In bài này
Điệp viên thế kỷ XX: “Bàn tay” của Moskva
Chủ Nhật, 22/12/2013 - 9:41 PM
Căn cứ vào các tài liệu báo cáo mật thì trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai, Moskva có tới 200 điệp viên hoạt động ở Anh và Mỹ, trong đó có cả những nhân vật chủ chốt của lưới tình báo Cambridge.
Căn cứ vào các tài liệu báo cáo mật thì trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ hai, Moskva có tới 200 điệp viên hoạt động ở Anh và Mỹ, trong đó có cả những nhân vật chủ chốt của lưới tình báo Cambridge.

Gần 2.500 bức điện mật mã được công khai hoá mặc dù có sự phản đối mạnh mẽ từ phía tình báo Anh đã cho thấy mức độ thành công của các điệp viên Xôviết trong việc thu thập những bí mật quan trọng nhất của Mỹ.

Các bức điện chứng thực Theodore Hall, nhà vật lý Mỹ, hiện đang sống ở Cambridge, đã chuyển cho người Nga những thông tin về dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử. Tiến sĩ Hall đã được tuyển năm 1944 khi mới 19 tuổi và có bí danh “Chàng trai trẻ”.

Sau này, ông đã thừa nhận ông căm thù cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Các tài liệu còn viết là Piere Caut, nguyên bộ trưởng trong chính phủ của mặt trận bình dân thời trước chiến tranh, được người Nga tuyển dụng khi ông ở Mỹ trong thời gian chiến tranh. Ông có bí danh “Dedalos”.

Các tài liệu còn nêu tên John Little được người Nga nhắc đến với tư cách một viên chức của bộ lao động. Có tin, năm 1940, ông đã cung cấp thông tin chi tiết về tình hình sản xuất máy bay và tình trạng ngành công nghiệp, kể cả sự kiện thiếu thép. Nhân viên mật mã viết trong mẩu giấy đính kèm: “Có lẽ, đây là John Karrouters Little, người sau này phụ tránh ngành công nghiệp ở bộ của mình”.

Klaus Fuch, nhà bác học sinh ra ở Đức, mang quốc tịch Anh, bị bắt giữ vào năm 1950, đã cung cấp cho Moskva “các tin tức về bom nguyên tử”. Moskva đã thông báo cho các thành viên phái bộ Liên Xô ở New York rằng, Fuch - bí danh “Charles” - đã cung cấp các thông tin chi tiết về các cuộc thử nghiệm trong lĩnh vực phân rã hạt nhân ở Mỹ.

Các bức điện chặn thu được đã chứng minh Donald Maclean, bí danh “Homer”, đã sử dụng vị trí của mình trong sứ quán Anh tại Washington để chuyển cho người Nga bản sao những bức điện mới nhất ghi nội dung trao đổi giữa Churchill (“Borov”) và Roosevelt (“Đại uý”), liên quan đến các kế hoạch đổ bộ quân đồng minh, đến tương lai của các quốc gia Đông Âu, và các cuộc đàm phán về phân chia khu vực chiếm đóng ở nước Đức sau chiến tranh.
Trong bức điện gửi từ Mỹ về Trung ương tình báo ở Moskva và bị chặn thu năm 1944 có viết: Về các cuộc đàm phán kinh tế Mỹ-Anh, Homer nêu ra: “Theo ý kiến của đa số trong Chính phủ Anh, số phận của Anh quốc hoàn toàn phụ thuộc vào nước Mỹ”.

Các tài liệu có những đoạn trích dẫn khêu gợi tò mò, trong đó có nhắc đến “Bá tước”, một điệp viên Xôviết hoạt động ở London, người mà dường như vào năm 1941 đã có quyền tiếp cận các tài liệu được giải mã bằng máy Enigma - loại máy giải mã tuyệt mật của Anh dùng để giải mã các bức điện quân sự và ngoại giao của Đức.

Việc giải mã các tài liệu này được thực hiện thông qua việc tiến hành chiến dịch “Venona”. Washington đã mô tả nó là “công việc phân tích nhọc nhằn” do các nhân viên mã thám của Cục An ninh Quốc gia Mỹ NSA và cơ quan thông tin liên lạc chính phủ Anh tiến hành. Việc giải mã này được tiến hành mà không có sự trợ giúp của máy tính điện tử và kết thúc vào năm 1980, còn nhiều bức điện chặn thu được vẫn chưa được giải mã.

Quyết định công khai hoá các tài liệu này đã được Washington đưa ra mà đã buộc Whitehall công bố chúng.

Ghi chú: Trong hoạt động nghiệp vụ vào thời gian chiến tranh, Trung ương tình báo ở Moskva đã sử dụng các tên gọi quy ước sau: “Bọn bán giò” - người Đức; “thuộc địa” - Anh quốc; “bọn thực dân” - người Anh; “dân đảo” - người Anh; “Karfagen” - Washington; “đất nước” - Mỹ; “liên đoàn” - chính phủ Mỹ; “đại uý” - Roosevelt.

***

Khá lâu trước khi nhà văn Anh Ian Fleming xây dựng nên nhân vật “điệp viên 007” James Bond trứ danh của mình thì trên bờ sông Thames, trong những năm 40 của thế kỷ 20, người trùng tên của anh ta, cũng là Bond, vẫn còn đang dạo chơi. Điểm khác biệt duy nhất giữa Bond trong đời thực với siêu người hùng trong sách vở là ở chỗ anh ta tên là Vladimir và làm việc cho “quân thù”, cho tình báo Liên Xô.

Có lẽ không ai ở Anh và trên thế giới biết đến sự tồn tại của điệp viên KGB này nếu như Chính phủ Anh không quyết định công bố 2.500 bức điện thời Thế chiến II trong kho lưu trữ của các cơ quan tình báo Anh mặc cho sự phản đối quyết liệt từ phía các hiệp sĩ của áo choàng và dao găm Anh quốc. Theo như nội dung các hồ sơ là bản giải mã các bức điện vô tuyến gửi từ Lubyanka cho các điệp viên Xôviết ở Anh và Mỹ và được các nhà phân tích mã Mỹ, Anh giải mã thì Moskva không quá cưng chiều Vova Bond vì anh ta làm việc cực kỳ tồi.

Chẳng hạn, trong một trong số các bức điện, Moskva yêu cầu trạm trưởng tình báo KGB ở London cử Bond “một lần nữa đi làm nhiệm vụ và nó phải được thực hiện một cách cẩn thận hơn”. “Trong túi tài liệu gần đây nhất, chúng tôi đã nhận được từ Bond tài liệu gồm phim chụp các sơ đồ radar và sổ ghi mã liên lạc, - bức điện vô tuyến mà ngưòi Anh chặn thu được viết. - Các bức ảnh chụp không được nét, còn bản thân sổ ghi mật mã thì bị nhoè và được chụp mà không điều chỉnh tiêu cự. Hãy cử Bond thực hiện nhiệm vụ này và yêu cầu anh ta chụp lại toàn bộ” .

Theo 2.500 hồ sơ lưu trữ bị giải mật, ngoài anh chàng Vladimir vụng về thì ở Anh và Mỹ còn có hơn 200 điệp viên làm việc cho Moskva trong thời gian Thế chiến II. Họ đã cung cấp cho Moskva những thông tin siêu mật, kể cả về hoạt động chế tạo bom nguyên tử. Các cơ quan phản gián Anh và Mỹ đã khám phá được phần lớn các điệp viên KGB hoạt động ở nước họ sau khi tiến hành chiến dịch chống tình báo Liên Xô vào cuối những năm 40, đầu những năm 50 mật danh Venona, trong quá trình chiến dịch, những cái đầu thông minh nhất của tình báo Anh và Mỹ mò được khoá mã cho phép họ giải mã các bức điện từ Lubyanka.

Như các tài liệu độc nhất vô nhị này cho thấy, “Nhóm Cambridge” lừng danh, trong đó có Donald Maclean và Kim Philby, còn gồm cả một người nữa là nhà vật lý Mỹ Theodore Hall hiện đang sinh sống ở thành phố đại học Cambridge. Trên cơ sở các hồ sơ được công khai hoá, có thể đưa ra kết luận: chính Hall, người có bí danh “Chàng trai trẻ” trong các bức điện, là một trong số các nhà bác học đã cung cấp cho Liên Xô tin tức và phim về hoạt động bí mật chế tạo vũ khí nguyên tử của phương Tây. Ngoài ra, thông qua điệp viên “Bá tước” của mình, từ năm 1941, Moskva đã tiếp cận được với dự án Enigma của Anh - dự án có mục đích tìm khoá giải mã các bức điện quân sự và ngoại giao của Đức.

Xét về tổng thể, những người tham gia chiến dịch Venona đã không bực tức gì đối với các đối thủ Liên Xô của mình và thậm chí họ còn muốn tổ chức một hội nghị đặc biệt về chiến dịch tình báo này, dự định mời các nhân viên hồi hưu của CIA, KGB và các cơ quan tình báo Anh tham dự. Thực ra, các James Bond của Anh sẽ chỉ có thể lắng nghe các đồng nghiệp phát biểu bởi vì Whitewall đã nghiêm cấm các cựu nhân viên tình báo của mình không được trao đổi những hồi ức với các đại biểu tại diễn đàn chưa từng có này.
Chu Hà