In bài này
Trung Quốc: Chiến tranh nhân dân hết thời, không quân, hải quân lên ngôi
Thứ Tư, 20/11/2013 - 7:53 PM
Trong khi vẫn duy trì lực lượng lục quân lớn nhất thế giới, quân đội Trung Quốc gần đây đã xây dựng một học thuyết mới cho phép không quân và hải quân đóng vai trò quan trọng hơn trong chương trình hiện đại hóa quân sự của mình.
Các tàu hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận chung chống cướp biển ở Vịnh Aden, 25.8.2013 (THX)
Kể từ khi thành lập hồng quân Trung Quốc, tiền thân của quân đội Trung Quốc, vào năm 1927,  đây từng là lực lượng mặt đất bao gồm cả các đơn vị quân đội chính quy và du kích chiến đấu vì sự nghiệp cộng sản chống lại chính phủ quốc dân đảng và xâm lược Nhật Bản.

Không có một lực lượng không quân mạnh, quân chí nguyện Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên cũng dựa nhiều vào lực lượng mặt đất để chiến đấu chống lại các lực lượng của Hàn Quốc và các liên quân Liên Hợp Quốc dưới quyền chỉ huy của tướng Mỹ Douglas MacArthur.

Thời Mao Trạch Đông, người ta cảm thấy quân đội Trung Quốc sẽ có thể đánh bại cả thù trong, giặc ngoài với sự ủng hộ của nhân dân với dân số quốc gia 450 triệu người tạo ra ưu thế về số lượng. Học thuyết chiến lược này không thay đổi nhiều khi dân số Trung Quốc đã tăng lên 1 tỷ người dưới thời Đặng Tiểu Bình.

Thắng lợi của của liên quân do Mỹ cầm đầu với màn trình diễn khủng khiếp của ưu thế trên không trong chiến tranh Vùng Vịnh vào đầu thập kỷ 1990 là một tiếng chuông cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc, tuy nhiên, trong khi việc triển khai 2 tàu sân bay Mỹ đến eo biển Đài Loan vào năm 1996 cũng cho thấy, một chiến dịch quân sự nhằm thống nhất Trung Quốc là không thể trừ khi quân đội Trung Quốc có một lực lượng hải quân hùng mạnh. Đây là hai sự kiện đã buộc các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc thấy cần có một học thuyết chiến lược mới.

Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch quân sự trung ương Trung Quốc đã công khai tuyên bố trong một cuốn sách xuất bản vào ngày 18.11. rằng, quân đội Trung Quốc sẽ chú ý hơn đến sự phát triển của không quân, hải quân và lực lượng pháo binh 2 (lực lượng tên lửa chiến lược) trong tương lai, theo Văn Hối báo ở Hongkong. Đồng thời, tất cả các quân chủng của quân đội Trung Quốc phải cùng nhau tiến hành tác chiến hiệp đồng và chiến tranh không gian mạng, tờ báo cho biết.

Văn Hối báo, tờ báo được coi là cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh tại Hongkong, cho biết quân đội Trung Quốc sẽ nhằm vào mục đích giành chiến thắng các trận chiến bằng chất lượng binh sĩ và ưu thế về hỏa lực. Trong khi Trung Quốc đang trở thành một siêu cường chính trị và kinh tế ở tây Thái Bình Dương, quân đội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tác chiến như quân đội Mỹ thay cho chiến thuật phi đối xứng của du kích quân và phong trào kháng chiến của nông dân như trong Thế chiến II và chiến tranh lạnh. Khái niệm “Chiến tranh nhân dân” của Mao Trạch Đông đã đi vào lịch sử, tờ báo viết.
Nhân Vũ