In bài này
11/52 tàu chiến tàng hình Mỹ sẽ đến châu Á
Chủ Nhật, 19/05/2013 - 3:09 PM
Mặc dù ngày càng có nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề trội giá quá mức và khả năng sống sót trong một cuộc xung đột, Hải quân Mỹ vẫn có kế hoạch điều 11 tàu chiến tàng hình LCS đến khu vực Thái Bình Dương vào năm 2022, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết.
Phát biểu tại triển lãm hải quân quốc tế IMDEX tại Singapore hôm thứ ba, 14/5/2013, Đô đốc Greenert nói rằng, Hải quân Mỹ hy vọng cuối cùng sẽ triển khai 4 chiến hạm LCS đến Singapore vào năm 2022, còn 7 chiếc còn lại triển khai ở Sasebo, Nhật Bản, nơi chúng sẽ thay thế các tàu tác chiến chống thủy lôi hiện đang đóng ở đó.

LCS là một tàu nổi cao tốc, cơ động và đa nhiệm, được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở vùng nước nông ven biển, đối phó với một số mối đe dọa phi đối xứng mới nổi, kể cả những thách thức từ chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên đặt mua LCS vào năm 2004 và theo kế hoạch đóng tàu 30 năm gần đây nhất sẽ mua tổng cộng 52 tàu, giảm so với 82 tàu dự kiến vào đầu năm 2005. LCS có 2 biến thể là Freedom và Independence đang được đóng tương ứng bởi Lockheed Martin và General Dynamics.

Chiếc LCS đầu tiên là USS Freedom (LCS 1) đã rời cảng nhà ở San Diego vào tháng 3/2015 và đến Singapore vào giữa tháng 4 để bắt đầu đợt triển khai dài 8 tháng trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình. Dự kiến, nó sẽ tham gia IMDEX trong tuần này.

Tại hội nghị, Đô đốc Greenert cho biết, các quốc gia trong khu vực đã bị ấn tượng với những khả năng của USS Freedom. Trong khi đó, Lockheed Martin tận dụng IMDEX để quảng bá một loại tàu đa nhiệm tương tự như LCS với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Singapore.

Tuy nhiên, tại nước Mỹ, chương trình LCS gần đây đã bị soi ngày càng kỹ. Một báo cáo nội bộ viết năm ngoái của Hải quân Mỹ bị rò rỉ cho báo chí trong tháng này đặt vấn đề liệu LCS có quá yếu về trang bị và nhân lực để thực hiện nhiệm vụ được giao cho nó không. Một bài báo của Bloomberg News, cơ quan báo chí đã thu được một bản sao của báo cáo, viết:

“Đánh giá này nhấn mạnh khoảng cách giữa khả năng của tàu và các nhiệm vụ mà Hải quân Mỹ muốn LCS thực thi. Nếu không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu và khả năng đối với LCS sẽ dẫn đến một số lớn các tàu không phù hợp để thực hiện các yêu cầu tác chiến của các chỉ huy khu vực”.

Báo cáo đã lưu ý chiều rộng của tàu có thể khiến nó không thể sử dụng một số cảng và đánh giá quyết định mua 2 biến thể LCS là tạo ra gánh nặng hậu cần và bảo dưỡng không cần thiết.

Cùng với những rắc rối của con tàu, nhiều tàu dự kiến đang bị chậm tiến độ từ 8-13 tháng so với kế hoạch. Tiết lộ này đã gây nên làn sóng chỉ trích từ một số thành viên Quốc hội, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain. Tại phiên điều trần của Quốc hội hồi đầu tháng này, ông McCain đã lưu ý: “Hải quân Mỹ có kế hoạch để LCS chiếm hơn 1/3 tổng số đội tàu chiến mặt nước của quốc gia vào năm 2028, nhưng đến nay, các tàu LCS đã không chứng minh được bất kỳ tính năng nào tương xứng với các nhiệm vụ được giao... Chúng ta cần phải nhanh chóng sửa chữa nó hoặc tìm một cái gì đó khác”.

Tuy vậy, các quan chức Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ LCS. Phát biểu trên tàu USS Freedom, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết, chương trình đã bắt đầu như một mớ hỗn độn, nhưng kể từ đó đã trở thành một trong các chương trình thực hiện tốt nhất của Hải quân Mỹ.

Gọi LCS là “một con tàu có khả năng rất lớn”, ông Mabus cho biết, tàu này “sẽ là một trong những phương tiện thiết yếu nhất của Hải quân Mỹ trong tương lai”.



Nam Xương