In bài này
Sứ mệnh của Su-35: Cầm chân F-22, F-35 chờ J-20, J-31 lâm trận?
Chủ Nhật, 28/07/2013 - 11:11 AM
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Liu Lin-chuan tán tụng Su-35 để đề cao J-20, J-31.
Trung Quốc mua sắm Su-35 để chuẩn bị giao phong với Nhật Bản
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Liu Linchuan có cuộc trả lời phỏng vấn dài về sự cần thiết mua tiêm kích Nga Su-35.

Dưới đây, trích giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của chuyên gia này.

Theo Liu, Su-35 không có khả năng tàng hình và khả năng bay hành trình siêu âm, nhưng lại có khả năng siêu cơ động nhờ sử dụng các động cơ 117S có điều khiển vector lực kéo. Về mặt này, nó vượt trội bất kỳ tiêm kích thế hệ 4 (Trung Quốc gọi là thế hệ 3) nào.

Su-35 được trang bị radar trên khoang mạnh là Irbis mạng pha thụ động. Nga khẳng định rằng, radar này có khả năng phát hiện mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng 0,01 m2 ở cự ly 90 km.

Mỹ tiết lộ, ở một số góc độ, bề mặt tán xạ hiệu dụng của F-35 chính bằng con số này; còn bề mặt tán xạ hiệu dụng của F-22 là 0,001 m2 (công ty Lockheed Martin thì cho biết, bề mặt tán xạ hiệu dụng phía trước của F-22 là 0,0001 m2). Nhưng ở một số nước xuất hiện thông tin nói rằng, bề mặt tán xạ hiệu dụng của F-35 là 0,05 m2, của F-22 là 0,01 m2.

Nếu như radar của Su-35 phát hiện được mục tiêu có bề mặt tán xạ hiệu dụng 0,01 m2 ở cự ly 90 km, thì ở cự ly này, nó có thể phát hiện được F-22 hay ít ra là F-35. Như vậy, ưu thế của các tiêm kích Mỹ về công nghệ tàng hình có thể bị hóa giải đáng kể.

So với Su-27, máy bay chiến đấu đa năng mới thế hệ 4++ Su-35 được trang bị các động cơ có lực đẩy mạnh hơn nhiều, lại có thêm các loa phụt xoay được. Hệ thống điều khiển điện từ xa của Su-27 có các tham số không cao và “những khả năng nghèo nàn”, Su-35 được trang bị hệ thống điều khiển điện từ xa kỹ thuật số tiên tiến hơn nhiều. Su-35 có các thiết bị avionics dạng các màn hình điện tử (“buồng lái kính”), nên nâng cao đáng kể khả năng nắm bắt tình huống của phi công và cải thiện tính công thái của buồng lái, dự trữ nhiên liệu bên trong máy bay tăng lên với khả năng lắp trêm các thùng dầu phụ bên ngoài làm tăng đáng kể tầm bay và bán kính chiến đấu.

Ngoài ra, Su-35 được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử tối tân. Khác với Su-35, Su-27 chỉ có khả năng tác chiến đối đất yếu nên hạn chế rất nhiều tính linh hoạt trong sử dụng tác chiến máy bay này.

Trung Quốc rất muốn có được động cơ 117S, đây sẽ là một cái lợi nữa cho Trung Quốc. Nga sẽ không cung cấp các động cơ này nếu Trung Quốc không mua Su-35, cần phải hiểu điều đó. Trung Quốc vẫn cần các động cơ Nga và không được xem thường chúng.

Trung Quốc cũng rất quan tâm đến radar Irbis. Hiện nay, Trung Quốc đã làm chủ công nghệ chế tạo radar anten mạng pha chủ động, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc từ chối xem các thiết kế nước ngoài. Irbis có những thứ độc đáo, trước hết là các thuật toán phần mềm tiên tiến. Các thiết bị của Nga thường được làm rất thô, nhưng lại có tính năng khai thác rất cao. Làm quen với Irbis sẽ giúp Trung Quốc hiểu được sự phát triển của các công nghệ then chốt trong lĩnh vực này, Trung Quốc phải tìm hiểu những mặt mạnh và mặt yếu của các thiết kế nước ngoài để làm các hệ thống của mình tốt hơn.

Trong kho vũ khí của Su-35 có các tên lửa tầm xa với động cơ phản lực-không khí dòng thẳng. Trung Quốc cũng đang phát triển các tên lửa đó, nhưng tại sao chúng ta lại không xem các thiết kế của người khác nếu như có cơ hội đó chứ?

- Liệu Su-35 có thể phá vỡ cán cân sức mạnh ở Đông Bắc Á không?

Trung Quốc đang tiến hành chính sách đối ngoại độc lập và không đe dọa ai. Trung Quốc đang thử tiêm kích J-20, nó cũng không đe dọa cán cân quân sự ở châu Á. Tuy nhiên, một số nước đang xâm nhập vùng biển chủ quyền của Trung Quốc. Nhật Bản có tâm lý bất thường và luôn nói về mối đe dọa Trung Quốc. Nước này quen quỵ lụy trước châu Âu và Mỹ, không tôn trọng đối với châu Á và coi thường Trung Quốc. tâm lý này vẫn còn.

- Trung Quốc mua Su-35 vì trong phát triển các tiêm kích tương lai J-20 và J-31 của chúng ta đã xuất hiện những khó khăn lớn?

Mua sắm Su-35 là cần thiết để tăng cường nhanh nhất sức mạnh của không quân Trung Quốc, bởi vì có những nguyên nhân nghiêm trọng để nảy sinh một cuộc chiến tranh lớn với Nhật Bản. Trong phát triển tiêm kích thế hệ 5, Trung Quốc đang tiến từng bước một. Sắp tới, J-20 sẽ có các động cơ mới có điều khiển vector lực kéo, sẽ có khả năng siêu cơ động và bay hành trình siêu âm. J-20 hiển nhiên vượt trội so với SU-35 về tính năng.

J-31 có radar yếu hơn Su-35, đơn giản là vì diện tích trường anten ở mũi J-31 nhỏ hơn, nhưng yêu cầu đó cũng không được đặt ra. Trong tương lai, J-31 sẽ có các động cơ mạnh hơn và sẽ có khả năng bay hành trình siêu âm.

Việc thử nghiệm một tiêm kích mới thường mất trung bình 6 năm trước khi nó được đưa vào trang bị cho không quân. Dĩ nhiên, Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ bay thử bằng cách huy động thêm các mẫu chế thử mới. Nhưng không thể cắt giảm triệt để thời gian này, đó là quy luật của khoa học. Một số người cho rằng, một khi tiêm kích đã cất cánh thì cần phải đưa nó vào trang bị và chỉ trích “các nhà trí thứ yêu nước”, những người vốn am hiểu các vấn đề kỹ thuật hơn họ.

Có lẽ tiêm kích Т-50 PAK FA của Nga tiên tiến hơn J-20 và dĩ nhiên cả Su-35 về mặt công nghệ. Nhưng tiêm kích này vẫn còn chưa chín muồi, vẫn đang thử nghiệm và vẫn chưa tiến hành thử nghiệm vũ khí. Nếu như Trung Quốc mua hay tham gia chương trình Т-50, Trung Quốc sẽ mất đi tự chủ trong lĩnh vực vũ khí này. Tôi tin rằng, lựa chọn Su-35 là đúng đắn và nó sẽ có thể đối kháng với F-22 và F-35 ở mức độ nhất định.

Nói một cách khách quan, tính tàng hình mang lại ưu thế lớn trong không chiến, chủ yếu là giảm cự ly địch phát hiện mục tiêu. F-22 có khả năng bay hành trình siêu âm, nhờ đó 6 tên lửa không chiến của nó có tốc độ ban đầu cao hơn, Không quân Mỹ trông cậy vào các cuộc tấn công tên lửa tầm xa, nhưng Su-35 sẽ là địch thủ đáng gờm.

Về mặt siêu cơ động, Su-35 có ý nghĩa tác chiến lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, thao tác cơ động Cobra (Rắn hổ mang) mà tiêm kích Su-27 thực hiện không có ứng dụng thực tế trong không chiến. Các động cơ của Su-27 không có chế độ điều khiển vector lực kéo, nên khi phóng tên lửa hay bắn pháo, máy bay có thể mất điều khiển và bị rơi vào trạng thái xoắn ốc. Bởi vậy, cho đến nay chúng ta chưa từng thấy các máy bay Su-27 của Nga sử dụng vũ khí khi thực hiện thao tác cơ động này.

Trước khi thực hiện thao tác Cobra, máy bay phải giảm tốc độ xuống còn 400 km/h, tức là thấp hơn nhiều tốc độ dưới âm cao thường được sử dụng khi tiến hành không chiến. Sẽ mất thời gian để máy bay tiêm kích trở lại thực hiện được các thao tác cơ động mạnh và lấy lại được tốc độ cần thiết, bởi vậy, trên Su-27, các ưu thế của thao tác cơ động này không thể tận dụng đầy đủ.

Với Su-35 thì khác vì nó được trang bị các động cơ mạnh hơn nhiều. Nhờ có điều khiển vector lực kéo của động cơ, Su-35 không phải dựa vào các cơ cấu điều khiển khí động truyền thống vốn có hiệu quả thấp ở tốc độ đó, không có nguy cơ bị lọt vào trạng thái bay xoắn ốc, nên cho phép máy bay phóng tên lửa và bắn pháo. Như vậy, khả năng cơ động và điều khiển tuyệt vời của Su-35 sẽ cho phép sử dụng hiệu quả thao tác cơ động Cobra trong không chiến.

Nhân Vũ