In bài này
Snowden lên đường chạy trốn
Chủ Nhật, 23/06/2013 - 5:56 PM
Edward Snowden đã rời Hongkong bay sang Nga. Liệu cựu điệp viên này có thoát khỏi tay tình báo Mỹ? Snowden tìm được nơi ẩn náu an toàn ở Nga, Cuba, Iceland hay Nam Mỹ?
Edward Snowden: Anh hùng hay kẻ phản bội? Snowden bị buộc tội theo hai điều của luật về gián điệp năm 1917 là tiết lộ trái phép thông tin mật liên quan đến quốc phòng và cố tình chuyển giao thông tin của tình báo Mỹ cho những người thứ ba không có quyền nhận những thông tin đó. Ngoài ra, Snowdenу còn bị buộc tội đánh cắp tài sản của chính phủ Mỹ, mỗi tội kể trên có nguy cơ khiến Snowden ngồi tù 10 năm.

Edward Snowden, cựu điệp viên của NSA/CIA), người tiết lộ hoạt động nghe lén, theo dõi điện tử của tình báo Mỹ, đã rời Hongkong bay đi Moskva, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) cho hay hôm 23/6/2013.

Chính quyền Hongkong đã chính thức thông báo cho Mỹ biết Snowden đã rời khỏi Hongkong và nhấn mạnh, Snowden đã bay “sang một nước thứ ba theo ý nguyện của mình” và sử dụng “các kênh hợp pháp”.

Trước đó, Nga đã lên tiếng khẳng định có thể xem xét nếu Snowden có đơn xin tị nạn chính trị tại Nga. Trước khi bay đi, Snowden tiết lộ, tình báo Mỹ đã đột nhập mạng của các công ty điện thoại di động Trung Quốc và chặn thu tin nhắn của người dùng.

Snowden bay đến Nga trên chuyến bay thương mại SU213 của công ty Aeroflot và sẽ bay đến sân bay Sheremetevo. Tuy nhiên, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết thêm là Moskva có thể không phải là điểm đến cuối cùng của Snowden. Sau đó, anh ta có thể bay tiếp đến Iceland hoặc Ecuador hay Cuba.

Bản thân Snowden trước đó đã nói đến ý định “xin tị nạn chính trị ở bất cứ nước nào tin vào tự do ngôn luận và phản đối việc xâm hại sự bất khả xâm phạm đời tư” mà một ví dụ anh ta nêu ra là Icenland. Nhưng chính quyền Iceland nói là để làm thế, anh ta cần phải có mặt ở lãnh thổ nước này còn ở Hongkong không có cơ quan đại diện của Iceland.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov cũng đã nói Moskva cũng sẵn sàng xem xét đơn xin tị nạn chính trị của Snowden nếu có. Sau đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, chưa nhận được đơn xin chính thức của Snowden, song xác nhận Nga sẵn sàng xem xét đơn.

Chính phủ Ecuador cũng có thể xem xét vấn đề cấp quy chế tị nạn cho Snowden. Ngoại trưởng nước này, ông Ricardo Patiño nói, “nếu như anh ta muốn xin chính phủ Ecuador cho tị nạn, anh ta có thể làm việc đó và chúng tôi tất nhiên sẽ phân tích”. Ông Patiño khẳng định, đơn xin của Snowden nếu có cũng sẽ được xem xét đúng như đã làm với nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, người đang ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở London.

Sau khi Mỹ yêu cầu Hongkong dẫn độ Snowden sau khi ban hành lệnh bắt tạm thời ngày 14/6/2013, nhân vật này tiếp tục đưa ra những cáo giác mới. Snowden tiếp tục đưa ra những cáo giác mới về chuyện tình báo Mỹ theo dõi tin nhắn của công dân Trung Quốc.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden khẳng định rằng, các nhân viên NSA đang theo dõi trao đổi tin nhắn của công dân Trung Quốc bằng cách xâm nhập mạng của các công ty viễn thông Trung Quốc, tờ South China Morning Post ngày 23.6.2013 đưa tin.

“NSA đang làm nhiều thứ, chẳng hạn như xâm nhập các công ty liên lạc di động Trung Quốc để đánh cắp toàn bộ dữ liệu về các tin nhắn sms của các bạn”, Snowden nói và cho biết, anh ta đang nắm giữ các chứng cứ đó.

Tin nhắn sms là một trong những phương tiện liên lạc phổ dụng nhất ở Trung Quốc. Năm 2012, ở Trung Quốc, đã có 900 tỷ tin nhắn văn bản được gửi đi. Công ty China Mobile với 735 triệu thuê bao là nhà mạng di động lớn nhất thế giới.

Snowden còn cung cấp cho South China Morning Post các tài liệu xác nhận các cuộc tấn công nhiều lần của tình báo Mỹ vào các mục tiêu ở Trung Quốc. Ví dụ, bị tấn công có các máy chủ của Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đang nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm 2009, các nhân viên NSA đã đột nhập các máy tính của công ty viễn thông Pacnet có trụ sở ở Hongkong.

Rõ ràng là Snowden đã buộc phải rời Hongkong bay đi Moskva để tránh rơi vào tình huống anh ta không thể rời Hongkong đi trốn dưới áp lực của Mỹ.

Một nguồn tin thân cận với Snowden thì tiết lộ, Snoden chắc chắn sẽ bay đi Cuba. “Anh ta sẽ không lưu lại Moskva. Anh ta đã đề cập phương án quá cảnh tiếp đến Cuba”, nguồn tin nói, song cho biết quyết định cuối cùng sẽ do cá nhân Snowden đưa ra. “Snowden có thể ở lại Moskva một ngày đêm. Anh ta đã tự đặt một phòng ở khách sạn. Chắc chắn, anh ta sẽ nghỉ lại Moskva một ngày đêm. Dù sao thì anh ta cũng đã nói thể. Chính xác anh ta sẽ quyết định bay từ Moskva đi đâu thì không rõ. Cũng có thể anh ta muốn ở lại Nga”, nguồn tin nói.

Nguồn tin cũng nói rằng, Snowden “sẽ bay đến Moskva hôm nay bằng chuyến bay SU213 từ Hongkong, còn ngày mai, 24/6, anh ta sẽ bay chuyến SU150 đến Havana <...> Ngày mai, anh ta sẽ bay từ Havana đến Caracas”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Snowden có thể quá cảnh Moskva.

Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Nga về quan hệ quốc tế Aleksei Pushkov cho rằng, ý định của Snowden tị nạn chính trị ở Venezuela là hợp lý.

“Xin tị nạn ở một nước NATO (Iceland) ngay từ đầu tôi đã cảm thấy không hợp lý. Cuba hay Venezuela xem ra hợp lý hơn. Liên quan đến Nga, tôi chỉ có thể nhắc lại rằng, các đại diện lãnh đạo Nga đã nói rằng, nếu Snowden gửi đơn xin tị nạn chính trị, lãnh đạo Nga sẽ xem xét”, ông Pushkov nói.

Theo ông Pushkov, vấn đề cho một người như Snowden tị nạn là “không đơn giản bởi vì rõ ràng Mỹ sẽ coi đó là không thiện chí”. “Điều cũng đáng chú ý là Snowden hoặc là không xin Trung Quốc cho tị nạn, hoặc là Trung Quốc đã quyết định không cho anh ta tị nạn bởi vì nếu không anh ta đã không rời lãnh thổ Trung Quốc. Nhiều thứ phụ thuộc vào tình trạng quan hệ của một quốc gia mà rong trường hợp này là với Mỹ, và cả vào nguyện vọng của chính Snowden”, ông Pushkov nói.

Ông Pushkov không cho rằng, nếu Nga cho Snowden tị nạn, điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Nga-Mỹ.

“Quan hệ chính trị là một chuyện, còn câu chuyện tình báo lại là chuyện khác. Bởi lẽ chỉ mới đây, ở Moskva đã tóm được một gián điệp Mỹ đội tóc giả với 3 đôi kính và anh ta đã bị trục xuất khỏi Nga. Và mặc dù anh ta làm gián điệp, điều đó cũng chẳng gây tổn hại quá lớn cho quan hệ Nga-Mỹ. Tháng 1/2013, một tình báo viên Mỹ khác đã bị trục xuất khỏi Moskva. Nó cũng không gây tổn thất cho quan hệ, bởi vậy, theo dôi, ở đây cần phân biệt sự khác nhau, có quan hệ chính trị và có quan hệ liên quan đến khai thác thông tin”, ông Pushkov nhận định.

“Tôi cảm thấy là dù kết cục ra sao, Mỹ cũng không nên biến nó thành một scandal chính trị lớn, chúng ta có không ít hơn cơ sở để biến các câu chuyện gián điệp liên quan đến hoạt động của Mỹ thành scandal, nhưng chúng ta không làm việc đó”, ông Pushkov kết luận.

Được biết, các cơ quan công lực Nga không có yêu sách gì đối với Snowden và không định bắt giữ anh ta tại sân bay Moskva. Mặc dù, em trai của doanh nhân Nga - lái buôn tử thần Viktor But đang ngồi tù 25 năm tại Mỹ đã kêu gọi chính quyền Nga bắt giữ Snowden để đổi lấy Viktor But. Sau đó, ngay cả lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky cũng cho rằng, cần phải đem Snowden đổi lấy doanh nhân Nga chịu án ở Mỹ Viktor But. “Bất kể thế nào cũng chớ trục xuất Snowden về Mỹ, mà phải đổi lấy Viktor But và Konstantin Yaroshenko. Thêm cả tướng Oleg Kalughin thì lý tưởng”, ông Zhirinovsky viết trên blog của mình trên trang Twitter.

Theo tin mới nhất thì chiếc máy bay của Aeroflot chở Snowden từ Hong Kong đến Moskva đã hạ cánh ở Sheremetevo. Chuyến bay SU213 Hongkong-Moskva đến đích vào lúc 17 giờ 05 (giờ Moskva).

Một hành khách cùng chuyến kể rằng, có thể Snowden đã được một chiếc ô tô biển số ngoại giao đón ở cầu thang máy bay. Còn tờ RIA Novosti cho biết, một ô tô của sứ quán Ecuador cắm quốc kỳ nước này đã được phát hiện ở sân bay Sheremetevo, tại ga F, nơi Snowden bay đến. Tờ Kommersant thì cho biết, chờ đón Snowden còn có một ô tô nữa, có lắp đèn chớp, biển số АМР 929 97 của Cơ quan An ninh liên bang Nga FSB.Đám đông phóng viên vẫn tiếp tục chờ Snowden ở ga F, nơi chiếc máy bay từ Hongkong hạ cánh.

Trang twitter của Wikileaks cho biết, các đại diện của Wikileaks đã giúp Snowden xin được tị nạn chính trị tại một quốc gia dân chủ , hỗ trợ làm giấy tờ đi đường và an toàn rời khỏi Hongkong. Nữ trợ lý của ông chủ Wikileaks Julian Assange là Sara Harrison đã đi cùng Snowden từ Hongkong đến Moskva.

Một nguồn tin ở Aeroflot cho biết, đã có các vé máy bay đăng ký tên Snowden đi 2 chuyến bay mã số HAV và CCS, tương ứng với tuyến bay Moskva-Havana và Havana-Caracas.

Một nguồn tin gần gũi với Snowden thì tiết lộ, Snowden không có visa vào Nga nên anh ta  sẽ chờ đợi chuyến bay đi Havana, Cuba mà không rời khu vực quá cảnh, tức là về hình thức thì không ở trên lãnh thổ Nga, do đó, dù muốn cũng không thể bắt anh ta. Nếu quả thực Snowden sẽ bay đi Havana thì anh ta sẽ phải chờ nhiều giờ nữa tại khu vực quá cảnh vì chuyến bay U150 Moskva-Havana của Aeroflot cất cánh lúc 14 giờ 05 giờ Moskva ngày thứ hai, 24/6/2013.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp Mỹ, bà Nanda Chitre tuyên bố, Mỹ dự định hợp tác pháp lý với các nước về vụ Snowden. Bà Chitre cho biết, chính quyền Mỹ sẽ thảo luận tình hình xung quanh vụ Snowden với chính quyền Hongkong mà trước đó Mỹ đã yêu cầu dẫn độ Snowden. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề với Hongkong và tìm cách hợp tác pháp lý với các nước mà Snowden có thể tới”, bà Chitre nói.


VP