In bài này
Top 10 sự kiện quân sự 2013
Thứ Bẩy, 28/12/2013 - 5:03 PM
Thế giới đang trên ngưỡng cửa những cuộc chiến tranh kiểu mới.
Năm 2013, khu vực bất ổn do “mùa xuân Arab” tạo ra tiếp tục lan rộng. Cộng thêm vào các nước khu vực Sahel ở châu Phi bị rung chuyển bởi những cuộc nổi dậy của dân chúng và các cuộc xung đột vũ trang của các thế lực khác nhau là các vùng lãnh thổ đến tận Trung Phi.

Một trong những đấu thủ chính trên diễn đàn quốc tế là chủ nghĩa Hồi giáo hiếu chiến. Ở châu Phi bắt đầu sự phân chia lại lãnh thổ, sự tan vỡ các quốc gia thành các lãnh địa bộ lạc. Chủ nghĩa ly khai đi cùng với các cuộc nội chiến sắc tộc và tôn giáo. Thay cho các cuộc xung đột giữa các quốc gia là các cuộc xung đột nội bộ các quốc gia.

Vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế thay đổi. Thay vì phân cách và quan sát, họ ngày càng biến thành lực lượng can thiệp, hỗ trợ quân sự cho một bên xung đột.

Pháp bắt đầu năm 2013 bằng cuộc can thiệp vào Mali và kết thúc bằng cuộc can thiệp ở Cộng hòa Trung Phi (Reuters)

Có thể coi việc thủ tiêu vũ khí hóa học của Syria và đóng băng tạm thời chương trình hạt nhân của Iran là kết quả tích cực.

Cuộc chạy đua vũ trang đã chuyển dịch từ châu Âu và châu Mỹ bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề tranh chấp biển đảo đã kéo theo cuộc chạy đua vũ trang của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản hàn Quốc và Việt Nam.

Tờ Bình luận quân sự độc lập (NVO) của Nga đưa ra bảng xếp hạng truyền thống những sự kiện quân sự quan trọng nhất của năm 2013, đã gây ra những thay đổi địa-chính trị to lớn, có ảnh hưởng rõ ràng đến an ninh toàn cầu và khu vực, có ý nghĩa lớn đối với quân đội các cường quốc quan trọng nhất thế giới.

Chiến tranh ở Syria

Bắt đầu vào mùa hè năm 2011, cuộc chiến tranh ở Syria đang biến thành cuộc xung đột tôn giáo toàn cầu giữa người Hồi giáo Sunnite và người Hồi giáo Shi’ite. Những phiến quân Sunnite được tài trợ và trang bị vũ khí của các chế độ quân chủ Vùng Vịnh, đang chiến đấu cùng họ là các tay súng từ hơn 70 nước trên thế giới.

Chính phủ Syria vốn đại diện cho thiểu số người Alawite đang được sự ủng hộ của Iran, người Shi’ite ở Iraq và nhóm Hezbollah ở Li-băng, cũng như sự hỗ trợ tài chính của người Shi’ite ở một số nước Arab.

Thực tế trên lãnh thổ Syria đang diễn ra cuộc chiến tranh giành quyền thống trị hoàn toàn thế giới Hồi giáo giữa Saudi Arabia và Iran.

Quân đội Tự do Syria nổi loạn được Mỹ và EU trang bị vũ khí, thực tế đã bị loại khỏi cuộc xung đột vì phần lớn các đơn vị vũ trang của nó đã chạy sang phía các phần tử Hồi giáo. Nếu không được nuôi dưỡng quy mô lớn về vũ khí và người từ bên ngoài thì phe đối lập đã bị đè bẹp từ lâu.

Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trong cuộc chiến này đến nay đã có gần 130 ngàn dân thường Syria thiệt mạng, 2 triệu người đang sống trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng, gần 5 triệu người khác chủ yếu thuộc các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc thiểu số, trong đó có người Thiên Chúa giáo đã lưu vong sang các nước khác.

Mali: Chiến dịch Serval

Năm 2012, người Tuareg sau khi rời bỏ Libya đã liên minh với các nhóm Hồi giáo chiếm giữ một phần đáng kể lãnh thổ Mali và tuyên bố thành lập nhà nước độc lập Azawad. Tuy nhiên, tháng 7/2013, toàn bộ Azawad đã nằm dưới quyền kiểm soát của các phần tử Hồi giáo có liên hệ với Al Qaeda sau khi đánh lui các tay súng Tuareg. Vùng lãnh thổ bị chiếm được tuyên bố là nhà nước Hồi giáo Azawad, sống theo luật Shariat. Chúng phát động một cuộc khủng bố chống lại dân chúng địa phương đã đi theo Hồi giáo một cách không đúng đắn. Kế hoạch tiếp theo là chiếm toàn bộ Mali.

Lần đầu tiên, một quốc gia bị xâm lược vũ trang bởi các đơn vị quân sự bất hợp pháp từ lãnh thổ các nước giáp giới không phải là kẻ thù. Tháng 10/2012, Hội đồng Bảo an LHQ đã cho phép triển khai ở Mali lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi, nhưng không tìm ra nguồn tiền tài trợ cho việc này. Tháng 1/2013, các phần tử Hồi giáo bắt đầu cuộc tấn công, đánh chiếm thành phố Konna và mở ra con đường tiến xuống miền nam Mali. Người ta hiểu rằng, quân chính phủ không có khả năng chặn bước tiến của đối phương. Trước đó đã bày tỏ ý muốn giúp đỡ Mali, nước Pháp đã khẩn cấp đưa một đội quân đến Mali. Ngày 11/1, chiến dịch Serval.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 12/2/2013, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ nổ hạt nhân thử nghiệm ngầm dưới đất có đương lượng nổ 5-7 kT. Đáp lại, Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế bổ sung chống Bình Nhưỡng mà cả Nga cũng tham gia. Trả đũa, Bình Nhưỡng hủy bỏ tất cả các thỏa thuận về việc không tấn công với Seoul, tuyên bố tình trạng chiến tranh và hủy tuyên bố chung của các bên tham gia đàm phán 6 bên về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi khẳng định nó đã không còn hiệu lực từ lâu.

Không quân Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên. Bình Nhưỡng đe dọa tấn công hạt nhân. Mỹ hủy việc thử tên lửa đường đạn xuyên lục địa Minuteman III để không làm căng thẳng tình hình.

Bộ Tổng tư lệnh tối cao CHDCND Triều Tiên ngày 15/4 ra tối hậu thư cho Hàn Quốc, yêu cầu nước này ngừng các hoạt động thù địch. Đó là việc công khai đốt chân dung các lãnh tụ Bắc Triều Tiên ở Seoul. Trong trường hợp xảy ra những vụ báng bổ mới từ phía “những tên bù nhìn Nam Triều Tiên”, CHDCND Triều Tiên đe tấn công các kẻ thù của mình mà không báo trước.

Tên lửa đường đạn được di chuyển tới biên giới với Hàn Quốc. Đáp lại là những tuyên bố không kém hiểu chiến và đe dọa đánh đòn phủ đầu. Trong mấy tuần, thế giới ở trên bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Cuối tháng 4, chính quyền CHDCND Triều Tiên tuyên bố ý định nối lại hoạt động của tất cả các cơ sở của trung tâm hạt nhân Yongbyon. Nhưng rồi những ngôn từ hiếu chiến cũng giảm đi. Ngày 29/5, báo chí CHDCND Triều Tiên đưa tin, Triều Tiên đã đề nghị Hàn Quốc ký hiệp ước hòa bình.

“Vụ Snowden”

Cựu nhân viên Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA Edward Snowden đã cung cấp cho báo chí hàng trăm ngàn tài liệu mật, chúng cho thấy, tình báo My đã nghe lén điện thoại, xem trộm thư tín điện tử của hàng triệu người trên toàn thế giới, kể cả các nhà lãnh đạo nhiều nước, trong đó có các quốc gia đồng minh gần gũi. Một vụ bê bối quốc tế khổng lồ bùng lên. Nhiều nướcđã mở cuộc điều tra các hành động phi pháp của tình báo nước mình và tình báo Mỹ. Ở Mỹ, người ta đang chuẩn bị cải cách NSA và gói các văn kiện pháp luật nhằm hạn chế việc theo dõi công dân của mình.

Các quan chức NSA khẳng định, vụ bê bối này đã phá hủy hệ thống đấu tranh chống khủng bố và làm giảm mạnh hiệu quả làm việc của NSA. Snowden được phép tị nạn ở Nga, còn ở Mỹ, anh ta có nguy cơ bị án tù dài.

Thủ tiêu vũ khí hóa học của Syria

Syria là một trong 7 quốc gia không ký Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1993. Nhưng nước này chỉ chính thức thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học vào ngày 23/7/2012.

Trong cuộc nội chiến Syria, các tay súng nổi loạn đã nhiều lần sử dụng chất độc, song lại buộc tội quân đội Syria làm việc này. Việc đó được thực hiện để khiêu khích, tạo cớ cho phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột vì Mỹ và các nước NATO đã đe dọa can thiệp vào Syria nếu Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hủy diệt lớn.

Ngày 21/8/2013, lực lượng đối lập đã làm giả thông tin về một cuộc tấn công hóa học của quân chính, mà hậu quả được cho là hơn 1.000 người chết. Phương Tây đã bắt đầu chuẩn bị tấn công vào Syria. Nhưng theo khuyến nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 14/9, Syria đã ký “Công ước về việc cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học và thủ tiêu nó” và tiết lộ thông tin về việc sở hữu và các địa điểm cất giữ vũ khí này. Dưới sự kiểm soát của các nhà quan sát quốc tế, trang thiết bị dùng để sản xuất vũ khí hóa học đã bị phá hủy. Năm 2014, toàn bộ dự trữ chất độc sẽ bị phá hủy.

Phương Tây đã từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống Syria. Việc thủ tiêu vũ khí hóa học của Syria được cộng đồng quốc tế coi như một thắng lợi lớn của nước Nga.

Thỏa thuận với Iran

Tổng thống mới của Iran, ông Hassan Rouhani đã chọn đường lối cải cách kinh tế và đối thoại với phương Tây. Đêm 23, rạng sáng 24/11, tại Geneva, đã ký thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lại việc đóng băng một phần chương trình hạt nhân của Iran. Thời hạn của thỏa thuận là 6 tháng. Người ta nói rằng, đây là bước đi đầu tiên.

Iran đã cam kết không làm giàu uranium cao hơn 5% và “làm nghèo” lượng UF6 đã làm giàu ở mức 19,75% xuống mức này.

Iran không có công nghệ làm ra uranium kim loại. Iran chưa từng làm giàu uranium lên mức 20%, vì mức này được coi là làm giàu cao và bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế. Đồng thời, việc xây dựng lò phản ứng nước nặng sẽ bị dừng lại, còn tất cả các cơ sở hạt nhân sẽ bị các thanh tra IAEA kiểm tra thường xuyên. Các máy ly tâm mới sẽ không được lắp thêm.

Đáp lại, 6 cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) thừa nhận quyền của Iran tiến hành chương trình hạt nhân hòa bình và làm giàu uranium trong tương lai với điều kiện cương trình này sẽ bị IAEA kiểm soát. Các biện pháp trừng phạt Iran liên quan đến quyền buôn bán dầu, khí đốt và vàng sẽ được nới lỏng. Các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Iran và 20 ngân hàng lớn của Iran vẫn được duy trì. Nhưng nếu như Tehran sẽ thực hiện đúng các điều kiện thỏa thuận đã đạt được thì trong 6 tháng tới, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không được áp dụng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố trong một thông điệp trên truyền hình rằng, trong 6 tháng tới sẽ tiến hành việc ký kết thỏa thuận toàn diện với Iran.

Israel và Saudi Arabia bất bình với thỏa thuận này. Nga cho rằng, thỏa thuận cũng làm mất đi lý do để Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ nói là để bảo vệ chống tên lửa hạt nhân Iran.

Bộ Quốc phòng Nga hì hụi sửa sai

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga do ông Sergei Shoigu đứng đầu trong năm 2013 đã khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Việc xây dựng, hiện đại hóa và sửa chữa các thị trấn quân sự, căn cứ, sân bay, kể cả ở vùng Bắc cực đang diễn ra tích cực. Hàng lọt quyết định của ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga tiền nhiệm đã bị hủy bỏ.

Một điểm mới quan trọng là việc tiến hành các đợt kiểm tra bất ngờ chuyển thành các cuộc tập trận quy mô lớn. Tham gia là tất cả các quân, binh chủng cùng với các cơ quan quyền lực khác như Bộ Nội vụ, trong đó có Bộ đội Nội vụ, FSB, Bộ Tình trạng khẩn cấp, các cơ quan chính quyền địa phương. Trong các đợt kiểm tra, người ta phát hiện những thiếu sót trong công tác huấn luyện chiến đấu, rèn luyện sự phối hợp, hiệp đồng hành động, nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu.

Các vụ nổ tại cuộc chạy Marathon ở Boston

Vụ khủng bố ầm ĩ nhất xảy ra ở Boston, Mỹ, cách không xa vạch đích của cuộc thi chạy Marathon hàng năm, khi 2 quả bom nổ cách nhau 12 s. Ba người chết, hơn 260 người bị thương. Tổ chức và thực hiện vụ khủng bố là anh em nhà Tsarnayev là Tamerlen (26 tuổi) và Dzhokhar (20 tuổi) người Chechnya, từng sống thời gian dài ở Mỹ và được trợ cấp nhà nước. Vài ngày sau, Tamerlan đã bị giết trong một cuộc đấu súng, còn Dzhokhar bị thương và bị bắt.

Vụ khủng bố đã được đưa tin rất rầm rộ. Nó cũng đánh dấu sự hình thành thực sự của chủ nghĩa khủng bố cá nhân khi mà một kẻ không có liên hệ trực tiếp với các tổ chức quá khích, có cuộc sống khá ổn, sẵn sàng thực hiện vụ khủng bố đẫm máu kể cả chống lại đất nước đã cưu mang mình hoàn toàn vì động cơ chính trị tư tưởng.
Phát hiện trước và cảnh báo một vụ khủng bố như vậy hầu như không thể. Nhưng trong trường hợp với anh em nhà Tsarnayev, FSB Liên bang Nga đã cảnh báo tình báo Mỹ về hai anh em khả nghi này. Nhưng tình báo Mỹ cho rằng, hai người Chechnya này cần sự giúp đỡ hơn là giám sát.

Nội chiến ở Nam Sudan

Nam Sudan là quốc gia non trẻ nhất thế giới, tách ra khỏi Sudan vào năm 2011 nhờ sự giúp đỡ của phương Tây, lại đang trở thành một điểm nóng. Tại đây đã bùng phát cuộc xung đột sắc tộc, đang leo thang thành cuộc nội chiến.

Tổng thống Salva Kiir, đại diện cho bộ lạc Dinka, đã cho về vườn Phó Tổng thống Riek Machar và các bộ trưởng người bộ lạc Nuer. Toàn bộ quyền lực nằm trong tay một bộ lạc. Đêm 15, rạng sáng 16/12, binh lính người Nuer đã nổi loạn. Tại thủ đô Juba nổ ra các trận đánh có sử dụng xe tăng và pháo binh. Cuộc tàn sát sắc tộc bắt đầu ở nước này. Quân nổi loạn tấn công các căn cứ của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Kenya, Uganda và Mỹ đưa các đội quân nhỏ vào Nam Sudan để di tản công dân nước mình.

Những cuộc đụng độ xảy ra không chỉ giữa các đơn vị ly khai quân đội quốc gia mà cả giữa các công nhân ngành dầu mỏ. Con số người chết lên đến hàng trăm. Có nguy cơ cuộc xung đột lan xang lãnh thổ các nước láng giếng.

Nội chiến ở Cộng hòa Trung Phi
 
Tại Cộng hòa Trung Phi đang diễn ra những cuộc đụng độ giữa các tôn giáo, đánh dấu sự mở đầu của cuộc nội chiến. Tháng 3/2013, lãnh đạo nhóm Hồi giáo vũ trang Séléká Michel Djotodia đã lật đổ Tổng thống François Bozizé và tự xưng là tổng thống. Phương Tây đã vui vẻ chấp nhận vị nguyên thủ mới và chấp nhận cam kết tiến hành bầu cử sau 18 tháng. Nhưng các đơn vị vũ trang Séléká bị giải thể đã phân tán khắp đất nước và gây ra cuộc diệt chủng đẫm máu đối với người Thiên Chúa giáo.

Ở Cộng hòa Trung Phi, 50% dân cư theo Thiên Chúa giáo, 35% theo các tôn giáo truyền thống, còn người Hồi giáo chỉ chiếm có 15%. Bởi vậy, trong các đơn vị Séléká có nhiều lính đánh thuê từ Chad và Sudan. Đáp lại, người Thiên Chúa giáo đã thành lập các đơn vị tự vệ và các nhóm vũ trang Anti-balaka và tiến hành khủng bố trả đũa nhằm vào người Hồi giáo. Số người tị nạn lên đến 500.000 người khi dân cư chỉ là 5,1 triệu người. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, tại thủ đô Bangui, đã có không dưới 600 người chết.
 
Để bảo vệ thiểu số người Hồi giáo, được sự cho phép của Hội đồng Bảo an LHQ, ngày 6/12, đã bắt đầu chiến dịch gìn giữ hòa bình với sự tham gia của 1.600 lính Pháp và 2.500 lính từ các nước Liên minh châu Phi. Quân số đạo quân châu Phi dự kiến tăng lên đến 6.000 người.

Nhiệm vụ của lính gìn giữ hòa bình là giải giáp các bên tham chiến. Thực tế, điều đó có nghĩa là tiến hành chiến sự. Đã có một số binh lính Pháp và Chad thiệt mạng. EU từ chối hỗ trợ tài chính cho chiến dịch. Mỹ đã chi cho chiến dịch gìn giữ hòa bình này 100 triệu USD. Bằng những hành động như vậy, nước Pháp đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng của mình ở châu Phi.
Long Xuyên