In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: Bại lộ điệp viên đồng tính A-17 (1)
Thứ Tư, 25/12/2013 - 8:00 AM
Việc tuyển mộ được điệp viên này là một thành công chói sáng của tình báo Nga.
Đại tá Alfred Redl
>> Điệp viên thế kỷ XX: Bại lộ điệp viên đồng tính A-17 (2)

Trong lịch sử tình báo nước nhà, có không ít những trang huy hoàng mà chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào. Dưới đây, chúng tôi sẽ kể về một điệp viên của chúng ta ở Áo-Hung, người mà vào đầu thế kỷ 20, trong một thời gian dài đã chuyển về St. Petersburg (thủ đô nước Nga Sa hoàng khi đó - ND) những thông tin cực kỳ quý giá, đồng thời đã đánh lạc hướng bộ tham mưu Áo-Hung bằng những “báo cáo” giả từ nước Nga. Việc tuyển mộ được điệp viên này là một thành công chói sáng của tình báo Nga.

... Gấp chiếc cặp hồ sơ, đại tá Batyushin ở Bộ Tổng tham mưu đứng dậy và lại gần cửa sổ mà không gạt tấm rèm bằng màn tuyn. Một điều luôn làm cho ông rất lo lắng khi ông nhớ đến điệp viên A-17 - đó là tính hoang phí của ông ta. Qua các cuộc nói chuyện với một đồng nghiệp là nhân viên tình báo Nga ở Berlin, đại tá Pavel Aleksandrovich Bazarov, ông biết rằng, người Đức đang xì xào tin đồn về “sự phản bội” ở Viên. Các điệp viên của chúng ta đã báo cáo dường như chỉ huy tình báo và phản gián Đức, thiếu tá Walther Nicolai thậm chí đã báo cáo với Hoàng đế Wilhelm II  (Wilhelm II hay Friedrich Wilhelm Viktor Albert (1859-1941), Hoàng đế Đức và Vua Phổ (1888-1918), kẻ đã thi hành chính sách dẫn tới Thế chiến I (114-1918) - ND) là ông ta nghi ngờ trong Bộ Tổng tham mưu áo-Hung có một “chuột chũi” làm việc cho người Nga đang ẩn náu.

Hoàng  đế Wilhelm II rất lo lắng. Người ta đã ra lệnh áp dụng mọi biện pháp để tìm cho ra tên gián điệp này. Chẳng hạn, họ đã khẩn cấp tổ chức các “phòng đen” ở tất cả các thành phố giáp giới với Nga để bóc trộm tất cả thư từ khả nghi gửi từ Nga sang Đức và áo-Hung. Hơn nữa, Batyushin nhận thấy nhà ông ở Varsava đang bị theo dõi. “Trước đây điều này chưa từng xảy ra, ông nghĩ thế khi liếc nhìn xuống quảng trường Saxon. - Không, cần phải báo động cho A-17. Phải để điệp viên cực kỳ giá trị này thận trọng tối đa. Và mặc dù ông ta là con người dày dạn kinh nghiệm trong hoạt động của chúng ta, nhưng dù sao cũng phải cảnh báo anh ta”.

Trên thực tế, tình báo Nga trả tiền rất hậu hĩnh cho những đóng góp của ông. Nhưng phô trương như thế để làm gì? Mỗi lần đến Varsava, anh ta luôn ở tại khách sạn sang trọng nhất, một ngày mấy lần thay quần áo đắt tiền, bên cửa khách sạn luôn có ôtô mà anh tư thuê cả ngày đứng chờ... Để làm gì chứ?
Vậy thì ai là điệp viên A-17 đầy bí ẩn đó?

Con đường thăng tiến

Đôi khi ngay khi bắt đầu vào đời, con người ta đã may mắn chọn được đúng cái nghề cho phép được phát huy đầy đủ những khả năng và tài năng của anh ta. Đó chính là điều đã xảy ra với Alfred Redl.

Ông sinh ra trong một gia đình bình thường. Cha ông làm thẩm phán tại toà án ở đồn binh Lemberg (Lvov). Từ thời thơ ấu, ông đã quen thấy các quân nhân ở xung quanh mình và tất nhiên là đường binh nghiệp cũng cuốn hút ông. Ông tốt nghiệp xuất sắc trường sĩ quan và nhanh chóng lọt vào Bộ Tổng tham mưu quân đội đế quốc Áo-Hung. Sau khi lọt vào bộ tham mưu danh tiếng này, ông đã làm cố sống cố chết để làm người ta chú ý đến ông. Và ông đã đạt được mục đích. Mặc dù không khác gì trong quân đội Đức, trong quân đội Áo-Hung, vẫn ngự trị bầu không khí thành kiến đẳng cấp nặng nề và chỉ có bọn quý tộc mới được ưu tiên thăng cấp. Redl, bằng trường hợp của mình, đã chứng minh rằng vẫn có những ngoại lệ. Tài năng của con người xuất chúng này được phát huy đặc biệt đầy đủ từ khi Redl về làm việc ở phòng tình báo và phản gián. Đóng góp của ông nhanh chóng được nhìn nhận và thiếu tá Redl đã trở thành người đứng đầu đơn vị khá đặc thù này của Bộ Tổng tham mưu Áo-Hung.

Trước tiên, ông tiến hành cải tổ phòng tình báo và phản gián, đặc biệt là cho áp dụng những kỹ thuật và thủ đoạn hoạt động mới. Ông còn là người có công tìm ra, nghiên cứu và áp dụng vào thực tế nhiều phương pháp và thủ đoạn, mà phần nhiều trong số đó thực sự là mới. Trước hết, ông cho lắp bí mật một máy ghi âm vốn mới được phát minh vào căn phòng tiếp khách của mình. Như vậy, toàn bộ lời nói của người được mời đến “phòng khách” này đều bị ghi lại. Người ta cũng lén chụp ảnh anh ta. Để làm việc này, người ta đã lắp các ông kính máy ảnh vào hai bức tranh treo trên tường.

Trong phòng rất sáng vì có treo một số đèn chùm, nhờ đó có thể chụp được những bức ảnh có chất lượng cao. Dưới mặt của chiếc bàn mà chính viên thiếu tá luôn ngồi có một số nút bấm. Chẳng hạn khi bấm một nút trong số đó thì lập tức chuông điện thoại bắt đầu đổ. Vào thời đó, nếu độc giả còn nhớ, điện thoại gồm một cái giá trụ nhỏ trên đó có một cái ống nói và một cái ống nghe cũng treo trên giá này. Khi sử dụng điện thoại, người ta nhấc ống nghe khỏi giá, còn tay kia cầm vào giá có gắn ống nói. Cái nút này và chuông “nhân tạo” này để làm gì vậy? Chúng được dùng để chủ nhân nói xin lỗi với khách rồi nhấc ống nghe và bắt đầu nói chuyện với một người không tồn tại. Còn khi đó, vị khách sẽ được mời hút xì gà để trong hộp hay bót xì gà (nếu đó là đàn ông), hoặc hộp kẹo đắt tiền (nếu đó là phụ nữ). Bề mặt những vật dụng này được xử lý đặc biệt và sau khi khách ra về, người ta sẽ lấy dấu tay của khách từ chúng.

Nếu khách hút thuốc hay xì gà của mình thì anh ta sẽ được mời dùng bật lửa cũng được tẩm loại bột in dấu tay đặc biệt. Trong khi thẩm vấn, trên bàn luôn có một chiếc cặp, bên dưới nó là một cặp hồ sơ với dòng chữ ló ra: “Bí mật, không được để lộ”. Sau khi “tự gọi” điện thoại cho mình, viên sĩ quan sẽ vớ lấy chiếc cặp và nói lời xin lỗi rồi chạy ngay tới gặp “cấp trên”. Có những người đã không thể kiềm chế được mình nên đã cầm lấy chiếc cặp hồ hơ trong một tích tắc. Cảnh đó sẽ được một chiếc máy ảnh chụp lại. “Phòng khách” này có một lối đi riêng ra phố Biberstrasse. Họ cũng có thể vào phòng từ phố này khi không cần thiết để lộ diện ở cửa chính. Redl đã ra lệnh thu thập hồ sơ về mỗi người dân thành Viên đã từng dù chỉ một lần đến những trung tâm gián điệp như Zuric, Stockholm, Brussels...

Redl là tác giả của phương pháp thẩm vấn tuyệt diệu cho phép đạt được kết quả mong muốn mà không phải áp dụng bất kỳ “nỗ lực” bổ sung nào. Ông còn có sự khéo léo tuyệt đỉnh, nhờ đó ông đã thu được những tài liệu mật từ các phòng ban khác nhau của Bộ Tổng tham mưu. Nhưng công lao lớn nhất của Redl là ở chỗ ông đã kiếm được những tài liệu mật “của độc” từ các bộ tham mưu Nga. Các tài liệu này là đồ giả chính hiệu, nhưng chỉ sau này người ta biết điều đó. Những thành công Redl lớn đến nỗi chỉ huy trưởng cơ quan tình báo quân đội Áo-Hung, tướng Gizle von Gizlingen khi đi Praha nhận chức tư lệnh quân đoàn số 8 đã kéo Redl đi theo làm chức tham mưu trưởng. Ông này lúc đó là đại tá.

Nhân đây, cũng phải nói thêm là ngay trước khi lên đường nhận công tác mới, viên đại tá đã viết để lại cho người kế nhiệm một tài liệu hướng dẫn cực kỳ chi tiết dày 40 trang về việc sử dụng các thủ thuật mà ông đã sáng tạo ra cho các tình báo viên và về các phương pháp phát hiện gián điệp của địch. Bản hướng dẫn này bí mật đến nỗi Redl không cho đánh máy lại bằng máy chữ mà trực tiếp đưa cho trưởng phòng phản gián, đại uý Maximilian Ronge dưới dạng bản viết tay.

Trong số những lời khuyên quan trọng nhất của Redl là ông muốn thư từ gửi từ nước ngoài phải được theo dõi cẩn thận. Theo sáng kiến của Redl, người ta đã thành lập “phòng đen” để bóc trộm những thư từ khả nghi của những người bị nghi vấn. Đặc biệt, Redl đã đề nghị chú ý tới những bức thư gửi từ các vùng ven biên giới của Pháp, Bỉ, Hà Lan và trước hết là Nga. Cần phải đặc biệt chú ý tới những bức thư bảo đảm. Phòng trả thư bảo đảm của Bưu điện trung tâm thành phố Viên được nối với đồn cảnh sát, nằm sau toà nhà đồ sộ của bưu điện trên phố Fleischmarkt bằng một chiếc chuông điện. Khi có người đến nhận bức thư bảo đảm khả nghi, nhân viên bưu điện chỉ cần bấm chuông và sau 2-3 phút hai mật thám sẽ có mặt.

Cuộc truy đuổi

Vào đầu tháng 3 năm 1913, chỉ huy phòng tình báo và phản gián Bộ Tổng tham mưu quân đội Áo-Hung, đại tá August Urbanski von Ostromitz đã chuẩn bị rời phòng làm việc ra về thì vang lên tiếng gõ cửa.

- Mời vào, - viên đại tá nói với giọng không hài lòng trong khi vẫn đang mặc áo khoác. Trên ngưỡng cửa xuất hiện hai sĩ quan Đức: tuỳ viên quân sự Đức, tướng von Voisch và trung uý Mitzle, sĩ quan liên lạc riêng của thiếu tá Nicolai. Đại tá Urbanski đã chờ đợi viên sĩ quan liên lạc của người đồng nghiệp của mình ở Bộ Tổng tham mưu Đức, thiếu tá Nicolai, người đã kịp thời báo cho ông biết là ông ta gửi cho ông một tài liệu rất quan trọng. Nhưng tại sao lại có cả tuỳ viên quân sự đến cùng chứ? Có cái gì khác thường đang diễn ra.

Sau những lời chào hỏi xã giao, viên trung uý mở cặp và đưa cho Urbanski chiếc túi tài liệu đóng bốn con dấu to tướng. Viên đại tá lập tức mở phong bì, lấy ra tiền mà một mảnh giấy. Sau khi đọc xong, viên đại tá vội vàng đi lại bàn và bấm nút chuông.

- Mời trưởng phòng phản gián, thiếu tá Ronge, đến gặp tôi ngay lập tức, - ông ta ra lệnh cho người trợ lý của mình.

- Thưa ngài đại tá! Anh ta vừa đi ngang qua tôi ra cổng rồi.

- Đuổi theo anh ta! - viên đại tá suýt nữa thì quát lên.

Từ thời điểm đó, đồng hồ bắt đầu đếm thời gian được sống tự do còn lại của điệp viên A-17. Bởi vì thiếu tá Nicolai từ Berlin đã thông báo trong thư: một “phòng đen”của Đức ở một thành phố trên biên giới Đức-Nga đã thu được một phong bì thư bảo đảm gửi đến Viên cho ngài Nikon Nitzetas nào đó. Ngay cái phong bì cũng đã gây nghi ngờ: tem được dán để mép tem gấp qua góc phong bì. Sau đó, khi mở nó, người ta đã phát hiện một mảnh giấy và tiền. Trong mảnh giấy có thông báo việc gửi tiền và cho địa chỉ của ngài Largie ở Geneva để sau này viết thư liên lạc. Số tiền, chẳng phải nhỏ - 6.000 cuaron áo - nằm trong chiếc phong bì không ghi là chứa vật có giá trị hiển nhiên cũng rất đáng ngờ.

Urbanski ra lệnh gửi lá thư tới bưu điện Viên sau khi đã chụp ảnh mảnh giấy. Nhân viên bưu điện có trách nhiệm dã được lệnh chú ý tối đa đến lá thư này và khi người nhận xuất hiện phải lập tức bấm nút chuông bí mật.
Sau đó, người ta báo cho điệp viên của Áo-Hung ở Thuỵ Sĩ là thiếu rá Ulmann để anh ta kiểm tra ai là ngài Largie. Chẳng bao lâu sau đã có câu trả lời từ Geneva: Largie là người có thật. Ông ta đã làm việc khá lâu cho tình báo Pháp và bây giờ đã rửa tay gác kiếm. Tin này càng làm cho đại tá Urbanski lo lắng hơn.

Không lâu sau, từ Berlin lại có bức thư tiếp theo, thu được ở một “phòng đen” của thị trấn ven biển Eidkunen, được gửi đến. Trong thư này không có mảnh giấy nào, nhưng lại có 7.000 cuaron. Phong bì lại được đề gửi cho “ngài Nikon Nitzetas” đó. Và một lần nữa thư không được báo là mang vật có giá trị. Và tem một lần nữa lại được dán theo cách đặc biệt. Lá thư được chuyển cho bưu điện tới phòng trả thư bảo đảm và người ta lại chờ đợi. Nhưng hết ngày này qua tuần khác trôi qua mà ngài Nitzetas vẫn bặt vô âm tín. Hai tên cảnh sát trực bên chiếc chuông điện thì đành ngồi buồn. Sự cảnh giác của chúng đã giảm dần vào khi vang lên tiếng chuông báo động vào ngày 24 tháng 5 thì một tên đã bỏ đi đâu đó, còn tên kia thì lề mề vì đang bận rửa tay.
Nhưng rồi cả hai tên cũng đã cắm đầu lao đến bưu điện. Song Nitzetas đã đi mất.

Khi chạy trở ra phố, họ trông thấy một chiếc taxi đang chạy xa dần. Làm gì bây giờ? Gần đó không có chiếc taxi nào, xe ngựa cũng không có nốt mà chạy theo thì vô nghĩa. Trong khi họ còn đứng đực một chỗ chửi rủa loạn xạ thì chiếc taxi đã chở “đối tượng” đi đã quay lại điểm đỗ. Anh tài xế cho biết anh ta đã đi tới quán cà phê Kaisenhof, ông khách của anh ta cũng xuống xe ở đó. Hai mật thám lại lao xe chạy đến đó. Dọc đường, anh tài cho họ biết rằng, ông khách là một quý ngài cao lớn, cân đối, ăn mặc sang trọng có vẻ rất lắm tiền. Khi xe đã gần đến quán cà phê, một mật thám bỗng nhìn thấy trên ghế sau xe taxi một chiếc bao dao làm bằng da mịn màu xám.
Ông khách không có mặt trong quán Kaisenhof. Nhưng hai tên mật thám này quả đã không ăn hại cơm nhà nước. Tại điểm đỗ taxi bên cạnh quán cà phê, chúng tìm thấy người tài xế taxi đã nghe thấy người đàn ông cao lớn, cân đối, ăn mặc rất mốt bắt một chiếc taxi và lớn tiếng nói: “Khách sạn Klomser”.

Khi bọn mật thám có mặt bên chiếc cổng sáng trưng của khách sạn thì đã gần tối mịt. Người gác cửa cho biết có một người đàn ông ăn mặc lịch sự vừa đến khách sạn. Ông ta trọ tại phòng số 1 hạng sang (Lux). Khi một tên mật thám đưa cho anh ta chiếc bao dao nhíp và nhờ chuyển cho quý ngài sống ở phòng số 1 khi ông ta đi ra trả chìa khoá. Sau đó, hắn lẩn vào góc phòng, ngồi thụt vào trong chiếc ghế xa lông sâu và mở tờ báo giả vờ đọc. Tên mật thám thứ hai vẫn rình ở cửa khách sạn.

Không lâu sau, một quý ngài giống như lời mô tả ngài Nitzetas của các tài xế taxi và nhân viên bưu điện đã xuất hiện trong tiền sảnh. Thực ra, ông ra quay về phòng khách sạn chỉ để thay áo đuôi tôm để đi dự tiệc ở đâu đó. Người gác cửa xin lỗi và nói với ông ta: “Đây có phải là bao dao của ngài không ạ?” - “ồ, vâng, tất nhiên, đúng là của tôi. Cám ơn anh”. Sau đó, quý ngài đỏm dáng ấy đi ra cửa vừa đi vừa cố nhớ xem ông ta đã để quên chiếc bao dao ở đâu nhỉ?

Một mối nghi ngờ mơ hồ xâm chiếm lấy ông. Nó càng tăng thêm khi ông trông thấy một người đang ngồi chăm chú đọc báo. Ông ra khỏi khách sạn và đi về hướng con phố dài Tiffengraben. Tên mật thám ngồi cầm tờ báo trong tiền sảnh và nhìn xuyên qua lỗ thủng mà hắn chọc thủng trên tờ báo kinh hoàng nhận ra quý ông này hoàn toàn không phải là Nitzetas mà là đại tá Redl! Hắn vô cùng sửng sốt, nhưng vẫn không quên công việc của mình và bước nhanh ra cửa. ở đó, tên mật thám cùng đi cũng đã mò đến và tên này cũng kinh ngạc khi nhìn thấy người mặc áo đuôi tôm.

Thậm chí chả cần phải là Alfred Redl cũng thừa sức phát hiện ra có đuôi bám phía sau. Tìm cách cắt đuôi, Redl mò trong túi những mẩu giấy nhỏ gì đó rồi vứt xuống vỉa hè với hy vọng bọn theo dõi sẽ dừng lại lượm những mẩu giấy đó. Điều đó sẽ cho phép ông ta cắt đuôi và trốn khỏi. Nhưng dường như bọn mật thám chả thèm chú ý đến loại “rác” đó mà cứ tiếp tục theo sau Redl. Cuối cùng, sau một hồi loanh quanh vô mục đích trên những đường phố đẹp của Viên, đại tá Redl lại đứng ngay cửa vào của khách sạn Klomser ấy. Ông đã không thể thoát khỏi những kẻ theo dõi. Mà cũng chẳng nên ngạc nhiên làm gì - họ đã làm đúng những hướng dẫn của chính ông về cách xử lý với mọi tình huống khi theo dõi một gián điệp tinh quái.

Lúc đó, một tên mật thám lao lên taxi chạy khỏi khách sạn đến vị trí mà Redl đã vứt những mẩu giấy. Chúng vẫn còn nằm nguyên trên hè phố. Sau khi nhặt hết những mẩu giấy, không để mất thời gian, tên mật thám đi tìm gặp ngay trưởng phòng phản gián, thiếu tá Maximilian Ronge, đưa cho hắn những mẩu giấy và báo cáo cái tin động trời, ai là người trên thực tế đang đội lốt cái tên Nitzetas. Để chắc chắn tin vào điều đó, Ronge vội tới ngay phòng trả thư bảo đảm ở bưu điện. Vấn đề là ở chỗ mọi người nhận thư đều bắt buộc phải tự điền vào giấy biên nhận của mình có in các câu hỏi về thứ chờ được nhận trong phần địa chỉ hồi đáp trên túi thư và bưu phẩm được gửi từ đâu đến. Ronge cầm lấy tờ biên nhận theo người và khi trở về bộ tham mưu, hắn so sánh nó với bản hướng dẫn nghiệp vụ mà trước đây chính đại tá Redl đã viết. Không còn nghi ngờ gì nữa: chữ là do cùng một người viết! Lại còn bao dao bằng da mịn màu xám thường nằm trên bàn của đại tá nữa chứ. Ronge đã nhìn thấy nó đâu phải một lần...

Kết cục

Thế là một sĩ quan chói sáng với tài năng cho phép anh ta hướng tới tương lai rất xán lạn, một chiến sĩ tài ba trong cuộc chiến chống gián điệp lại chính là gián điệp! Không thể trì hoãn thêm nữa việc vạch mặt Redl. Theo chỉ thị của tướng Conrad von Hetzendorf, Tổng tham mưu trưởng, một nhóm sĩ quan đã được cử tới khách sạn Klomser để đưa ra đề nghị Redl tự sát hầu rửa sạch vết nhơ trên bộ quân phục. Họ xuất hiện trong phòng của Redl vào lúc nửa đêm. “Tôi biết là các anh đến đây làm gì rồi” - viên đại tá bình thản lên tiếng.

Các sĩ quan muốn biết là ông có các đồng loã không.

- Tôi không có đồng loã. Tôi làm việc một mình.

- Thế ông chuyển tin cho ai?

- Tôi chẳng liên lạc với ai cả. Tin được gửi theo đường bưu điện đến địa chỉ quy ước. Tất cả những gì mà các anh có thể quan tâm nữa, các anh sẽ tìm thấy trong căn phòng của tôi ở Praha.

Sự im lặng bắt đầu. Các sĩ quan liếc nhìn nhau. Cuối cùng, thiếu tá Ronge hỏi:

- Ngài có súng ngắn không, thưa ngài đại tá?

- Tôi không có.

- Thế thì chúng tôi sẽ kiếm nó cho ngài.

Thiếu tá Ronge quay lại rất nhanh với khẩu Browning nhỏ và đưa nó cho Redl. Các sĩ quan không biết nên ra khỏi phòng như thế nào. Có nên chào viên sĩ quan có quân hàm cao hơn này hay không? Sau đó, họ đi ra khỏi phòng mà không chào hỏi gì hết.

Cánh cửa nhẹ nhàng đóng lại. Trong một lúc vẫn vang lên tiếng bước chân của những vị khách độc ác. Đại tá nhìn khẩu Browning mà họ để lại, sau đó lại bàn, cầm tờ giấy in sẵn của khách sạn Klomser trên góc trái có in toà nhà khách sạn và sau một phút ông viết nhanh: “Sự dại dột và dục vọng đã huỷ diệt tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi. Tôi phải trả giá cho những tội lỗi bằng mạng sống của mình. Alfred”.

Ông đặt bút xuống. Trong phòng rất yên lặng, chỉ có chiếc đồng hồ để trên sàn nhà trong góc phòng khe khẽ đếm thời gian. Sau đó chuyển động của nó ngừng trong tích tắc và một tiếng động khô khốc vang lên. Đại tá Alfred Redl lại cầm lấy bút và viết thêm vào những dòng chữ đã viết: “1 giờ 15 phút đêm. Bây giờ tôi sẽ chết. Xin hãy đừng mổ xác tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi”.

Ông đặt bút, cẩn thận đậy nắp chiếc lọ mực bằng đồng và cầm lấy khẩu súng ngắn. Lúc đó đã là đêm 25 tháng 5 năm 1913...

Trong lúc đó, các sĩ quan sau khi ra phố đã dừng lại bên bậc thềm. Họ bỗng nghi ngờ: thế ngộ nhỡ bỗng nhiên Redl không dùng súng tự sát thì sao? Sau một lúc dao động khá dài, họ quyết định hành động. Họ gọi một trong hại tên mật thám đã theo dõi Redl và trao cho hắn một phong bì với mảnh giấy gửi “ngài đại tá Redl”. Một thoáng sau, anh ta mặt tái nhợt lao như bay khỏi khách sạn: “Thưa các ngài! Đại tá đã chết rồi!”

Cuộc đời ngắn ngủi của một trong những sĩ quan tài năng nhất của quân đội Áo-Hung, và chắc cũng là một trong những điệp viên giá trị nhất mà tình báo Nga từng tuyển mộ được, đã kết thúc như thế đấy.

Người ta đã áp dụng các biện pháp gắt gao nhất để giữ kín nguyên nhân thật sự của vụ đại tá Redl tự sát. Quả thực số người biết bí mật này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Kể cả Hoàng đế Franz-Joseph cũng không được thông báo về việc này. Trong cáo phó chính thức để đăng báo vẫn có những dòng chữ quen thuộc cho những trường hợp như vậy: “Trong tình trạng suy sụp...” và vân vân.

Rạng sáng ngày 25 tháng 5, hai điều tra viên lão luyện cấp tốc rời ga Viên đi Praha để khám xét căn hộ của Redl. Cửa vẫn đóng chặt và mọi cố gắng xâm nhập vào trong đều thất bại. Do đó, mặc dù hoàn toàn không muốn, họ đã vẫn phải nhờ đến một anh thợ nguội tên là Wagner. Anh thợ nguội đồng thời là nhân viên tờ báo Pragen Tageblat, tất nhiên là không ai biết điều đó. Ta có thể tưởng tượng điều đó đã làm tình hình biến chuyển như thế nào đối với những người đang cố công giữ kín nguyên nhân cái chết của Redl và nhất là kết quả khám xét. Mà kết quả thì lại chấn động đến nỗi toà soạn đã phải trả cho anh thợ nguội tò mò một món tiền kếch xù. Sau khi anh thợ nguội mở được cửa ra vào, người ta buộc phải giữ anh ta lại vì còn nhiều tủ to, tủ nhỏ như các hộc bàn, tủ com mốt... trong phòng của Redl vẫn bị khoá chặt Và anh thợ nguội này không chỉ mở mà còn nhìn thấy tất cả những gì người ta tìm thấy trong căn hộ này.

Cuộc lục soát đã làm kinh hoàng tất cả những người có mặt. Trước hết, họ tìm thấy cả đống chứng cứ cho thấy Redl đã làm việc nhiều năm cho tình báo Nga (sau này mới rõ là từ năm 1902). Những tài liệu tìm thấy, cũng như cuộc điều tra tiếp theo dã cho thấy ông ta đã tố giá với Nga một số gián điệp của Áo-Hung, đồng thời đã bảo vệ cho các tình báo viên Nga khỏi bị lộ. Như nhà nghiêen cứu Mỹ Richard Rowan đã viết trong cuốn sách: “Các ký sự của cơ quan tình báo”, cuộc khám xét trong căn hộ của Redl cho thấy ông ta đã bán nhiều tài liệu cho Nga và “chỉ còn rất ít cái không bị bán”.

Những công lao đó đã được Petersburg trả rất hậu hĩnh. Chỉ riêng vụ đại tá Laikow, Redl đã nhận được một món tiền trong mộng là 100.000 cuaron. Không có gì ngạc nhiên khi ông ta chi tiêu rất hoang phí. Ông ta có một tài sản đồ sộ, hai chiếc ôtô (thời đó chúng rất đắt tiền), một biệt thự ở Viên và ba con ngựa hạng nhất. Tại căn hộ của Redl ở Paris đã có 195(!) chiếc áo sơ mi mặc ngoài, 10 áo khoác capôt quân sự bằng len và lông, 400(!) đôi găng da mềm, 10 đôi giày da láng, chưa tính đến tiền mặt và vàng bạc châu báu...

Ban đầu, người ta công bố sẽ có buổi tang lễ chính thức với đầy đủ nghi lễ quân sự, sau đó tất cả đã bị huỷ bỏ ngấm ngầm và anh trai Redl, người sau này phải đổi họ tên, đã phải dùng tiền của mình để an táng Redl. Hài cốt của tình báo viên vĩ đại nhất của Nga hiện đang an nghỉ tại nghĩa địa trung tâm của Viên trong ngôi mộ số 38, ở dãy 29, nhóm 49.

Vậy là con đường công danh xán lạn của đại tá Alfred Redl đã kết thúc bằng một thảm kịch. Chúng ta biết khá chi tiết về giai đoạn cuối đời ông. Những vẫn còn những câu hỏi liên quan đến việc ông bắt đầu làm hoạt động tình báo cho Nga. Tình báo Nga đã tuyển mộ ông ta như thế nào và vào lúc nào? Ai là tình báo viên Nga đã tuyển được điệp viên quý giá đến nhường ấy? Điều đó xảy ra trong tình huống nào? Và chỉ mới đây thôi, người ta mới làm rõ đôi chút về việc này.

Viên sĩ quan cận vệ đầy triển vọng, họcviên đã tốt nghiệp của Học viện Bộ Tổng tham mưu Voldemar Roop nổi tiếng là kẻ nịnh đầm vui tính. Và khi ông ta được bổ nhiệm làm tuỳ viên quân sự (nhân viên tình báo) của đại sứ quán Nga tại Viên thì nhiều người đã rất kinh ngạc trước sự lựa chọn này. Song viên sĩ quan vốn là con cháu những người Đan Mạch đã đến Nga phục vụ từ thời Piotr Đệ Nhất này thực ra là một người nghiêm túc hơn nhiều so với cảm tưởng ban đầu. Nhà tình báo tài năng này biết cách nhanh chóng thiết lập các quan hệ thân tình với nhiều sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu đế quốc Áo-Hung. Viên thiếu tá nổi danh Redl cũng nằm trong số những người bạn tốt nhất của ông. Người ta có đầy đủ cơ sở để cho rằng, chính Roop là người đã tuyển Redl. Sau đó, Roop được điều về quân khu Kiev và được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Chỉ huy Redl hoạt động còn có những người khác nữa, trong đó có N.S. Batyushin quen thuộc với chúng ta, người mà Redl thường đến gặp ở Varsava dưới hộ chiếu giả.

Chu Hà