In bài này
Mỹ đánh Syria trong 2 ngày?
Thứ Ba, 27/08/2013 - 6:27 PM
Chiến dịch quân sự chống Syria dự kiến của Mỹ sẽ kéo dài không quá 2 ngày, các nguồn tin trong chính quyền Obama tiết lộ.

Tàu khu trục USS Barry phóng tên lửa Tomahawk vào Libya năm 2011
Việc các mục tiêu không trực tiếp liên quan đến vũ khí hóa học có bị tấn công hay không phụ thuộc vào thông tin tình báo, quyết định của Quốc hội Mỹ và các quy định của luật pháp quốc tế, tờ Washington Post dẫn lời một quan chức văn phòng Tổng thống Mỹ.

Trong chiến dịch dự kiến, quân đội Mỹ định sử dụng các máy bay ném bom thế hệ mới nhất và tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, ông Obama không xem xét khả năng mở chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Syria. Một khi phát hiện chứng cứ quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ dự định hạn chế ở mức tấn công Syria bằng tên lửa trong 2 ngày.

Các nguồn tin gọi cuộc không kích ngắn bằng tên lửa là “biện pháp có tính giáo dục”. Nhà Trắng coi giải pháp này là tối ưu vì Mỹ không muốn dính líu vào chiến tranh kéo dài ở Syria, nhưng đồng thời cũng muốn ngăn chặn sự lặp lại các cuộc tấn công hóa học.

Các vị trí của quân chính phủ Syria dự kiến sẽ bị tấn công từ các tàu chiến, không loại trừ khả năng sử dụng các máy bay ném bom chiến lược. Tình báo Mỹ hiện chưa báo cáo kết quả điều tra cuộc tấn công hóa học của họ, nhưng Nhà Trắng đã đang thảo luận khả năng tấn công với Quốc hội và các đối tác trong NATO, cũng như chuẩn bị cơ sở pháp lý cho hành động đó.

Quân đội Mỹ đã sẵn sàng khai hỏa khi có lệnh, các tàu chiến trang bị Tomahawk đã tiến vào vị trí.

Một chiến dịch quân sự kéo dài thực sự có thể làm mất mặt quân đội Mỹ vì các tên lửa chống hạm Yakhont và tên lửa phòng không S-300 mà Mỹ không biết rõ sự tồn tại ở Syria có thể gây thiệt hại lớn cho lực lượng Mỹ. Hơn nữa, oanh kích một quốc gia, nơi các thanh sát viên LHQ đang điều tra, mà không có sự cho phép của LHQ là chuyện không lấy gì làm hay ho.

Tình hình Syria căng thẳng lên sau khi phe đối lập tung tin về việc vũ khí hóa học được sử dụng ở ngoại ô Damascus. Hôm 26/8/2013, các thanh sát viên LHQ đã bị tấn công trên đường đến hiện trường vụ tấn công để điều tra.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, việc vũ khí hóa học đã được sử dụng là không thể tranh cãi và cáo buộc chính quyền Syria âm mưu xóa dấu vết sử dụng vũ khí hóa học.

Các nguồn tin cao cấp trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoãn cuộc đàm phán ấn định vào ngày 28/8 với các nhà ngoại giao Nga về việc chuẩn bị Hội nghị Geneva-2 về Syria. Đây là việc hoãn đàm phán chuẩn bị hội nghị, chứ không phải hủy bỏ tổ chức hội nghị. Việc tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria dự định vẫn được tiếp tục.

Sau khi có tin sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố rằng, Mỹ xem xét cả phương án vũ lực đối với Syria. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 26/8, ngoại trưởng Mỹ vẫn nhấn mạnh rằng, quyết định cụ thể về Syria chưa được thông qua.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner đã lưu ý chính quyền Obama phải tham vấn Quốc hội Mỹ trước khi quyết định có hành động gì với Syria.

Phương Tây đã công khai nói đến khả năng can thiệp vào cuộc xung đột Syria. Ngày 25/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố rằng, quân đội Mỹ có thể thực hiện kịch bản chiến tranh ở Syria để giải quyết vấn đề Syria nếu có lệnh của Tổng thống Barack Obama.

Ông Obama quả thực đã chỉ thị chuẩn bị các phương án giải quyết bằng vũ lực vấn đề Syria và các tàu chiến Mỹ trực ở Địa Trung Hải đã di chuyển đến gần Syria. Hiện có 4 tàu khu trục tên lửa là US Mahan, USS Gravely, USS Barry và USS Ramage trang bị hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk đang trực chiến ngoài bờ biển Syria.

Trong khi đó, dẫn nguồn đại diện của Thủ tướng Anh David Cameron, Reuters đưa tin, quân đội Anh đã có kế hoạch khẩn cấp có thể thực hiện khi có thông tin khẳng định khí độc thần kinh Sarin đã được sử dụng ở ngoại ô Damascus.

Thư ký báo chí của ông Cameron cho biết, quyết định về phản ứng cụ thể với sự kiện đã diễn ra ở Syria còn chưa được đưa ra.

Thủ tướng Anh hôm 26/8 đã bỏ dở kỳ nghỉ để tham gia họp bất thường với Hội đồng An ninh quốc gia dự định vào hôm 28/8. Hiện nay, chính phủ Anh đang giải quyết vấn đề chấm dứt trước thời hạn kỳ nghỉ của nghị viện để các nghị sĩ có thể thảo luận tình hình Syria.

Trong khi đó, có tin Anh đang ráo tiết tăng cường lực lượng không quân đến một căn cứ ở Síp. Tờ The Guardian ngày 26/8 cho biết, Anh đang điều thêm máy bay quân sự đến căn cứ không quân Akrotiri của họ ở Síp, nằm cách bờ biển Syria chưa đến 160 km.

Hai phi công dân sự cho hay, trong ngày đêm qua đã trông thấy một số máy bay vận tải C-130 của Không quân Anh bay đến gần Síp và nhìn thấy trên radar một tốp tiêm kích đang bay tới đây.

Một số người dân đảo Síp sống gần căn cứ Akrotiri cho biết, kể từ ngày 25/8, họ thấy hoạt động gia tăng tại căn cứ quân sự này.

The Guardian dự đoán, căn cứ không quân Akrotiri sẽ đóng vai trò đầu mối vận tải chính của chiến dịch quân sự chống Syria như trong chiến dịch quân sự chống Libya vào năm 2011. Căn cứ Akrotiri thuộc chủ quyền của Anh sau khi trao trả độc lập cho Síp từ năm 1960. Năm 2011, căn cứ này là trung tâm chỉ huy điều phối chiến dịch ở Libya. Các máy bay trinh sát E-3D, máy bay chỉ huy/báo động sớm AWACS đã xuất phát từ căn cứ này. Tại căn cứ này còn có sở chỉ huy không quân hỗn hợp điều phối mọi di chuyển phương tiện chiến đấu của Anh tại khu vực chiến sự. Tuy nhiên, trong chiến dịch chống Libya, Akrotiry không được dùng để trực tiếp tiến hành không kích Libya vì cách nước này rất xa.

The Guardian cho rằng, Mỹ, Anh và đồng minh có lẽ sẽ chờ cho đoàn thanh sát LHQ soạn thảo báo cáo và rời khỏi Syria rồi mới tiến hành không kích chống Syria.
Nhân Vũ