In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Hoạt động gián điệp tích cực (2)
Thứ Hai, 30/12/2013 - 9:33 AM
Lời thú tội của tên trùm tình báo quốc xã Walter Schellenberg.
Trong mùa Hè năm 1938, Hitler ngày càng nghiêng về ý tưởng khai diễn hoạt động quân sự chống phương Tây. Ông ta thảo luận tình hình với Himmler, tên này lại bàn bạc với Heydrich, còn Heydrich thì bàn với tôi. Hitler tỏ ra coi thường Tổng thống Roosevelt và gọi nước Mỹ là “nơi tụ tập của bọn Do Thái bẩn thỉu”. Ông ta đã tin rằng, một khi chiến tranh nổ ra, nước Đức sẽ chiến thắng phương Tây. Tuy vậy, ông ta vẫn có ý nghĩ nước Anh cùng với Hoa Kỳ có thể cùng nhau mưu toan phản công lại trên lục địa châu Âu từ hướng Bắc Phi, mặc dù ông ta nhận định là bờ biển phía Tây châu Phi không có các cảng cần thiết để thực hiện việc cơ động quân như vậy, còn các vùng duyên hải Bắc Phi thì không thuận lợi cho việc sử dụng kỹ thuật quân sự hiện đại trên quy mô lớn.

Chính lý lẽ cuối cùng của những ý kiến rời rạc này của quốc trưởng đã tác động trực triếp tới tôi. Himmler, người luôn thấy trong những lời nói của Hitler những mệnh lệnh hành động cụ thể, đã quyết định trước tiên bàn bạc với Heydrich để tiến hành điều tra tình hình tại các cảng và dải đất duyên hải Tây Phi. Và mùa Thu năm 1938, tôi đã nhận được nhiệm vụ gián điệp tích cực đầu tiên. Heydrich muốn tôi trình lên một báo cáo đầy đủ về cảng Dakar, đầu mối giao thông hàng hải chủ yếu của người Pháp ở châu Phi. Ông ta cảnh báo tôi không được để ai được biết về nhiệm vụ này, kể cả gia đình tôi. Về mặt chính thức, người ta nói cử tôi đi “công tác” 18 ngày trong nước Đức. Tôi hứa với Heydrich sẽ không có ai viết về thực chất chuyến đi của tôi và cho đến hôm nay tôi vẫn giữ được lời hứa của mình.

Tại Lisbon, tôi liên hệ với một người Nhật và nhanh chóng kết bạn với anh ta, một việc mà trong những năm sau này đã tỏ ra cực kỳ giá trị đối với tôi.

Khi đến Dakar, theo dự kiến, tôi sống trong gia đình một người Bồ Đào Nha gốc Do Thái. Chủ nhà làm nghề buôn bán vàng bạc đá quý và cùng làm việc cho chúng ta như người bạn Bồ Đào Nha của ông ta. Người ta đã báo cho ông ta biết trước về nhiệm vụ của tôi thông qua con đường “thư từ làm ăn” với Lisbon và tất cả đã sẵn sàng cho tôi đến.

Sau năm ngày lao động cật lực, điệp viên người Bồ Đào Nha của tôi đã moi được từ cơ quan quản lý cảng những tin tức giá trị về tình trạng kỹ thuật của cảng. Những tin tức đó lập tức được gửi về Lisbon dưới dạng thư từ làm ăn trao đổi về hàng hoá. Tôi không còn nhớ chính xác số tiền được gửi đến Dakar cho chúng tôi, nhưng đó là một khoản tiền khá lớn.

Những bữa tiệc được tổ chức chu đáo cho một phạm vi khách hẹp đã cho phép tôi tiếp cận được những người có thế lực của các công ty bảo hiểm thuỷ thủ, cũng như với các chủ tàu Bồ Đào Nha và Pháp. Với sự giúp đỡ của họ, tôi đã phác lên một bức tranh tình hình chung khá rõ nét, còn những lời nhận xét tình cờ buột ra sau bàn tiệc đã cho tôi những thông tin rất có ích về hải cảng Dakar.

Suy nghĩ về việc sắp tới phải chụp ảnh mục tiêu khiến tôi cứ băn khoăn mãi. Và mặc dù đến lúc đó tôi đã vượt qua được những sợ hãi và nghi ngại ban đầu, nhưng tôi vẫn hồi hộp usmatrivat soi mói nhìn mỗi một nhân viên phản gián Pháp tình cờ đi ngang. Nhưng dù tôi có muốn trì hoãn chụp ảnh các mục tiêu đến đâu thì nó vẫn là phần quan trọng nhất trong nhiệm vụ của tôi. Thế là vị chủ nhà tổ chức “cuộc dạo chơi” cho tôi đến cảng cùng với gia đình ông ta. Chúng tôi có mặt ở những vị trí khác nhau trong cảng và tôi đã chụp “những bức ảnh gia đình” mà các khách du lịch vẫn thường làm. Tuy nhiên, lần nào tôi cũng thu xếp để cho gia đình đứng sao cho phông nền phía sau là các toà nhà hay công trình mà tôi quan tâm. Còn nếu như tôi cần chụp ảnh một chi tiết nào đó thì gia đình sẽ vây kín tôi để nguỵ trang cho các hành động của tôi.

Phim chụp được tráng rửa ở Berlin đã đem lại những kết quả cực kỳ tốt.

Tôi giấu phim trong một cái băng trên đùi, có thể dễ dàng rạch nó bằng dao cạo râu. Vải băng được thấm máu và phim được gói kín sẵn sẽ tạo ra một chỗ gồ lên. Do đó nó trông giống như một nhọt bị vỡ và khiến cho các nhân viên hải quan và biên phòng khá mủi lòng thông cảm.

Trước tiên, tôi báo cáo miệng trong hai giờ đồng hồ với Heydrich về chuyến đi, còn ngày hôm sau tôi trình bản báo cáo viết kèm theo là các bức ảnh chụp.

Trải nghiệm cá nhân đầu tiên này đã cho tôi khá nhiều cái để suy nghĩ. Tôi quyết định là trong tương lai khi chuẩn bị các điệp vụ, tôi luôn phải tính trước được những khó khăn thực tế mà những điệp viên của tôi sẽ vấp phải. Rõ ràng điều tồi tệ nhất là chuẩn bị và thực hiện công tác bí mật dưới áp lực của những tình huống bất ngờ. Làm tình báo cần phải làm từ từ, từng bước một. Trên lãnh thổ nước khác, tình báo cần phải có vỏ bọc dưới hình thức một doanh nghiệp nào đó để có thể bám rễ. Chỉ trong điều kiện đó mới có thể vun trồng và thu hoạch được một vụ mùa bội thu.

Nhưng các nhà lãnh đạo của chúng ta từ chối phát triển hoạt động gián điệp theo cách đó. Hitler muốn dùng vũ lực giải quyết tất cả một cách gấp rút vì ông ta và chỉ có ông ta “được trao cho Sứ mệnh tiến hành cuộc chiến tranh này”. Trong bất kỳ việc gì ở lĩnh vực nào mà ông ta can thiệp vào thì tất cả đều biến thành một cuộc chạy đua bắt buộc hỗn loạn. Bây giờ, khi nhìn lại phía sau, chỉ có thể kinh ngạc là làm sao nước Đức lại đã có thể xây dựng được một tiềm lực quân sự lớn đến như vậy.

Đây là những gì tôi đã viết trong báo cáo của mình sau khi trở về từ Dakar: “Trong hoạt động tình báo bí mật, không bao giờ được hành động vội vàng. Thành công sẽ được bảo đảm nhờ sự lựa chọn và huấn luyện kỹ càng các nhân viên có năng lực. Họ dứt khoát phải là cư dân của đất nước nơi tiến hành hoạt động tình báo và phải làm công việc “chắc chắn” cho đến chừng nào tìm được lý do tự nhiên khác cho sự tồn tại của điệp viên ở nước đó. Chỉ sau một vài năm, có thể giao cho anh ta nhiệm vụ thử thách đầu tiên. Các tình báo viên nhà nghề chỉ được phép sử dụng trong các thời kỳ có khủng hoảng lớn hoặc chiến tranh. Những mối quan hệ có giá trị, đặc biệt trong giới chính khách, phải được thiết lập dần dần, trong nhiều năm và sử dụng chúng vào thời điểm quyết định nhất. Cũng có thể sử dụng đến các kênh này để truyền những thông tin bất kỳ với mục đích đánh lạc hướng đối phương...”.

Đối với các gián điệp nhà nghề, những nhận định tổng quát như thế về hoạt động tình báo bí mật là những chân lý đương nhiên, nhưng trong những điều kiện phức tạp của chiến tranh người ta thường quên mất chúng. Như vậy, ở nước Đức thời đó, chẳng có gì để nói về việc triển khai dần dần của tình báo chúng ta. Những nền tảng của nó mới bắt đầu được xác lập ngay trước chiến tranh thế giới thứ hai, còn tổ chức thì chỉ được chuẩn hoá vào những năm cuối chiến tranh. Xét về tổng thể, hoạt động của tình báo Đức được xác lập từ những giải pháp tình thế thành công. Hiệu quả cao đến kinh ngạc của tình báo chúng ta còn có thể lý giải bởi cách hy sinh không thương tiếc các tiềm lực con người và tài chính.

Chủ lực hạm HMS Royal Oak

Việc tiến hành chiến dịch tập kích căn cứ hải quân Anh Scapa Flow vào tháng 10 năm 1940 của một tàu ngầm Đức dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Pren đã cho thấy công tác chuẩn bị trong tình báo quan trọng và có hiệu quả đến thế nào. Thắng lợi của chiến dịch có được là nhờ việc chuẩn bị cần cù, tỉ mỉ trong vòng 15 năm trời. Alfred Waring trước đây từng là thuyền trưởng trong Hạm đội Hoàng gia, sau đó làm trong bộ phận tình báo quân sự. Sau Thế chiến I, ông ta trở thành một điệp viên của một nhà máy đồng hồ Đức. Ông ta làm việc luôn theo chỉ đạo của tình báo, ở Thuỵ Sĩ ông ta đã nghiên cứu miệt mài và trở thành một thợ sửa chữa đồng hồ tay nghề cao. Vào năm 1927, với hộ chiếu Thuỵ Sĩ giả dưới tên gọi Albert Ortel, ông di cư sang Anh; năm 1932, nhập quốc tịch Anh và không lâu sau đã mở một cửa hiệu bán đồ lưu niệm nhỏ  ở Kirkwall trên quần đảo Orkney cạnh Scapa Flow và từ đây ông thỉnh thoảng gửi cho chúng ta các báo cáo tin về sự di chuyển của hạm đội Anh.

Cũng chính vào đầu năm 1939, ông ta gửi cho chúng ta một tin quan trọng là các lối vào phía Đông Scapa Flow trong vịnh Kirkezound được che chắn không phải bằng các lưới chống tàu ngầm mà là những chiếc tàu cũ, được chủ ý đánh đắm khá gần nhau. Khi nhận được tin này, đô đốc Doenitz (Karl Dönitz (1891-1980), Đô đốc Đức phát xít, kẻ đã đứng đầu nước Đức quốc xã trong một thời gian ngắn sau khi Hitler tự sát vào tháng 4 năm 1945. Hắn là sĩ quan chỉ huy tàu ngầm thời Thế chiến I và Tư lệnh binh chủng tàu ngầm Đức năm 1935 và tư lệnh Hải quân Đức trong hai năm cuối Thế chiến II. Tháng 5 năm 1945, Dönitz đại diện cho nước Đức ký vào văn bản đầu hàng đồng minh. Sau khi bị Toà án tội phạm chiến tranh ở Nuremberg năm 1946 kết án, hắn bị tù cho đến 1956 - ND) qua vô tuyến điện đã lệnh cho Pren tấn công các tàu Anh trong căn cứ Scapa Flow.

Pren lập tức đổi hướng cho tàu chạy về quần đảo Orkney và đêm 14 tháng 10 thận trọng len lỏi qua các con tàu bị đánh đắm tiến vào căn cứ Scapa Flow. Chủ lực hạm Royal Wark đang bỏ neo trong vịnh, bỏ neo giữa những tàu khác. Pren phóng mấy quả ngư lôi vào tàu này và trước khi người Anh kịp hiểu điều gì đã xảy ra thì ông ta đã đi xa ra ngoài vùng biển hở.

Chủ lực hạm HMS Royal Oak trúng ngư lôi từ tàu ngầm Đức U-47 ngày 14/10/1939

Chỉ mất gần 15 phút để đánh đắm chiếc chủ lực hạm Anh, nhưng đằng sau chiến dịch cực kỳ thành công này là 15 năm làm việc nhẫn nại và nhiệt tình của Alfred Waring.

Một sự kiện khác xảy ra ngay trước Thế chiến II cũng cho thấy tầm quan trộng của việc chuẩn bị chu đáo. Tôi được giao một trong những vụ gián điệp nổi tiếng nhất - vụ trung tá Sosnowski. Sự kiện thu hút chú ý của phản gián Đức xảy ra vào một buổi sáng đầy mây trong toà nhà của bộ chiến tranh trên phố Bendler-strasse. Một việc chả đáng kể là cô thư ký trưởng của một trong những quan chức cao cấp của Bộ Tổng tham mưu - một đại tá ở Cục tác chiến, đến muộn giờ làm. Điều nhỏ nhặt này đã thu hút chú ý của người gác cửa của bộ, ông này bỗng nhận thấy cô gái vốn rất cẩn thận, trước kia còn rụt rè và ăn mặc xuềnh xoàng, giờ đây lại ăn mặc rất đẹp, không còn sự khiêm tốn và cẩn thận xưa kia. Tất cả điều đó đã khiến ông gác cổng già phải suy nghĩ.

Vài năm sau, khi đi một vòng tuần đêm bình thường, ông phát hiện có ánh sáng từ một căn phòng. Liếc nhìn vào đó, ông phát hiện freilein (cô) von N. vẫn còn ngồi sau máy chữ. Khi ông vào, cô ta hoảng sợ nhưng ngay lập tức đã tự chủ được và bắt đầu kêu ca là có quá nhiều việc. Ông gác cổng đã kịp nhận thấy nét hoảng sợ trên gương mặt của freilein von N., những đôi giày lịch sự, chiếc áo măngtô lông mới trên giá treo và chiếc két đang mở.

Sáng hôm sau, ông tới gặp viên đại tá và báo cáo về tất cả những gì ông đã trông thấy. Ban đầu, viên đại tá chỉ nổi giận, sau đó ông lại nghĩ về những thứ trong két của mình, trong đó có cả những kế hoạch tác chiến chống Tiệp Khắc và Ba Lan mới nhất , có các tin tức chiến lược về vũ khí trang bị của Wehrmacht (Quân đội Đức thời 1935-1945), tài liệu mô tả các loại vũ khí mới, tin tức về tình hình sản xuất chúng...

Mấy ngày tiếp theo, vị đại tá lặng lẽ theo dõi cô thư ký. Ba lần vào những ngày khác nhau, ông trở lại phòng làm việc vào buổi chiều muộn và kiểm tra tài liệu trong két. Mọi thứ vẫn nguyên xi. Tuy nhiên đến lần thứ tư thì ông thấy trong tài liệu nghiên cứu tác chiến quan trọng thiếu mất mười trang cuối. Ông đã thực hiện công trình nghiên cứu này cùng với cô thư ký vì cô này còn phải đánh máy thêm một số chỗ. Nhưng điều đó đã đem lại cho cô ta cái quyền lấy tài liệu khỏi két. Bởi vậy, viên đại tá quyết định báo cáo về điều đã xảy ra với cấp trên và sau đó người ta tổ chức bí mật theo dõi cô gái. Đến cuối tuần, dưới sự quan sát thường xuyên, đã xuất hiện mười bốn người quen của freilein von N. Vòng dây quanh những con người tưởng chừng chẳng có gì đáng nghi ấy dần dần xiết chặt. Không lâu sau, chúng ta đã thu thập đủ chứng cứ để buộc tội tất cả những công dân Đức này. Bắt giữ họ là việc làm quá đơn giản, nhưng chính đại tá Sosnowski mới là người làm chúng ta quan tâm. Để bắt giữ công dân Ba lan này, cần phải bắt quả tang được anh ta.

Qua theo dõi, chúng tôi phát hiện thấy Sosnowski có liên hệ với tình báo Pháp. Một trong những người của chúng tôi dưới vỏ bọc nhân viên của phòng 12 đã làm quen với Sosnowski. Anh ta lập tức cắn câu và cho biết sẵn sàng cung cấp tài liệu mật của Bộ Chiến tranh Đức.

Ngày hôm sau, sau khi nhận được một khoản tiền kếch xù, Sosnowski đã giao tài liệu cho nhân viên của chúng tôi trong phòng chờ tại nhà ga Berlin. Mấy giây sau khi trao đổi tài liệu, Sosnowski và nhân viên của chúng tôi bị bắt giữ - tất nhiên cần phải bắt giữ nhân viên của chúng tôi để nguỵ trang và để chúng tôi có thể sử dụng “lời thú tội” của kẻ khiêu khích.

Sau mười phút nữa, ở những khu vực khác nhau của Berlin, người ta đã bắt giữ tất cả những người bị nghi vấn còn lại. Các cuộc thẩm vấn bắt đầu và kéo dài liên tục mấy ngày đêm không nghỉ. Và cuối cùng đã làm rõ được toàn bộ câu chuyện.

Sosnowski là một người đàn ông cực kỳ điển trai, cao to, hào hoa phong nhã, đầy quyến rũ. Khi trở thành sĩ quan quân đội Ba Lan, ông ta được cử vào cơ quan tình báo quân sự và được cử sang Đức để thu thập tin tức về vũ khí trang bị của quân đội Đức và đặc biệt là để khám phá các kế hoạch thực sự của Bộ Tổng tham mưu Đức.
Tại Berlin, Sosnowski len lỏi trong giới ngoại giao và tầng lớp thượng lưu. Ông ta đã sử dụng sức hút không thể cưỡng lại được của mình đối với phụ nữ và bắt bồ với họ luôn luôn với mục đích moi thông tin mật.

Cuối cùng, ông ta đã tìm thấy đối tượng tiềm ẩn ở freilein von B, người làm thư ký ở OKH - Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức. Cô ta thuộc về một gia đình quý tộc Phổ đã sa sút. Cha cô, trước đây từng là một sĩ quan cao cấp trong quân đội của Hoàng đế Phổ, đã mất và mẹ con họ phải sống trong điều kiện khá chật vật. Freilein von B. bắt bồ với Sosnowski, và sự say mê từ phía cô ta là hoàn toàn chân thật.

Không lâu sau, Sosnowski làm quen với bạn gái và là đồng nghiệp cùng cơ quan với freilein von B là freilein von N. Họ đã cùng nhau nhiều lần ngồi ăn uống ở các nhà hàng, quán bar và dạ quán sang trọng. Sosnowski đã tặng các cô gái những món quà đắt tiền, dần dần làm cho cả hai quen với lối sống xa hoa hơn so với cuộc sống mà họ đã quen trước đó. Và chẳng bao lâu sau, chẳng cần freilein von B. đồng ý, ông ta đã liên hệ thẳng với freilein von N. Cô này dẫn Sosnowski về nhà mình. Anh chàng Ba Lan cư xử rất khôn khéo và lịch sự, không lâu sau đã đưa gia đình họ trở lại với sự hào nhoáng trước đây. Các món nợ của gia đình được thanh toán và gia đình đã có thể ít ra là duy trì cuộc sống bề ngoài tương xứng với địa vị xã hội của họ. Bà chủ nhà già cả còn mơ ước vào một ngày đẹp trời có thể gọi viên sĩ quan giàu có bảnh bao ấy là con rể và bất chấp những nguyên tắc ngặt nghèo của đẳng cấp mình, bà còn thậm chí không nghĩ tới việc phản đối anh ta qua đêm trong nhà bà vì mối liên hệ tình cảm của anh ta với con gái bà càng khăng khít thì bà mẹ càng tin hơn vào tương lai tươi sáng của mẹ con  bà.

Dần dần giữa đôi bạn gái nảy sinh sự ghen tuông. Điều đó có thể kết thúc bằng những chuyện chẳng lấy gì làm hay ho, nhưng Sosnowski đã khôn ngoan thoát khỏi tình thế hiểm nghèo ấy khéo đến nỗi cuối cùng cô nào cũng hài lòng với nhưng mẩu tình của anh ta, còn sự ghen tuông thì lại càng buộc họ chặt hơn với anh ta.

Khi chọn được thời điểm thuận tiện, Sosnowski tiết lộ về mình với cả hai cô bồ. Anh ta nói với họ mình là điệp viên của tình báo Ba Lan. Sau khi kể lể về tình thế khó khăn của mình, anh ta đưa cho họ xem những bức thư của cấp trên ở Varsava thể hiện sự không hài lòng vì những thất bại của anh ta và đe doạ triệu hồi anh ta khỏi Berlin để trở về phục vụ quân đội. ý nghĩ sẽ mất người yêu thật là không thể chịu đựng nổi với cả hai người đàn bà và Sosnowski đã lợi dụng sự sợ hãi đó để thú nhận riêng rẽ với từng người rằng, nếu anh ta hoàn thành được nhiệm vụ thì anh ta sẽ cưới cô ta và với số tiền to kiếm được họ có thể có một cuộc sống mới ở đâu đó ở nước ngoài.

Cả hai cô bồ đều đồng ý làm việc cho Sosnowski và trong thời gian những cuộc hẹn hò trai gái anh ta huấn luyện và chỉ đạo họ hoạt động. Họ bắt đầu mang tới một số tài liệu và Sosnowski chỉ trong một đêm đã kịp chụp lại các tài liệu đó. Ngôi nhà của freilein N. đã mau chóng trở thành địa điểm ưa thích cho những phụ nữ kiều diễm nhất Berlin có quyền tiếp cận đến những lĩnh vực chính trị, quân sự và kinh tế. Sosnowski còn bắt bồ với một số người nữa trong các phụ nữ này.

Ở Varsava, ban đầu người ta đánh giá tài liệu gửi về là rất tốt, cấp trên khá hài lòng. Nhưng khi mà thông tin đưa về càng ngày càng quan trọng, thậm chí giật gân thì sự nghi ngờ của cấp trên đối với Sosnowski cũng tăng lên. Tài liệu thì quá tốt để mà tin là thật và ở Varsava người ta đi đến kết luận Sosnowski đang cung cấp cho tin giả theo chỉ đạo của tình báo Đức. Khi anh ta đưa về Varsava hai chiếc valy đầy ứ các tài liệu đặc biệt quan trọng thì các cấp trên của ông ta đã chẳng nghiêm túc xem xét chúng và nói rằng, người Đức đã mua chuộc ông ta. Tuy vậy, Sosnowski vẫn được cho phép bán các tài liệu này cho các cơ quan tình báo khác. Một phần các tài liệu này lập tức được Phòng 12 và Secret Intelligence Service của Anh mua. Người ta đã đề nghị với Sosnowski những khoản tiền lớn để ông ta tiếp tục cung cấp tin và chỉ khi sau khi anh ta bị bắt thì Varsava mới nhận ra sai lầm của mình. Nhưng lúc đó thì đã muộn.

Tiếp sau việc bắt giữ là phiên toà xử tất cả những đồng phạm. Cả hai cô bồ đều bị kết án tử hình. Đơn xin ân xá cuối cùng của họ đã bị Hitler bác. Bản thân Sosnowski thì được người ta đem đổi lấy một số điệp viên của chúng tôi đã bị người Ba Lan bắt trước đó.

Hậu quả tất yếu của vụ Sosnowski là việc Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức phải thay đổi các kế hoạch của mình. Phải mất không ít thời gian bộ tham mưu của chúng ta mới có thể hồi phục được hoàn toàn từ cú đòn này.

Chu Hà