In bài này
Ấn Độ quyết xây dựng hệ thống do thám Internet
Chủ Nhật, 23/06/2013 - 11:18 AM
Ngay cả khi chương trình do thám mạng PRISM của Mỹ đang rung hồi chuông báo động trên khắp thế giới thì Ấn Độ vẫn đang trong quá trình thiết lập một chương trình tương tự để thu thập tin tình báo thông qua mạng Internet tại nước này.
Tờ The Hindu đưa tin chính phủ Ấn Độ đang xây dựng một bộ máy tập trung để điều phối và phân tích thông tin thu được từ các tài khoản Internet trên khắp Ấn Độ. Bộ máy này sẽ được gọi là Trung tâm Điều phối mạng quốc gia NCCC (National Cyber Coordination Centre).

“Cơ quan liên bang làm nhiệm vụ quét Internet sẽ cung cấp cho các cơ quan công lực khả năng tiếp cận trực tiếp tới tất cả các tài khoản Internet, dù đó là các e-mail, blog hay dữ liệu mạng xã hội của bạn”, tờ Hindu viết khi nói đến NCCC.

Một tài liệu mật mà The Hindu có được giải thích về NCCC như sau:

“NCCC sẽ thu thập, tích hợp và quét [Internet] dữ liệu lưu chuyển từ các bộ định tuyến cổng khác nhau của các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn tại một vị trí tập trung để phân tích, lưu lượng cổng quốc tế và cổng nội địa sẽ được tập hợp riêng biệt… NCCC sẽ đưa ra đánh giá thời gian thực về các mối đe dọa an ninh mạng ở trong nước và tạo ra các báo cáo/cảnh báo có ứng dụng thực tế cho các hành động tích cực của các cơ quan liên quan”.

NDTV thì lại đưa tin rằng, NCCC sẽ không nhằm vào cá nhân mà thay vào đó là tìm cách đánh giá các mối đe dọa đối với hạ tầng mạng của Ấn Độ nói chung.

“Hệ thống mới sẽ tìm kiếm luồng dữ liệu bất thường để nhận dạng và đánh giá các mối đe dọa mạng và không phải là dữ liệu cá nhân” NDTV dẫn lời các quan chức chính phủ giấu tên.

Tờ Hindustan Times thì đưa tin, chính quyền Ấn Độ từ lâu đã sử dụng siêu dữ liệu để theo dõi các mối đe dọa mạng tiềm tàng trong nước. Chương trình không cho phép Ấn Độ tiếp cận nội dung thực tế mà là tìm kiếm “các hình mẫu hành vi trong các thư điện tử, cuộc gọi điện thoại và tin nhắn được gửi và chuyển đi”.

Hiện chưa rõ, NCCC sẽ mở rộng thẩm quyền này đến mức nào và bằng cách nào nếu có.

Một mục đích mà NCCC sẽ cố gắng thực hiện là điều phối các hoạt động khác nhau của các cơ quan chính phủ có yếu tố an ninh mạng.

Trong bài phát biểu tháng trước, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã ám chỉ đến NCCC sắp ra đời, “Chúng ta đang sử dụng hạ tầng quốc gia cho an ninh mạng và đã thực hiện các bước nhằm tạo ra một cơ quan điều phối an ninh mạng quốc gia”.

Trong số các cơ quan được cho là sẽ tham gia NCCC là Ban thư ký Ủy ban An ninh quốc gia NSCS, Cục Tình báo IB, Cục Tình báo nghiên cứu và phân tích RAW, Trung tâm Ứng cứu máy tính Ấn Độ CERT-In, Tổ chức Nghiên cứu kỹ thuật quốc gia NTRO, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO, DIARA, Cục Viễn thông và các quân chủng của quân đội Ấn Độ.

Ngoài các cơ quan chính phủ, NCCC sẽ dựa nhiều vào sự hợp tác với khu vực tư nhân. The Hindu cho hay, NCCC “sẽ có sự liên hệ ảo với phòng điều khiển của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet để quét dữ liệu lưu chuyển trong nước đến đầu vào và đầu ra, kể cả cổng quốc tế”.

Quân đội Ấn Độ cũng đang trong quá trình xây dựng một bộ chỉ huy riêng về các vấn đề mạng. Cuối tháng 5/2013, Bộ trưởng Quốc phòng A. K. Antony đã cho biết, quá trình thành lập bộ chỉ huy tác chiến mạng đã ở những giai đoạn cuối. Ông cho biết thêm rằng, trong khi chính phủ có các cơ quan khác để lo các vấn đề an ninh mạng, bộ chỉ huy tác chiến mạng của quân đội sẽ quan tâm nhiều hơn đến tác chiến mạng.

Delhi cũng đang ngày càng lo ngại trước các mối đe dọa an ninh mạng từ nước ngoài. Một báo cáo do một công ty an ninh máy tính đưa ra đầu tháng này cho biết, Ấn Độ là một mục tiêu chính của hoạt động gián điệp mạng Trung Quốc.

Tuy nhiên, bộ máy an ninh mạng mở rộng của Ấn Độ nhiều khả năng cũng phải đối phó với sự lo ngại từ những người đề xướng tự do Internet. Tuy có vị trí là nền dân chủ lớn nhất thế giới, Ấn Độ vẫn thường bị chỉ trích do chế độ kiểm duyệt và giám sát Internet, nhất là từ khi họ ban hành Đạo luật Công nghệ thông tin ITA (Information Technology Act) vào năm 2008, mở rộng thẩm quyền của chính phủ Ấn Độ trong việc giám sát và kiểm duyệt Internet.

Delhi cũng bị chỉ trích vì cố gắng buộc các website như Google và Facebook kiểm duyệt trước các nội dung do người dùng ở Ấn Độ đưa lên.

VP