In bài này
Làm thế nào Snowden phát giác bí mật của tình báo Mỹ?
Thứ Ba, 25/06/2013 - 10:10 PM
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden cho biết, anh ta xin vào làm việc cho công ty Booz Allen Hamilton là để tiếp cận thông tin mật, Snowden tiết lộ với tờ báo Hongkong Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) trong cuộc phỏng vấn được đăng tải ngày 25/6/2013.
Edward Snowden (YouTube)
Booz Allen Hamilton là công ty thực hiện các đơn đặt hàng của các cơ quan tình báo Mỹ.

Snowden đã xin vào làm ở vị trí quản trị hệ thống tại văn phòng của Booz Allen Hamilton ở quần đảo Hawaii với mục đích duy nhất là có được bằng chứng các cơ quan tình báo Mỹ đang tiến hành các chương trình theo dõi người dân. Snowden khẳng định, vị trí làm việc đã cho phép anh ta tiếp cận được danh sách các máy tính trên toàn thế giới bị Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA theo dõi.

Mùa xuân năm 2013, Snowden vào làm việc cho công ty Booz Allen Hamilton, hãng phụ trách thu thập dữ liệu các cuộc gọi điện thoại của người Mỹ và về nội dung trao đổi của người dùng Internet trên khắp thế giới, và làm việc ở đây gần 3 tháng. Một ngày sau khi tiết lộ các chương trình của tình báo Mỹ, Snowden đã bị sa thải khỏi công ty. Cuối tháng 5/2013, Snowden đến Hongkong ẩn náu và bay sang Moskva ngày 23/6/2013.

Ngày 24/6, Snowden định bay từ Moskva sang Havana. Anh ta đã đăng ký vé chuyến bay sang Cuba chiều 24/6, nhưng đã không đi chuyến này. Máy bay đã hạ cánh ở Havana sáng 25/6 mà không có Snowden. Luật sư của Wikileaks Sara Harrison, người đã cùng bay với Snowden đến Moskva cũng không dùng đến vé bay đi Havana.

Báo chí đưa tin, ở Moskva, Snowden đã gặp các nhà ngoại giao Ecuador và xin tị nạn chính trị ở nước này. Anh ta cũng đã thông qua Julian Assange, nhà sáng lập Wikileaks, xin tị nạn không chính thức ở Iceland và một số nước khác.

Chính quyền Mỹ, ngày 24/6, đã đe dọa Moskva và Bắc Kinh sẽ gánh chịu “những hậu quả” vì phớt lờ yêu cầu dẫn độ Snowden. Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định, hộ chiếu của Snowden đã bị hủy và yêu cầu các nước khác trao trả anh ta cho Mỹ. Theo Julian Assange, Snowden đang có những giấy tờ đặc biệt của người tị nạn do Ecuador cấp, cho phép anh ta vẫn có thể thoải mái đi qua biên giới các nước.

Edward Snowden, người làm việc cho CIA đến năm 2009, đang lẩn trốn chính quyền Mỹ vì bị cáo buộc cố ý tiết lộ thông tin mật về chương trình theo dõi người dân của tình báo Mỹ.

Giữa tháng 6, Snowden tiết lộ ở Mỹ đang tiến hành chương trình mật PRISM theo dõi người dùng Internet, cũng như hoạt động theo dõi khách hàng thuê bao điện thoại di động.

Chính quyền Mỹ khẳng định, các chương trình bị Snowden tiết lộ không vi phạm luật pháp và đang được ứng dụng hiệu quả để chống khủng bố.

Sau vụ tiết lộ, chính quyền Mỹ bắt đầu điều tra hình sự đối với US Investigations Services (USIS), công ty tuyển chọn nhân sự để làm việc với các bí mật nhà nước. Người ta tìm hiểu được rằng, khi nhận Snowden vào làm việc ở Booz Allen Hamilton, cả bản thân công ty này lẫn USIS đều không ưu ý đến việc thông tin trong tờ khai của Snowden không đúng sự thật. Chẳng hạn, trong tờ khai có những thông tin giả nói rằng, Snowden đã học ở Đại học Tổng hợp Johns Hopkins và Đại học Tổng hợp Liverpool.

Snowden đã bị cáo buộc phạm tội theo hai điều của luật về gián điệp năm 1917 là tiết lộ trái phép thông tin mật liên quan đến quốc phòng và cố tình chuyển giao thông tin của tình báo Mỹ cho những người thứ ba không có quyền nhận những thông tin đó. Ngoài ra, Snowdenу còn bị buộc tội đánh cắp tài sản của chính phủ Mỹ, mỗi tội kể trên có nguy cơ khiến Snowden ngồi tù 10 năm. Nay chính quyền Mỹ cáo buộc Snowden thêm tội làm gián điệp và vì những tội đó, Snowden có thể bị án tù chung thân ở Mỹ.

Hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn không biết chính xác Snowden nắm trong tay bao nhiêu tài liệu mang dấu mật chưa được công bố. Theo các quan chức Mỹ, Snowden làm việc tại hãng có hợp đồng với NSA và có quyền rộng rãi tiếp cận thông tin mật. Những thông tin này liên quan không chỉ đến NSA mà cả cơ quan do thám điện tử Anh GCHQ.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein đã nói với các phóng viên rằng, trong tay Snowden có thể có khoảng 200 tài liệu mật. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho rằng, khối lượng tài liệu thực sự nhiều hơn nhiều.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, Mỹ đang sử dụng tất cả các kênh để đưa Snowden về nước.

Mỹ đã yêu cầu Nga trục xuất Snowden về Mỹ, đồng thời đe dọa việc để Snowden rời khỏi Hongkong sẽ có ảnh hưởng xấu đến quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Hongkong.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ William Burns đã đàm phán với giới chức Nga về vấn đề dẫn độ Snowden.

Ngày 24/6, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đe dọa Nga và Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nếu không chịu dẫn độ Snowden. Nếu phát hiện ra Nga và Trung Quốc “cố ý cho phép (Snowden) lên máy bay” thì điều đó sẽ gây “thất vọng sâu sắc” và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Mỹ với các nước này. Ông Kerry hy vọng, Moskva sẽ đáp lễ Mỹ vì trước đây hai năm, họ đã trao cho Nga 7 tù nhân.

Theo một số nguồn tin, Snowden vẫn ở lại khu quá cảnh của sân bay Sheremetevo. Trong khi đó, có tin Ecuador đã cấp giấy tờ tị nạn cho Snowden, nhưng điều đó không có nghĩa anh ta sẽ được tị nạn chính trị ở nước này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng, Nga không có liên quan gì với Snowden và sự di chuyển của anh ta trên thế giới, ông chỉ biết kế hoạch của Snowden bay đến Nam Mỹ qua Moskva từ báo chí. Ông Lavrov cho biết, cựu nhân viên CIA bỏ trốn chưa đi qua biên giới Nga và cho rằng, những nỗ lực cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận quốc tế nào đó là vô căn cứ và hoàn toàn không thể chấp nhận. Các quan chức Mỹ không có lý do pháp lý để hành động như thế và lập trường của Nga về vấn đề này đã được thông báo cho Mỹ.

Tại Nga, có ý kiến cho rằng, Snowden vẫn đang ở Moskva và Nga sẽ không giao nộp anh ta cho Mỹ.

VP