In bài này
Thời của UAV bắt đầu ở Việt Nam
Thứ Sáu, 17/05/2013 - 11:03 PM
Việt Nam trang bị UAV Belarus. Thông tin này là chỉ dấu lạc quan cho thấy, dường như Việt Nam đã nhận thức được chân giá trị của UAV trong lĩnh vực quốc phòng. Việc này tuy muộn, song còn hơn không!
Grif-1 (Nhà máy Sửa chữa máy bay 558)
Việt Nam sẽ mua máy bay không người lái (UAV) của Belarus, Thủ tướng Belarus Mikhail Myasnikovich tuyên bố trong cuộc gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ở Minsk.

Theo ông Myasnikovich, Thủ tướng Việt Nam đến Minsk một phần là để ký các hợp đồng mua UAV. “Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào hợp tác kỹ thuật quân sự”, Thủ tướng Belarus nói.

Trong cuộc gặp, ông Myasnikovich còn khẳng định, Belarus sẵn sàng chia xẻ với Việt Nam các thành tựu trong lĩnh vực công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng.

Hiện nay, Belarus đang sản xuất một số mẫu UAV, trong đó có Grif và Moskit. Ông Myasnikovich không nói rõ Việt Nam đã quyết định mua loại nào.

Trước đó, có tin Việt Nam có kế hoạch trang bị các UAV hạng nhẹ của Nga do hãng Irkut đang phát triển. Ngoài ra, Việt Nam còn được Thụy Điển giúp đỡ phát triển một loại UAV nữa là Magic Eye 1.

Những thông tin về sự hợp tác của Việt Nam với Nga, Thụy Điển, Belarus… và các dự án nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước trong lĩnh vực UAV cho thấy, tuy muộn màng, cuối cùng Việt Nam đã nhận thức được chân giá trị của UAV trong lĩnh vực quốc phòng.

Nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam sẽ đi thẳng vào hiện đại trong lĩnh vực UAV như thế nào. Việc các nhà khoa học trong nước mày mò thiết kế UAV là đáng quý, song khởi đầu muộn mấy chục năm so với thiên hạ bằng cách đó cũng giống như chúng ta lại nghiên cứu chế tạo xe đạp hay đầu máy hơi nước.

Cách làm đó là không khôn ngoan, mất thời gian, phí tiền cho những thành tựu “ảo” và vô bổ khiến đất nước bị phân tán nguồn lực và bỏ lỡ cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến.

Vậy con đường nào cho phát triển UAV ở Việt Nam?

Bài học nhãn tiền là Trung Quốc và Nga. Tuy có nền công nghiệp hàng không hùng mạnh, họ vẫn phải đi từ mua sắm UAV thành phẩm từ nước ngoài, rồi sao chép, cải tiến, từ đó mới thiết kế được các sản phẩm của mình.

Nga là một ví dụ điển hình về bỏ lỡ cơ hội phát triển UAV. Thời kỳ sau Thế chiến II, Liên Xô từng dẫn đầu thế giới về công nghệ UAV (chủ yếu là loại cỡ lớn, làm nhiệm vụ trinh sát). Nhưng sau đó, họ đã xem nhẹ lĩnh vực này. Thậm chí đến đầu những năm 2000, Nga vẫn chỉ chi rất ít tiền cho hoạt động nghiên cứu UAV. 

Kết quả là Nga đã tụt hậu so với Mỹ, Israel và EU khoảng 20 năm về công nghệ UAV. Những chiếc UAV bé nhỏ của tiểu quốc công nghệ cao Israel đã dạy cho người Nga kênh kiệu một bài học nhớ đời trong cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008.

Ngay sau đó, quân đội Nga ngậm đắng nuốt cay quyết định chi hàng trăm triệu đô la để mua UAV của Israel và triển khai lắp ráp tại Nga. Mục tiêu Nga bỏ ra cả mớ tiền cũng chỉ là để học hỏi công nghệ UAV thế hệ cũ của Israel.

Nga đang quyết tâm bắt kịp các nước dẫn đầu thế giới về UAV, nhưng họ sẽ phải mất hàng chục năm nữa mới có được những UAV chiến lược, UAV chiến đấu hay thậm chí những UAV dạng chim chóc, côn trùng.

Nga đang bị Trung Quốc vượt mặt về UAV. Thông tin báo chí cho hay, Trung Quốc đang chi rất nhiều tiền và triển khai nghiên cứu chế tạo rất nhiều loại UAV có đủ loại chức năng, kể cả các loại trinh sát chiến lược hoặc chiến đấu hạng nặng. Trung Quốc sẽ triển khai UAV tại các sân bay ven biển để giám sát các vùng biển tranh chấp, trong đó có Biển Đông.

Không có nhiều tiền và nền tảng công nghiệp quốc phòng như Trung Quốc, nhưng Việt Nam có điều kiện thuận lợi là khả năng nhập khẩu công nghệ UAV, ít ra là UAV dân dụng của phương Tây và các nước khác. 

Không có nhiều tiền nên phải chọn công nghệ mà nhập, chọn quốc gia mà hợp tác. Đó nên là Nam Phi, Israel, châu Âu và thậm chí là Mỹ, rồi mới đến các đối tác truyền thống song thua kém về công nghệ UAV như Nga, Ukraine, Belarus. Ta cũng nên đi từ nhập thành phẩm, rồi đến liên doanh sản xuất lắp ráp, tiến đến tự thiết kế.

Mặt khác, một điều bắt buộc để ngành công nghiệp UAV của Việt Nam phát triển là các bộ ngành của Việt Nam, đặc biệt là quân đội phải có sự chuẩn bị về mọi mặt như nâng cấp khả năng quản lý bay, đào tạo đội ngũ nhân viên điều khiển, nghiên cứu phương pháp sử dụng UAV trong các lĩnh vực, phát triển các ngành công nghiệp phụ kiện UAV thì mới phát huy được hết hiệu quả của UAV trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh và các ngành kinh tế, dịch vụ dân sự...

Trong lĩnh vực UAV, chúng ta đã đi sau thì phải đi tắt, nhưng phải có trọng điểm và đồng bộ. Chúng ta phải có năng lực điều khiển rất tốt mới có thể thành công nhanh trong thế giới các phương tiện bay không người lái này.
Nam Xương