In bài này
Trung Quốc diễu võ giương oai
Thứ Bẩy, 30/11/2013 - 5:16 PM
Trong lúc tranh chấp với các nước láng giềng lên đến cao trào, tàu sân bay Liêu Ninh tiến về Biển Đông, trong khi máy bay của Không quân Nhật tiến vào ADIZ mà Trung Quốc lập ra ở biển Hoa Đông.
Trong lúc tranh chấp với các nước láng giềng lên đến cao trào, tàu sân bay Liêu Ninh tiến về Biển Đông. Cùng lúc đó, các máy bay của Không quân Nhật tiến vào ADIZ mà Trung Quốc lập ra.
Việc Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới ở biển Hoa Đông đã làm căng thẳng thêm tình hình vốn đã sóng gió xung quanh quần đảo Senkaku.

Trong bối cảnh những bất đồng này, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hôm thứ 28/11/2013 đã đi qua eo biển Đài Loan tiến vào Biển Đông. Gần như đúng lúc đó, các máy bay của Không quân Nhật đã bay vào ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông sau các máy bay ném bom Mỹ mà không báo trước cho cơ quan quản lý không lưu Trung Quốc.

Ngoài những mâu thuẫn với Nhật ở biển Hoa Đông, Trung Quốc còn có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trên Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đã tuyên bố rằng, sự ra khơi của tàu sân bay là hành động bình thường và nhằm mục đích huấn luyện.

Các quy định trên vùng biển bị công khai phớt lờ

Chuyến đi huấn luyện đầu tiên của tàu Liêu Ninh đến Biển Đông trùng với chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong tuần tới. Ở Bắc Kinh, ông Biden dự định nêu những lo ngại của Mỹ về việc áp đặt ADIZ. Việc làm này của Bắc Kinh đã bị Washington, Seoul và Tokyo chỉ trích gay gắt.

Mỹ muốn biết liệu các quy định mới của Trung Quốc có ảnh hưởng đến cả các máy bay thương mại không. “Ngoài ra, chúng tôi khuyên các công ty hàng không Mỹ áp dụng mọi biện pháp mà họ cho là cần thiết để bảo đảm an toàn các chuyến bay ở vùng biển Hoa Đông”, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng ở Washington.

Cùng với việc áp đặt ADIZ, Trung Quốc từ hôm thứ bảy đòi hỏi các tàu bay nước ngoài thông báo cho Trung Quốc về các kế hoạch bay qua khu vực và tuân thủ các chỉ dẫn của không quân Trung Quốc nếu không sẽ bị đe dọa bằng vũ lực. Mỹ đã cố tình phái 2 máy bay ném bom chiến lược bay qua ADIZ do Trung Quốc tuyên bố mà không thông báo cho phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không có biện pháp đáp trả và phản ứng khá kiềm chế.

Máy bay quân sự Nhật bay qua ADIZ Trung Quốc

Các biện pháp đối với tàu bay nước ngoài phụ thuộc vào tình hình và loại đe dọa, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Nhật Bản đã làm theo gương Mỹ khi các máy bay quân sự Nhật cũng bay qua ADIZ do Trung Quốc tuyên bố mà không thèm báo trước. Trong chuyến bay, ban đầu không có sự phản ứng của Trung Quốc, tờ Asahi Shimbun dẫn các nguồn trong Bộ quốc phòng Trung Quốc đưa tin. Các cơ quan tuần duyên thông báo là các máy bay Nhật đã bay qua khu vực trên biển Hoa Đông, nơi có quần đảo tranh chấp Senkaku.

“Chúng tôi đã không thay đổi chế độ làm việc của các cơ quan tuần tra trong khu vực”, đại diện của cơ quan tuần duyên nói. Các chuyến bay này không được thông báo cho phía Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đã không phái máy bay của mình bay lên để đáp trả. Với việc áp đặt ADIZ, Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các máy bay bay qua khu vực này phải đăng ký kế hoạch bay và quốc tịch của các máy bay, cũng như liên lạc với phía Trung Quốc.

Hàn Quốc không thừa nhận ADIZ mới

Trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, Seoul cũng tuyên bố không thừa nhận ADIZ do Trung Quốc lập ra, hãng Yonhap đưa tin. ADIZ này bao trùm cả vành đai tuần tra của Hàn Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung Joo nói với phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Wang Guanzhong ở Seoul.

ADIZ của Trung Quốc bao trùm cả một hòn đảo do Hàn Quốc kiểm soát. Seoul yêu cầu Trung Quốc điều chỉnh ranh giới ADIZ để không xâm phạm lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

ADIZ mới của Trung Quốc bao trùm lãnh thổ của Hàn Quốc và Nhật. Trong khi đó, Trung Quốc nhấn mạnh các yêu sách của mình đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật. Lý do tranh chấp lãnh thổ là nguồn cả và các mỏ dầu khí trong khu vực này. Các chuyên gia cũng cho rằng, khu vực này có tầm quan trọng chiến lược để hạm đội Trung Quốc tiến sâu vào Thái Bình Dương.

Nhân Vũ