In bài này
Biển Đông: Tuần dương hạm Mỹ suýt đâm tàu chiến Trung Quốc
Thứ Bẩy, 14/12/2013 - 8:53 AM
Chuỗi hành động thách thức Mỹ: Ngăn chặn máy bay EP-3 (2001), tàu USS Impeccable (2009) và nay (2013) dùng tàu chiến chặn mũi tuần dương hạm USS Cowpens nói lên âm mưu gì của Trung Quốc trên Biển Đông?
USS Cowpens bị tàu chiến Trung Quốc chặn mũi trên Biển Đông
Tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đã suýt đâm nhau ở Biển Đông, Washington đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh, báo chí Mỹ đưa tin hôm 13/12/2013.

“Khi đang có mặt hợp pháp trên Biển Đông, (tàu tuần dương của Mỹ) Cowpens và một trong các tàu hải quân Trung Quốc tiến sát nhau đến mức đã phải cơ động để tránh va chạm”, một thủy binh Mỹ nói.

“Sự cố này nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các tiêu chuyển nghề nghiệp cao nhất trên biển, trong đó có việc liên lạc giữa các tàu, để giảm đến mức thấp nhất rủi ro xảy ra sự cố tình cờ hay sự cố nghiêm trọng”, nguồn tin nói.

Tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ khi đó đang di chuyển ngoài khơi ở gần tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Một trong các tàu hộ tống tàu Liêu Ninh đã phát lệnh cho USS Cowpens dừng lại, nhưng tàu tuần dương Mỹ tiếp tục di chuyển. Thế là một tàu Trung Quốc liền chạy cắt mặt tàu Mỹ rồi đột nhiên dừng lại. Để tránh va chạm, USS Cowpens đã phải đổi hướng đột ngột.

Các thủy binh Mỹ cho biết, thao tác cơ động tránh va chạm đó là nguy hiểm.

Các nguồn tin tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc qua các kênh ngoại giao và quân sự ở cả Washington lẫn ở Bắc Kinh.

Gần đây, Mỹ liên tục chỉ trích việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới ở biển Hoa Đông. Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng không thừa nhận việc họ thực tế đang thi hành chính sách kiềm chế Trung Quốc.

Trước đó, Hàn Quốc đã thông báo mở rộng ADIZ của mình, bao trùm các hòn đảo ở phía nam bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia cảnh báo: điều đó sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực, bởi lẽ một phần các hòn đảo liên quan cũng đang bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Ngày 6/12/2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã thông tin cho Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp song phương về các kế hoạch của Seoul.

Nhật Bản đã lên tiếng sẵn sàng bảo vệ biên giới của mình, Mỹ lên án quyết định của Trung Quốc, gọi nó là quá khích. Mỹ kêu gọi Trung Quốc không duy trì ADIZ và từ chối thừa nhận ADIZ của Trung Quốc.
Tuần trước, Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng thêm ADIZ.

Các hãng hàng không Mỹ tuyên bố sẽ thông báo các chuyến bay trong ADIZ theo yêu cầu của Trung Quốc, còn Hàn Quốc và Nhật Bản hạ lệnh cho các công ty hàng không của họ không tuân thủ các quy định của Trung Quốc.
Ngày 28/11/2013, các máy bay Nhật Bản và Hàn Quốc đã bay qua ADIZ Trung Quốc mà không thông báo và đã không gặp phản ứng nào từ phía Trung Quốc.

PM