In bài này
Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc mất thiêng
Chủ Nhật, 01/12/2013 - 8:46 PM
Máy bay Mỹ, Nhật, Hàn liên tiếp thách thức vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc.
Máy bay của không quân Trung Quốc (Frederic J. Brown / AFP)

Tuần trước, Trung Quốc đã tuyên bố phần lớn vùng biển Hoa Đông là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ. Phản ứng của Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đối với quyết định này gay gắt và quyết liệt đến mức Bắc Kinh bị đặt trước sự lựa chọn không đơn giản giữa sự hạ nhục công khai và một cuộc xung đột vũ trang không ai muốn.

Tuyên bố các vùng biển ven bờ là ADIZ không phải là phát minh của người Trung Quốc. Các ADIZ như vậy ở ven bờ biển nước mình được vài chục nước có khả năng giám sát sự chấp hành chúng, trong đó có Mỹ và Nhật bản, đặt ra. Về lý thuyết, bất cứ nước nào cũng có quyền yêu cầu một tàu bay đang tiếp cận bờ biển của mình ở cự ly vài trăm kilômét, cung cấp thông tin nhận dạng mình, thông báo kế hoạch bay và liên lạc hai chiều với điều phái viên không lưu.

Đa số các nước trên thế giới không làm điều đó vì hai nguyên nhân. Một số nước có thái độ ngờ vực khi đánh giá khả năng bị không quân địch tập kích nên không muốn chi khá nhiều tiền để cảnh báo mối đe dọa chỉ có tính giả định. Các nước khác đơn giản là không có lực lượng và phương tiện để kiểm soát vùng không gian đó và duy trì các quy định xác lập cho nó. Nói một cách đơn giản, một số nước không muốn lập ra các vùng như vậy, số khác thì không thể.

Quốc gia đầu tiên đã muốn và đã có thể làm được là Mỹ: sau cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng, Washington hiểu rằng, họ đã không lường hết điều gì đó, sau đó họ quyết định lập một ADIZ dọc theo suốt bờ biển nước Mỹ. Mục đích đơn giản là không để lặp lại điều khó chịu của tháng 12/1941. Trong chiến tranh lạnh, ADIZ cũng được những nước như Nauy và Anh mà khả năng tập kích của Không quân Liên Xô đối với họ không phải là điều quá mức tưởng tượng, lập ra. Các phi công Liên Xô cũng bảo vệ rất nghiêm túc lợi ích của đất nước khi liên tục bắn rơi các máy bay NATO xâm nhập ADIZ do Liên Xô thiết lập. Ấn Độ và Pakistan trong thế kỷ XX đã trải qua mấy cuộc chiến tranh cũng đã lập ra các vùng như vậy vì lo ngại bị tấn công bất ngờ từ hướng biển.

Ở Viễn Đông, cùng lúc có mấy nước có các ADIZ vì lo ngại bị tấn công đường không từ hướng biển. Trong số đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và tất nhiên là cả Cộng hòa Trung Hoa chả được mấy ai công nhận và được biết đến nhiều hơn với cái tên Đài Loan. Tất cả các nước này đều có căn cứ để đề phòng các nước láng giềng chơi khăm và cũng có các khả năng kỹ thuật và tài chính để giám sát việc chấp hành các quy định do họ lập ra.
Trực thăng của không quân Trung Quốc (David Gray / Reuters)

Đối với Trung Quốc, trong một thời gian dài bảo bối bảo đảm an ninh là nguồn nhân lực vô biên và kho vũ khí hạt nhân. Trung Quốc đại lục không thật cần phải lập ADIZ, cũng như không có khả năng kỹ thuật và tài chính để kiểm soát một vùng như vậy kể cả khi họ cần lập ra. Ngoài ra, sức mạnh áp đảo của không quân Mỹ và đồng minh trong khu vực đã không cho phép người Trung Quốc dù là nghĩ đến chuyện bắt buộc ai đó phải tuân theo các quy định của họ.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, tình thế đã thay đổi nhanh chóng. Cùng với sự tăng trưởng sức mạnh kinh tế, khả năng quân sự và tham vọng đối ngoại của Trung Quốc cũng bành trướng. Bắc Kinh bắt đầu đưa ra các yêu sách lãnh thổ khác nhau đối với hầu như tất cả các nước láng giềng của họ. Tranh chấp với các nước lân bang đã làm làn sóng dân tộc chủ nghĩa trong dân chúng Trung Quốc dâng cao nhanh chóng, điều đó lại thúc đẩy ban lãnh đạo nước này tiến tới chính sách đối ngoại ngày càng hiếu chiến.

Một trong các yếu tố trung tâm của chính sách này là tranh chấp với Nhật Bản vì quần đảo không người ở mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư đảo. Cuộc xung đột này càng thêm gay gắt bởi cùng lúc mấy yếu tố: quần đảo này nằm khá gần bở biển Hoa lục, thềm lục địa của quần đảo đầy khoáng sản, còn đối với người Nhật, vì những lý do lịch sử, người Trung Quốc có thái độ cực kỳ thù hận.

Chính phủ Trung Quốc trong mấy năm đã tìm cách buộc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ, nhưng lần nào cũng vấp phải “sự cao ngạo đáng kinh ngạc” của Tokyo. Người Nhật thậm chí không định thảo luận về vấn đề sở hữu quần đảo. Bởi vậy, Bắc Kinh, cùng với các biện pháp ngoại giao, đã bắt đầu dùng đến các biện pháp gây áp lực thô bạo hơn. Thỉnh thoảng, các đội tàu cá và tàu nghiên cứu được cử tới Senkaku, các tàu chiến và máy bay Trung Quốc cũng tiếp cận quần đảo, khiến người Nhật rất lo lắng.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đảo (Reuters)

Rõ ràng là quyết định tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông nằm trong đường hướng chiến lược gia tăng áp lực lên Tokyo. Nếu như các hãng hàng không nước ngoài chấp hành yêu cầu của Trung Quốc, các yêu sách của Bắc Kinh đối với Senkaku cũng sẽ có được sự thừa nhận quốc tế nào đó. Hơn nữa, ban đầu, điều đó đã có tác dụng: hầu như tất cả các hãng hàng không, kể cả của Nhật, đều tuyên bố rằng, họ sẽ chấp hành các quy định do Trung Quốc đặt ra vì không muốn mạo hiểm an toàn của hành khách. Những lời nói về “sự mạo hiểm” xuất hiện không phải tình cờ vì Trung Quốc đã dọa áp dụng “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp” đối với những kẻ vi phạm. Dịch từ ngôn ngữ ngoại giao thì đó có nghĩa là bắt hạ cánh xuống sân bay Trung Quốc và còn những kẻ ngang bướng thì bắn hạ.

Tuy nhiên, sự đắc thắng của người Trung Quốc kéo dài không lâu. Khi các nước liên quan xem xét kỹ các bản đồ của ADIZ mới do Bắc Kinh đưa ra, một cơn bão phẫn nộ dâng lên trong khu vực. Tức giận nhất hiển nhiên là Nhật Bản. Trung Quốc đã không chỉ vẽ ADIZ của mình trùng lên ADIZ của Nhật, mà đưa cả không phận trên quần đảo tranh chấp vào ADIZ này. Sự tức giận của Tokyo hoàn toàn dễ hiểu vì chính phủ Nga cũng sẽ có phản ứng như thế nếu như người Nhật cũng lập ADIZ của mình trên quần đảo Kurils tranh chấp với Nga. Tokyo đã không chỉ không thừa nhận ADIZ do Trung Quốc tuyên bố, mà còn yêu cầu các hãng hàng không Nhật phớt lờ nó hoàn toàn. Các hãng hàng không Nhật đã buộc phải chấp hành bất chấp “những biện pháp phòng vệ khẩn cấp” mà Trung Quốc đe dọa.

Phản ứng của Nhật Bản, với tất cả sự gay gắt của nó, là hoàn toàn có thể tiên lượng, ở Trung Quốc người ta có lẽ cũng tính đến chuyện như thế. Nhưng tồi tệ hơn là việc một loạt các nước đầy thế lực đã đứng về phía Tokyo.

Lên tiếng đầu tiên là Mỹ. Các bộ quốc phòng và ngoại giao Mỹ đã đưa ra những tuyên bố rất cứng rắn, gọi ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố là việc làm nguy hiểm, phá vỡ sự ổn định khu vực, đơn phương, và do đó là vô hiệu lực. Washington kiên quyết từ chối thừa nhận ADIZ của Trung Quốc, ngay sau đó hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Mỹ đã bay qua vùng đó. Chúng dĩ nhiên cũng không liên lạc với các điều phái viên không lưu Trung Quốc và không trả lời các yêu cầu.

Đối với Trung Quốc, điều khó chịu trong tình huống này là việc người Mỹ trước đây vốn giữ thái độ trung lập trong tranh chấp về quần đảo Senkaku, thì nay thực tế đã đứng về phía Nhật Bản, đồng thời nhắc đến Hiệp ước tương trợ an ninh với Tokyo. Đồng thời, điều có một hàm ý quan trọng là Mỹ đã tuyên bố sẽ giúp bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, kể cả quần đảo tranh chấp Senkaku. Trung Quốc như vậy đã tạo ra một đối thủ cực mạnh trong cuộc tranh chấp vì quần đảo Senkaku.
Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc (Reuters)

Tình thế còn tồi tệ hơn nữa. Trong những năm gần đây, quan hệ Nhật-Hàn xấu đi một cách chậm chạp, nhưng liên tục. Trở ngại chính trên con đường phát triển quan hệ bình thường giữa hai nước là tranh cãi về trách nhiệm của Tokyo về những tội ác gây ra trong thời Thế chiến II. Người Hàn Quốc không thể nào tha thứ cho người Nhật về chuyên đã nô dịch họ, còn người Nhật thì chẳng mấy hứng thú ăn năn hối lỗi. Trong bối cảnh đó đã nảy sinh tình bạn giữa Seoul và Bắc Kinh (vốn cũng có những yêu sách tương tự đối với Nhật Bản).

Nhưng nay thì ADIZ của Trung Quốc thực tế đã đẩy người Hàn Quốc vào vòng tay của Tokyo vì sự sơ suất lạ lùng, người Trung Quốc đã đưa vào ranh giới ADIZ của mình một khu vực không phận khá lớn mà Seoul coi là của mình. Sự phản đối đối với Bắc Kinh cũng tới tấp đến từ Hàn Quốc, còn các máy bay và tàu của nước này cũng lập tức tiến vào ADIZ của Trung Quốc để cho thấy tính vô hiệu lực của nó.

Phản ứng tương tự còn có Đài Loan vốn cũng có cách nhìn riêng đối với Senkaku. Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan gần đây đã ngày càng cải thiện, nhưng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố đã chấm hết cho chiều hướng này. Ở Đài Bắc, người ta lại bắt đầu nói đến “lòng tham không thể kìm nén của Bắc Kinh” và rằng, trong bất cứ tình huống nào cũng không thể tin Trung cộng. Các nước khác trong khu vực vốn cũng lo ngại với sự gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ thích tuyên bố lập ADIZ của Trung Quốc. Còn những nước muốn tuân thủ các quy định bay mới trên biển Hoa Đông thì không tìm ra.

Đáng chú ý là ở ngay tại Trung Quốc, dư luận dân chúng lại nhiệt liệt hoan nghênh việc lập ADIZ. Hơn nữa, những người dân thường nước này thông qua các mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến nhất quyết đề nghị chính phủ Trung Quốc lập tức bắn hạ những kẻ vi phạm không muốn tuân thủ các quy định đặt ra. Những hậu quả của các hành động như thế nếu như Bắc Kinh dám thực hiện chẳng khiến mấy ai quan tâm: tất cả đều lấy cớ “người Mỹ cũng sẽ làm như thế” ở trong ADIZ của họ.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đang lâm vào tình thế lưỡng nan. Một mặt, một khi áp đặt ADIZ thì phải giám sát sự tuân thủ và trừng trị những kẻ vi phạm. Mặt khác, họ chưa hiểu rõ là phải làm thế nào nếu như tất cả các nước láng giềng từ chối công nhận ADIZ đó: trên thực tế, họ đâu có dám bắn hạ các máy bay ném bom Mỹ và các máy bay dân dụng Nhật. Mặc dù, khả năng của quân đội Trung Quốc trong những thập niên gần đây đã tăng mạnh, nhưng Bắc Kinh vẫn không thể tranh tài ngang ngửa với Mỹ và đồng minh.
Pháo đài bay B-52 của Mỹ (Tim Chong / Reuters)

Nếu không dám trừng phạt những kẻ vi phạm ADIZ, vậy thì toàn bộ vở kịch áp đặt nó sẽ biến thành câu chuyện cười tầm thường về “sự cảnh cáo cuối cùng của “. Nếu như cố trừng phạt những kẻ vi phạm, sẽ nổ ra một vụ bê bối quốc tế lớn đến mức những hậu quả tồi tệ của nó sẽ lớn hơn mọi lợi ích có được từ việc áp đặt ADIZ.

Hiện nay, người Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp nửa vời. Các máy bay tiêm kích được phái đến tuần tra ADIZ, nhưng quả thực là chúng hiện chưa bắn rơi ai và chắc chắn cũng chẳng định bắn rơi ai. Bắc Kinh đã đánh dấu sự hiện diện ở ADIZ do họ xác định, nhưng thực tế, nó vẫn chỉ có tính tượng trưng.

Nay tình thế là như sau: với ý đồ chọc tức hơn nữa người Nhật, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đi quá đà. Quyết định tuyên bố ADIZ đã dẫn đến việc Mỹ thực tế đã thừa nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp, cũng như phá hỏng quan hệ với Seoul và Đài Bắc, cùng với triển vọng bị hạ nhục công khai trên trường quốc tế. Đó là chưa nói đến chuyện giảm sút uy tín của một chính quyền “yếu kém và nhu nhược” trong những người dân có tinh thần dân tộc chủ nghĩa vốn chiếm đa số dân chúng Trung Quốc.

Bắc Kinh cần tìm ra càng nhanh càng tốt cách thể hiện sự nhất quán trong các quyết định của mình mà không dùng đến “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp”. Nan đề này sẽ được giải cụ thể ra sao, hiện thật khó nói, nhưng có thể, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người sắp thăm Nhật và Trung Quốc, sẽ đề xuất một phương án nào đó.
Nhân Vũ