In bài này
Obama toan tính đưa quân chiến đấu Mỹ vào Syria
Thứ Ba, 03/09/2013 - 8:53 PM
Chiến dịch tấn công Syria của Mỹ có thể có quy mô lớn hơn, kéo dài hơn. Cập nhật: Lãnh đạo Hạ viện Mỹ đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch quân sự chống Syria.
Mỹ sẽ sa lầy nếu đưa quân chiến đấu vào Syria. “Obama không muốn đánh nhau, nhưng ở Mỹ đang có một “phe chủ chiến” rất mạnh đã quyết đánh Syria với bất kỳ giá nào”
Nếu Mỹ quyết định đánh Syria, đó có thể là chiến dịch quy mô lớn chống các lực lượng của ông Bashar al-Assad.

Đó là phát biểu trước đó của Tổng thống Mỹ Obama với hai thượng nghị sĩ Cộng hoa, Tướng Lục quân Mỹ về hưu Jacke Keane tiết lộ.

Các chuyên gia không loại trừ phương án này, nhưng cho rằng, lúc đó các lực lượng của các quốc gia láng giềng sẽ bị huy động tham gia chiến dịch.

Mỹ có thể lên kế hoạch một chiến dịch quy mô ở Syria, cựu Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Jack Keane nói với BBC.

Theo ông Jack Keane, Obama đích thân nói với các thượng nghị sĩ Cộng hòa được mời đến Nhà Trắng hôm 2/9 rằng, Washington có kế hoạc gây tổn thất lớn cho các lực lượng của ông Assad nếu Quốc hội ủng hộ chiến dịch quân sự. Chính quyền Mỹ còn dự định gia tăng viện trợ cho một số nhóm phiến quân ở Syria. Trong cuộc gặp này, Obama còn thông báo, một phân đội 50 biệt kích đầu tiên do CIA huấn luyện đã xâm nhập Syria.

Hôm thứ hai, 2/9, ông Obama đã gặp những nhân vật chỉ trích không khoan nhượng chính sách đối ngoại của ông là hai thượng nghị sĩ John McCain và Lyndsey Grham. Trước đó, hai chính trị gia này đã lên tiếng phản đối kế hoạch tấn công bằng tên lửa các mục tiêu quân sự của Syria. Nhưng hai nhân vật Cộng hòa bảo thủ nổi danh diều hâu này phản đối chỉ vì họ cho rằng, đánh kiểu đó chỉ có tính chất hạn chế.

Hai thượng nghị sĩ cho rằng, Mỹ phải có những biện pháp mạnh hơn chống ông Assad chư không chỉ hạn chế ở việc tiêu diệt một số mục tiêu quân sự đơn lẻ. Ngoài ra, ông McCain không chắc là chính quyền Mỹ hiện nay có “kế hoạch và chiến lược về Syria”.

Trước cuộc gặp ở Nhà Trắng, McCain đã tỏ ý sẽ ủng hộ cho phép sử dụng vũ lực chống Syria. Trong tình hình hiện nay, từ chối các hành động đó sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt.

Ông Barack Obama đã dự định tấn công Syria cùng với Anh. Tuy nhiên, London đã từ chối tham gia liên minh trước khi kết quả điều tra vụ tấn công hóa học ở Syria của các thanh sát viên LHQ được công bố. Còn trước đó, ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố, Anh sẽ chỉ ủng hộ về mặt ngoại giao kể cả khi Mỹ tấn công Syria.

Sau tuyên bố thoái lui của London, Obama đã quyết định đề nghị Quốc hội Mỹ cho phép tấn công Syria, mặc dù ông có thể ra lệnh tấn công bất chấp ý kiến của Quốc hội. Việc bỏ phiếu sẽ diễn ra sau 1 tuần, vào ngày 9/9, nhưng hôm 3/9, Thượng viện Mỹ có kế hoạch họp khẩn cấp. Kết quả bỏ phiếu của cả Quốc hội Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào cuộc họp này.

Sau khi hội đàm với Obama, ông McCain đã tuyên bố rằng, sẽ là thảm họa cho Mỹ nếu các nghị sĩ từ chối ủng hộ quyết định mở chiến dịch quân sự chống Syria của Obama. “Nếu như Quốc hội phủ quyết một nghị quyết như vậy sau khi Tổng thống Mỹ đã tỏ ý sẵn sàng hành động, các hậu quả sẽ là thảm họa”, ông McCain nói và nhấn mạnh rằng, một chiến dịch quân sự hạn chế chống Syria là không đủ để thay đổi tình thế và cần hủy diệt hạ tầng quân sự của các lực lượng chính phủ Syria.

Tuy nhiên, tại Quốc hội Mỹ cũng có những người phản đối kịch liệt việc can thiệp vào Syria. Ví dụ, hạ nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen, người từng luôn ủng hộ nhiều sáng kiến của Obama, nhưng lần này không vội tán thành nghị quyết mà ông ta cho là “quá rộng”. Thượng nghị sĩ Dân chủ James McGovern cũng có cùng quan điểm. Ông nghi ngờ khả năng các cuộc tấn công quân sự sẽ chấm dứt được cuộc nội chiến ở Syria. Bởi vậy, ông định bỏ phiếu chống.

Các chuyên gia nhất trí rằng, Obama không cần một chiến dịch quân sự chống Syria, nhưng ông đã trở thành con tin của chính những phát ngôn của mình rằng, nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria thì đó sẽ là “vạch đỏ” không được phép vượt qua đối với chế độ Assad.

Chủ tịch Viện Cận Đông (Nga) Yevgeny Satanovsky cho rằng, bất kể cuộc tấn công cảu Mỹ sẽ ra sao, quy mô hay hạn chế, Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn việc tấn công Syria. “Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ có thể hành động bất chấp Quốc hội. Còn chiến dịch sẽ ra sao sẽ do giới quân sự quyết định. Đó có thể là chiến dịch hạn chế hoặc quy mô”, ông Satanovsky nói.

Đồng thời, ông tin rằng, chiến dịch quân sự chống Syria là không cần thiết với Mỹ, nhưng Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thì cần “bởi lẽ phe đối lập Syria do họ tài trợ không có khả năng đột phá vào thủ đô để lật đổ Assad mà trước mắt đã là tháng nội chiến thứ 30”.

“Gần 20 tỷ USD đã đổ vào Syria. Tại Saudi Arabia, vua Abdullah đã nằm bẹp sau cơn bệnh nặng. Không loại trừ, sắp tới vấn đề truyền ngôi sẽ được quyết định. Hoặc là hoàng thân Bandar bin Sulta, kẻ chủ yếu thúc đẩy Mỹ đánh Syria, sẽ là kẻ thắng cuộc, và ông ta cuối cùng cũng sẽ kích động được Mỹ tấn công, và ông ta sẽ ảnh hưởng đến việc ai sẽ là vua Saudi Arabia, hoặc là ông ta thua cuộc và sẽ không thể gây ảnh hưởng được gì nữa. Ở đây, trò chơi liên quan không chỉ đến Syria. Nó rộng lớn hơn nhiều. Và vì thế, Quốc hội Mỹ tán thành hay không thì có quan trọng gì chứ”, ông Satanovsky nhận định.

Còn Ông Aleksei Pilko, Phó giáo sư Khoa Chính trị thế giới Đại học tổng hợp Moskva (MGU) mang tên M.V Lomonosov, cho rằng, khả năng Mỹ tấn công Syria sẽ phụ thuộc vào việc liệu Obama có thể chống nổi áp lực từ phía phe ủng hộ chiến tranh hay không. “Xét về tất cả các dấu hiệu, Obama không muốn giao chiến, nhưng ở Mỹ có một “phe chủ chiến” rất mạnh đã quyết định bằng bất cứ giá nào cũng tấn công Syria. Obama đang làm tất cả để trì hoãn việc đưa ra quyết định tấn công”, ông Pilko nói.

Ông Pilko nói rằng, Quốc hội Mỹ định chờ kết luận của các thanh sát viên LHQ, “mà đó là còn ít nhất 3 tuần để nghiên cứu các mẫu”. “Như thế là Obama đang trì hoãn giải quyết vấn đề. Nhưng việc người Mỹ sẽ thực hiện cuộc tấn công tượng trưng nào đó, khả năng này là rất cao. Obama đã tự nhảy vào bẫy. Trước đó, ông ta đã nói đế “vạch đỏ” mà chế độ Syria được cho là đã vượt qua khi sử dụng vũ khí hóa học. Còn nay, uy tín của Obama sẽ giảm sút nếu ông ta không tấn công. Còn nếu tấn công, uy tín sẽ còn giảm hơn nữa”, chuyên gia này nói.

Ông Pilko cũng cho rằng, kịch bản vũ lực có thể bắt đầu bằng những cuộc tấn công tượng trưng vào Syria, “nhưng sau đó Mỹ sẽ bị lôi cuốn vào một cuộc chiến không quân quy mô lớn theo kiểu Libya năm 2011”. “Tôi tin rằng, Mỹ sẽ không phái binh sĩ đến Syria. Họ không cần cái đó. Sát bên cạnh có Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang máu đánh nhau và sẵn sàng cung cấp lục quân của họ để tấn công Syria”, ông Pilko bình luận.

Trong một động thái có liên quan, Tổng thống Pháp Francois Hollande, khi đến thăm thành phố Denain, tỉnh Nord, đã tuyên bố rằng, mặc dù tình hình Syria đụng chạm đến tất cả, Pháp không định đưa lục quân đến đó.

Đáp lại tiếng hét của một người trong đám đông: “Nước Pháp chẳng có gì để làm trong cuộc chiến tranh này ở Syria - đó không phải là cuộc chiến của chúng ta và không phải vấn đề của chúng ta. Cần dành cho người Syria cơ hội tự giải quyết!”, ông Hollande đáp: “Không đúng. Tất cả trong trường hợp này là vấn đề của chúng ta. Nhưng tất nhiên là Pháp sẽ không cử lục quân đến Syria”.

Nhiều khả năng, sắp tới, ông Hollande sẽ có lời phát biểu với dân Pháp để giải thích lập trường đối với Syria.

Hôm 2/9, căn cứ tin tức tình báo, trong đó có các bức ảnh vệ tinh, Pháp đã tuyên bố, chính phủ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học.

Tin cập nhật cho hay, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã ủng hộ tấn công Libya, Thủ lĩnh phe Dân chủ thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi đã lên tiếng ủng hộ tiến hành chiến dịch quân sự chống Syria. “Việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là không thể bỏ qua”, bà Pelosi tuyên bố.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, John Boehner, người của đảng Cộng hòa, đã ủng hộ tấn công Syria. Ngày 3/9, ông Boehner đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến của Obama về việc can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria. Ông cũng kêu gọi các đồng nghiệp làm như vậy. Ông Boehner là một trong các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã gặp ông Obama hôm thứ ba, 3/9.

Cùng ngày, trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu về vấn đề Syria trong thời gian sắp tới. Ông Obama nói rằng, can thiệp quân sự sẽ phá tan khả năng của chính phủ Assad sử dụng vũ khí hóa học và sẽ cho phép hậu thuẫn mạnh mẽ cho phe đối lập ở Syria.

Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ sáng kiến can thiệp quân sự vào Syria của ông ta.



PM