In bài này
Tàu chiến Nga có thể bắn hạ Tomahawk
Chủ Nhật, 08/09/2013 - 10:38 AM
Theo luật quốc tế, các tàu chiến Hải quân Nga có thể bắn hạ mọi tên lửa có thể bay gần một cách nguy hiểm hoặc khi hạm trưởng quyết định là quả tên lửa đó tiềm tàng đe dọa đối với chiếc tàu, báo chí Arab viết hôm 5/9.
Đồng thời, nếu điều đó diễn ra ngoài khơi, bên ngoài lãnh hải của quốc gia tiếp giáp đang bị tấn công quân sự, Hải quân Nga về mặt pháp lý không phải là bên tham gia cuộc xung đột.

Mỹ hiện rất sợ đưa các tàu Hải quân Mỹ đến gần bờ biển Syria dưới 300 km vì lo ngại hệ thống tên lửa bờ biển Bastion mà Nga đã chuyển giao cho Syria. Lúc đó, tàu chiến Mỹ lại ở ngoài khơi xa mà gần đó có thể có mặt các tàu chiến Nga.

Nếu cuộc tấn công được thực hiện bất ngờ, các hạm trưởng tàu chiến Nga có thể cho rằng, các tên lửa đó có thể đe dọa các tàu Nga và có thể ra lệnh tiêu diệt chúng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Nga sẽ không làm thế vì sự tham gia gián tiếp vào cuộc xung đột này khi mà luật quốc tế và các thể chế quốc tế bị một trong những cường quốc hùng mạnh nhất công khai vi phạm có thể gây ra một cuộc xung đột toàn cầu.

VietnamDefence: Về lý thuyết, Hải quân Nga hoàn toàn có thể làm thế. Thực tế ngày 3/7/1988, đã xảy ra một tiền lệ như vậy khi chiếc máy bay chở khách Airbus A300B2-203 của Hãng hàng không Iran thực hiện chuyến bay 655 đã bị 2 quả tên lửa phòng không SM-2MR phóng đi từ tàu tuần dương tên lửa USS Vincennes của Hải quân Mỹ bắn rơi, làm chết toàn bộ 290 hành khách, trong đó có 66 đứa trẻ và 16 người thuộc phi hành đoàn.

Lý do chiếc máy bay bị bắn là do hạm trưởng William C. Rogers III của tàu USS Vincennes nhận nhầm chiếc A300 là máy bay chiến đấu Iran, đang có hành vi tiếp cận nguy hiểm và không phản ứng với tín hiệu cảnh cáo phát đi từ tàu chiến Mỹ. Các tín hiệu cảnh cáo yêu cầu chiếc Airbus thay đổi đường bay và khai báo nhận dạng lại được phát trên làn sóng quân sự mà máy bay dân dụng không thể nhận được. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có ý kiến nghi ngờ đây là cuộc tấn công cố tình từ phía tàu chiến Mỹ nhằm răn đe Iran chớ tấn công tàu chiến Mỹ. Năm 1996, Mỹ đã phải đồng ý bồi thường 61,8 triệu USD để bồi thường cho gia đình các nạn nhân Iran, nhưng họ không chịu thừa nhận trách nhiệm hay xin lỗi Iran. Mỹ cũng không bồi thường cho chiếc máy bay Iran khi đó trị giá 30 triệu USD bị bắn rơi.

Ngày 7/5/1999, trong chiến dịch không kích Nam Tư, máy bay ném bom chiến lược B-2 của Mỹ đã thả bom “nhầm” vào đại sứ quán Trung Quốc do “CIA nhận nhầm tọa độ đại sứ quán Trung Quốc với tọa độ một mục tiêu quân sự trên cùng phố vì sử dụng bản đồ lạc hậu”. 5 quả bom có điều khiển JDAM đồng thời đánh trúng góc phía nam đại sứ quán Trung Quốc, làm 3 người chết và 27 người bị thương. Khá hơn Iran, Trung Quốc đã được Mỹ xin lỗi và bồi thường thỏa đáng cho "hành động dã man này".

Cuối năm 1999, chính phủ Mỹ "tự nguyện bồi thường nhân đạo" 4,5  triệu USD cho gia đình 3 người Trung Quốc bị chết và 27 người bị thương trong vụ ném bom. Ngày 16/12/1999,  Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận, theo đó Mỹ đồng ý trả 28 triệu USD bồi thường cho những hư hại của đại sứ quán Trung Quốc, còn Trung Quốc trả 2,87 triệu USD bồi thường những hư hại mà dân Trung Quốc gây ra cho đại sứ quán Mỹ và các cơ sở ngoại giao khác của Mỹ ở Trung Quốc.

Dư luận có ý kiến, vụ thả bom "nhầm" này là nhằm cảnh cáo Trung Quốc vì sự phản đối của nước này đối với cuộc chiến tranh của NATO chống Nam Tư.

Liệu Nga có thích màn "bắn nhầm/ném bom nhầm, xin lỗi và bồi thường" của Mỹ khi tàu  chìm, người chết do bị những quả tên lửa Tomahawk ầm ầm bắn vào Syria đột nhiên lạc đường, "vì trục trặc kỹ thuật" bắn vào tàu Hải quân Nga không? Mỹ có dám cảnh cáo Nga vì ủng hộ Syria như đã làm với Trung Quốc vào năm 1999 không?

Cũng không loại trừ, tình báo Nga mượn báo chí Arab tung tin tàu chiến Nga có thể bắn hạ Tomahawk để cảnh báo Mỹ thận trọng, chớ gây tổn hại cho Nga, nếu không hậu quả sẽ nặng nề.

Trong khi đó, lập trường chính thức của Nga đối với kế hoạch chiến tranh chống Syria của Mỹ vẫn rất quyết liệt. Ông Putin, tại cuộc họp báo tổng kết Hội nghị G20 vừa qua đã tuyên bố thẳng thừng, Nga sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và hợp tác kinh tế với Syria một khi nổ ra cuộc xâm lược từ bên ngoài. Ông Putin cũng cho biết, đa số các quốc gia G20 phản đối tấn công quân sự Syria: ủng hộ là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Saudi Arabia và Pháp, kiên quyết phản đối là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Argentina, Brazil, Nam Phi và Italia.

Tại G20, Nga và Mỹ không thống nhất được quan điểm về Syria vì hai bên có lập trường hoàn toàn trái ngược nhau. Do đó, lãnh đạo Nga đã lập tức quyết định cung cấp cái gì đó cho Syria, có lẽ đó là các hệ thống S-300 bổ sung. Do đó mà có tin, Nga phái tàu đổ bộ cỡ lớn Nikolai Filchenkov chở “hàng đặc biệt” đến bờ biển Syria.

“Hôm nay (6/9), Nikolai Filchenkov dưới sự chỉ huy của Trung tá hải quân Igor Dmitrienko khẩn cấp lên đường hành quân xa. Tàu sẽ ghé Novorossyisk, tiếp nhận hàng đặc biệt rồi tiến đến khu vực trực chiến đã định ở đông Địa Trung Hải”, một nguồn tin tiết lộ.

Đây không phải là hành trình đầu tiên của tàu Nikolai Filchenkov. Tàu này vừa mới trở về Sevastopok sau 4 chuyến hành quân đến Địa Trung Hải xuất phát từ Novorossyisk.

Ngày 5/9, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov bác bỏ thông tin Nga cung cấp vũ khí hóa học cho Syria và khẳng định, tàu chiến Nga là sự bảo đảm ổn định, hòa bình, là nỗ lực kiềm chế các thế lực khác mưu toan gây chiến ở khu vực này.