In bài này
Corvette tương lai Strogy
Thứ Tư, 18/09/2013 - 9:09 PM
Hai nhà thiết kế dân sự tạo ra diện mạo chiến hạm thế kỷ XXI - tàu corvette ven bờ - cho Hải quân Nga.

Năm 2011, Hải quân Nga đã mở cuộc thi thiết kế diện mạo corvette thế hệ mới. Một số điều kiện của cuộc thi là: Diện mạo của corvette tương lai phải là một bệ mang tiêu chuẩn, có khả năng chuyển đổi tùy thuộc vào việc thực hiện các chức năng nêu trên. Bệ mang phải có các đường bao có tác dụng giảm mạnh bề mặt tán xạ hiệu dụng (ứng dụng công nghệ tàng hình Stealth) và có thể có dạng một thân, cũng như nhiều thân (hai thân, ba thân), có ứng dụng các nguyên tắc nâng động học khác nhau (cánh ngầm, đệm khí, hang khí…).


Thiết kế diện mạo của corvette ven bờ tương lai Projekt Strogy 512 cho Hải quân Nga do các nhà thiết kế giành chiến thắng trong cuộc thi là Aleksei Boguslavsky và Yevgeny Kazantsev thực hiện.


Chính vũ khí, khả năng tàng hình, tốc độ cao và thiết kế khác thường đã làm nên chiến thắng của mẫu tàu này. Aleksei Boguslavsky là nhà thiết kế đồng hồ, còn Yevgeny Kazantsev là nhà thiết kế web, và đây là lần thiết kế tàu chiến đầu tiên đối với cả hai người yêu quý tất cả những gì liên quan đến biển cả này. 

Ông Roman Trotsenko, Chủ tịch Tổng công ty Đóng tàu thống nhất OAK của Nga khẳng định, nhiều thiết kế trong cuộc thi là sự đột phá công nghệ thực sự.


Corvette ven bờ Projekt Strogy 512 được xem là tương lai của Hải quân Nga. Mẫu tàu hai thân phi đối xứng ứng dụng công nghệ tàng hình, có thể chở 2 trực thăng hạng nặng, được trang bị vũ khí tiến công hiện đại nhất là các tên lửa hành trình và pháo.


Mới đây, một nguồn tin tại Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cho hay, OAK đã bắt tay vào chế tạo mẫu chế thử và thử nghiệm các mô hình máy tính của corvette thế hệ mới. Theo chương trình vũ khí nhà nước Nga, tàu chiến đấu tiên loại này dự kiến được hạ thủy vào năm 2015.


Corvette ven bờ là tàu chiến đa nhiệm, kết hợp các chức năng của tàu pháo-tên lửa, tàu phòng không, tàu chống ngầm và tàu chống thủy lôi.


Thiết kế corvette ven bờ sử dụng bệ mang mềm dẻo để bố trí các hệ thống vũ khí khác nhau tùy thuộc vào tính chất nhiệm vụ đảm nhiệm.

(1) Trạm thủy âm; (2) Hăng-ga; (3) Buồng lái; (4) Các phương tiện radar và tác chiến điện tử; (5) Hệ thống phóng tên lửa Kalibr (8 module x 8 ngăn phóng); (6) Vỏ có thể mở của ụ pháo; (7) Cửa để vận chuyển các xuồng cao tốc; (8) Hệ thống pháo/tên lửa phòng không Palash (Tầm bắn của pháo/tên lửa: 500-4.000 m/500-8.000m. Thời gian phản ứng: 6-8 s. Tầm bắn cao: 5-3.500 m. Nhịp bắn: 10.000 phát/phút. Độ chính xác: 2-3 m); (9) Ụ pháo A-190 (Tầm bắn xa/cao: 21 km/15 km. Cỡ nòng: 100 mm. Trọng lượng ụ pháo: 15 tấn. Nhịp bắn: 80 phát/phút); (10) Tên lửa: 9M311; (11) Kích thước của hăng-ga cho phép chứa các hàng hóa và phương tiện kỹ thuật khác nhau. Mỗi bên mạn tàu có các cửa dốc để xếp dỡ hàng hóa; (12) Mặt boong bay hở 3 mặt được dịch sang một bên thân chính, có thể dùng để phóng máy bay không người lái, còn hăng-ga rộng dùng để chứa chúng; (13) Sân đậu trực thăng có thể chứa 2 trực thăng Ka-27 hoặc loại tương tự; (14) Trực thăng Ka-27 (Đường kính rotor nâng: 15,9 m, trọng tải: 5.000 kg, chiều dài thân: 12,25 m, tổ bay: 3 người, tốc độ tối đa: 270 km/h, trọng lượng rỗng: 6.100 kg, tầm bay thực tế: 900 km, tốc độ bay hành trình: 220 km/h); (15) Một thang máy dùng để vận chuyển máy bay và hàng hóa giữa hăng-ga và mặt boong

Ở đuôi tàu bố trí 8 module phóng tiêu chuẩn Kalibr với 64 ngăn phóng cho phép lắp tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không và tên lửa chống ngầm với các phương án khác nhau.




(1) Trạm thủy âm; (2) Vỏ có thể mở của ụ pháo; (3) Ụ pháo tự động 100 mm A-190; (4) Buồng lái; (5) Các phương tiện radar và tác chiến điện tử; (6) Hăng-ga; (7) Thang máy lên mặt boong; Cửa để vận chuyển các xuồng cao tốc; (8) Sân đỗ cho trực thăng thứ hai; (9) Sân cất/hạ cánh; (10) Hệ thống động lực; (11) Hệ thống phóng tên lửa Kalibr (8 module x 8 ngăn phóng); (12)  Hệ thống pháo/tên lửa phòng không Palash; (13) Các cửa nắp ở hai bên mạn và đuôi tàu


Trên tàu có một vị trí để lắp hệ thống phòng không tầm gần (dạng như hệ thống pháo/tên lửa phòng không Palash).

Một khẩu pháo (ụ pháo A-190/192 hoặc một hệ pháo tương lai khác) được đặt trong một chiếc vỏ đặc biệt để giảm độ bộc lộ radar của tàu, gồm 2 tấm chắn bảo vệ mở ra khi bắn.

Phần thượng tầng làm bằng chất dẻo carbon theo phương pháp đổ nên tàu chỉ có độ bộc lộ như một tàu nhỏ có chiều dài 30 m.

Không gian hăng-ga và boong tàu cho phép lắp thêm cố định hay tạm thời các hệ thống vũ khí, kể cả các loại dạng module ống phóng kín.






Lương Khê