In bài này
Tướng Mỹ than tiếc F-22
Thứ Hai, 09/12/2013 - 9:29 PM
Dừng sản xuất F-22 là sai lầm chết người, cựu Tư lệnh Không quân Mỹ (USAF) Michael Moseley đánh giá.

Cựu Tư lệnh Không quân Mỹ (USAF) Michael Moseley, người từ bỏ chức vụ vì bất đồng với lãnh đạo Lầu Năm góc, vẫn cho rằng, việc dừng sản xuất loạt tiêm kích F-22 Raptor là một sai lầm thảm họa, gây tổn thất nghiêm trọng cho an ninh của Mỹ và đồng minh.

“Quyết định này là quyết định chiến lược sai lầm nhất trong 20-25 năm qua”, viên tướng nói trong lần phát biểu đầu tiên kể từ sau khi nghỉ hưu ở Washington, tiểu bang Columbia. Năm 2008, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố quyết định dừng sản xuất F-22 sau khi xuất xưởng 187 máy bay sản xuất loạt, sau đó, vào tháng 4/2009, Tướng Moseley rời bỏ chức vụ. Cùng về hưu với ông còn có Bộ trưởng Không quân Mỹ Michael Wynne, người từng cùng với Moseley khẳng định rằng, cần có 381 chiếc F-22 để duy trì ưu thế trên không “trên lãnh thổ đối phương”.

Ngày 5/12,2013, Tướng Moseley tuyên bố rằng, ông không tiếc nuối về việc đã ủng hộ tiếp tục sản xuất F-22 mà chỉ tiếc là đã không đấu tranh “quyết liệt hớn”. Viên tướng cũng nói rằng, một số đồng minh của Mỹ như Australia, Israel, Nhật Bản và Anh đã hoàn toàn có thể mua F-22 theo kênh bán hàng quân sự cho nước ngoài của chính phủ Mỹ.

Theo ông, hợp đồng nhiều năm mới sản xuất Raptor có thể đã giảm được giá máy bay xuống còn 85 triệu USD và thậm chí thấp hơn, tức là tương đương giá của F-35A Lightning II Joint Strike Fighter.

Dự đoán, F-35A sẽ được trang bị cho USAF vào năm 2018, lúc đó đơn giá của nó sẽ giảm xuống còn 85 triệu USD, tương đương với 75 triệu USD thời giá năm 2012. F-35A được phát triển làm tiêm kích đa nhiệm, nhưng nhấn mạnh vai trò tiến công, F-22 dùng để xâm nhập không phận đối phương để tiêu diệt các tiêm kích đối phương bằng cách sử dụng một radar mạnh, các tên lửa và pháo hàng không, nhưng USAF có chương trình mở rộng tính năng của F-22 như một máy bay tiến công. Moseley cho rằng, F-22 và F-35 lẽ ra có thể hành động cùng nhau trong không phận đối phương như các tiêm kích thế hệ trước F-15 và F-16.

Người kế nhiệm của Moseley là Tướng Norton Schwartz vào tháng 4/2009 đã cùng cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ Michael Donley đã viết và đăng chung bài báo trình bày ý kiến khả dĩ đoàn kết cả những người ủng hộ và phản đối dừng sản xuất F-22 và đưa ra số lượng thỏa hiệp là 243 chiếc, như thế, F-22 sẽ khỏa lấp khoảng trống cho đến khi F-35A đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu ban đầu. Tuy vậy, các quan chức cao cấp của lầu Năm góc khi tiếp tục phân tích vấn đề đã phát hiện ra là việc đồng thời sản xuất cả F-22 và F-35 sẽ quá tốn kém nên đã quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất F-22.

USAF đã vấp phải áp lực mạnh mẽ từ Bộ trưởng Quốc phòng hồi đó Robert Gates, người nghi ngờ tính hữu dụng của F-22 trong các cuộc xung đột cục bộ như ở Afghanistan và Iraq, nơi mà nhu cầu sử dụng F-22 à không có, còn bản thân máy bay thì lại có những khả năng hạn chế trong tấn công các đơn vị phiến quân. Tuy vậy, một số quan chức USAF nói rằng, mặc dù F-22 dùng để giành ưu thế trên không, đây trên thực tế là máy bay chiến đấu đa nhiệm với một “lộ trình” gia tăng tiềm lực tác chiến không đối đất.
PM