In bài này
Tiêm kích thế hệ 6 trang bị tia chết
Thứ Hai, 25/11/2013 - 7:42 PM
Kỷ nguyên chiến tranh giữa các vì sao sắp bắt đầu khi Không quân Mỹ USAF triển khai pháo laser trên máy bay phản lực vào năm 2030.
Theo bản yêu cầu thông tin RFI (Request for Information) được đăng tải, ARFL đang hy vọng phát triển vũ khí laser cho tiêm kích thế mới. USAF dự định triển khai sử dụng vũ khí laser vào năm 2030.

Dù đây là sáng kiến của USAF, vẫn có khả năng Hải quân và Lục quân Mỹ sẽ tiến hành các chương trình nghiên cứu độc lập tương tự.

Phòng thí nghiệm USAF (ARFL) đã thông báo tiếp nhận từ các công ty tư nhân đơn dự thầu cung cấp vũ khí laser tiến công để trang bị cho tiêm kích tiến công đa nhiệm thế hệ 6 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không và mặt đất của đối phương.
Các quan chức USAF cho biết, họ muốn phát triển 3 loại vũ khí laser: laser công suất nhỏ dùng để đánh dấu và gây nhiễu chống các sensor quang học của máy bay địch, laser công suất trung bình để chống tên lửa không đối không và laser công suất lớn làm vũ khí tấn công các mục tiêu trên không và mặt đất.

Theo yêu cầu, đến tháng 10/2014, các bộ phận của vũ khí sẽ sẵn sàng cho thử nghiệm trong điều kiện phòng thí nghiệm và vào năm 2022 là trong môi trường tác chiến mô phỏng.

Vũ khí laser sẽ có khả năng hoạt động ở độ cao đến 65.000 ft (19.812 m) và ở dải tốc độ 0,6-2,5M.

Bộ Quốc phòng Mỹ từ lâu nghiên cứu khả năng sử dụng laser làm vũ khí chiến đấu.

Hãng Northrop Grumman đang phát triển một laser nhiên liệu rắn cho Hải quân Mỹ, Lockheed Martin thì đang thực hiện hợp đồng 30 tháng để phát triển một mẫu tháp pháo cho hệ thống hệ thống điều khiển tia laser thích ứng ABC, trong khi Boeing đang nghiên cứu các giải pháp cho lực lượng mặt đất, trong đó có pháo HEL MD lắp trên xe. Một số giải pháp đã được thực hiện, ví dụ sử dụng hệ thống tự vệ trên tàu USS Ponce chống các tàu nhỏ.

Chương trình chế tạo pháo laser cho tàu chiến đang được tiếp tục và dự kiến vào năm 2014, pháo sẽ lần đầu tiên được lắp đặt và trình diễn trên boong tàu đổ bộ cỡ lớn USS Ponce đã được cải tạo làm căn cứ nổi cho đặc nhiệm Hải quân Mỹ.

Theo đại diện Hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Matthew Klunder, mẫu chế thử vũ khí laser có thể tiêu diệt máy bay không người lái sẽ trị giá hơn 30 triệu USD một chút, tuy nhiên phát bắn laser chỉ trị giá vẻn vẹn 1 USD.

“Các vị hãy so sánh nó với hàng trăm ngàn đô la tốn cho một lần phóng tên lửa thì các vị sẽ hiểu những ưu điểm của dự án này”, ông Klunder nói.

Trước đây, Cục Phòng thủ tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ từng tích cực phát triển vũ khí laser chống tên lửa chiến thuật. ABL Boeing đã phát triển laser năng lượng cao bơm bằng hóa học ABL lên mũi một máy bay Boeing 747 cải tiến để tiêu diệt tên lửa đường đạn ở giai đoạn bay đầu. Chương trình đã tiêu tốn nhiều triệu đô là đã tồn tại được mấy năm, nhưng cuối cùng Mỹ đã từ bỏ ý tưởng này vì coi nó là kém hiệu quả.

USAF cũng từng thử một vũ khí laser hóa học trên máy bay C-130H vào năm 2009.

Vũ khí laser đang được phát triển có thể sẽ được trang bị trước tiên cho các tiêm kích thế hệ 6 F/A-XX. Loại tiêm kích thế hệ 6 này đang được các công ty Boeing và Lockheed Martin phát triển. Dự kiến, trong những năm 2030, chúng sẽ thay thế các máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor hiện có trong Không quân Mỹ và các tiêm kích trên hạm F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân Mỹ.

Nam Xương