In bài này
Nga mở mặt trận không gian mạng
Thứ Hai, 15/07/2013 - 6:07 PM
Quân đội Nga sẽ tham gia đánh trả các cuộc tấn công thông tin nhằm vào nước Nga.

Hành động đúng theo danh ngôn “Muộn còn hơn không”, Bộ Quốc phòng Nga cuối cùng đã có kế hoạch thủ tiêu sự tụt hậu của nước Nga về mặt an ninh mạng.

Để giải quyết nhiệm vụ này, trước cuối năm 2013, trong cơ cấu quân đội Nga sẽ xuất hiện một binh chủng mới phụ trách an ninh thông tin của nước Nga.

Tại hội nghị của Hội đồng An ninh Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tán thành việc thành lập lực lượng Bộ đội tác chiến không gian mạng khi nói rằng, trong điều kiện hiện nay, “sức sát thương” của các cuộc tấn công thông tin có thể cao hơn các loại vũ khí thông thường.

“Cần phải sẵn sàng hóa giải một cách hiệu quả các mối đe dọa trong không gian thông tin. Nâng cao mức độ bảo vệ hạ tầng liên quan, trước hết là các hệ thống thông tin của các mục tiêu chiến lược và quan trọng thiết yếu”, nguyên thủ Nga nói tại hội nghị bàn về việc hoàn thiện tổ chức quân đội Nga trong giai đoạn đến năm 2020. Nhiệm vụ chính đặt ra trước bộ đội tác chiến mạng của Nga sẽ là giám sát và xử lý thông tin đến từ bên ngoài, cũng như đấu tranh chống các mối đe dọa mạng.

Thật khó nói thông tin về sự xuất hiện của tổ chức mới này là bất ngờ. Từ tháng 2/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đề nghị Tổng cục Tác chiến (GOU) và Tổng cục Tổ chức-động viên (GOMU), cũng như nhiều đơn vị khác của Bộ tổng tham mưu quân đội Nga hoàn tất nghiên cứu việc thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng.

Tháng 3/2013, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin cũng thông báo, toàn bộ các công tác chuẩn bị đã được tiến hành, các văn kiện đã được chuẩn bị xong.


Theo Trưởng Phòng Phân tích của Viện Phân tích chính trị và quân sự (IPVA, Nga) Aleksandr Khramchikhin
, nhược điểm chính của sáng kiến này là nó chậm trễ độ 10 năm. Mặc dù, quân đội Nga đang sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc cục bộ, nhưng không có các hệ thống truyền tin hoàn toàn đóng kín, kể cả khi chúng được mã hóa rất tốt. Chỉ cần nhắc đến những vụ tin tặc đột nhập các máy chủ của Lầu Năm góc và CIA là rõ. Những sơ hở tương tự cũng có ở các cơ quan tình báo. Có nghĩa là các đối thủ sẽ luôn tìm cách xâm nhập vào các hệ thống này hoặc thậm chí loại chúng khỏi vòng chiến.

SP: Tuy nhiên, các cuộc tấn công mạng chủ yếu là nhằm vào các mạng dân sự...

- Tất nhiên. Và trong nhiều trường hợp, nó có thể dẫn tới những sự tàn phá có quy mô như khi sử dụng vũ khí hủy diệt lớn. Không khó để đoán điều gì sẽ xảy ra nếu có thể làm ngừng hoạt động một nhà máy điện hạt nhân hay một cơ sở lớn của hạ tầng điện lực bằng các hệ thống viễn thông hiện đại. Điều đó một lần nữa xác nhận rằng, việc ngăn chặn các mối đe dọa mạng là một vấn đề an ninh quốc gia. Vì thế, sáng kiến của Bộ Quốc phòng Nga là cực kỳ bức thiết.

SP: Như vậy, bộ tư lệnh mới sẽ phụ trách an ninh của tất cả các hệ thống bảo đảm đời sống ở Nga?

- Và điều đó là bình thường. Nói cho cùng, quân đội tồn tại chính là để bảo vệ nhân dân.


Nhà hoạt động xã hội và nhà văn tương lai học Maksim Kalashnikov tin rằng, cùng với các không gian mặt đất, biển và vũ trụ, còn tồn tại không gian thứ tư là không gian thông tin. Bởi vậy, ngoài không quân, hải quân và lục quân, đã đến lúc thành lập quân chủng thứ tư của quân đội. Đó sẽ là lực lượng quân đội dùng để tác chiến trong không gian thông tin. Vì thế, hiển nhiên là ông Shoigu đúng về mặt khái niệm. Ông ấy định đưa hóa ý tưởng này vào cuộc sống lại là vấn đề khác.

SP: Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Lý tưởng là phải huy động một nhóm trí thức và tổ chức “cuộc đấu tranh trí não”. Tham gia thảo luận sẽ phải có các nhà phân tích quân sự, các nhà văn tương lai học, các chuyên gia lập trình, các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như các cán bộ tình báo phụ trách công tác an ninh ở nghĩa rộng lớn nhất. Có thể mời cả các tin tặc. Chỉ ở mức độ rộng rãi như thế mới nên xem xét với cách nhìn vấn đề một cách tươi mới và hiểu là tổ chức quân chủng mới của quân đội như thế nào là tốt nhất. Điều dễ hiểu là các hành động của lực lượng này không cần hạn chế ở không gian thông tin. Mà còn cần bao gồm cả các phương tiện tác chiến điện tử. Tổ chức hỗn hợp này phải tiến hành hoạt động có hệ thống không chỉ trong không gian mạng mà cả trên báo chí. Bộ đội tác chiến mạng phải có trung tâm chỉ huy, các nhà trường của mình. Dĩ nhiên, có thể làm theo cách outsourcing (sử dụng ngoại lực), huy động chuyên gia từ bên ngoài. Nhưng thế là chưa đủ.

SP: Liệu có thể học tập kinh nghiệm của Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ không?

- DARPA đang chiến đấu trên mặt trận sáng tạo khác. Họ đang tìm kiếm các công nghệ đột phá từ giác độ ứng dụng chúng trong lĩnh vực quân sự. Trong trường hợp với bảo đảm an ninh mạng thì phương pháp outsourcing là không phù hợp. Bởi vì, lĩnh vực này liên quan đến bí mật nhà nước. Mặc dù, thực ra, quân đội luôn sử dụng cơ chế outsourcing. Các chuyên gia dân sự đã luôn luôn được huy động tham gia làm việc cho công nghiệp quốc phòng. Điều đó đã diễn ra cả ở Liên Xô và Đức. Hiện nay, Mỹ đang “đi trước cả thế giới” về mặt này. Chẳng hạn, các công ty chế tạo máy bay dân sự được huy động để phát triển vũ khí trang bị. Tôi nghĩ rằng, cả trong trường hợp ứng dụng các công nghệ quân sự trong lĩnh vực an ninh mạng, quân đội cũng sẽ tích cực huy động các chuyên gia từ khu vực dân sự. Với vai trò trung tâm chỉ đạo và phối hợp ở Bộ tổng tham mưu quân đội Nga. Điều không kém phần quan trọng là tạo vị thế và mức độ bảo đảm vật chất cao. “Các đại đội khoa học” dành cho sinh viên là tốt. Nhưng một người trưởng thành, có gia đình còn cần có nhà cửa, lương cao và gói bảo đảm an sinh xã hội đầy đủ.

SP: Quân chủng mới có triển vọng ra sao?

- Nói thật ra là tôi đang có những quan ngại lớn. Chính quyền Nga từ lâu đã giống như một ban nhạc mà dù bản nhạc có hay đến đâu, người ta cũng chơi lỗi nhạc, mỗi người một phách. Xét tới chuyện bộ đội tác chiến mạng của Nga sẽ được xây dựng từ con số không nên vấn đề cán bộ có thể một khó khăn thực sự. Kể từ cuối thời kỳ Liên Xô, trong quân đội của chúng ta, người ta đã cố tình làm cho mọi người mất đi khả năng tư duy độc lập. Nguyên tắc “Tôi là cấp trên - anh là thằng ngu” đến nay vẫn tồn tại. Mà ở đây, chúng ta sẽ phải thành lập một bộ máy mới. Để làm việc đó cần những con người có lối tư duy sáng suốt, vô tư.

Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào việc ai sẽ làm công việc tuyển người ngay từ đầu. Điều chẳng phải là bí mật gì là sự thành công của một chương trình quân sự phức tạp về công nghệ phụ thuộc nhiều vào các phẩm chất cá nhân của người tổ chức. Chương trình hạt nhân của Liên Xô đã gặp may với Kurchatov, chương trình hạt nhân của Mỹ gặp may với Oppenheimer, còn các chương trình tên lửa của hai siêu cường đã gặp may với von Braun và Koroliov.

Cũng cần phải nói rằng, bên cạnh Kurchatov và Koroliov còn cần phải có Beria. Nếu là tôi, tôi sẽ tin tưởng những người như Aleksandr Petrovich Kuleshov của Viện Các vấn đề truyền thông tin của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Và bản thân tôi sẽ vui vẻ tham gia vào bộ chỉ huy. Nhất định phải huy động các nhà tương lai học. Bởi vì, tương lai đó là cái “bếp lò” mà vì nó mọi tìm tòi khoa học đều phải “nhảy nhót”. Các vị tướng đang chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh của quá khứ, như ta đã biết, thường thua những cuộc chiến tranh của tương lai.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa-chính trị (AGP) Konstantin Sivkov cho rằng, việc đối kháng bằng kỹ thuật chống những sự xâm phạm của các đối thủ trên không gian mạng chỉ là phần nhỏ của lĩnh vực chiến tranh thông tin nói chung. Các cuộc chiến tranh thông tin là nhằm nô dịch nhận thức của đối phương.

SP: Bộ Quốc phòng Nga có thể một mình “quản” được hướng hoạt động này không?

- Dĩ nhiên là việc bảo vệ nhận thức xã hội và đến được các nhóm công chúng bên ngoài là một chiến lược tổng hợp mà để thực hiện nó cần phải có sự tham gia của tất cả các bộ ngành. Trong đó có Bộ Giáo dục, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin liên lạc và truyền thông và thậm chí cả Giáo hội Chính thống giáo và Hồi giáo. Chủ nghĩa khủng bố xuất hiện chính ở nơi xảy ra những thất bại tư tưởng.

SP: Còn một sáng kiến ầm ĩ khác của ông Sergei Shoigu là cái gọi là “các đại đội khoa học”.

- Không nên hiểu một cách máy móc. Theo như tôi hiểu thì không ai định lùa các bạn lập trình viên tài năng vào trại lính cả. “Các đại đội khoa học” sẽ được hình thành trên cơ sở các bộ môn quân sự mà nhiều trong số đó đã bị những người đi trước Shoigu tàn phá. Đó là sự khởi đầu đúng đắn. Bởi lẽ, trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu là khôi phục tiềm lực khoa học kỹ thuật đã mất và các trường phái thiết kế kỹ thuật. Cần huy động các cán bộ khoa học mới là để làm việc đó.

Cần làm cho giới trẻ muốn đi vào lĩnh vực này. Có thể đạt được các mục đích này bằng cách tạo ra những khuyến khích vật chất. Mặt khác, điều còn quan trọng hơn là đánh thức sự quan tâm đến bản thân công việc. Tôi không nghĩ rằng, các bạn trẻ tài năng từ “các đại đội khoa học” sẽ làm việc tạo ra sản phẩm cuối cùng. Tức là các hệ thống vũ khí thành phẩm. Nhưng họ sẽ có thể phát triển những bộ phận quan trọng nhất của các hệ thống tương lai, kể cả lĩnh vực an toàn thông tin. Mà không phải rời khuôn viên của các nhà trường đại học thân yêu. Tức là không phải rời bỏ học tập. Điều đó sẽ thúc đẩy nâng cao khả năng quốc phòng của Nga thông qua thu hút giới trí thức trẻ vào nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị mới. Đó sẽ không phải là những “viện nghiên cứu” của các nhà khoa học tù nhân của Liên Xô những năm 1930. Các bạn trẻ sẽ được trả tiền cho việc giải quyết thành công các nhiệm vụ cụ thể.

SP: Liệu người ta có định miễn nhập ngũ cho họ không?

- Về vấn đề này, tôi đã nghe thấy những ý kiến khác nhau. Một số người đề nghị coi việc tham gia “các đại đội khoa học” như là phục vụ quân ngũ. Những người khác thì nêu ý kiến là sau đó cần gọi họ nhập ngũ với tư cách sĩ quan trong các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng. Dĩ nhiên là đó sẽ là “nhập ngũ” theo nguyện vọng. Hơn nữa lại là với quân hàm sĩ quan và không phải ở đơn vị dã chiến. Tôi ủng hộ phương án hai. Nói cho cùng thì Nhà nước triệu tập họ chính là để sau đó những người này xúc tiến các dự án công nghệ cao trong Bộ Quốc phòng Nga. Ngoài ra, việc những người này đang làm việc outsourcing trong các cơ quan của Viện Hàn lâm khoa học Nga hay trực tiếp trong các cơ quan của Bộ Quốc phòng, ví dụ như các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, là không qua trọng lắm. Nếu như cưỡng bức đưa một người vào môi trường xa lạ đối với anh ta thì anh ta sẽ không thể sáng tạo được.

- Đúng vậy, điều đó thật khó gọi là bí quyết có tên Shoigu. Nhưng anh muốn gì đây? Chẳng cần sáng tạo gì cả. Chỉ cần đơn giản là khôi phục những gì đã bị hủy hoại, sau khi giới tinh hoa của nước Nga hậu Xô-viết trong ¼ thế kỷ đã triệt để cướp phá đất nước. Bây giờ, tôi đang sống ở ngoại ô Moskva và tôi nhìn thấy nền nông nghiệp đã bị cướp phá ra sao. Những cánh đồng chết và chuồng bò hoang vắng xuất hiện như thế nào. Mặc dù mới chỉ 2-3 thập kỷ trước, cuộc sống ở đây náo nhiệt làm sao. Tôi cho rằng, tất cả những kẻ đã cướp phá của cải của nước Nga và tiềm lực khoa học của chúng ta, tất cả những kẻ đã tư nhân hóa và đưa công nghiệp quốc phòng Nga đến tình trạng thảm thương sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bất kể thế nào cũng không được im lặng.

VP