yassy. Viên trung tá đã đổi sang mặc thường phục vượt biên giới giữa đêm khuya và sau đó đã nhanh chóng đến được trung tâm của cuộc khởi nghĩa là Yassy.

Những ngày hoạt động ngắn ngủi, căng thẳng thoáng qua đi. Ngày 3 tháng 3, Pestel trở về Skulyany. Từ đây, ông gửi về bộ tham mưu tập đoàn quân số 2 bản báo cáo đầu tiên của mình đầy ắp những thông tin nóng hổi về các sự kiện xảy ra ở Moldova. Ông giải thích những thắng lợi của người Hy Lạp khởi nghĩa là do được tổ chức tốt và kỷ luật nghiêm. Các tin tức tình báo mà Pestel thu thập được đã được đánh giá cao.

Khi trở về Tulchin, Pestel đã “được sử dụng đại bản doanh của tập đoàn quân số 2 để thực hiện các công việc liên quan đến cuộc nổi loạn của người Hy Lạp”. Toàn bộ những thông tin về cuộc khởi nghĩa của người Hy Lạp gửi về bộ tham mưu tập đoàn quân số 2, toàn bộ công văn thư từ giữa bộ tham mưu tập đoàn quân và chính phủ, các báo cáo mật của các điệp viên đều qua tay ông.

Peterburg tiếp tục đòi hỏi những thông tin mới và vào đầu tháng tư, viên trung tá lại phải đi Bassarabia. Lần này, ông đến thẳng Skulyany nơi ông dự kiến gặp một đại diện được uỷ quyền của quân khởi nghĩa. Lần này, câu chuyện có kết quả tốt.

Việc mà Pestel làm được đã được Peterburg đánh giá rất cao. Thật ra thì Aleksandr I ngầm cảm thấy khó chịu đối với viên trung tá mà nguyên nhân là đã có rất nhiều báo cáo mật về hành động độc lập và thiện cảm của viên sĩ quan trẻ với thể chế cộng hoà. Nhưng cả sa hoàng cũng buộc phải thừa nhận là ông đã hoàn thành rất tốt các nhiệm vụ tình báo được giao.

Tình huống đó có thể đã là cơ sở để tiến hành một điệp vụ mới phức tạp và khá tế nhị. Aleksandr I đã ra lệnh cho Pestel thực hiện một việc mà theo ngôn ngữ trong nghề tình báo ngày nay gọi là “biện pháp tích cực”.

Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, Pestel lại đến Kishinev. ở đó, anh phải tế nhị, nhưng cương quyết làm cho vua Moldova Mikhail Sutso đang chạy trốn khỏi vùng Yass đang nổ ra khởi nghĩa hiểu rằng, sự hiện diện của ông ta trên lãnh thổ Nga là không được hoan nghênh. Và cả lần này nữa, nhà tình báo Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn ấy.

Trong lúc đó, ở Peterburg, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Bá tước Nesselrod, sau khi đọc báo cáo của Pestel về cuộc khởi nghĩa ở Hy Lạp đã hỏi Aleksandr I nhà ngoại giao biết mô tả một cách thông minh và xác thực tình hình Hy Lạp và người Thiên Chúa giáo ở phương Đông này là ai. Nga hoàng tự hào trả lời rằng: “Không gì khác hơn mà chỉ là một trung tá quân đội. Đấy, trẫm có những trung tá như thế phụcvụ trong quân đội của mình”. Nga hoàng đã vờ vĩnh khi trả lời như vậy cho vị bộ trưởng vì Nga hoàng đã biết rõ viên sĩ quan Pestel là một nhân cách xuất chúng đã thể hiện mình một cách thành công đến thế trên lĩnh vực tình báo.

Vào tháng 12 năm 1811, chàng trai 18 tuổi Pavel Pestel đã tốt nghiệp trường thiếu sinh quân, một nhà trường quý tộc và được ưu đãi nhất nước Nga. Tên tuổi ông, một thủ khoa, đã được nạm chữ vàng trên bảng danh dự trong gian phòng trắng của trường thiếu sinh quân. Chàng chuẩn uý trẻ được phiên chế vào trung đoàn ngự lâm Litva mới được thành lập. Tám tháng sau, trong trận Borodino, viên trung đội trưởng của đại đội 2 thuộc trung đoàn ngự lâm Litva đã tỏ ra rất gan dạ và dũng cảm, do đó đã được Kutuzov tặng thưởng một khẩu súng bằng vàng “Vì lòng dũng cảm”. Trong một trận tấn công giáp lá cà, anh đã bị thương nặng vào chân trái. Anh đã phải nằm điều trị gần 8 tháng.

Ngày 7 tháng 5 năm 1913, với vết thương chưa lành hẳn, Pestel đã trở về đơn vị chiến đấu. Ngay sau đó, anh đã nổi bật trong các trận đánh ở Pirn và Dresden và nhờ đó đã được phong trung uý. Trong năm 1813, Pestel đã tham gia 12 trận đánh lớn, được tặng thưởng 3 huân chương: Huân chương Thánh Vladimir hạng 4 của Nga, Huân chương Leopold hạng 3 của áo và Huân chương chiến công Karl Fridrich của Baden.

Trong 10 năm quân ngũ, P.I. Pestel đã trải qua con đường vinh quang gian khó từ một chuẩn uý trung đội trưởng đến đại tá trung đoàn trưởng trung đoàn Vyatsky. Cấp bậc cuối cùng mà ông được phong tất nhiên là để tưởng thưởng cho thành tích hoạt động tình báo.

Pavel Ivanovich Pestel đã đi vào lịch sử nhà nước Nga như là người sáng lập và lãnh đạo Hiệp hội các nhà cách mạng tháng 12 miền Nam, tác giả của cuốn “Sự thật Nga” - một đề án nền tảng của nhà nước dân chủ tương lai. Ông bị bắt vào tháng 12 năm 1825 và nằm trong số 5 nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của những người tháng 12 bị tử hình ngày 13 tháng 7 năm 1826.

Aleksandr Sergeyevich Pushkin đã quen với Pestel ở Kishinev năm 1821. Cuộc gặp gỡ tình cờ đầu tiên này kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Buổi tối, thi hào Nga đã ghi vào nhật ký của mình: “Ngày 9 tháng 4. Buổi sáng ngồi với Pestel, một con người thông minh với toàn bộ ý nghĩa của từ này... Chúng tôi nói chuyện với nhau về triết học, chính trị, đạo đức... Ông là một trong bộ óc tuyệt vời nhất mà tôi được biết”.
Chu Hà