In bài này
Gián điệp mạng Trung Quốc đánh cắp bí mật lá chắn tên lửa Mỹ
Thứ Ba, 28/05/2013 - 5:51 PM
Các tin tặc Trung Quốc trong một số cuộc tấn công mạng đã đánh cắp thông tin thiết kế của nhiều hệ thống phòng thủ cấu thành nền tảng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, báo cáo của Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng Mỹ DSB viết.
THAAD (armorama.com)
Báo cáo này sẽ được đệ trình Bộ Quốc phòng, Chính phủ và lãnh đạo các công ty quốc phòng Mỹ. Tất cả những dữ liệu đánh cắp này có thể được Trung Quốc sử dụng khi phát triển các hệ thống quân sự của họ.

Theo báo cáo được soạn thảo cho Lầu Năm góc, đã lọt vào tay tin tặc là thông tin và bản vẽ thiết kế các hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3, các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và hệ thống thông tin-chỉ huy chiến đấu đa năng trên hạm Aegis.

Ngoài ra, bị đánh cắp còn có thông tin về các dự án tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet, máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey, trực thăng đa nhiệm UH-60 Black Hawk, tàu chiến tàng hình LCS và tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35.

Báo cáo cũng nêu những thông tin về các thiết kế bị đánh cắp (không rõ các thiết kế bị đánh cắp toàn bộ hay chỉ một số phần của chúng) trong những năm gần đây. Cụ thể, lần đầu tiên người ta biết đến việc rò rỉ thông tin về F-35 từ tháng 1/2007.

Điều thú vị là DSB đã không trực tiếp đổ tội đánh cắp thông tin cho tin tặc Trung Quốc, tuy nhiên lãnh đạo các công ty quốc phòng Mỹ và các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, ở đây chính là nói đến chiến dịch của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật quân sự Mỹ.

Đầu tháng 5/2013, có tin các tin tặc Trung Quốc trong một số cuộc tấn công mạng đã đánh cắp của nhiều công ty Mỹ những thông tin giá trị liên quan đến các dự án tương lai. Các cuộc tấn công đã tiếp diễn trong những năm 2007-2010. Trong số các mục tiêu bị tấn công có công ty Qinetiq North America, hãng phát triển robot và các hệ thống vệ tinh do thám. Theo các nhà phân tích, đứng sau các cuộc tấn công này có thể là nhóm tin tặc Comment Crew ở Thượng Hải.

Tháng 1/2013, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch tăng 5 lần quân số các đơn vị an ninh mạng. Hiện nay, lực lượng này có 900 người, và dự kiến quân số sẽ tăng lên đến 4.900 người. Nhờ tăng quân số, Bộ chỉ huy Tác chiến mạng CYBERCOM thuộc Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ sẽ có thể ngăn chặn hiệu quả hơn các cuộc tấn công vào các mạng máy tính của Mỹ, trong đó có các mạng thông tin của Lầu Năm góc.

Ngoài ra, báo cáo mới nhất của Ủy ban phụ trách các vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ của Mỹ (IPC) cho thấy các vụ vi phạm hiện lớn chưa từng thấy và gây thiệt hại khoảng 300 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, tội phạm từ Trung Quốc chiếm 50-80% với thủ đoạn chủ yếu là xâm nhập vào hệ thống dữ liệu của các công ty, tổ chức để đánh cắp thông tin và công nghệ.

Báo cáo được đưa ra chỉ vài tuần trước khi diễn ra cuộc họp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Mỹ và Trung Quốc về vấn đề gián điệp công nghệ đang có chiều hướng gia tăng. Hồi đầu tháng 5, Mỹ lần đầu tiên nêu đích danh chính phủ Trung Quốc và quân đội nước này đang có các hành động tấn công trái phép vào máy tính nhằm thu thập thông tin tình báo về ngoại giao, kinh tế và quốc phòng. Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng gọi đó là kết luận thiếu căn cứ và cho thấy sự thiếu tin tưởng của Mỹ.

IPC cho rằng, Trung Quốc là nơi có nguồn ăn cắp sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới. "Chính sách công nghiệp quốc gia ở Trung Quốc đặt ra mục tiêu khuyến khích ăn cắp tài sản trí tuệ, hiện có nhiều người  làm việc cho doanh nghiệp và cơ quan chính phủ liên quan đến việc này", báo cáo viết.

Báo cáo cũng đưa ra nhiều gợi ý cho chính quyền Mỹ, trong đó đề xuất trao thêm quyền cho cơ quan chịu trách nhiệm cố vấn an ninh quốc gia trong vấn đề sở hữu trí tuệ. "Bộ Tài chính cần được quyền chặn các hoạt động kiếm lợi từ hệ thống ngân hàng thông qua trộm cắp trí tuệ, các biện pháp phòng vệ cũng cần được thắt chặt. FBI và Bộ Tư pháp cũng cần tham gia sâu hơn vào công cuộc này", IPC kiến nghị.
VP