In bài này
Thiết bị điện tử tự hủy cho vũ khí Mỹ
Thứ Bẩy, 20/04/2013 - 8:05 PM
Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm các ứng viên cho dự án mới.
Họ cần chế  tạo thiết bị điện tử quân sự “không bền vững”, sử dụng trên chiến trường, tức là chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian rất định và tự hủy.

Câu chuyện với những đồ vật không bền vững từng được các nhà văn viễn tưởng Liên Xô Boris Zubkov và Yevgeny Muslin mô tả rất hài hước trong cuốn truyện “Một thế giới không, không, không bền vững…” được xuất bản từ tận năm 1966! Hồi đó, tất cả những gì mà họ miêu tả, trong đó có nguyên tắc thương mại phổ quát tưởng tượng: “Các đồ vật không bền vững được mua thường xuyên hơn!”, chỉ được coi là một sự bắt chước phương Tây mới.

Tuy nhiên, ngày nay, tất cả chúng ta đều chứng kiến sự toàn thắng của nguyên tắc này trong hiện thực. Thiết bị gia dụng có thể dùng trong hàng chục năm nay không còn nữa và tất cả cũng hiểu rằng, ngày nay người ta không cần chúng nữa!

Chính điều đó cũng sẽ xảy ra cả với thiết bị điện tử tinh vi đang được binh lính trong quân đội hiện đại sử dụng, từ các máy vô tuyến điện cầm tay dạng như walkie talkie, đủ thứ sensor từ xa và máy điện thoại. Hiện nay, các thiết bị có thời rất đắt đỏ này được lắp ráp với giá rẻ mạt đến mức đã mở ra khả năng sử dụng chúng khắp mọi nơi và nhiều khi thậm chí không cần giữ gìn nữa.

Điều đó cũng đã xảy ra thời Thế chiến II. Những khẩu súng tiểu liên Sten của Anh rẻ và được sản xuất nhiều đến nỗi không ai tính đến chuyện sửa chữa súng. Những khẩu tiểu liên này đơn giản bị xếp dưới xe tăng để cán bẹp gí, sau đó là loại bỏ.

Ngày nay, thiết bị điện tử quân sự cũng lâm vào tình huống giống như thế. Ai cũng hiểu, chúng cần để tiến hành các chiến dịch quân sự, nhưng gần như không thể theo dõi và khôi phục được từng thiết bị mà do sử dụng chúng đã hết tuổi thọ hoặc đơn giản là bị hỏng. Trong tất cả những trường hợp đó, vứt bỏ thiết bị còn dễ hơn là chữa chạy. Bản thân việc này cũng không cần phải làm vì nó có thể lọt vào tay địch và địch sẽ có thể sử dụng cho mục tiêu của mình! Vào cuối chiến dịch, trên trận địa thường gặp các thiết điện tử quân sự (ở đây, chỉ nói đến quân đội Mỹ và đồng minh) bị binh lính vứt lung tung hay làm mất và tất cả chúng có thể lọt vào tay kẻ địch.

Hậu quả của chuyện đó thật vô cùng khó tiên liệu, chính vì vậy mà nay DARPA đang tìm kiếm các chuyên gia để họ nghĩ làm cách làm sao cho toàn bộ những thiết bị điện tử này đơn thuần là biến mất khi nó không còn cần thiết nữa.

Chương trình này có tên VAPR (Vanishing, Programmable Resources), mục đích của nó không hơn không kém là tạo ra một cuộc cách mạng mới trong ngành điện tử, mà cụ thể là làm sao cho thiết bị điện tử có thể tan biến trong môi trường xung quanh.

Các thiết bị được phát triển trong khuôn khổ VAPR phải có khả năng hoạt động tốt và có các đặc tính bền vững của những thiết bị điện tử thông thường nhất, nhưng khi cần, thiết bị mới “phải tự phá hủy một phần hay toàn bộ”. Những thiết bị điện tử như thế sẽ vô dụng đối với bất kỳ kẻ thù nào có thể thu được thiết bị đó, nhưng về mặt thương mại, sản phẩm này hoàn toàn có thể ứng dụng. Bà Alicia Jackson, Giám đốc chương trình VAPR, đã nói: “DARPA đang tìm cách làm những thiết bị điện tử cần phải có cho đến khi nó còn cần thiết. Những thiết bị đó có thể loại bỏ bằng tín hiệu từ xa được gửi bằng một lệnh đặc biệt”.

Cần nhấn mạnh rằng, triển vọng mở ra ở đây thực sự ấn tượng. Chẳng hạn, ta biết rằng, các cuộc tấn công của thổ phỉ Basmachi ở Trung Á trong những năm 1930, Liên Xô chỉ trấn áp được phần lớn sau khi Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) tìm được cách tuồn cho các đơn vị thổ phỉ những viên đạn chứa thuốc nổ thay vì thuốc súng bên trong! Đúng vào thời điểm không thích hợp nhất của trận đánh, những viên đạn này nổ tung gây thương vong… và làm cho đám thổ phỉ mất lòng tin vào súng đạn của mình. Bởi lẽ, làm sao có thể chiến đấu được khi mà bạn chỉ nghĩ làm sao cho súng đạn không bị nổ trên tay mình?

Những vật nổ điều khiển từ xa nhỏ xíu như thế có thể giấu trong bất kỳ vũ khí, thiết bị, máy móc hiện đại nào. Và chỉ cần gửi đến một tín hiệu quy ước là chúng loại khỏi vòng chiến không chỉ các thiết bị đó mà hoàn toàn có thể là đồng thời gây tổn thất cả cho kẻ địch tiềm tàng. Còn có thể làm cho chúng trở thành vô dụng sau một số lần kích hoạt làm việc nhất định.

Liên quan đến các nghiên cứu của DARPA, chương trình mới là nhằm chế tạo các sensor có khả năng phối hợp với những người dùng các thiết bị điện tử khác nhau ở xa và khi cần có thể biến chúng thành đồ bỏ. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và có chỗ cho sáng tạo, nên DARPA hiện cần những người thông minh, có kinh nghiệm.


Nam Xương