In bài này
Trung Quốc buộc Nhật Bản tái vũ trang
Thứ Hai, 30/12/2013 - 8:13 AM
Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó trù tính gia tăng chi phí cho quân đội và nâng cao khả năng độc lập về quân sự.
Tiêm kích Mitsubishi F-2 của Không quân Nhật Bản (dailyairforce.com)

Nhật Bản từ năm 1947 vốn đã thuân theo các quan điểm hòa bình, đã lên kế hoạch trang bị lại cho quân đội, thành lập các đơn vị quân sự mới và tăng số lượng các đơn vị trực chiến thường xuyên. Đây là bước đi tiếp theo hoàn toàn có thể dự đoán tiến tới việc quân sự hóa quy mô lớn Nhật Bản vốn đã bắt đầu vào năm 2006, khi Nhật Bản thành lập Bộ Quốc phòng, còn Lực lượng Phòng vệ có được quy chế một tổ chức quân sự.

Ngày 2/9/1945, Nhật Bản mà sự tham gia vào Thế chiến II đã mang lại những tổn thất nhân mạng và tài chính vô cùng lớn cho họ đã ký văn kiện đầu hàng đồng minh. Sau 2 năm nữa, chính quyền Nhật đã thông qua điều 9 hiến pháp, biến Nhật Bản thành quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình. Từ năm 1947, hiến pháp Nhật đã cấm nước này tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào và có quân đội thường trực của mình. Tuy nhiên, các đơn vị vũ trang tối thiểu vẫn được duy trì trên lãnh thổ Nhật Bản, nhưng đã được sử dụng chủ yếu trong các chiến dịch nhân đạo ở trong nước. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang được tuyên bố là bảo đảm an ninh.


Từ giữa thập kỷ đầu những năm 2000, chính quyền Nhật Bản rõ ràng là đã hiểu rằng, thế giới đã thay đổi: những tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và các nước láng giềng chưa được giải quyết từ sau Thế chiến II đã trở nên căng thẳng, Trung Quốc bắt đầu tăng cường sức mạnh quân sự, Bắc Triều tiên đã phát động chương trình tên lửa-hạt nhân của mình.

Dưới ảnh hưởng của các yếu tố này, vào năm 2006, Nhật đã thông qua luật, trao cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản quy chế một tổ chức quân sự thường trực và tổ chức Bộ Quốc phòng. Sau đó, Nhật đã bắt đầu dần dần tái vũ trang khi thông báo phát triển tiêm kích thế hệ 5 ATD-X Shinshin, máy bay chiến đấu thế hệ 6, cũng như các kế hoạch đóng tàu sân bay trực thăng và mua sắm tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II.

Bước tiếp theo là nới lỏng lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu công nghệ quân sự vốn chính thức có hiệu lực từ năm 1967. Trên giấy tờ, Nhật chỉ bị cấm chuyển giao công nghệ quân sự cho các nước cộng sản, các bên tham gia xung đột quốc tế và các nước đang bị LHQ trừng phạt. Thực tế, lệnh cấm là hoàn toàn. Năm 2010, lệnh cấm được nới lỏng: nay thì Nhật có thể cung cáp sản phẩm quân sự cho tất cả các nước, trừ các nước cộng sản và các nước đang tham chiến. Các công ty Nhật cũng được phép thành lập các liên doanh với Mỹ và châu Âu.

Vào giữa tháng 12/2013, chính phủ Nhật Bản đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia ngắn hạn cho giai đoạn 2014-2018 và chương trình dài hạn phát triển quân đội trong một thập kỷ. Theo văn kiện này, mối đe dọa chính đối với Nhật Bản hiện nay là các mưu toan của Trung Quốc “thay đổi bằng vũ lực hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như ở các khu vực khác”. Được cho là ít nguy hiểm hơn là tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc và chương trình tên lửa-hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, mục tiêu cuối cùng của chương trình thực tế được công bố là nâng cao khả năng tự chủ quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Tàu khu trục Atago trang bị hệ thống Aegis của Hải quân Phòng vệ Nhật Bản (jeffhead.com)

Nhật Bản công bố chiến lược quân sự của mình ngay sau khi quan hệ với Bắc Kinh xấu đi. Cuối tháng 11, Trung Quốc đã áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới ở biển Hoa Đông, có phần chồng lấn lên các ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo yêu cầu của Trung Quốc, tất cả các máy bay bay vào vùng này phải thông báo kế hoạch bay cho họ. Nếu không chấp hành quy định của Trung Quốc, họ có thể tiến hành ngăn chặn. Tokyo đã từ chối chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc vì vùng lãnh thổ tranh chấp, trong đó có quần đảo Senkaku cũng lọt vào ADIZ của Trung Quốc.

Cho đến nay, trong các vấn đề an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, Nhật Bản vẫn dựa vào Mỹ mà họ đã ký hiệp ước tương hỗ an ninh. Theo điều kiện của hiệp ước này, Mỹ cam kết bảo vệ lãnh thổ Nhật trước sự tấn công của các nước khác. Để làm việc đó, tại Nhật Bản có sự trú đóng thường xuyên của 50 ngàn quân Mỹ và Hạm đội 7 của Mỹ mà địa bàn trách nhiệm gồm phần tây Thái Bình Dương và phần đông Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, mặc dù hiệp ước cấm Mỹ tham gia vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản với các nước láng giềng, Nhà Trắng lại khẳng định rằng, quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền, nằm dưới sự bảo vệ của Mỹ.

Tóm lại, chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản đã thông qua các quyết định mua sắm và sản xuất vũ khí trang bị mới mà trước đó chính phủ và Bộ Quốc phòng Nhật phê chuẩn. Trong số các nội dung mới, chỉ nêu liệt kê chính thức các nguy cơ khu vực đối với Nhật, tăng 5% chi phí quân sự trong 5 năm tới và các kế hoạch thành lập các đơn vị quân sự mới và tập trung quân lực, vũ khí ở vùng lãnh thổ tây nam, trong đó có quần đảo Senkaku. Trong 5 năm tới, kể từ năm 2014, Nhật Bản sẽ chi cho quân đội 24,7 ngàn tỷ yên, tức là gần 240 tỷ USD.

Với kinh phí quốc phòng được tăng thêm, Nhật dự định mua sắm các máy bay không người lái chiến lược RQ-4 Global Hawk của Mỹ và máy bay trinh sát tầm xa. Các phương tiện này sẽ được sử dụng chủ yếu để trinh sát trên biển Hoa Đông. Trong thời gian hiệu lực của chiến lược an ninh quốc gia, Không quân Phòng vệ Nhật Bản sẽ nhận được 28 tiêm kích mới F-35, nước này dự định mua tổng cộng 42 máy bay loại này. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật còn dự định hiện đại hóa 4 máy bay chỉ huy/báo động sớm E-767.

Trong khuôn khổ chiến lược mới, Nhật còn dự định tăng thêm 2 tàu khu trục trang bị hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu Aegis với tên lửa chống tên lửa SM-3. Lực lượng tàu ngầm Nhật sẽ tăng từ 16 tàu ngầm hiện nay lên đến 22, còn số lượng tăng chủ lực, trái lại, sẽ giảm từ 740 xuống còn 300 chiếc. Kinh phí tiết kiệm được nhờ loại bỏ trang bị, dự định sẽ chi để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và mua sắm các xe chiến đấu bánh lốp cơ động cao, trong đó có 50 xe đổ bộ lội nước.

Từ năm 2014, Nhật Bản sẽ bắt đầu phát triển hệ thống điều khiển hỏa lực mới, cũng như trạm radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở tầm xa. Các radar này sẽ bổ sung cho hệ thống kiểm soát không gian hiện đại của Nhật Bản và sẽ được sử dụng trước hết để phát hiện máy bay Trung Quốc, kể cả các máy bay tàng hình như J-20. Cuối cùng, Nhật sẽ mua 17 máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey của Mỹ để trang bị cho các đơn vị quân đội mới. Các đơn vị này sẽ được thành lập theo mô hình Thủy quân lục chiến Mỹ.

Một nửa quân đội Nhật sẽ là lực lượng cơ động để có thể tung quân đến bất cứ vùng nào trong thời gian ngắn nhất. Phần lớn các đơn vị hiện có sẽ được điều đến các vùng lãnh thổ tây nam sẽ được chuyển sang chế độ sẵn sàng chiến đấu cao.

Chính phủ Nhật Bản đã cam kết tiếp tục mở rộng xuất khẩu quân sự bằng cách nới lỏng hơn nữa lệnh cấm hiện nay. Nhờ đó, Nhật sẽ có thể tham gia các dự án quốc phòng công nghệ cao với nước ngoài và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước bằng cách xuất khẩu sản phẩm quân sự ra nước ngoài.

Máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa (Thủy quân lục chiến Mỹ)

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm SIPRI, hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 5 thế giới về quy mô chi phí quân sự. Chi phí quân sự của Mỹ năm 2012 là 682,5 tỷ USD, Trung Quốc - 166,1 tỷ, Nga - 90,7 tỷ, Anh - 60,8 tỷ, Nhật Bản - 59,3 tỷ. Từ năm 2014, Nhật Bản có thể tăng lên một bậc trong danh sách này, còn vài năm sau nữa, thậm chí sẽ đứng trong top 3 nước đứng đầu. Đã có tất cả tiền đề cho việc đó: theo lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chính phủ Nhật có thể mở rộng khái niệm phòng vệ, đưa vào đó cả sự bất khả xâm phạm lãnh thổ của các nước đồng minh.

Khái niệm phòng vệ mở rộng của Tokyo chẳng hạn sẽ bao gồm việc chặn đánh các tên lửa đường đạn Bắc Triều Tiên phóng vào lãnh thổ Mỹ. Dự án này vốn chắc chắn sẽ đòi hỏi tăng chi phí quân sự dự định được xem xét vào năm 2014. Sau nó có thể là các chương trình và chiến lược khác mà cuối cùng sẽ khiến Nhật Bản cần phải nếu như không hủy bỏ thì cũng điều chỉnh lớn điều 9 hiến pháp của mình.
Nhân Vũ