In bài này
Việt Nam - khách sộp của vũ khí Nga
Thứ Ba, 30/07/2013 - 9:53 PM
Việt Nam là khách hàng tin cậy của vũ khí Nga và luôn cần tiêm kích, tàu ngầm, tàu corvette và công nghệ quân sự Nga.

Việc trang bị lại cho quân đội Việt Nam bằng vũ khí Nga giúp bảo đảm an ninh quốc gia và cho phép bảo vệ các mỏ dầu khí ở Biển Đông.

Theo số liệu của Cục Thông tin năng lượng Mỹ, Việt Nam vào năm 2012 có ở Biển Đông mỏ khí đốt trữ lượng 24,7 ngàn tỷ phút khối, cũng như mỏ dầu trữ lượng 4,4 tỷ thùng. Một năm trước đó, trữ lượng của mỏ dầu chỉ được ước tính là 0,6 tỷ thùng.

Các nhà phân tích Mỹ giải thích sự sai lệch về các con số là do Việt Nam đang tiến hành ráo riết việc thăm dò tài nguyên thiện nhiên và phát triển các mỏ dầu ven bờ. Trữ lượng đó biến Việt Nam thành quốc gia “dầu mỏ” đứng thứ ba ở châu Á, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Liên quan đến khí đốt, thì trữ lượng của nhiên liệu này đã tăng nhiều từ năm 2007, còn việc khai thác khí đốt trong thời kỳ 2005-2010 thực tế đã tăng gấp đôi. Không loại trừ, trong tương lai, những con số nêu trên cũng sẽ tăng lên nhiều vì cường độ công tác thăm dò địa chất ở Việt Nam không giảm.

Khu vực có tầm quan trọng chiến lược

Gần đây, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với hàng loạt quốc gia Đông Nam Á gia tăng căng thẳng. Đó là tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough) mà ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền.

Có nguy cơ để tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông có thể leo thang thành cuộc xung đột khu vực nghiêm trọng. Có yêu sách chủ quyền với các vùng lãnh thổ tranh chấp mà trên thềm lục địa của chúng tập trung những trữ lượng dầu và khoảng sản lớn, là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines.

Trước mỗi trong các quốc gia này đang đặt ra một nan đề: nếu như họ không tiến hành tuần tra và bảo vệ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thì họ có nguy cơ bị mất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, còn nếu họ tiến hành tuần tra thì có nguy cơ phải đối đầu. Hơn nữa, tất cả các quốc gia này đang nỗ lực mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại.

Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi lẽ đi qua vùng biển này là các tuyến đường vận tải biển, kể cả vận chuyển dầu mỏ từ vịnh Persique cho các quốc gia Đông Á. Tình hình ở khu vực này khiến Washington đặc biệt lo ngại và họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Mỹ coi Biển Đông là vùng biển quốc tế và sẽ bác bỏ yêu sách chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đối với vùng biển này.

Tình thế khu vực về khách quan đang thúc đẩy Hà Nội gia tăng chi phí quân sự. Theo hãng tin quốc phòng Jane’s, mức tăng GDP hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017 sẽ là 6,5% và sẽ cho phép bảo đảm chi phí quốc phòng ở mức cần thiết. Nếu như những năm gần đây, Hà Nội đã chi cho quốc phòng gần 3% GDP thì trong tương lai gần, mức chi sẽ tăng lên đến 5%. Theo dự báo, ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2013-2017 sẽ tăng 30% và sẽ tăng từ 3,8 tỷ USD lên đến 4,9 tỷ USD.

Để thực hiện chiến lược tái trang bị vũ khí cho quân đội, ban lãnh đạo Việt Nam dự định tiếp tục đường lối củng cố hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, nhờ đó, Việt Nam đang nằm trong số 5 nước nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất. Theo kết quả 4 năm gần đây, quốc gia nhập khẩu vũ khí trang bị Nga nhiều nhất là Ấn Độ (35%), tiếp đó là Trung Quốc (15%), Algeria (14%), Việt Nam và Venezuela.

Theo số liệu của SIPRI, khối lượng hàng quân sự bán cho các nước Đông Nam Á giai đoạn 2008-2012 đã tăng 169% so với giai đoạn 2003-2007. Điều đó có liên quan đến quan hệ căng thẳng trên biển trong khu vực, chủ yếu giữa Trung Quốc và Việt Nam hoặc Philippines ở Biển Đông.

Một đại gia nhập khẩu vũ khí Nga

Chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh dự kiến vào tháng 8/2013 sẽ tạo xung lực mới cho hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt. Trong cuộc gặp trước đó với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tháng 3/2013 ở Hà Nội, phía Việt Nam đã nhấn mạnh ý định tiếp tục phối hợp với Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và mua sắm vũ khí trang bị của Nga.

Như phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Trương Quang Khánh tại cuộc gặp Phó Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga (FS VTS) Vyacheslav Dzirkaln tại Hà Nội ngày 12/4/2013, Việt Nam ủng hộ củng cố và tiếp tục phát triển quan hệ với Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Trong các cuộc tham vấn, hai bên đã thảo luận tiến trình thực hiện các thỏa thuận đạt được tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự diễn ra vào tháng 10/2012 tại Moskva.

Đứng đầu đại diện tương ứng phía Nga và Việt Nam trong Ủy ban, ông Dzirkaln và Tướng Trương Quang Khánh đã nhất trí rằng, trong hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa hai nước gần đây đã đạt được những thành tựu lớn. Hai bên cũng đã thảo luận những cách thức tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác Nga-Việt Nam theo kênh hợp tác kỹ thuật quân sự trong những năm tới qua các thỏa thuận hiện có.

Chỉ cần xem xét nhanh các thỏa thuận này cũng có thể thấy rõ là không phải tình cờ mà Việt Nam lọt vào nhóm 5 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất vũ khí trang bị của Nga.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã mở rộng mạnh mẽ đội tiêm kích Sukhoi hiện gồm 12 Su-27SK/UBK và 24 Su-30MK2V.
  • Hợp đồng đầu tiên mua 4 chiếc Su-27SK  và 1 Su-27UBK được ký năm 1994 và thực hiện vào năm 1995-1996.

  • Hợp đồng thứ hai mua 2 Su-27SK và 4 Su-27UBK được ký năm 1996 và thực hiện vào năm 1997-1998.

  • Năm 2003, Việt Nam đã mua 4 Su-30MK2V và tiếp nhận các máy bay này vào năm 2004.

  • Năm 2009, đã ký hợp đồng mua 8 Su-30MK2V và chuyển giao vào năm 2010-2011.

  • Năm 2010, đã ký hợp đồng lớn nhất mua 12 Su-30MK2V và hoàn thành vào năm 2011-2012.
Hiện nay, Việt Nam được xem là khách hàng tiềm tàng của các tiêm kích mới Su-35 mà khách hàng đầu tiên có thể là Trung Quốc. Hiện Nga và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán bán cho Trung Quốc 24 Su-35. Khi hợp đồng bán Su-35 cho Trung Quốc được thực hiện, Không quân Việt Nam sẽ cần tăng cường về số lượng và chất lượng đội máy bay chiến đấu của mình. Không loại trừ là để hóa giải tiềm lực tăng lên của không quân Trung Quốc, Hà Nội sẽ cần mua ít nhất 24 Su-35.

Đặc biệt tích cực tăng cường sức mạnh là Hải quân Việt Nam. Hiện nay, đang ở giai đoạn thực hiện có hợp đồng mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Projekt 636 của Nga đến năm 2016, trong đó 2 chiếc đầu tiên dự định chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2014.

Hợp đồng này được ký trong chuyến thăm Moskva của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2009. Ngoài việc đóng các tàu ngầm, hợp đồng còn có nội dung huấn luyện cho các kíp tàu ngầm Việt Nam, cung cấp trang thiết bị kỹ thuật cần thiết.

Tàu ngầm lớp Projekt 636 là tàu ngầm thế hệ 3. Tiềm năng hiện đại hóa của các tàu ngầm này cho phép tích hợp cho chúng các vũ khí mới, trong đó có hệ thống tên lửa chống hạm Club, cho phép mở rộng phạm vi tiêu diệt mục tiêu. Trên các tàu ngầm Việt Nam sẽ lần đầu tiên lắp đặt các hệ thống bảo đảm sinh hoạt mới cho thủy thủ đoàn như hệ thống giảm áp suất trong các khoang và hệ thống dập lửa nitơ, cũng như các hệ thống máy tính hóa mới.

Hai chiếc tàu hộ vệ tàng hình lớp Projekt 11661E Gepard-3.9 tiếp theo đang được đóng cho Hải quân Việt Nam tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk. Cả 2 chiến hạm này sẽ được bàn giao cho Việt Nam lần lượt vào năm 2016 và 2017. Hợp đồng đóng 2 tàu này được ký vào tháng 12/2011.

Trước đó, Việt Nam đã mua của Nga 2 chiến hạm cùng lớp vào năm 2006. Chúng đã được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2011.

Cuối năm nay (2013), chiếc đầu tiên trong 6 tàu tên lửa lớp Projekt 12418 Molnya đang đóng theo giấy phép của Nga tại Việt Nam sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam.

Nhà máy đóng tàu Vympel ở Rybinsk đang hỗ trợ Việt Nam đóng hàng loạt các tàu tên lửa này. Họ đang sản xuất và chuyển sang Việt Nam theo lịch trình đã định các linh kiện và tổng thành để lắp ráp 6 tàu tên lửa lớp Projekt 12418 Molnya đầu tiên. Việc đóng các tàu tên lửa này có sự giám sát kỹ thuật từ phía công ty thiết kế là Viện thiết kế TsMKB Almaz ở St. Petersburg, cũng như nhà máy sản xuất là Công ty “Nhà máy đóng tàu Vympel”.

Việt Nam dự định có tổng cộng 10 tàu Projekt 12418 và hiện đã có hợp đồng đóng 6 tàu trong số đó. Việc cung cấp linh kiện từ Rybinsk sang Việt Nam cho 6 tàu đầu tiên bắt đầu vào năm 2010 theo hợp đồng trị giá 30 triệu USD và sẽ tiếp tục đến năm 2016.

Trong hợp đồng đóng tàu tên lửa Projekt 12418 Molnya cho Việt Nam có điều khoản  phụ đóng thêm 4 tàu nữa. Dự kiến, điều khoản phụ sẽ được chuyển thành hợp đồng cứng sau khi bàn giao cho Hải quân Việt Nam những tàu tên lửa đầu tiên do Việt Nam đóng.

Cùng với việc cung cấp vũ khí trang bị hải quân, phía Nga còn cung cấp các phương tiện huấn luyện cho Hải quân Việt Nam. Cụ thể, Công ty “Tập đoàn NPO Avrora” đã cung cấp một hệ thống huấn luyện tổng hợp cho các kíp tàu ngầm Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty OSK-Tranzas Vyacheslav Komrakov cho biết, nhà thầu chính trong hợp đồng này là Avrora, còn OSK-Tranzas bảo đảm việc sản xuất toàn bộ phần dẫn đường (kính tiềm vọng, cầu tàu, tháp tàu). Sắp tới, hệ thống huấn luyện sẽ bắt đầu được lắp đặt và đưa vào sử dụng vào mùa thu năm nay.

Việt Nam cũng đã đặt mua các hệ thống huấn luyện cho kíp tàu hộ vệ Gepard (36 vị trí chiến đấu) và tàu tên lửa Molnya (56 vị trí chiến đấu).

Việt Nam cũng đang hoàn tất công việc xây dựng tại Cam Ranh trung tâm huấn luyện thủy thủ tàu ngầm và vào tháng 11/2013, nó sẽ tiếp nhận các học viên đầu tiên. Theo Tổng giám đốc Công ty Avrora, ông Konstantin Shilov, hai tòa nhà diện tích hơn 10.000 m2 đã được xây dưng ở Việt Nam. Công việc chuẩn bị trên lãnh thổ Nga đã hoàn thành đầy đủ, toàn bộ trang thiết bị cho trung tâm hiện đang ở giai đoạn lắp đặt.

Các ví dụ chuyển giao công nghệ quân sự Nga cho Việt Nam không chỉ là việc đóng các tàu tên lửa Molnya. Tổng công ty Tên lửa chiến thuật (TRV) chẳng hạn đang hợp tác với phía Việt Nam trong việc triển khai sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35 Uran tại Việt Nam, còn Tổng công ty Irkut thì đang chuyển giao cho Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam công nghệ sản xuất máy bay không người lái (UAV) trên cơ sở hệ thống UAV Irkut-200.

Trong khuôn khổ thực hiện chiến lược củng cố quân đội, Việt Nam hợp tác không chỉ với Nga. Việt Nam còn nhập khẩu vũ khí trang bị từ Cộng hòa Czech, Ba Lan, Rumani, Ukraine, Belarus và các nước Tây Âu. Tuy nhiên, 90% vũ khí trang bị nhập khẩu của Việt Nam trong thập kỷ qua là từ Nga.

Nhân Vũ