In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Âm mưu chống Tukhachevsky (3)
Thứ Hai, 30/12/2013 - 8:50 PM
Lời tự thú của tên trùm tình báo quốc xã: Nguyên soái Liên Xô tài năng Tukhachevsky mất mạng vì kế 'tá đao sát nhân' của tình báo Đức.
Nguyên soái Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky
Vào đầu năm 1937, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Heydrich một bản báo cáo tổng hợp về quan hệ của Reichswehr (Quân đội Đức) với Hồng quân. Người đã chuyển chỉ thị này là người xuất thân ở vùng Pomerania. Họ của anh ta là Janke, ông ta đã là nhân vật chủ chốt của tình báo Đức trong nhiều năm. Sau này, tôi đã có cơ hội xem hồ sơ cá nhân của ông ta (có tới ba cặp tài liệu) và làm quen với lý lịch tự thuật của con người dị thường này.

Ông ta là con trai một địa chủ vùng Pomerania. Trước Thế chiến I, lưu vong ở Mỹ và sống vất vưởng cho đến khi liên hệ với cảnh sát di trú Mỹ. Khi làm việc ở đó, ông ta đã liên hệ với các dân di cư Trung Hoa ở San Francisco (khu người Hoa của thành phố này là khu người Hoa lớn nhất ở miền Tây nước Mỹ). Nhờ những mối liên hệ này, ông ta đã tìm thấy mình trong một ngành kinh doanh khác thường. Người Hoa muốn đưa về Trung Quốc hài cốt người thân mất ở Mỹ, nhưng do điều kiện vệ sinh, chính quyền Mỹ không cho phép làm việc này. Janke chợt loé lên ý định tổ chức đóng những thùng kẽm dùng làm các thùng contenơ kín chứa các quan tài bằng gỗ. Những chiếc quan tài này được ông ta gửi theo đường biển mà chẳng gặp phiền nhiễu gì về Thượng Hải và Hongkong và ông ta nhận được 1.000 USD cho mỗi chiếc quan tài đưa về được Trung Quốc. Người Hoa ơn ông đến nỗi họ đã liệt ông vào hàng như gia đình Tôn Dật Tiên và nhờ đó đã mở ra cơ hội cực kỳ to lớn để thiết lập những mối quan hệ có lợi ở Trung Quốc. Sau này, ông ta còn liên hệ với các cơ quan tình báo Nhật.

Trong suốt Thế chiến I, Janke làm việc cho cơ quan tình báo Đức. Những cuộc bãi công mạnh mẽ của công nhân đóng tàu và thuỷ thủ tàu vận tải tại các xưởng đóng tàu ở bờ Đông nước Mỹ chính là do bàn tay của ông ta đạo diễn. Khi trở về Đức, ông ta trở thành chuyên viên của Rudolf Hess về tình báo và gián điệp. Đó là người đàn ông cục mịch, lực lưỡng với cái đầu to của một người nông dân Pomerania. Khi ông ta ngồi bên cạnh, thật hiền lành với cặp mắt mở he hé, ông ta thường tạo ra cảm giác của một người trầm lặng và tinh quái. Ông ta thích cuộc sống phiêu bạt.

Sau khi chuẩn bị xong các tài liệu, tôi đã báo cáo miệng với Heydrich tại ngôi nhà đi săn của ông ta - thực tế đó là một thứ tổng hợp theo chủ đề muôn thuở dưới chế độ quốc xã mà trên cơ sở đó là câu hỏi - định hướng sang Tây Âu hay sang Nga.

Điều đáng ngạc nhiên là các sĩ quan Bộ Tổng tham mưu Đức lại là những người ủng hộ mạnh nhất cho ý tưởng hợp tác Đức với nước Nga Xôviết. Ngay từ năm 1923 đã có sự hợp tác đào tạo sĩ quan và trao đổi thông tin kỹ thuật giữa Reichswehr và Hồng quân. Ngoài ra, sử dụng những sáng chế riêng rẽ nhận được từ Đức, Hồng quân được phép tổ chức sản xuất vũ khí của mình trên đất Liên Xô. Trong khi đó, chính đường lối của Stalin, người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Đức với hy vọng xúi giục nước Đức chống lại phương Tây tư sản, đã dẫn tới việc ông chỉ thị cho đảng cộng sản Đức coi đảng xã hội dân chủ là kẻ thù chính chứ không phải là đảng quốc xã của Hitler.

Lực lượng đối lập chính với Bộ Tổng tham mưu có hướng thân Nga của Đức là các nhà công nghiệp Đức, những kẻ đang nuôi hy vọng vào việc thống nhất các lực lượng “văn minh” chống lại mối hiểm hoạ Bolshevik. Dưới sự lãnh đạo của tướng Hoffmann, người khi đó cầm đầu phái đoàn Đức tại Brest-Litovsk và người đã ký hoà ước đình chiến năm 1918, cũng như của Arnold Rehbert, một trong những trụ cột của công nghiệp Đức, người ta đã làm được nhiều việc để thống nhất các chính trị gia châu Âu, các đại diện giới quân sự và công nghiệp chống lại kẻ thù chung. Kế hoạch này cũng nhận được sự ủng hộ của tướng Ludendorf, nhưng sau khi tướng Hoffmann chết vào năm 1927, ông này đã đánh mất niềm tin của các nước đồng minh khiến ông ta không còn khả năng cổ suý cho chính sách này và đối đầu với Bộ Tổng tham mưu Đức.

Cốt lõi báo cáo của tôi trình Heydrich vào năm 1937 ngắn gọn là như vậy. Bản thân tôi khi đó cũng không nhận thức được rõ lắm về các sự kiện tương lai mà báo cáo của tôi đã dự đoán sẽ tiến triển như thế nào.

Heydrich đã có thông tin từ tướng lưu vong bạch vệ Skoblin nói rằng hình như Nguyên soái Liên Xô Tukhachevsky (Mikhail Nikolayevich Tukhachevsky (1893-1937), nguyên soái Xôviết tài ba, người đã chủ trương hiện đại hoá Hồng quân trong những những năm 1930, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân năm 1925. Tháng 5 năm 1937, Tukhachevsky bị bắt với tội danh cấu kết với Đức chống lại Liên Xô. Ông bị xử kín cùng một số tướng lĩnh khác và bị hành quyết tháng 6 năm 1937. Năm 1958, Nikita Khrushchev đã phục hồi danh dự cho Tukhachevsky - ND) cùng với Bộ Tổng tham mưu Đức đang chuẩn bị một âm mưu lật đổ chế độ Stalin.

Heydrich lập tức tóm lấy thông tin đặc biệt quan trọng này. Nếu như sử dụng nó đúng cách thì ban lãnh đạo Hồng quân sẽ bị giáng một đòn đau nhiều năm cũng không thể gượng dậy nổi.

Janke thì nghĩ khác. Ông ta cảnh báo Heydrich rằng, có thể Skoblin đang chơi trò hai mặt và thông tin này là do người Nga sắp đặt và bơm cho Skoblin theo chỉ thị của Stalin. Janke cho là bằng cách này Stalin sẽ một tên bắn hai đích: ông ta muốn vừa làm cho Heydrich nghi ngờ Bộ Tổng tham mưu Đức, làm suy yếu nó, đồng thời đối đầu với nhóm tướng lĩnh Xôviết do Tukhachevsky đứng đầu. Janke còn nghĩ rằng, do những vấn đề nội bộ của chính phủ Liên Xô, Stalin không muốn tự mình khởi xướng việc chống các tướng lĩnh, do đó ông muốn thông tin cáo giác họ được đưa tới từ nước ngoài.

Những lập luận tưởng tượng của Janke không thuyết phục được Heydrich. Hơn nữa, do nghi ngờ Janke trung thành với Bộ Tổng tham mưu Đức, Heydrich còn lập tức hạ lệnh quản chế tại gia trong ba tháng đối với ông ta.
Trong khi đó, Heydrich đã trình với Hitler thông tin của Skoblin về Tukhachevsky. Thông tin này không trọn vẹn. Nó không hề nêu được những chứng cớ cho thấy giới chóp bu quân đội Đức tham gia voà âm mưu này. Heydrich hiểu rõ điều đó nên đã tự mình thêm thắt nhiều tài liệu giả để cáo giác các tướng lĩnh Đức. Ông ta biện hộ cho những hành động của mình là bằng cách đó sẽ làm suy yếu sức mạnh đang gia tăng của Hồng quân đang đe doạ đến sự hùng cường của Quân đội Đức. Cần lưu ý rằng, Heydrich trong lòng đã tin vào tính xác thực của thông tin mà Skoblin cung cấp và như sau này được biết thì theo tôi ông ấy đã đúng.

Lúc đó, Hitler đứng trước một vấn đề nan giải - liên kết với các cường quốc phương Tây hay là chống lại họ. Phải quyết định nên sử dụng thông tin nhận được từ Heydrich như thế nào. Một mặt, ủng hộ Tukhachevsky nghĩa là kết liễu nước Nga với tư cách một cường quốc thế giới. Nếu thất bại nó sẽ lôi cuốn nước Đức vào một cuộc chiến tranh. Mặt khác, tố giác Tukhachevsky có thể giúp cho Stalin củng cố lực lượng vũ trang của mình hoặc trái lại sẽ thúc đẩy ông ta tiêu diệt một phần đáng kể Bộ Tổng tham mưu của mình. Cuối cùng, Hitler quyết định hành động chống lại Tukhachevsky và như vậy là đứng về phía Stalin can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô.

Quyết định của ông ta ủng hộ Stalin chứ không phải Tukhachevsky và các tướng lĩnh đã định trước toàn bộ đường lối của Đức trước năm 1941 và có thể đáng được coi là một trong những quyết định quan trọng nhất lúc đó. Điều đó cuối cùng đã dẫn tới việc nước Đức tạm thời trở thành đồng minh của Liên Xô và Hitler đã tấn công phương Tây trước khi quay sang đánh Nga.

Quốc trưởng nghiêm khắc ra lệnh không để bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Đức tham gia vào kế hoạch chống Tukhachevsky vì sợ rằng vị nguyên soái Xôviết có thể được họ cảnh báo cho biết. Vào một đêm, Heydrich đã phái hai nhóm đặc biệt đột nhập vào kho lưu trữ của Bộ Tổng tham mưu Đức và Abwehr (cơ quan tình báo quân đội do đô đốc Canaris cầm đầu). Trong biên chế của hai nhóm này có những chuyên gia sừng sỏ về mở két của cảnh sát hình sự. Tại ba nơi, họ đã tìm thấy và lấy đi các tài liệu khẳng định sự hợp tác của Bộ Tổng tham mưu Đức với Hồng quân. Những tài liệu quan trọng khác cùng được tìm thấy cả trong hồ sơ công vụ của đô đốc Canaris. Để xoá dấu vết đột nhập, người ta đã đốt cháy kho lưu trữ và ngọn lửa đã nhanh chóng huỷ diệt mọi dấu vết. Hai nhóm đặc biệt êm thấm lặng lẽ chuồn mất.

Người ta cho rằng, những tài liệu mà Heydrich thu thập về Tukhachevsky là dựa trên những tài liệu giả. Trên thực tế, chỉ có rất ít tài liệu giả và chỉ là để bịt kín các kẽ hở nào đó. Điều đó được khẳng định bởi việc những hồ sơ rộng lớn đã được chuẩn bị và trình lên Hitler  trong vòng có bốn ngày.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những “ưu” và “khuyết”, người ta quyết định liên hệ với Stalin qua các kênh sau đây: một nhân viên tình báo dưới lốt ngoại giao làm việc cho tướng SS Beme là một người Đức lưu vong đang sống ở Praha. Chính thông qua anh ta, Beme đã liên lạc được với đại diện uỷ quyền của tiến sĩ Benes (Edvard Benes (1884-1948), tổng thống thứ hai của Tiệp Khắc (1935-1938, 1946-1948) - ND), khi đó đang là tổng thống Cộng hoà Tiệp Khắc. Tiến sĩ Benes đã gửi thư khẩn cho Stalin và câu trả lời của Stalin cũng đến với Heydrich theo đúng những kênh đó. Người ta dự kiến liên hệ với một cán bộ nào đó của đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Chúng tôi đã làm đúng như thế. Người Nga này lập tức lên đường về Moskva và quay lại cùng đại diện của Stalin được uỷ quyền đặc biệt của Yezhov, chỉ huy khi đó của GPU (tên gọi viết tắt trong một giai đoạn của cơ quan tình báo Liên Xô tiền thân của KGB - ND).

Stalin muốn biết chúng tôi đặt giá bao nhiêu cho các tài liệu. Cả Hitler lẫn Heydrich đều không nghĩ đến việc đền bù tiền bạc nào cả. Tuy vậy, để bảo đảm cho trò chơi, Heydrich đòi ba triệu rúp và sau khi xem qua các tài liệu, đại diện của Stalin lập tức trả tiền.

Thông tin chống Tukhachevsky đã được trao cho người Nga vào năm 1937. Ta biết rằng, phiên toà xử Tukhachevsky là phiên toà kín. Trong thành phần quan toà chủ yếu là các nguyên soái và lãnh đạo quân đội Xôviết. Bản cáo trạng đã được Hội đồng quân sự chuẩn bị, người phát biểu buộc tội là Andrei Vyshinsky.

Tukhachevsky và các đồng chí khác của ông đã bị bắt trước buổi tối ngày 4 tháng 6 năm 1937. Tukhachevsky đã tìm cách tự sát. Toà bắt đầu phiên xử vào đúng 10 giờ sáng ngày 11 tháng 6 và kết thúc vào 9 giờ tối cùng ngày. Theo thông báo của hãng thông tấn Liên Xô TASS, tất cả các bị can đều thú nhận tội lỗi của mình. Không hề có một thông báo nào khác về vụ này nữa. Vyshinsky chỉ mất không quá 20 phút để thực hiện luận tội. Ông ta đòi xử bắn tất cả các bị can. Bản án đã được thi hành 4 giờ sau. Theo lệnh của Stalin, Nguyên soái Blyukher (người sau này cũng trở thành nạn nhân tại một trong những phiên toà tiếp đó) đã chỉ huy tiểu đội thi hành án. Trong số các thành viên của toà chỉ còn sống sót Nguyên soái Voroshilov và Nguyên soái Budionny. Chính tay tôi phải thiêu huỷ phần lớn số tiền ba triệu rúp mà người Nga trả cho chúng tôi bởi vì tất cả đều là các tờ bạc có mệnh giá và số của chúng thì tất nhiên là đã bị GPU ghi lại. Bất cứ một điệp viên nào của chúng ta dám sử dụng tiền đó có thể bị bắt ngay lập tức.

Như vậy, vụ Nguyên soái Tukhachevsky đã trở thành khúc dạo đầu cho sự xích lại gần nhau của Hitler với Stalin. Nó trở thành một điểm bước ngoặt đẩy nhanh quyết định của Hitler, người đang chuẩn bị tấn công phương Tây và tìm cách bảo đảm an toàn cho biên giới phía Đông của mình thông qua liên minh với nước Nga.
Chu Hà