In bài này
5 câu hỏi về vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc
Thứ Bẩy, 30/11/2013 - 8:51 PM
Điều làm cho tình huống này trở nên đầy nguy hiểm là khả năng tính toán sai.
Điều làm cho tình huống này trở nên đầy nguy hiểm là khả năng tính toán sai.

The Diplomat phỏng vấn David M. Finkelstein, Phó Chủ tịch Trung tâm Phân tích Hải quân CAN (Center for Naval Analyses) của Mỹ và Giám đốc Ban Nghiên cứu Trung Quốc của CAN (China Studies Division) về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc mới áp đặt ở biển Hoa Đông.


1. Bắc Kinh hy vọng sẽ đạt được điều gì bằng cách lập ADIZ bao trùm một phần lớn của biển Hoa Đông?

Trong năm qua, Trung Quốc đã tham gia vào nhiều hoạt động quân sự và bán quân sự nhằm duy trì sự hiện diện vật lý trong vùng lân cận của quần đảo tranh chấp như một biện pháp khẳng định chủ quyền của họ và như một nỗ lực gây sức ép buộc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh về quyền sở hữu quần đảo Senkaku.

2. Có phải chúng ta đang thấy một Trung Quốc đang thực thi một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, mạnh bạo hơn không chỉ đối với Nhật Bản mà cả các nước khác không?

Trung Quốc chắc chắn là quyết đoán trong cách tiếp cận của mình đối với Nhật Bản và các tranh chấp về các đảo, tuyên bố mới nhất về ADIZ nâng đáng kể tỷ lệ đặt cược. Trớ trêu thay là cuối tháng 10/2013, Tập Cận Bình đã chủ trì một hội nghị nội bộ quan trọng về các vấn đề đối ngoại nhấn mạnh cần phải xây dựng một chính sách đối ngoại tích cực hơn và môi trường an ninh ở ngoại vi Trung Quốc, liên kết điều đó với khả năng của Bắc Kinh đạt được một số mục tiêu đối nội quan trọng. Rõ ràng, một hội nghị như vậy là cần thiết bởi những thách thức ngoại giao đối với Bắc Kinh từ một số nước Đông Nam Á do hành vi gần đây của Trung Quốc trong một số tranh chấp hàng hải ở phía nam.

Mặc dù mỉm cười hiện đang là đối sách của Trung Quốc ở phía nam, nhưng về vấn đề biển Hoa Đông và Nhật Bản, Bắc Kinh dường như đã có đường hướng dứt khoát. Trung Quốc sẽ kiên quyết lập luận rằng, đó là kết quả của việc Nhật Bản làm thay đổi tình hình với việc mua lại các hòn đảo ở Senkaku vào tháng 9/2012. Bất chấp những lập luận đó, động thái gần đây nhất của Bắc Kinh là bất lợi.

3. Ông đánh giá thế nào về ADIZ của Trung Quốc và việc đưa vào vùng này quần đảo Senkaku, cũng như vùng biển ngoài đảo Jeju mà Hàn Quốc tuyên bố là của mình?

Mặc dù tuyên bố của Trung Quốc về ADIZ khẳng định nó không nhằm vào nước nào, nhưng điều rất rõ là Nhật Bản và quần đảo tranh chấp nằm ở trung tâm sáng kiến này. Việc ADIZ do Trung Quốc tuyên bố chồng lần ADIZ của Hàn Quốc đang nhanh chóng khu vực hóa tình thế vượt ra ngoài Nhật Bản.

4. Mỹ không có lập trường về việc nước nào có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, nhưng công nhận quần đảo đang được quản lý bởi Nhật Bản. Điều đó có còn đúng không sau những nhận xét gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel? Điều đó có liên quan gì đến Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật Bản 1952?

Trong những nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tôi không thấy có gì khiến tôi tin rằng, quan điểm trung lập của Mỹ đã thay đổi.

5. Với những hận thù lịch sử và các hành động khiêu khích gần đây, ông đánh giá tình hình này thế nào? Những đường hướng diễn biến tương lai là gì và ông nghĩ Mỹ có vai trò gì, nếu có, trong hàn gắn mối quan hệ băng giá giữa hai nước láng giềng?

Tình thế giữa Trung Quốc và Nhật Bản là nghiêm trọng. Nếu cách hành động ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Tokyo trở thành cách hành xử của họ thì mọi thứ có thể tồi tệ hơn. Những yếu tố nội bộ cũng có vai trò ở cả hai nước... mà chúng thì khó có thể hiểu đầy đủ, đặc biệt là trong trường hợp Trung Quốc. Điều làm cho tình huống này trở nên đầy nguy hiểm là khả năng tính toán sai lầm.

-------

David M. Finkelstein là Phó Chủ tịch của Trung tâm Phân tích Hải quân (CAN) và Giám đốc Ban Nghiên cứu Trung Quốc của CNA. Ông là tác giả của chuyên khảo “Từ bỏ rơi đến cứu vớt: Đài Loan lưỡng nan của Washington, 1949-1950” (From Abandonment to Salvation: Washington’s Taiwan Dilemma, 1949-50), và là đồng biên tập một số công trình về an ninh Trung Quốc, trong đó có “Cuộc cách mạng của Trung Quốc trong lĩnh vực học thuyết: Những xu hướng gần đây trong nghệ thuật tác chiến của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc” (China’s Revolution in Doctrinal Affairs: Recent Trends in the Operational Art of the Chinese People’s Liberation Army) và “Quan hệ quân sự-dân sự ở Trung Quốc ngày nay: Bơi lội trong một biển mới” (Civil-Military Relations in Today’s China: Swimming in a New Sea).

Long Xuyên