In bài này
Từ siêu khu trục đến tàu chiến ven bờ (1)
Thứ Năm, 26/12/2013 - 8:10 AM
Ba xu hướng phát triển của ngành đóng tàu chiến mặt nước: tàu chiến tàng hình công nghệ cao.
Tàu khu trục Zumwalt.

>> Từ siêu khu trục đến tàu chiến ven bờ (2)

Tại xưởng đóng tàu của Bath Iron Works (BIW) ở Bath, bang Maine, ngày 28/10/2013 đã hạ thủy tàu khu trục thế hệ mới Zumwalt (DDG 1000). Tàu ban đầu được kéo vào một đốc nổi, sau đó đốc được dìm xuống. Tàu khu trục nổi trên sông Kennebec.

Các tàu kéo đã lai dắt nó đến địa điểm đóng hoàn thiện. Nhân sự kiện này, người ta đã không tổ chức buổi lễ trọng thể, không có các diễn văn hay hoan hô, thậm chí các phóng viên truyền hình cũng không được mời. Ngay cả cố tư lệnh Hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam Elmo Zumwalt mà con tàu đặt tên theo và là người ủng hộ việc chi tiêu khôn ngoan kinh phí cho xây dựng Hải quân Mỹ cũng không tán thành sự hà tiện đến thế.

Buổi lễ đã bị hủy bỏ do sự tranh cãi kéo dài giữa chính quyền đảng Dân chủ và các lãnh đạo đảng Cộng hòa về các cơ chế tiết kiệm tài lực quốc gia. Phe Cộng hòa buộc tội đảng Dân chủ lãng phí tiền của và đòi cắt giảm chủ yếu các chương trình xã hội, còn phe dân chủ muốn cắt giảm các hạng mục khác của ngân sách, trong đó có ngân sách quân sự. Với tàu khu trục Zumwalt đã xuất hiện tình thế oái oăm, thậm chí vô lý. Dĩ nhiên là phe Cộng hòa không chống việc tham gia hoạt động nhân dịp hạ thủy con tàu, nhưng phe Dân chủ lại tỏ ra nguyên tắc và từ chối tham gia buổi lễ. Kết quả là người ta đã tiết kiệm được vài chục ngàn, trong khi có thể tiết kiệm hơn 100 ngàn USD, trong khi bản thân tàu khu trục sẽ có giá 7 tỷ USD.

Hàng tỷ đô la chi ra làm gì

Riêng chi cho việc bản thân việc đóng con tàu mà sẽ hoàn thành trong năm tới, khi thuyền trưởng James Kirk sẽ đưa nó đi thử nghiệm, là 3,45 tỷ USD. Còn 3,55 tỷ USD nữa là chi phí cho công tác nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, tất cả những khoản tiền khổng lồ này không phải ánh tổng chi phí cho việc đóng siêu tàu khu trục.

Một phần chi phí tài trợ được chi theo các hạng mục khác của ngân sách quốc phòng mà về hình thức là không liên quan đến dự án Zumwalt. Ví dụ, đài radar đa năng AN/SPY-3 là một trong những hệ thống trang bị đắt tiền nhất của tàu, đã được phát triển không chỉ dành cho lớp tàu này, mà còn để dành cho các tàu sân bay đang đóng lớp Gerald R. Ford. Người ta không tính vào số tiền cuối cùng cả chi phí nghiên cứu và thiết kế cho các dự án không được thực hiện là tàu kho và tàu khu trục DD21, vốn là loại đời trước của DDG 1000.

Khu trục hạm Zumwalt rời ụ tầu nổi xuống sông Kennebec

Tàu khu trục có lượng giãn nước hơn 15.480 tấn và chiều dài 182,9 m, tương đương với các thông số của tàu tuần dương hạng nặng thời Thế chiến II, dùng ddeeer thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng đặt trọng tâm vào nhiệm vụ tấn công mục tiêu trên bờ. 20 module x 4 ống  phóng Mk 57 được bố trí dọc theo mạn trái và phải, có khả năng bắn tất cả các loại vũ khí tên lửa tầm xa và tầm trung hiện có của Hải quân Mỹ, ngoại trừ tên lửa chống hạm Harpoon.

Ở cấu hình tiêu chuẩn, kho vũ khí của Zumwalt sẽ gồm các tên lửa hành trình Tactical Tomahawk dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất ở cự ly 1.600-2.400 km, tên lửa chống ngầm ASROC và tên lửa phòng không Evolved Sea Sparrow (mỗi ống phóng chứa 4 tên lửa) với tầm bắn mục tiêu bay đến 50 km. Khi cần, thay cho chúng hoặc cùng với chúng ở các phương án kết hợp khác nhau, có thể trang bị tên lửa phòng không tầm xa SM-6 hay tên lửa chống tên lửa SM-3, cũng như các tên lửa chống hạm tầm xa tương lai LRASM.

Mỹ đã phát triển riêng cho tàu khu trục Zumwalt loại pháo 155 mm AGS. Pháo này có tầm bắn với đạn thường là 40 km, với đạn phản lực-tích cực LRLAP là đến 154 km. Tốc độ bắn là 10 phát/phút. Không loại trừ trang bị đạn pháo chính xác cao của Lục quân Mỹ Exalibur cho pháo AGS. Mỗi tàu sẽ được trang bị 2 pháo 155 mm. Pháo AGS dùng để tiêu diệt chủ yếu là các mục tiêu trên bờ. Theo nhiều nguồn tin Mỹ, hỏa lực của 2 khẩu pháo này có hiệu quả tương đương 12 pháo chiến trường M198 cùng cỡ.

Sơ đồ cấu tạo khu trục hạm Zumwalt

Một cặp pháo tự động Mk 110 57 mm khác dùng để phòng thủ tầm gần, kể cả đối phó các mối đe dọa phi đối xứng, tức là các cuộc tấn công khủng bố, biệt kích bằng xuồng nhỏ. Nếu các pháo AGS được bố trí ở mũi tàu, thì các pháo tự động Mk 110 được bố trí hai bên mạn tàu, trên nóc hăng-ga trực thăng. Trong hăng-ga có thể bố trí 2 trực thăng MH-60R hay 1 trực thăng này và 3 máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout.

Ụ pháo tàu 155 mm AGS trong thử nghiệm
Dĩ nhiên là các tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ không “giữ Trung Quốc trong vòng sợ hãi” như một số báo chí nước ngoài khẳng định. Nhưng hiển nhiên là sự xuất hiện của chúng trong biên chế Hạm đội 6 của Mỹ sẽ tăng cường vị thế của Mỹ ở vùng biển Thái Bình Dương và Viễn Đông.

Cần nhấn mạnh rằng, vũ khí không phải là lợi khí chính của siêu khu trục này. Bản thân con tàu đã là một thiết kế độc đáo, có một không hai. Tàu có vỏ với khả năng chống nổ, bọc bằng một lớp giáp kevlar đối với những bộ phận trọng yếu nhất. Để nghiên cứu lớp bảo vệ cho vỏ tảu, người ta đã đóng riêng một tàu thử nghiệm lượng giãn nước 126 tấn. Tại trường thử Aberdeen, tàu này đã nhiều lần được thử nghiệm mạnh về khả năng chống nổ cho đến khi đạt kết quả mong muốn - tàu đã vẫn nổi kể cả khi xảy ra một vụ nổ có sức công phá tương đương một đầu đạn hạt nhân chiến thuật ngay sát mạn tàu.

Phần mũi tàu hình chiếc tất kiểu “cắt sóng” làm giảm lực cản đối với sự di chuyển và giảm bức xạ ồn. Các bộ dẫn tiến là 2 chân vịt dẫn động bằng các động cơ điện. Việc nghiên cứu phần mũi tàu và hình dáng vỏ tàu tối ưu đã được tiến hành trên tàu trình diễn công nghệ được đóng dành riêng Sea Jet.


Tàu chiến ven bờ USS Freedom

Tàu khu trục Zumwalt có thiết kế tích hợp thân-thượng tầng nên giảm được đáng kể độ bộc lộ radar. Phần trên mặt nước của tàu được bảo vệ bởi lớp phủ đặc biệt, hấp thụ tín hiệu radar. Kết quả là với kích thước lớn hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke 40%, bề mặt tán xạ hiệu dụng của Zumwalt chỉ như của tàu ngầm lớp Los Angeles đang nổi, tức là nhỏ không đáng kể. Bản thân phần thượng tầng được làm bằng vật liệu composite. Trong đó có “chôn” các anten mạng pha của radar AN/SPY-3. Nó thay cho 5 radar mà các tàu chiến mặt nước hiện nay của Hải quân Mỹ đang được trang bị và cho phép phát hiện các loại mục tiêu rất khác nhau, trong đó có cả các mục tiêu nhỏ, trên không và trên biển, cũng như cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho vũ khí tên lửa và pháo, thực hiện các chức năng dẫn đường.


Tàu chiến ven bờ USS Independence

Ấn tượng hơn nữa là hệ thống động cơ của tàu được tích hợp thành hệ thống năng lượng thống nhất và bảo đảm tàu di chuyển hoàn toàn bằng năng lượng điện. Hệ thống gồm 2 động cơ turbine khí МТ30 công suất 36 MW mỗi động cơ của hãng Rolls-Royce và 2 máy phát điện diesel phụ trợ có công suất 3 MW mỗi máy phát. Như vậy, tổng công suất của tàu là 78 MW. Điều đó là quá đủ để đạt tốc độ 30 hải lý/h và cung cấp cho toàn bộ hệ thống điện cấp nguồn nuôi các thiết bị, cơ cấu và tổ máy của tàu khu trục. Công suất dư thừa cần để cung cấp cho vũ khí điện tử mà trong tương lai sẽ lắp cho các tàu này - đó là các pháo ray điện từ có tầm bắn 360-400 km, vũ khí laser và vũ khí siêu cao tần.

Việc chuyển sang dẫn động điện hoàn toàn đã cho phép từ bỏ các trục chân vịt nặng nề, có thêm những không gian lớn bên trong để bố trí các tải trọng hữu ích khác và tạo ra điều kiện sinh hoạt tốt cho thủy thủ đoàn. Còn những phương tiện tự động hóa điều khiển tàu và vũ khí tiên tiến đã cho phép giảm quân số thủy thủ đoàn xuống còn 140 người, tức là giảm được chi phí vòng đời của tàu khu trục vì mức lương của thủy binh Mỹ khá cao.

Các loại xuồng không người lái điều khiển từ xa của hãng General Dynamics Robotic tỏ ra không phù hợp với nhiệm vụ chống ngầm. Xuồng CUSV của hãng Textron cũng chưa đáp ứng trông đợi

Nói cách khác, tàu khu trục Zumwalt thực sự là một siêu chiến hạm dĩ nhiên nếu như những tính năng đặt ra cho nó được khẳng định. Nhưng giá cả của nó cũng thật ghê dớm. Và mặc dù các công ty đóng tàu là BIW và Huntington Ingalls cam đoan là sẽ giữ được giá của các tàu đóng hàng loạt ở mức 2,5 tỷ USD/chiếc, nhưng điều đó thật khó tin. Theo thông tin của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, giá của tàu khó lòng giữ dưới mức 3,3 tỷ USD/chiếc. Chính vì thế mà ban đầu người ta đã định đóng 32 tàu lớp DDX (tên ban đầu của lớp DDG 1000), nhưng sau đó đã cắt giảm xuống còn 24 chiếc, còn sau đó nữa là còn 7 chiếc, và nay thì chỉ nói đến 3 tàu khu trục.

Thân tàu thứ hai có tên Michael A. Monsoor (DDG 1001) theo tên sĩ quan đặc nhiệm Hải quân Mỹ đã hy sinh ở Afghanistan hầu như đã hoàn thành. Tàu thứ ba mang tên tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, người từng phục vụ trong Hải quân Mỹ thời Thế chiến II. DDG 1002 đang ở giai đoạn đầu lắp đặt thiết bị.

Hiện nay chỉ có các quốc gia phát triển cao về khoa học kỹ thuật là đủ sức đóng các siêu chiến hạm, trước hết là Mỹ. Nhưng ngay cả Mỹ trong tương lai gần, xem ra, cũng sẽ phải từ bỏ việc đóng các tàu công nghệ cao do giá quá cao. Các nước Tây Âu trong NATO tụt hậu khá xa so với Mỹ vì trong ngành đóng tàu quân sự, họ muốn đi theo xu hướng phát triển tiến hóa. Có lẽ, vị trí của Mỹ sau 10 năm nữa sẽ bị Trung Quốc thay thế vì Trung Quốc chú trọng nhất đến việc làm chủ các công nghệ tiên tiến.

Hiển nhiên, nhiều công nghệ mới được ứng dụng ở các tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ dần dần được áp dụng cho các tàu thuộc các lớp khác và không chỉ là các tàu Mỹ. Bởi lẽ chỉ 15 năm trước, các frigate tàng hình lớp La Fayette của Pháp từng được coi là kỳ quan của nghệ thuật đóng tàu, nhưng nay ngay cả các nước còn lâu được coi là những nước tiên tiến cũng đóng các tàu chiến tàng hình đối với radar.

Không đáp ứng sự trông đợi

Các thiết kế tàu chiến công nghệ cao không phải luôn đáp ứng sự trông đợi. Ví dụ như các tàu chiến ven bờ  LCS (Littoral Combat Ship) của Mỹ lớp Freedom và Independence. Chúng dùng để thực hiện các nhiệm vụ tiến công, chống ngầm và chống thủy lôi ở khu vực ven bờ biển của các quốc gia khác chứ không phải của Mỹ. Tàu chiến ven bờ có tốc độ rất cao (đến 45 hải lý/h) và tính năng cơ động tốt.

Các phương tiện công nghệ lấy mạng làm trung tâm của chúng cho phép nhận và truyền thông tin cho các sở chỉ huy trên bờ và các tàu khác ở thời gian thực. Người ta đã nghĩ ra cho chúng sơ đồ trang bị vũ khí dạng module-container mà thoạt nhìn thì thật tuyệt. Tùy thuộc vào tính chất nhiệm vụ thực hiện, LCS sẽ được lắp đặt các container với các thành phần vũ khí khác nhau.

Các hãng đóng tàu Mỹ đã không chỉ giữ chi phí đóng tàu ở mức giá đã định là 220 triệu USD/chiếc (chi phí đóng tàu USS Freedom mất 637 triệu USD, còn USS Independence là 704 triệu USD), mà các tàu này đã bị phát hiện ra nhiều điểm yếu. Các tàu LCS bị hỏng động cơ và mạng điện, đã phát hiện ra hiện tượng kim loại bị ăn mòn và vỏ tàu bị rò rỉ “ngoài kế hoạch”. “Những căn bệnh con trẻ đang lớn” oái oăm là xảy ra với tất cả các đơn đặt hàng lớn của Mỹ.

Tồi tệ hơn nữa là sơ đồ trang bị vũ khí kiểu module-container đã bắt đầu ách tắc. Một là, việc chế tạo các module đó hóa ra rất khó và cực kỳ tốn kém. Hai là, để làm việc đó cần phải có thời gian. Ba là, để thực hiện các nhiệm vụ chống thủy lôi và chống ngầm, hoàn toàn không cần tốc độ cao của LCS mà đã phải hao công tốn của để làm cho được.


Tàu chiến ven bờ USS Freedom

Những khó khăn đã xuất hiện khi trang bị cho LCS vũ khí tiến công. Việc phát triển hệ thống tên lửa NLOS-LS dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt nước và mục tiêu bờ đã bị đình chỉ do chi phí cao. Thay cho nó, người ta đề xuất dùng hệ thống Griffin. Hệ thống này tiện lợi vì tên lửa của nó bắn từ bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không tự vệ tầm gần RAM. Nhưng Griffin tiêu diệt mục tiêu ở cự ly chỉ có 3,5 km, còn trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa chỉ có 5,9 kg. Tức là tên lửa chỉ có thể tiêu diệt xuồng nhỏ ở tầm “cánh tay duỗi”. Để bổ sung cho Griffin, người ta đang xem xét tên lửa Sea Spear là biến thể hải quân hóa của tên lửa hàng không Brimstone lớp không đối đất.

Tuy nhiên, phần chiến đấu của nó cũng không lớn, mặc dù tầm bắn có lớn hơn là gần 12 km. Tức là trong mọi tình huống thì các xuồng tên lửa lớp Ambassador III mà Mỹ đang đóng cho Hải quân Ai Cập, lượng giãn nước 700 tấn, được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon và pháo tự động 76 mm khi tác chiến tay đôi dễ dàng vượt qua các tàu chiến LCS 3.000 tấn.

Tình hình còn tồi tệ hơn với các module chống ngầm. Hải quân Mỹ đã buộc phải từ bỏ các xuồng không người lái ASW USV có chiều dài 11 m của hãng General Dynamics Robotic. Việc thử nghiệm đã cho thấy chúng hoàn toàn không thích hợp cho nhiệm vụ chống ngầm. Thay thế cho chúng sẽ là xuồng không người lái của hãng Textron. Nhưng vẫn còn chưa rõ là liệu chúng có khả năng phát hiện và tàu ngầm hay không. Người ta rất nghi ngờ về vấn đề này.


Tàu chiến ven bờ USS Independence

Chương trình đóng tàu LCS đang bị chỉ trích mạnh mẽ ở Mỹ. Chính vì thế Bộ Quốc phòng Mỹ dự định cắt giảm việc mua sắm tàu LCS thuộc các 2 lớp Freedom và Independence từ 52 chiếc xuống còn 24 chiếc, tức là giảm hơn 2 lần. Hợp đồng cuối cùng đóng tàu LCS dự kiến ký vào tài khóa 2015 vốn sẽ bắt đầu vào ngày 1/10/2014.

Cũng chính lúc đó, các module vũ khí tiến công và chống thủy lôi cho các tàu LCS sẽ được đưa vào trang bị, còn các module chống ngầm dự kiến trang bị sớm nhất là vào năm 2016. Hiện tại, LCS được trang bị vũ khí tiêu chuẩn không thể thay thế, gồm 1 ụ pháo 57 mm Mk 110, 1 hệ thống tên lửa phòng không RAM, 1 trực thăng và các súng máy. Tức là vũ khí trang bị chiến đấu của nó gần như tương đương với các tàu tuần tra ngoài khơi OPV, chỉ có điều tàu OPV rẻ hơn cả chục lần.

>> Từ siêu khu trục đến tàu chiến ven bờ (2)

Nhân Vũ