In bài này
Kilo và chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa khu vực của Việt Nam
Thứ Bẩy, 19/10/2013 - 8:23 PM
Cuối năm nay, cán cân sức mạnh hải quân ở Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi khi Việt Nam tiếp nhận các tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của mình.
Tàu ngầm Kilo

Các tàu ngầm của Việt Nam được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát và tuần tra, tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước. Dự kiến Nga sẽ bàn giao cho Việt Nam 4 tàu ngầm còn lại vào năm 2016.

Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilo Projekt 636 vào tháng 12/2009. Tàu Kilo có lượng giãn nước 3.000-3.950 tấn, cự ly hành trình 9.600 km trong 45 ngày, độ sâu lặn tối đa 300 m, thủy thủ đoàn 52 người. Các tàu ngầm của Việt nam dự kiến sẽ được trang bị các ngư lôi hạng nặng 533 mm và tên lửa hành trình chống hạm/đối đất 3M54 Klub-S tầm bắn 300 km.

Tàu đầu tiên, HQ Hà Nội, bắt đầu được đóng vào tháng 8/2010 tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi ở St. Petersburg. HQ Ha Noi được hạ thủy một năm sau đó và bắt đầu chạy thử trên biển vào tháng 12/2012. Thủy thủ đoàn của tàu bắt đầu được huấn luyện vào tháng 1/2013.

Tàu thứ hai, HQ Hồ Chí Minh, bắt đầu được đóng vào tháng 9/2011. Tàu đã được hạ thủy vào vào tháng 12/2012, lắp đặt thiết bị trong tháng 1/2013 và hoàn thành chạy thử trên biển vào cuối tháng 4/2013. Thủy thủ đoàn của tàu này bắt đầu huấn luyện vào tháng 7/2013.

Tàu ngầm thứ ba của Việt Nam là HQ Hải Phòng theo kế hoạch sẽ được hạ thủy vào cuối năm nay. Thân tàu ngầm thứ 6 của Việt Nam đã được khởi công tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi ở St. Petersburg vào tháng 2/2013.

Tháng 5/2012, Việt Nam và Nga đã nâng quan hệ đối tác chiến lược lâu dài của mình lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hoạt động bán vũ khí trang bị, công nghệ và huấn luyện quân sự là trung tâm của mối quan hệ này. Theo một biên bản hợp tác hải quân, hai bên đã thành lập một nhóm công tác hỗn hợp để xác định các phương hướng hợp tác hải quân trong năm 2013. Nga và Việt Nam cũng đã ký biên bản hợp tác về công nghệ quân sự đến năm 2020.

Năm nay, các chuyến thăm qua lại của các bộ trưởng quốc phòng Nga và Việt Nam và những thỏa thuận mới đạt được về mua bán vũ khí, chuyển giao công nghệ quân sự và các hợp đồng dịch vụ dài hạn. Tháng 2/2013, Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng mua thêm 2 frigate lớp Gepard. Năm 2011, Việt Nam đã nhận được 2 frigate Gepard. Các frigate mới đặt mua sẽ được lắp hệ thống động lực tiên tiến và trang bị để làm nhiệm vụ chống ngầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu đã có chuyến thăm làm việc đến Hà Nội vào tháng 3/2013 theo lời mời của Tướng Phùng Quang Thanh. Trong buổi họp báo chung, họ đã thông báo thỏa thuận tiếp tục các chuyến thăm cấp cao, hợp tác về kỹ thuật quân sự, huấn luyện chuyên môn và quân sự, đối thoại quốc phòng hàng năm ở cấp thứ trưởng quốc phòng và tiếp tục mua bán vũ khí. Nga sẽ cấp học bổng cho hơn 100 lưu học sinh quân sự hàng năm; theo thỏa thuận này, Nga đã đồng ý tăng số lượng học bổng và mở rộng lĩnh vực đào tạo cho học viên Việt Nam. Hai bộ trưởng quốc phòng cũng nhất trí hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN+.

Tướng Shoigu đã thăm vịnh Cam Ranh, nơi các kỹ sư quân sự Nga đang xây dựng các cơ sở hậu cần và bảo dưỡng cho các tàu ngầm Kilo của Việt Nam. Tướng Shoigu cũng đã đề nghị Việt Nam cho phép xây dựng một khu nghỉ mát 5 sao ở Cam Ranh dành cho quân nhân Nga, nhất là các thủy thủ đoàn tàu hải quân Nga trở về sau các nhiệm vụ chống hải tặc ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Tướng Shoigu cũng đề nghị Việt Nam đơn giản hóa các thủ tục cho tàu hải quân Nga sử dụng các cơ sở dịch vụ tại Cam Ranh.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có chuyến thăm Nga đáp lễ vào tháng 8/2013. Hai bộ trưởng đã đạt thỏa thuận về biên bản 5 năm về trao đổi các đoàn quân sự ở mọi cấp, đối thoại hàng năm về chính sách và chiến lược quốc phòng, hợp tác kỹ thuật quân sự, huấn luyện chuyên môn cho sĩ quan và các đối tượng khác của Việt Nam và các hợp đồng bán vũ khí tương lai (chất lượng, giá cả và dịch vụ). Theo biên bản, Nga sẽ nâng cấp, số hóa và trợ giúp bảo dưỡng vũ khí và các hệ thống vũ khí đã bán cho Việt Nam.

Hai bộ trưởng cũng đã thảo luận việc thành lập một liên doanh để bảo dưỡng, sửa chữa các trang bị quân sự và đạn dược của Liên Xô/Nga mà Việt Nam đã mua. Tướng Shoigu lại nêu vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính cho tàu hải quân Nga vào Cam Ranh sửa chữa và bảo dưỡng và để các thủy thủ nghỉ ngơi, giải trí.

10 ngày sau chuyến thăm của Tướng Phùng Quang Thanh, người ta đã thông báo Việt Nam đã ký hợp đồng mua thêm 12 tiêm kích đa năng Su-30MK2 trang bị tên lửa chống hạm trị giá 450 triệu USD. Các máy bay này sẽ được chuyển giao thành 3 đợt 4 chiếc vào năm 2014-2015. Việt Nam trước đó đã mua 20 tiêm kích Sukhoi của Nga.

Lực lượng tàu ngầm mới của Việt Nam cùng với các tiêm kích Su-30 mua thêm sẽ gia tăng khả năng của Việt Nam tung sức mạnh vào các vùng biển trên Biển Đông và tạo ra khả năng chống tiếp cận/phong tỏa khu vực mạnh mẽ hơn.
PM