In bài này
10 trận đại chiến thời Thế chiến II
Chủ Nhật, 15/12/2013 - 10:07 PM
10 trận chiến quyết định đã làm thay đổi tiến trình Thế chiến II.
Thế chiến II là cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Thế giới đã ở trong tình trạng “chiến tranh toàn diện”. Được thúc đẩy bởi mối đe dọa độc tài toàn cầu, các nước đồng minh cuối cùng đã thắng thế, nhưng chiến thắng này được đánh dấu bằng những trận chiến thắng và bại. Dưới đây là danh sách 10 trận chiến quyết định đã làm thay đổi tiến trình cuộc chiến tranh. Các trận chiến được xếp hạng dựa trên sự đóng góp và hiệu ứng của chúng đối với cả cuộc chiến.

10. Trận chiến nước Pháp

Adolf Hitler tại Paris, 1940
Sau khi Đức chinh phục được Ba Lan vào tháng 9/1939, Hitler chuyển sự chú ý sang phía Tây. Mục tiêu cuối cùng của y là xâm lược Liên Xô, nhưng hắn biết hắn cần đánh bại các nước Tây Âu để tránh một cuộc chiến trên hai mặt trận. Bước đầu tiên là để xâm nhập vào các nước ở vùng đất thấp (Hà Lan, Luxembourg và Bỉ) và Pháp.

Như thế, nước Đức sau đó có thể chinh phục nước Anh, tái triển khai sang phía Đông và tiến hành một cuộc chiến tranh trên một mặt trận chống lại người Nga.

Quân Đồng minh thực sự có ưu thế áp đảo về quân số trước quân đội Đức. Nhưng trò chơi con số chẳng có gì quan trọng bởi vì kế hoạch của Đức quá hiệu quả. Sau khi Đức xâm chiếm các nước vùng đất thấp, quân đội Pháp và Lực lượng viễn chinh Anh (BEF) đã di chuyển lên phía bắc để đối mặt mũi tiến quân của Đức. Điều này đã cho phép cụm tập đoàn quân A của Đức chọc thủng các phòng tuyến của đồng minh ở Ardennes và tiến về phía eo biển Măng-sơ, đẩy quân đồng minh vào một cái bẫy lớn khi đằng sau là biển cả.

Một cuộc tấn công mới đã được phát động chống lại Paris, nước Pháp thất thủ, và BEF đã phải di tản ở Dunkirk. Nước Pháp bị chia thành khu vực Đức tạm chiếm và vùng lãnh thổ Pháp thuộc chính phủ Vichy.

Nước Đức sau đó đã rảnh tay để tập trung vào nhằm loại nước Anh ra khỏi cuộc chiến.

9. Chiến dịch Overlord

Tiến đến gần Omaha

Mùa hè năm 1944, Hồng Quân Liên Xô đã ở trước ngưỡng cửa nước Đức. Không còn nghi ngờ gì nữa, người Nga có thể đơn thương độc mã đánh bại nước Đức Quốc xã (do đó trận chiến này được xếp ở vị trí thứ 9), nhưng Stalin đã gây áp lực để phương Tây mở mặt trận thứ hai trong một nỗ lực nhằm phân tán các nguồn lực của Đức và kết thúc nhanh hơn cuộc chiến tranh.

Không quân Mỹ và Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã mở một chiến dịch ném bom chiến lược từ năm 1942. Đồng minh đã kiểm soát được chiến trường Địa Trung Hải và xâm chiếm Italia vào năm 1943. Tuy nhiên, về mặt chiến lược thì cần phát động một cuộc chiến dịch quy mô lớn xâm chiếm nước Pháp nhằm tiêu diệt chủ lực quân Đức ở Bắc Âu.

Chiến dịch Overlord bắt đầu với cuộc đổ bộ ở Normandy vào tháng 6/1944. Tháng 8/1944, đã có hơn 3 triệu quân Đồng minh có mặt tại Pháp. Paris được giải phóng vào ngày 25/8. Quân đội Đức đã bị đẩy lùi hoàn toàn và rút lui qua sông Seine vào ngày 30/8. Đức buộc phải tăng cường mặt trận phía Tây bằng các nguồn lực từ mặt trận phía Đông và mặt trận Italia. Kết quả là một chiến thắng chiến lược quyết định của quân đồng minh. Tháng 9/1944, các lực lượng đồng minh phương Tây đang tiến gần biên giới Đức. Đức Quốc xã sẽ đầu hàng sau đó chưa đến một năm. Quan trọng hơn là Tây Âu đã không bị Liên Xô kiểm soát, điều có ý nghĩa chính trị to lớn sau chiến tranh.

8. Trận chiến Guadalcanal

Tuần tra

Đến tận tháng 8/1942, quân đồng minh vẫn còn ở thế phòng thủ tại chiến trường Thái Bình Dương. Khả năng tấn công của quân Nhật đã suy yếu sau những trận hải chiến biển Coral và Midway. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn ở thế tấn công và đang có kế hoạch xâm chiếm Fiji, Tân Caledonia và Samoa. Tháng 8/1942, hải quân đế quốc Nhật Bản đang trong quá trình xây dựng một loạt các căn cứ ở quần đảo Solomon để chuẩn bị cho các cuộc xâm chiếm đã định và bảo vệ căn cứ chính của họ tại Rabaul. Quân đồng minh thấy đây là một hiểm họa lớn đối với Australia. Quân Nhật đang xây dựng một sân bay trên đảo Guadalcanal, yếu tố có thể làm tăng phạm vi chi viện không quân của Nhật Bản cho các lực lượng hải quân của họ đang tiến vào Nam Thái Bình Dương. Đồng minh lên kế hoạch chiếm quần đảo Solomon trong một nỗ lực để ngăn chặn Nhật Bản sử dụng quần đảo. Đây cũng sẽ là điểm khởi đầu cho một chiến dịch nhảy cóc giữa các đảo nhằm chiếm lại Philippines và cuối cùng là đổ bộ xâm chiếm đất liền Nhật Bản.

Ngày 7/8, 11.000 lính thủy đánh bộ của Sư đoàn Thủy quân lục chiến 1 Mỹ dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Alexander Vandergrift đã đổ bộ lên Guadalcanal. Sự kháng cự duy nhất mà Thủy quân lục chiến phải đối mặt chính là rừng rậm. Ngày 8/8, họ đã chiếm được sân bay của Nhật mà Thủy quân lục chiến Mỹ đặt tên là “Henderson Field”. Hải quân Mỹ lên kế hoạch rút khỏi khu vực vào ngày 9/8 sau khi máy bay Nhật tấn công hạm đội Mỹ trong các cuộc đổ bộ đầu tiên. Trong đêm 8/8, Hải quân Nhật đã gây bất ngờ cho các tàu chiến đồng minh và đánh chìm 1 tàu tuần dương Australia và 3 tàu tuần dương Mỹ.

Hải quân không thể để mất một tàu sân bay nữa, vì thế họ đã bỏ mặc Thủy quân lục chiến Mỹ mà không dỡ hàng cung cấp vũ khí trang bị và hàng tiếp cận cần thiết. Thủy quân lục chiến Mỹ đã lập một vành đai xung quanh sân bay Henderson Field và một lực lượng máy bay nhỏ của Mỹ gọi là “Cactus Air Force” đóng quân ở đó. Quân đội Nhật đã đổ bộ hàng ngàn binh lính trong suốt cả tháng và liên tục tấn công lính thủy đánh bộ Mỹ nhằm tái chiếm sân bay. Cuối cùng, vào tháng 2/1943, quân Nhật rút khỏi đảo.

Chiến thắng ở Guadalcanal là một thắng lợi quân sự và tâm lý quan trọng đối với quân đồng minh. Sau chiến dịch này, binh sĩ đồng minh nhìn quân Nhật với ít sợ hãi hơn trước. Viên tướng Nhật Torashiro Kawabe thậm chí còn nói: “Nếu nói đây là bước ngoặt, khi hành động tích cực ngừng lại hoặc thậm chí đã trở thành tiêu cực, thì tôi nghĩ đó là tại Guadalcanal”.

7. Trận chiến vịnh Leyte

Tàu tuần dương hạng nhẹ St. Louis bị một máy bay Thần Phong đâm trúng ở ngoài khơi đảo Leyte, ngày 27/11/1944

Tháng 6/1944, quân Mỹ đã chọc thủng vành đai phòng ngự bên trong của Nhật Bản và có được các căn cứ có thể dùng cho các siêu pháo đài bay B-29 Superfortress xuất phát ném bom quần đảo Nhật Bản. Bước tiếp theo là cắt đứt đường tiếp tế của quân Nhật bằng cách xâm chiếm Philippines hoặc Đài Loan. Đồng minh không có lực lượng để chiếm giữ Đài Loan nên Tướng Douglas MacArthur đã đấu tranh đòi mở chiến dịch xâm chiếm Philippines kể từ năm 1942 khi ông có câu nói nổi tiếng: “Tôi sẽ trở lại”. Phản ứng của quân Nhật là tấn công lực lượng đổ bộ của Mỹ đang cố chiếm đảo Leyte của của Philippines. Cụm quân phía Bắc của Nhật sẽ cố gắng để thu hút các lực lượng Mỹ ra khỏi Leyte. Cụm quân phía Nam và cụm quân Trung tâm hùng mạnh mẽ sau đó sẽ tấn công khu vực đổ bộ.

Cụm quân phía Bắc của Nhật đã đánh lạc hướng thành công Hạm đội 3 của Mỹ dưới sự chỉ huy của Đô đốc William Halsey. Cụm quân phía Nam của Nhật đã bị chặn lại và bị tiêu diệt bởi Lực lượng Hỗ trợ Hạm đội 7; một binh đoàn tàu lớn gồm 6 chủ lực hạm, 4 tàu tuần dương hạng nặng và 4 tàu tuần dương hạng nhẹ. Đô đốc Halsey quyết định kéo toàn bộ lực lượng hiện có của Hạm đội 3 lên phía bắc, để lại khu vực đổ bộ được bảo vệ bởi các tàu sân bay hộ tống chạy chậm và các tàu khu trục nhỏ của Hạm đội 7. Cụm quân Trung tâm của Nhật gồm 4 chủ lực hạm, 6 tàu tuần dương hạng nặng, 2 tàu tuần dương hạng nhẹ và 11 tàu khu trục Nhật đã bất ngờ chặn đánh các tàu chiến Mỹ.

Các tàu khu trục Mỹ được lệnh tấn công. Các cuộc tấn công tự sát của các tàu khu trục vào Cụm quân Trung tâm khiến quân Nhật tưởng là bị Hạm đội 3 của Halsey tấn công bởi. Quân Nhật rút lui sau khi mất 4 tàu sân bay, 3 chủ lực hạm, 8 tàu tuần dương và 12 tàu khu trục. Trận chiến vịnh Leyte là trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử và về cơ bản đã hủy diệt của Hải quân đế quốc Nhật. Trong thời gian còn lại của chiến tranh, quân Nhật chỉ còn có thể dựa vào lực lượng trên bộ và các cuộc tấn công bằng máy bay cảm tử. Nguồn cung cấp dầu và các vật tư chiến tranh quan trọng khác của họ từ Đông Nam Á đã bị cắt đứt.

6. Trận đánh Moskva

Hồng Quân tấn công ở Moskva, tháng 12/1941

Mục tiêu của Hitler khi xâm lược Liên Xô (Chiến dịch Barbarossa) luôn là Moskva. Thủ đô Liên Xô được coi là cực kỳ quan trọng về quân sự và chính trị. Kế hoạch ban đầu của phe Trục là đánh chiếm Moskva trong vòng 4 tháng sau khi mở cuộc xâm lược Liên Xô. Phe Trục muốn chiếm lấy Moskva trước khi mùa đông bắt đầu. Những cơn mưa mùa thu và sự chống trả kiên cường của Hồng Quân đã làm chậm bước tiến của quân Đức, nhưng đến tháng 12/1941, chúng chỉ còn cách Moskva chưa đầy 19 dặm.

Hồng Quân kiệt sức đã được tiếp cứu bởi một mùa đông khủng khiếp của nước Nga và viện binh mới từ Siberia đã được huấn luyện để tác chiến trong mùa đông. Nhiệt độ tụt xuống tận âm 50 độ C. Quân Đức không có quần áo mùa đông, còn các xe tăng Panzer lại không được thiết kế để hoạt động ở nhiệt độ thấp như vậy.

Ngày 5/12/1941, quân Nga phản công và đẩy lùi quân Đức. Lần đầu tiên, quân Đức đã phải rút lui quy mô lớn. Chiến dịch Barbarossa đã thất bại. Hitler giờ đây phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tiêu hao, một cuộc chiến hắn chắc chắn sẽ bại. Quân Đức tổn thất khoảng 400.000 người. Quan trọng hơn là Hitler đã đích thân nắm giữ quân đội và khiến đa số các sĩ quan Đức giàu kinh nghiệm nhất chống lại y. Sự mất lòng tin của Hitler vào các sĩ quan cao cấp của hắn đã làm giảm lợi thế của Đức về đội ngũ lãnh đạo quân sự ưu việt. Liên Xô đã phát động cuộc tấn công vào mùa xuân năm sau, nhưng điều đó chỉ cơ bản chỉ là chuẩn bị trận địa cho trận đánh Stalingrad, một trận chiến mà họ sẽ giành chiến thắng.

5. Trận Kursk

Xe tăng Đức trong trận Kursk

Trận Kursk diễn ra sau khi trận Stalingrad và là cuộc tấn công cuối cùng mà quân Đức có thể phát động ở phía Đông. Người Đức đã trù tính chọc thủng từ hai cánh phía Bắc và phía Nam để bao vây các lực lượng Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô biết được ý định của Hitler và xây dựng hàng loạt phòng tuyến. Quân Đức trì hoãn cuộc tấn công để chờ xe tăng Tiger và Panther mới, khiến Hồng Quân có thêm hơn thời gian để củng cố trận địa và tập hợp lực lượng cho cuộc phản công. Các mạng lưới phòng thủ xung quanh Kursk sâu hơn phòng tuyến Maginot gấp 10 lần.

Cuộc tấn công chính của quân Đức bắt đầu vào ngày 5/7. Do chiều sâu của hệ thống phòng ngự của Liên Xô, cuộc tấn công chớp nhoáng của quân Đức đã bị chặn lại. Đây là lần đầu tiên một cuộc tấn công chớp nhoáng đã bị đánh bại trước khi nó có thể chọc thủng các tuyến phòng ngự của đối phương và tiến vào chiều sâu chiến lược. Sau khi bẻ gãy cuộc tấn công, Hồng Quân phản công. Quân Đức sẽ lâm thế thế thủ trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến tranh ở phía đông.

Cuộc chiến tranh ở châu Âu sẽ còn kéo dài 2 năm nữa, quân Mỹ và Anh đang sắp sửa tiến quân xâm chiếm Italia, Hồng Quân đã chuyển sang tấn công và các nước đồng minh đang sản xuất ra nhiều vật tư chiến tranh hơn nước Đức. Chỉ riêng tại Kursk, quân Đức đã mất 720 xe tăng, 680 máy bay và chịu thương vong 170.000 người. Đây là trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử và quân Đức đã phải trả giá đắt. Đến cuối năm 1943, chúng đã bị đẩy lùi trên suốt mặt trận phía Đông và phải đối mặt với khả năng một mặt trận thứ hai ở phía Tây. Sau ba năm chiến tranh, quân đồng minh cuối cùng đã giành được lợi thế chiến lược.

4. Trận Midway

Các máy bay ném bom bổ nhào SBD tấn công tuần dương hạm hạng nặng Mikuma

Sau trận Trân Châu Cảng và trận Biển Coral, quân Nhật hy vọng sẽ loại bỏ Mỹ như một sức mạnh chiến lược tại chiến trường Thái Bình Dương. Họ đã quyết định chiếm đảo san hô Midway để mở rộng vành đai phòng thủ của họ, và để dẫn dụ các tàu sân bay Mỹ vào một trận đánh. Thật may mắn cho người Mỹ là họ đã giải được mật mã của Nhật và biết được một cách tương đối vị trí, thời gian và quy mô lực lượng của Nhật sẽ xuất hiện. Mặt khác, quân Nhật không hề nắm được lực lượng hay vị trí của quân Mỹ. Họ nghĩ rằng, họ sẽ phải đối đầu với 2 tàu sân bay Mỹ vì tàu sân bay USS Yorktown đã bị hư hại nặng trong trận Biển Coral. Nhưng USS Yorktown đã được sửa chữa chỉ trong 72 giờ và đã có thể cùng các tàu sân bay USS Enterprise và USS Hornet tham gia trận chiến. Chúng đã phải đối mặt với 4 tàu sân bay Nhật, nhưng quân Mỹ lại có một sân bay trên đảo Midway, vì thế cán cân lực lượng cơ bản là cân bằng. Chỉ còn vấn đề là bên nào phát hiện ra bên kia trước.

Những chiếc máy bay ném bom B -17 của Mỹ cất cánh từ Midway đã phát hiện ra quân Nhật do Đô đốc Nagumo chỉ huy vào ngày 3/6, nhưng không đánh trúng mục tiêu nào. Ngày 4/6, cuộc tấn công mở màn vào Midway bắt đầu. Hầu hết các máy bay Mỹ hoạt động từ Midway đã bị phá hủy, nhưng Nagumo đã quyết định tấn công Midway một lần nữa. Họ đã phát hiện 1 tàu sân bay Mỹ duy nhất nên đã quyết định trang bị vũ khí chống hạm cho các máy bay, việc này thực hiện trong 45 phút. Điều này sẽ không có ý nghĩa quan trọng vì các máy bay Mỹ sẽ giáng đòn chí tử vào quân Nhật đã trên đường bay.

Một phi đội máy bay phóng lôi bay thấp của Mỹ đã bị lực lượng máy bay tuần tra Nhật tiêu diệt hoàn toàn, nhưng điều đó đã mở đường cho các máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless. Bốn tàu sân bay Nhật Bản bị đánh chìm và hầu hết các phi công kỳ cựu trên các tàu bị thiệt mạng. Trong khi quân Nhật Bản thay thế 3 tàu sân bay của họ, thì Mỹ đã đưa vào hoạt động hai tá. Midway đã mở đường cho cuộc đổ bộ lên đảo Guadalcanal, và mang lại cho quân đồng minh quyền chủ động chiến lược tấn công trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương.

3. Chiến dịch Barbarossa

Xe tăng Đức ở Kursk

Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô của Đức Quốc xã bắt đầu vào ngày 22/6/1941 và kết thúc với trận Moskva đã nêu ở trên. Tham gia chiến dịch này có tổng cộng 8,9 triệu quân, hơn 18.000 xe tăng, 45.000 máy bay và khoảng 50.000 khẩu pháo của cả hai bên. Giống như chiến dịch Overlord, chiến dịch Barbarossa thực ra bao gồm một số trận đánh quyết định, nhưng những con số liên quan và việc Liên Xô phải tham chiến đã khiến nó được xếp thứ ba trong danh sách này.

Khi Đức xâm lược, Hồng Quân Liên Xô hoàn toàn mất cảnh giác và bất ngờ. Trước khi Đức và Liên Xô xâm chiếm Ba Lan, một hiệp ước không xâm lược đã được ký kết giữa hai bên. Cả hai nước đã xâm lược và chiếm đóng Ba Lan, nhưng Hitler đã luôn coi Nga như một nguồn cung nông nghiệp, lao động nô lệ, dầu và các nguyên liệu khác. Ngay từ trước khi hoàn thành chinh phục khu vực Balkans, Đức quốc xã đã bắt đầu đưa trên 4,5 triệu quân phe Trục đến gần biên giới Liên Xô.

Ba cụm tập đoàn quân đội được thành lập, mỗi cụm được giao nhiệm vụ đánh chiếm những khu vực và thành phố cụ thể. Cụm tập đoàn quân phương Bắc sẽ tấn công qua các nước vùng Baltic và đánh chiếm Leningrad. Cụm tập đoàn quân Trung tâm được giao nhiệm vụ đánh chiếm Moscow, còn cụm tập đoàn quân phương Nam có nhiệm vụ tấn công trung tâm nông nghiệp của Ukraine và tiến về phía đông về phía khu vực Kavkaz giàu dầu mỏ. Hồng Quân Liên Xô, mặc dù có quân số vượt trội so với quân Đức, nhưng đã bị phân tán, không được chuẩn bị và có chỉ huy yếu kém.

Quân Đức nhanh chóng tiến quân ào ạt trên toàn mặt trận. Những trận đánh then chốt xảy ra ở Smolensk, Uman và Kiev. Những tập đoàn quân xe tăng Đức đã bao vây và bắt làm tù binh 3 triệu quân Liên Xô vào thời điểm họ tiến đến gần Moskva. Vào tháng 12/1941, chúng đã bao vây Leningrad ở phía bắc, tiến đến ngoại ô Moscow ở trung tâm và chiếm đóng toàn bộ Ukraina ở phía nam. Chúng đã chiếm giữ 500.000 dặm vuông lãnh thổ Liên Xô với hơn 75 triệu người.

Liên Xô đã giữ vững được Moskva, nhưng phải chịu tổn thất nặng nề 800.000 người hy sinh, 3.000.000 người bị thương và hơn 3.000.000 người bị bắt làm tù binh. 20.000 xe tăng và 21.000 máy bay Liên Xô đã bị phá hủy. Thương vong Đức gồm 250.000 lính thiệt mạng, 500.000 người bị thương, 2.000 máy bay bị phá hủy và tổn thất 2.700 xe tăng. Liên Xô sẽ mất 14% dân số trong chiến tranh, tức là gần 24 triệu người.

2. Trận chiến Stalingrad

Hồng Quân ở Stalingrad
Trận Stalingrad là Midway của mặt trận phía Đông. Trận chiến là một thảm họa đối với nước Đức và làm cho chiến thắng ở phía Đông hầu như là không thể với Đức. Sau khi Hồng Quân đã chiếm ưu thế ở Moskva, mặt trận phía Đông đã trên tuyến từ Leningrad đến Rostov gần Biển Đen. Hitler từng tự tin là y có thể đánh bại Hồng Quân khi thời tiết không còn là vấn đề.

Chiếm giữ Stalingrad có ý nghĩa quan trọng bởi vì đây là một tuyến đường vận chuyển quan trọng giữa biển Caspie và miền bắc nước Nga, và là cửa ngõ vào khu vực Kavkaz giàu dầu mỏ. Chiếm được Stalingrad sẽ còn là một chiến thắng ý thức hệ do thành phố Stalingrad chính là mang tên lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin. Cuộc chiến bắt đầu với việc Không quân Đức san bằng thành phố thành đống đổ nát và làm cho sông Volga, vốn cực kỳ quan trọng để hàng tiếp tế vào thành phố không còn sử dụng được nữa. Vào cuối tháng 8, quân Đức đã tiến đến Stalingrad.

Quân đội Liên Xô đã cố duy trì các phòng tuyến phía trước của họ càng gần với quân Đức càng tốt. Này chiến thuật áp sát trong môi trường đô thị làm vô hiệu hóa học thuyết của Đức dựa trên sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, xe tăng, công binh, pháo binh và máy bay. Các đơn vị bộ binh Đức bị buộc phải chiến đấu đơn độc, hoặc chấp nhận rủi ro chịu thương vong do hỏa lực yểm trợ của chính quân nhà. Hồng Quân đã trụ vững được trong thành phố cho đến mùa đông. Có những lúc trong trận chiến, quân Đức đã chiếm giữ được 90% thành phố, nhưng Hồng Quân đã phản công trong tháng 11 và đã bao vây được 300.000 quân phát xít. Quân Đức chịu 841.000 thương vong và sẽ chỉ có thể phát động được một cuộc tấn công nữa ở Kursk, vốn cũng sẽ kết thúc bằng một thất bại thê thảm nữa.

1. Trận đánh bảo vệ nước Anh

Các máy bay ném bom He 111 Heinkel của Đức

Nếu Vương quốc Anh bị đánh bại trong cuộc chiến, Hitler đã có thể tập trung toàn bộ sức mạnh quân sự của Đức vào Liên Xô. Mỹ và Liên Xô sẽ phải đơn độc chiến đấu chống lại phe Trục, và quần đảo Anh sẽ không có thể sử dụng làm bàn đạp cho chiến dịch Overlord. Vì những lý do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, trận chiến nước Anh là trận chiến quan trọng nhất của Thế chiến II.

Lực lượng viễn chinh Anh (BEF) phần lớn đã được di tản thành công khỏi Dunkirk sau trận chiến nước Pháp. Tuy nhiên, hầu hết vũ khí trang bị của họ đã phải bỏ lại Pháp. Vào đầu trận chiến nước Anh, sư đoàn duy nhất ở Anh được trang bị đầy đủ là sư đoàn Canada. Nếu Đức giành được ưu thế trên không trên bầu trời nước Anh, họ có thể đã mở chiến dịch Hải Sư xâm lược nước Anh. Hải quân Hoàng gia Anh sẽ không thể ngăn chặn hiệu quả cuộc xâm lược khi không được bảo vệ từ trên không.

Chiến lược ban đầu của Không quân Đức là tiêu diệt các căn cứ của Không quân Hoàng gia Anh. Điều đó mang lại hiệu quả khá tốt cho đến khi chiến lược chuyển sang đánh bom các thị trấn và thành phố. Điều này đã tạo cho Không quân Hoàng gia Anh cơ hội để thay thế các máy bay đã bị tổn thất.

Radar đã có vai trò rất quan trọng. Nếu không có nó, Không quân Hoàng gia Anh sẽ phải duy trì liên tục các máy bay trêng không. Họ thiếu nguồn lực để làm thế. Radar đã cho phép các máy bay tiêm kích chờ đợi trên mặt đất và phối hợp các cuộc tấn công vào các đội hình máy bay ném bom của Đức.

Tháng 10/1940, Không quân Đức thiếu hụt nặng nề các tổ lái và máy bay. Không quân Đức đã không giành được ưu thế trên không, nên Hitler đã phải hoãn vô thời hạn chiến dịch Hải Sư. Sự kết thúc của trận chiến đã cho phép nước Anh tái thiết quân đội và xây dựng nước Anh thành một thành trì của đồng minh. Thủ tướng Anh Winston Churchill tóm tắt trận chiến bằng những từ” “Không bao giờ trong lĩnh vực xung đột của con người, có nhiều người đến thế mắc nợ nhiều như thế đối với quá ít người như vậy”.

* Trận Khalkhin Gol

Xe tăng Liên Xô vượt sông Khalkhin Gol năm 1939

Trận Khalkhin Gol là trận giao chiến quyết định trong chiến tranh biên giới Xô-Nhật. Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu vào năm 1931 (một số người coi đây là sự khởi đầu Thế chiến II). Mối quan tâm quân sự của Nhật lúc đó đã chuyển sang lãnh thổ Liên Xô giáp khu vực này. Các cuộc đụng độ đầu tiên giữa lực lượng Nhật Bản và Liên Xô diễn ra vào năm 1938. Đã xảy ra những cuộc giao tranh thường xuyên dọc theo biên giới Mãn Châu, nhưng quân Nhật đã bị đánh cho thảm bại tại Khalkhin Gol vào tháng 5/1939. Trận chiến này tương đối nhỏ so với trận đánh sau đó của cuộc chiến tranh. Chỉ có 95.000 binh sĩ tham gia, nhưng những tác động của trận chiến là rất lớn. Người Nhật Bản đã thấy các nguồn tài nguyên ở Liên Xô là không thể đạt được. Thay vào đó, quân Nhật đành chiếm giữ các vùng lãnh thổ giàu tài nguyên ở Đông Nam Á.

Đế quốc Nhật Bản và Liên Xô đã ký hiệp ước bất tương xâm Xô-Nhật vào tháng 4/1941 và cả hai nước vẫn giữ trạng thái hòa bình an cho đến khi Stalin tuyên chiến với Nhật Bản vào năm 1945 (sau khi các quả bom nguyên tử được thả xuống). Khi Nhật Bản hướng sự chú ý sang hướng Đông, Stalin đã rảnh tay điều chuyển các sư đoàn của ông ở Siberia sang phía Tây, nơi chúng đã đóng một vai trò trọng yếu trong việc đánh bại quân Đức trong trận Moskva.