In bài này
Mỹ triển khai căn cứ UAV kiềm tỏa Trung Quốc
Thứ Sáu, 04/10/2013 - 11:23 PM
Các quan chức Mỹ thề sống thề chết là việc tăng cường quân sự và ngoại giao ở châu Á của Mỹ không phải là một nỗ lực nhằm ngăn chặn một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Máy bay không người lái trinh sát chiến lược RQ-4 Global Hawk
Nhưng chắc chắn là Mỹ đang bố trí rất nhiều phương tiện hỏa lực tiên tiến ngay ở ngưỡng cửa của Bắc Kinh. Mỹ thậm chí còn chào đón sự gia tăng quân sự hóa của Nhật Bản, quốc gia vốn bị Mỹ cấm không được có lực lượng tấn công sau Thế chiến II.

Ngày 3/10/2013, các quan chức Mỹ và Nhật Bản đã thông báo, Không quân Mỹ (USAF) sẽ triển khai các máy bay không người lái (UAV) RQ- 4 Global Hawk tại Nhật Bản.

Global Hawk là một máy bay do thám phản lực lớn, thời gian bay dài, dùng để tăng cường cho các máy bay do thám huyền thoại đã 50 tuổi U-2 Dragon Lady.

Điều này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên các UAV chiến lược này của Mỹ được bố trí tại Nhật Bản. Việc triển khai Global Hawks tại đây còn đưa lực lượng tình báo, giám sát và trinh sát tầm xa của Mỹ vào ngay trung tâm châu Á.

Các quan chức Mỹ nói rằng, 2-3 chiếc Global Hawk sẽ được bố trí tại Nhật Bản vào mùa xuân tới. Trong khi không ai nói điều này một cách rõ ràng, chiếc UAV công nghệ cao này sẽ có thể giám sát dễ dàng biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku không có người ở. Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nằm trong khu vực giàu tiềm năng dầu mỏ, cách đông bắc Đài Loan không đến 150 hải lý. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku trong một cuộc tranh chấp đang gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á.

Ngoài các UAV Global Hawk, các quan chức Mỹ và Nhật Bản còn công bố kế hoạch bố trí mấy loại máy bay chiến đấu tối tân khác của Mỹ tại Nhật Bản.

Sẽ hội quân cùng Global Hawks ở Nhật Bản là 2 phi đội máy bay cánh quạt lật MV- 22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ. MV-22 có thể chở vài chục lính thủy đánh bộ đi một quãng đường dài với tốc độ của máy bay cánh cố định và khả năng cất/hạ cánh chiều thẳng đứng như trực thăng. Hiển nhiên, những máy bay này có thể sẽ rất hữu ích để đối phó với những trường hợp khẩn cấp ở Thái Bình Dương, nơi mà các quan chức quốc phòng Mỹ thường than thở là “sự chuyên chế của khoảng cách”.

Thủy quân lục chiến Mỹ cũng sẽ bố trí các máy bay chiến đấu F-35B JSF ở Nhật Bản bắt đầu vào năm 2017, các quan chức Mỹ và Nhật công bố. Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ theo sau USAF bố trí các máy bay chiến đấu tàng hình tại Nhật Bản. Năm 2012, USAF tuyên bố rằng, các căn cứ hải ngoại đầu tiên cho lực lượng F-35A của họ sẽ nằm ở Nhật. Ngoài các phi đội F-35 của Mỹ, không quân Nhật Bản, Australia và có thể cả Singapore sẽ đều được trang bị F-35, chăng kín sườn phía đông nam Trung Quốc bằng các máy bay tàng hình.

Cần thấy rằng, Hải quân Mỹ sẽ bố trí một số máy bay diệt hạm/săn ngầm mới toanh P 8 Poseidon ở Nhật Bản từ tháng 12/2013. P-8 là biến thể phát triển cho hải quân của máy bay Boeing 737, được trang bị các thiết bị sonar, radar mạnh, ngư lôi và thậm chí tên lửa chống hạm Harpoon. (Các linh kiện hàng giả do Trung Quốc sản xuất đã được tìm thấy trên P-8, làm hỏng hệ thống phát hiện băng).

Các quan chức quốc phòng cũng thông báo, Nhật Bản sẽ nhận được một radar băng X mạnh mẽ nữa, có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa từ những nơi như Bắc Triều Tiên. Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hợp tác về an ninh mạng và tình báo. Toàn bộ gói vũ khí là một phần của một hiệp định sửa đổi Mỹ-Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật khi đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và Bắc Triều Tiên khó lượng.

Thỏa thuận này nằm trong khuôn khổ “tầm nhìn chiến lược” Mỹ-Nhật đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vốn phản ánh “những giá trị chung của chúng tôi về dân chủ, pháp quyền, thị trường tự do và mở, tôn trọng nhân quyền, sẽ có thúc đẩy hiệu quả hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tokyo đang tích cực xem xét khả năng sửa đổi hiến pháp để cho phép Nhật tham chiến để bảo vệ một đồng minh bị tấn công. Hiến pháp Nhật Bản được viết sau Thế chiến II chỉ cho phép nước này tham chiến đấu khi bị tấn công.

Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng ngân sách quốc phòng nhằm “tăng cường khả năng của Nhật bảo vệ lãnh thổ của mình và mở rộng khả năng đóng góp cho khu vực, [và] bao gồm cả những nỗ lực xây dựng năng lực đối với các nước Đông Nam Á”, thông báo viết. Tất cả những bước đi này đều được Mỹ “hoan nghênh”.

Những tin tức mới nhất từ Nhật Bản xuất hiện vài tháng sau khi một tướng hàng đầu Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tiếp dầu của Mỹ sẽ triển khai thường xuyên tại một chuỗi căn cứ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các cơ sở này không được coi là sự chiếm đóng lâu dài của máy bay Mỹ hoặc ít nhất đó là những gì chỉ huy Mỹ nói. Thay vào đó, các trang căn cứ này sẽ chờ đón một dòng ổn định các đơn vị Mỹ đến một cách thường xuyên.

Các vị trí mà Mỹ đang xem xét để luân chuyển lực lượng của họ đến và đi khỏi Thái Bình Dương
Các căn cứ có thể nằm trong ý đồ chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang Thái Bình Dương là North Field ở Tinian, sân bay quốc tế Tinian, sân bay quốc tế Saipan, căn cứ không quân Korat của Không quân hoàng gia Thái ở Thái Lan, căn cứ không quân Changi East ở Singapore, căn cứ không quân Darwin và Tindal của Không quân hoàng gia Australia, căn cứ không quân Trivandrum ở Ấn Độ, sân bay Puerto Princesa  và sân bay Cubi Point ở Philippenes. Đây là các căn cứ mà các quan chức quốc phòng Mỹ tỏ ra muốn được sử dụng bán thời gian trong những năm tới.

Các căn cứ tạm thời của Mỹ này trải dài từ Tinian và Saipan đến Australia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và có thể là cả các căn cứ ở Philippines, Malaysia và Indonesia. Các máy bay phản lực Mỹ đồn trú thường xuyên tại hàng chục căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng như các căn cứ ở Mỹ sẽ luân phiên đến và đi khỏi những sân bay này theo một khái niệm có từ thời chiến tranh lạnh.

“Quay trở lại những ngày tháng hào hùng đã qua của chiến tranh lạnh, chúng ta đã có một cái gọi là lá cờ ca rô: Chúng tôi đã xoay vòng hầu hết các đơn vị ở lục địa Mỹ đến châu Âu”, Tướng Herbert “Hawk” Carlisle nói vào tháng 7/2012. “Hai năm một lần, mỗi đơn vị sẽ lên đường đến một căn cứ phụ ở châu Âu. Chúng tôi đang chuyển sang cơ chế đó ở Thái Bình Dương”.

Điều thú vị là Nhật Bản đang giúp trả tiền xây dựng các căn cứ trên đảo Tinian và Saipan, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Đây một phần là để đánh đổi cho việc Thủy quân lục chiến Mỹ rút một số binh sĩ ra khỏi Okinawa và một phần là để cho phép quân đội Nhật tiếp cận các căn cứ này để huấn luyện. Tuy nhiên, mấu chốt là Mỹ đang triển khai tuyến trước các lực lượng bao quanh Trung Quốc. Và Nhật Bản chỉ là quá vui sướng để giúp đỡ Mỹ làm việc đó.
Nhân Vũ