In bài này
Bại lộ chương trình theo dõi internet của tình báo Mỹ
Thứ Bẩy, 08/06/2013 - 8:24 AM
Báo chí tố giác 9 đại gia internet cộng tác với tình báo Mỹ theo dõi người dùng mạng. Đó là các hãng Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube, Apple.
Theo Washington Post, trong khuôn khổ chương trình mật PRISM, NSA và FBI đã truy cập trực tiếp các máy chủ của Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube, Apple để thu thập các dữ liệu âm thanh, video, ảnh, thư điện tử, tài liệu và các bản ghi kết nối các trang mạng cho phép tình báo Mỹ “trong khoảng thời gian nhất định theo dõi sự di chuyển và các mối quan hệ của những người khác nhau”.

Phát giác chấn động

Hôm 6/6/2013, The Washington Post đã viết rằng, Cục An ninh Quốc gia NSA và Cục Điều tra Liên bang FBI của Mỹ có khả năng truy cập trực tiếp vào các máy chủ của các công ty internet Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube, Apple. Tờ báo cũng tiết lộ tên của chương trình giám sát bí mật internet của chính phủ Mỹ có mật danh là PRISM.

PRISM bị phát giác do sự rò rỉ thông tin từ NSA khi 41 trang trình chiếu (slile) về chương trình PRISM đã lọt vào tay tờ  The Washington Post. Tài liệu này tiết lộ, NSA coi PRISM là nguồn tư liệu ban đầu chủ chốt và sau đó được tham khảo trong 1/7 các báo cáo tình báo. Theo The Washington Post thì “đang có sự gia tăng yêu cầu thông tin của các cơ quan quyền lực Mỹ liên quan đến Facebook và Skype”.

PRISM dựa trên “tàn tích” của chương trình bí mật do thám trong nước không có giấy phép của tòa án do Tổng thống Bush hạ lệnh tiến hành từ năm 2007. Sau khi bị báo chí phát hiện và những đơn kiện ầm ĩ, tòa án đã buộc Tổng thống Bush tìm ra cơ sở pháp lý mới cho hoạt động này.

Đó là 2 đạo luật: Protect America Act 2007 và The FISA Amendments Act được ký vào năm 2008, theo đó các công ty tư nhân có thể tự nguyện hợp tác với các cơ quan quyền lực Mỹ. Các nghị sĩ chỉ trích tuy biết về PRISM, nhưng lại không có quyền tiết lộ thông tin về nó.
Microsoft bắt đầu cung cấp thông tin từ ngày 11/9/2007, Yahoo - từ 12/3/2008, Google - từ 14/1//2009, Facebook - từ 3/6/2009, PalTalk - từ 7/12/2009, YouTube - từ 24/9/2010, Skype - từ 6/2/2011, AOL - từ 31/3/2011, Apple - từ tháng 10/2012. Báo cáo do The Washington Post tiết lộ cho biết, 98% thông tin là do Yahoo, Google và Microsoft cung cấp.

Các nhà phân tích của một cơ quan tình báo Mỹ trong một các báo cáo được công bố có nói rằng: “Chúng ta phải bảo đảm là chúng ta sẽ không gây tổn hại cho các nguồn tin này”. Báo cáo cho biết, PRISM có kế hoạch hợp tác với cả kho dữ liệu đám mây Dropbox. Twitter không có mặt trong danh sách vì dịch vụ này chính thức bán thông tin của mình cho bất kỳ khách hàng nào có khả năng chi trả.

Bên cạnh đó, một bài báo khác của The Washington Post cho hay, các cơ quan đặc vụ Mỹ không có quyền truy cập trực tiếp các máy chủ mà chỉ gửi các yêu cầu đến công ty. Tờ báo khẳng định, chương trình quả thực đã được tòa án cho phép và tập trung vào thông tin Internet của nước ngoài đi qua các máy chủ ở Mỹ. Năm 2004-2007, chính quyền Bush đã thuyết phục được các thẩm phán liên bang cho phép theo dõi ở hình thức hoàn toàn mới.

Cần lưu ý là Julian Assange, chủ trang Wikileaks, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Russia Today đã không phải ngẫu nhiên khi gọi Facebook (cũng như Google và Yahoo) là “cỗ máy gián điệp”. Assange cho biết, Facebook cung cấp giao diện của mình cho các cơ quan tình báo. Đáng chú ý là ngay cả CIA cũng lo ngại sự theo dõi của Google. Bản hướng dẫn điệp viên thu được ở điệp viên CIA Fogle bị bắt ở Moskva vừa qua cho thấy, CIA biết có sự theo dõi từ phía Google.

Sự biện minh của tình báo và chính quyền Mỹ
 
Một nguồn tin ở Nhà Trắng cho biết, chương trình PRISM chỉ liên quan đến người nước ngoài sống bên ngoài nước Mỹ.

“Thông tin thu thập được trong khuôn khổ chương trình này nằm trong số những tin tức tình báo quan trọng và giá trị nhất mà chúng tôi đang thu thập và nó đang được sử dụng để bảo vệ đất nước chúng ta trước những mối đe dọa rộng lớn”, một quan chức chính phủ cao cấp Mỹ bình luận vụ bê bối theo dõi Internet.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cũng đã lên tiếng thanh minh rằng, chương trình đặc biệt PRISM nhằm thu thập thông tin trên mạng chỉ liên quan đến người nước ngoài sống bên ngoài nước Mỹ.

James Clapper còn tuyên bố, sự rò rỉ lên báo chí quyết định của tòa án Mỹ về PRISM đe dọa các lợi ích của Mỹ,. “Việc công bố trái phép tài liệu tuyệt mật của tòa án Mỹ có nguy cơ gây tổn thất dài hạn và không thể đảo ngược đối với khả năng của chúng ta nhận dạng và đáp lại nhiều mối đe dọa mà nước ta đang gặp phải”, ông Clapper nói.

Trùm tình báo Mỹ cũng tức giận vì Guardian đã không thông tin về thủ tục sử dụng thông tin mật và nhiều “biện pháp phòng ngừa” bảo vệ quyền dân sự và sự bất khả xâm phạm đời tư. Ông Clapper viết rằng, chương trình theo dõi đã được cả ba nhánh quyền lực Mỹ thông qua để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Tòa án cũng đã chấp thuận phương pháp thu thập thông tin vốn cũng đang được kiểm soát chặt chẽ. Nay tình báo Mỹ đã quyết định giải mật một phần thông tin để giải thích chương trình PRISM hoạt động như thế nào.

Theo ông Clapper, chương trình PRISM không cho phép nghe lén các cuộc gọi và không bao gồm dữ liệu của những người gọi điện, mà chỉ thu thập các dữ liệu điện thoại ảo như số máy điện thoại. Việc hạn chế chương trình sẽ làm giảm khả năng của tình báo Mỹ chặn thu liên lạc của bọn khủng bố.

“Theo quyết định của tòa án, chính phủ bị cấm lùng sục không lựa chọn dự liệu điện thoại ảo thu được nhờ chương trình”, ông Clapper cho biết thêm. Ngoài ra, chỉ có một số ít bản ghi được xem qua, chỉ một lượng người hạn chế làm công việc chống khủng bố là có quyền tiếp cận chúng, ông Clapper nhấn mạnh.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ điều phối hoạt động của toàn bộ cộng đồng tình báo Mỹ gồm 16 cơ quan tình báo, trong đó có CIA, NSA, FBI...




và sự phủ nhận của các đại gia Internet

Các đại gia Internet lớn nhất trên thị trường Mỹ và thế giới đã vội vã bác bỏ thông tin nói các cơ quan chính phủ Mỹ không có quyền truy cập trực tiếp các máy chủ của họ. Làm việc này trước tiên là mạng xã hội Facebook khi họ khẳng định các cơ quan tình báo Mỹ không có quyền truy cập đó. Còn Google viện ra chính sách bảo mật của mình không cho phép cung cấp cho ai khác quyền truy cập trực tiếp đến các máy chủ. Sau đó, Apple và Microsoft cũng đưa ra tuyên bố tương tự và khẳng định họ hoàn toàn chưa từng nghe thấy gì về chương trình PRISM.

Khẳng định các cơ quan chính phủ Mỹ không có quyền truy cập trực tiếp các máy chủ của Facebook, đại diện Facebook nói :“Bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng là ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi. Chúng tôi không cung cấp cho bất cứ tổ chức chính phủ nào quyền truy cập trực tiếp các máy chủ. Khi chúng tôi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về những người cụ thể, chúng tôi kiểm tra các yêu cầu này về tính hợp pháp và cung cấp thông tin ở mức độ được quy định bởi pháp luật”.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy gì về PRISM. Chúng tôi không cho phép các cơ quan chính phủ truy cập trực tiếp các máy chủ của chúng tôi, nên bất cứ cơ quan nào đòi hỏi thông tin người dùng thì trước hết cũng phải có được lệnh của tòa án”, đại diện Apple, ông Steve Dowling nói.

Tuyên bố của Microsoft thì nói rằng, nếu như “chính phủ (Mỹ) thật sự có một chương trình thu thập thông tin người dùng ở quy mô quốc gia vì mục đích an ninh thì chúng tôi cũng không tham gia vào đó”.

5 điều bạn cần biết về PRISM

Bài báo chấn động trên The Washington Post cho biết, một chương trình bí mật của chính phủ Mỹ có mật danh PRISM đã do thám hàng triệu người Mỹ bằng cách truy cập theo dõi lén 9 công ty Internet của Mỹ.
 
Microsoft, Google, YouTube, Facebook, Apple đều lên tiếng bác bỏ sự dính líu của họ với chương trình PRISM của NSA/FBI thu thập thông tin người dùng.


Một bản tin khác của NBC Nightly News cho hay, theo Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) sau ngày 11/9/2011, chính phủ Mỹ đã và đang ghi lén các cuộc gọi điện thoại ở Mỹ.

1. NSA và FBI theo dõi 9 công ty Internet của Mỹ


Theo The Washington Post, tờ báo đã lấy được các tài liệu mật, NSA và FBI đã truy cập theo dõi lén các máy chủ nội bộ của 9 đại công ty Internet của Mỹ. NSA/FBI đã nhận được dữ liệu âm thanh, video, ảnh, thư điện tử, tài liệu và các bản ghi kết nối giúp họ theo dõi vị trí và các mối quan hệ của các cá nhân trong một khoảng thời gian.

2. PRISM được thiết lập vào năm 2007
 

Đây là lần đầu tiên PRISM bị tiết lộ công khai. Chương trình được chính thức xác lập vào năm 2007 và phát triển “theo cấp số nhân” trong 6 năm sau đó mặc dù cả hai chính quyền Obama và Bush đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì xâm phạm quyền tự do của dân Mỹ. PRISM bí mật đến nỗi các nghị sĩ Mỹ biết về chương trình này cũng hoàn toàn không thể hé môi về nó mặc dù có nhiều tranh cãi về ranh giới mờ nhạt giữa sự theo dõi của chính phủ và quyền riêng tư của người Mỹ.

3. Sự cáo giác xảy ra một ngày sau khi nổ ra vụ bê bối NSA/Verizon

Việc tiết lộ PRISM xảy ra ngay sau những thông tin nói về một lệnh theo dõi gây tranh cãi. Thông tin cho hay NSA đã hợp tác với hãng điện thoại di động Verizon thu thập thông tin về tất cả các cuộc gọi của 116 triệu khách hàng của Verizon từ năm 2006. Bào chữa cho hành động này, Tổng thống Obama nói đây là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

4. Obama ủng hộ PRISM, nhưng phản đối chương trình giám sát không giấy phép của Bush
 
PRISM cũng giống như một chiến dịch tương tự do Tổng thống George W. Bush ra lệnh tiến hành sau các cuộc tấn công khủng bố củ al-Qaeda ngày 11/9/2001. Việc theo dõi này được mô tả là vừa “gây tranh cãi” và “không có giấy phép”. Mặc dù, ban đầu cũng chỉ trích chương trình này, nhưng chính Obama chịu trách nhiệm về “sự tăng trưởng theo cấp số nhân” của nó.

5. Danh sách các công ty hợp tác với PRISM
 
Washington Post

Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, AOL, Skype, YouTube và Apple đã tham gia chương trình trong nhiều năm. Dropbox hiện chưa chính thức tham gia, nhưng có tin đồn chẳng bao lâu nữa, họ cũng sẽ tham gia. Theo biểu đồ trên, tham gia đầu tiên là Microsoft, vào ngày 11/9/2007. Tiếp sau đó là Yahoo khi tham gia vào tháng 2/2008. Google, Facebook và PalTalk đều nhập cuộc vào năm 2009, trong khi Youtube là công ty duy nhất tham gia PRISM vào năm 2010. Skype và AOL tham gia vào năm 2011, còn Apple gia nhập cuối cùng vào năm 2012. Theo The Washington Post, Apple không chịu gia nhập chương trình trong hơn 5 năm cho đến khi gia nhập vào năm 2012. Điều thú vị là Twitter không bị liệt kê là một thành viên chương trình. Washington Post lưu ý là Twitter rất coi trọng thông tin người dùng và đây có thể là nguyên nhân mà công ty này không được liệt kê là thành viên của PRISM.

Theo CNBC, Apple đã nói không hề nghe đến PRISM. Còn phát ngôn viên của Google nói: “Google rất quan tâm đến an toàn dữ liệu người dùng của chúng tôi. Chúng tôi tiết lộ thông tin người dùng cho chính phủ theo luật, và chúng tôi đánh giá tất cả các yêu cầu như thế một cách cẩn trọng. Thi thoảng có người quy kết chúng tôi đã tạo “cửa hậu” (back door) cho chính phủ xâm nhập các hệ thống của chúng tôi, nhưng Google không có “cửa hậu” để chính phủ tiếp cận dữ liệu riêng tư của người dùng”











Khơi mào cho vụ scandal PRISM là tờ báo Anh The Guardian khi đăng tải quyết định bí mật của tòa án, theo đó các cơ quan tình báo Mỹ , cụ thể là NSA được quyền tiếp cận thông tin các cuộc gọi của tất cả khách hàng của hãng điện thoại di động lớn nhất Mỹ Verizon.  Các tổ chức xã hội coi đây là sự xâm nhập đời tư công dân chưa từng có. Trước đó, người ta cho rằng, chính quyền chỉ theo dõi các cuộc gọi của các nghi can phạm tội.

Ngoài ra, tờ The Guardian cũng tiết lộ, tất cả các công ty Internet lớn nhất, trong đó có Google, Facebook, Microsoft đều cho phép cộng đồng tình báo Mỹ tiếp cận các máy chủ của mình.

(Còn tiếp)

VP