In bài này
Edward Snowden ’đánh sập’ TAFTA?
Thứ Ba, 02/07/2013 - 9:07 PM
Có thể là sự “nhầm lẫn” nhưng vụ bê bối nghe lén điện thoại và người dùng Internet trên toàn thế giới, trong đó có cả cơ quan đại diện của EU và 38 cơ quan đại diện ngoại giao tại Hoa Kỳ, bao gồm cả các đồng minh NATO, có thể làm cho thỏa thuận thành lập khu vực mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương biến thành mây khói?
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden
Vụ bê bối liên quan đến báo cáo về việc tình báo Mỹ tiến hành giám sát quy mô lớn đối với tất cả các cuộc điện thoại và những người sử dụng Internet trên toàn thế giới, như quả cầu tuyết ngày càng lan tỏa: các nhà báo phát hiện ra rằng, Cục An ninh Quốc gia Mỹ NSA đã theo dõi các cơ quan đại diện của EU tại Brussels, Washington và New Yok cũng như 38 cơ quan ngoại giao tại Mỹ, bao gồm cả các đại sứ quán của các đồng minh thân cận của Mỹ.

Berlin cho rằng, vụ bê bối sẽ làm rung chuyển lòng tin giữa EU và Hoa Kỳ, còn Nghị viện Châu Âu nói rằng, họ sẽ xem xét việc tháo gỡ các thiết bị “nghe lén” như là một điều kiện để thỏa thuận với Mỹ. Thế nhưng một số chuyên gia lại cho rằng, người Mỹ sẽ bác bỏ các cáo buộc hoạt động gián điệp điện tử, và cũng theo các chuyên gia, vụ bê bối này sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng thỏa thuận về việc thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

“Anh cả” phản bội

Edward Snowden, cựu cộng tác viên của công ty Booz Allen Hamilton, một nhà thầu của cơ quan tình báo Trung ương Mỹ, tiếp tục cung cấp một số thông tin cho các nhà báo, tạo ra rất nhiều vụ bê bối mới và những vụ scandal ngoại giao liên tiếp. Tờ The Guardian của Anh cho biết, NSA đã theo dõi 38 đại sứ quán nước ngoài và cơ quan đại diện ngoại giao, bao gồm cả các đại sứ quán của các nước đồng minh NATO.

Trong tài liệu tháng 9/2010, danh sách 38 đại sứ quán và cơ quan ngoại giao đã được đánh dấu là “mục tiêu”. Tài liệu này cũng cho biết cả các biện pháp thực hiện việc giám sát các nhà ngoại giao.

Theo đó, các nhân viên tình báo với các phương tiện kỹ thuật đặc biệt có thể được phép truy cập vào các liên lạc điện tử, các đường dây điện thoại trong các tòa nhà và cơ quan đại diện ngoại giao và cũng có thể nghe lén các thông tin của các nhà ngoại giao nhờ một ăng ten đặc biệt.

Một số “mục tiêu” được liệt kê trong tài liệu không chỉ là các nước có mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ mà còn có cả các nước đồng minh. Đặc biệt, cơ quan mật vụ theo dõi cả các cơ quan đại diện của Liên minh châu Âu, Pháp, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ấn phẩm trên nhấn mạnh rằng, trong tài liệu không đề cập đến các quốc gia Tây Âu, trong đó có Anh và Đức.

Ngược lại, tờ Spiegel của Đức, đề cập đến các tài liệu bí mật của NSA, tuyên bố rằng, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, hàng tháng theo dõi khoảng 500 triệu lượt công dân Đức trong mạng viễn thông, bao gồm cả việc trao đổi thư tín trong phòng chat internet.

Tất cả các thông tin tiếp xúc, thông tin về địa chỉ, thời gian và thời lượng liên lạc đều được lưu trữ trong máy tính tại trụ sở của NSA.

Phản ứng dữ dội của châu Âu

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng, Pháp không có ý định tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Hoa Kỳ cho đến khi nhận được một đảm bảo về việc chấm dứt theo dõi các nhà ngoại giao của mình và đại diện của Liên minh châu Âu.

“Không thể có bất kỳ cuộc đàm phán hoặc giao dịch trong bất cứ lĩnh vực nào cho đến khi nhận được sự bảo đảm (về chấm dứt theo dõi) cho cả nước Pháp, Liên minh châu Âu và cho tất cả đối tác của Mỹ”, ông Francois Hollande nói, trong chuyến công du của Tổng thống đến Lorient.

Tổng thống cũng cho hay, các nhà chức trách Pháp đã yêu cầu một lời giải thích từ phía Hoa Kỳ và chờ đợi thông tin từ phía đối tác. Ông Francois Hollande cũng yêu cầu phía Mỹ “ngay lập tức chấm dứt hoạt động gián điệp”.

“Chúng tôi được biết rằng, có một hệ thống được giám sát đặc biệt với mục đích chống khủng bố, nhưng tôi không nghĩ rằng nguy cơ lại tồn tại trong đại sứ quán của chúng tôi hoặc cơ quan đại diện của Liên minh châu Âu”, Tổng thống Pháp cho hay.

Còn Hy Lạp, nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng yêu cầu phía Mỹ làm rõ mọi nỗi “uẩn khúc” trong các tài liệu được giới truyền thông đưa ra.

“Trước hết, tôi không muốn bình luận về các thông tin của các nhà báo trên một vấn đề quan trọng như vậy mà không biết những thông tin cần thiết, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, Hy Lạp hoàn toàn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế về quản lý cơ quan ngoại giao và lãnh sự. Vì lý do này, chúng tôi không thể hiểu được các thông tin được báo chí nêu  về việc theo dõi, bao gồm cả cơ quan ngoại giao của Hy Lạp và một số đồng minh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hy Lạp Kutras nói.

Theo ông, chính quyền Hy Lạp sẽ xử lý một cách cẩn trọng với nội dung báo chí và các cuộc điều tra đã được bắt đầu bởi các nhà chức trách có thẩm quyền của Hy Lạp.

Ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, Kyodo đưa tin, Chính phủ Nhật Bản cũng đã yêu cầu phía Mỹ xác nhận chính thức các thông tin cho rằng đại sứ quán Nhật Bản là một trong số 38 cơ quan ngoại giao nước ngoài đã bị NSA nghe trộm.

Người Đức không đứng ngoài cuộc. Nếu những thông tin về việc tình báo Mỹ giám sát điện tử đối với các đối tác châu Âu là có thật, Đức sẽ có phản ứng thống nhất, như là một phần của Liên minh châu Âu.

Theo phát ngôn viên của Chính phủ Đức, Steffen Seibert, Chính phủ Đức đã tiếp nhận những thông tin đó với một thái độ rất bất ngờ, nhưng ông cũng thông báo rằng, Thủ tướng Đức Angela Markel trong tương lai gần sẽ thảo luận về vấn đế này với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Seibert cũng khẳng định, sự tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác là cần thiết cho việc ký kết một thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu về khu vực mậu dịch tự do mà vòng đàm phán đầu tiên được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng bảy ở Washington.

Đến lượt mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đáp trả sự “nổi giận” của các đồng minh về cáo buộc “theo dõi” và cho rằng, Hoa Kỳ không nhận thấy bất cứ điều gì “bất thường” trong việc thu thập thông tin về các nước khác, ông cho biết tại cuộc họp báo tại Brunei.

Nhưng nền kinh tế là quan trọng

Dù có xảy ra căng thẳng, nhưng theo các chuyên gia, vụ bê bối “nghe lén” do cơ quan tình báo Mỹ nhắm vào các quốc gia đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng của thỏa thuận về việc thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.

Ý tưởng về một khu vực mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã chính thức được công bố cuối tháng hai tại Hội nghị thượng đỉnh EU. Trước Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã chính thức công bố bắt đầu đàm phán về về một khu vực mậu dịch tự do.

“Lợi ích kinh tế mạnh hơn những tức giận của các nhà ngoại giao châu Âu, mặc dù tình hình là rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng, người Mỹ sẽ phải đi đến một số thỏa hiệp và cung cấp nhiều hơn cho châu Âu trong khuôn khổ liên minh kinh tế này. Cộng đồng châu Âu sẽ đòi hỏi một số đảm bảo nhất định về tính minh bạch.

Ngoài ra, trong khuôn khổ liên minh kinh tế này nhất thiết sẽ xuất hiện cấu trúc đối phó với an ninh máy tính”, Nikolai Zlobin, nhà phân tích chính trị Nga thuộc Trung tâm quyền lợi toàn cầu, cho hay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không loại trừ những “biến cố” ngoại giao giữa Brussels và Washington.

Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Euro-Atlantic, thành viên của Hội đồng về các vấn đề quốc tế của Nga, Anatoly Adamishin tin rằng, vụ bê bối gián điệp điện tử đối với các đối tác châu Âu, tạm thời có thể làm cản trở việc ký kết một khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ là Liên minh châu Âu, nhưng nói chung, quá trình này sẽ tiếp tục, “đây là cách thoát khỏi những khó khăn về kinh tế mà thường là sau cú sốc kinh tế nghiêm trọng”, Adamishin nói với Ria Novostia.

Ông cũng tin tưởng rằng, vụ bê bối không thể ép buộc Mỹ từ bỏ hoạt động gián điệp toàn cầu, “là vụ bê bối nghiêm trọng, nhưng tôi nghĩ rằng, gián điệp mạng của Mỹ sẽ không dừng lại việc theo dõi tất cả mọi người trên thế giới, bởi vì nó mang lại lợi ích kinh tế đáng kể”, ông nói.